Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Nguồn lực to lớn của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam

Ngày phát hành: 27/07/2023 Lượt xem 2034

 

Tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “...tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”1. Thế nhưng, vẫn có những luận điệu cho rằng: “đổi mới ở Việt Nam đã cạn kiệt nguồn lực”, “đổi mới như vậy coi như đã xong, không cần đổi mới nữa”! Để phản bác tính chất sai trái của luận điệu này, chúng ta hãy xem xét các chiều cạnh của vấn đề.

 

Đổi mới và nguồn lực của đổi mới

Theo Từ điển tiếng Việt, đổi mới là “điều thay đổi hoặc làm cho thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước đây, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển”2. Bản chất của đổi mới là sự phủ định biện chứng cái cũ, phát triển thành cái mới tốt hơn, tiến bộ hơn. Trong xã hội, đổi mới là một cuộc vận động mang tính cách mạng không ngừng để thay cái cũ bằng cái mới tốt đẹp, tiến bộ hơn. Đối với Việt Nam, đổi mới mang tầm vóc của một cuộc cách mạng mà đích hướng tới là phát triển con người, vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, đổi mới gắn liền với phát triển, là một phương thức của phát triển. Bên cạnh những nguồn lực, động lực thúc đẩy xã hội thì đổi mới cũng luôn gặp những lực cản, trở ngại của tư duy cũ, thể chế cũ, thói quen cũ.

 

Nguồn lực là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động nào nếu muốn có kết quả. Đổi mới sẽ không thể thành công nếu không có các nguồn lực bảo đảm. Nguồn lực của đổi mới là nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần được huy động để tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Xét về phạm vi lãnh thổ, có nguồn lực trong nước và nguồn lực bên ngoài. Nguồn lực trong nước gồm: trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn lao động, tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, an ninh,… thể chế chính trị, truyền thống lịch sử - văn hóa, sức sáng tạo của con người, hệ giá trị và chính sách của quốc gia. Nguồn lực từ bên ngoài gồm: vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh từ các nước khác. Xét về nguồn gốc hình thành, có nguồn lực tự nhiên, đó là điều kiện địa lý, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nước, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các loại tài nguyên sinh vật và phi sinh vật khác trên mặt đất, trong lòng đất, dưới đại dương,… và nguồn lực phi tự nhiên là các loại nguồn lực chủ yếu được tạo ra bởi con người, như: thể chế quản lý, nhân lực, vốn, giá trị văn hóa, khát vọng phát triển, tư duy lãnh đạo, sở hữu trí tuệ. Trong hệ thống các nguồn lực thì nguồn lực trong nước có vai trò quyết định đến sự nghiệp đổi mới; nguồn lực bên ngoài là yếu tố quan trọng. Việc kết hợp đúng đắn, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẽ quyết định đến sự thành công của đổi mới.

 

 

Những ẩn ý thâm độc của luận điệu “đổi mới ở Việt Nam đã cạn kiệt nguồn lực”

Một cách chung nhất, “cạn kiệt” được hiểu là “cạn sạch, đến mức không còn tìm đâu, lấy đâu ra nữa”3. Theo đó, “cạn kiệt nguồn lực” là cạn sạch, không còn nguồn lực nữa. Có thể thấy rằng, luận điệu trên không đơn thuần là một bình luận, một nhận định hay một đánh giá, mà ẩn ý của nó là một sự phủ định sạch trơn về nguồn lực của đổi mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với phủ định đổi mới. Bởi, khi không còn nguồn lực tiếp sức thì đổi mới tự nó cũng kết thúc. Ẩn ý là rõ ràng và rất tinh vi. Họ không trực tiếp phủ nhận đổi mới, mà phủ nhận đổi mới thông qua phủ định nguồn lực của nó. Từ đó họ “khuyên” ta không nên đổi mới nữa, vì “đổi mới đã xong”, nghĩa là “đổi mới đã chết”(!?). Không đổi mới đồng nghĩa với không phát triển theo mục tiêu, con đường đã xác định, đã lựa chọn; là dừng lại, thỏa hiệp, đầu hàng trước cái cũ, cái lỗi thời, lạc hậu. Chúng ta đã từng trải qua những thời khắc lựa chọn nghiệt ngã của lịch sử: “đổi mới hay là chết”. Chúng ta đã lựa chọn “đổi mới” và có được những thành quả như hôm nay.

 

Mặt khác, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều này đã được Đảng ta, Nhân dân ta và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ấy vậy mà những người đưa ra luận điệu trên lại thấy thành quả đổi mới chỉ là làm “cạn kiệt nguồn lực” của đất nước (!?). Từ đây, một câu hỏi được đặt ra: sự “cạn kiệt nguồn lực” này là do đâu và ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước hiện trạng này? Ai cũng biết rằng, công cuộc đổi mới là do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo nhân dân thực hiện, theo đó, một hệ luận rất sâu xa ngầm được rút ra mà ai cũng hiểu sự ám chỉ của nó. Cái tinh vi là họ không trực tiếp đổ lỗi, không quy cho một chủ thể nào một cách trực diện, võ đoán, nhưng đích mà họ nhắm đến là nhất quán, không thay đổi, đó là: phủ nhận đổi mới, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ một đảng yếu kém, không đủ năng lực và phẩm chất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo đổi mới, mới đem lại kết quả tệ hại như vậy, làm tiêu tan mọi nguồn lực của đất nước, triệt tiêu động lực của phát triển. Như vậy, chỉ với một luận điệu nêu ra, họ đã nhằm hai đích: phủ nhận công cuộc đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

 

Có phải “đổi mới ở Việt Nam đã cạn kiệt nguồn lực”?

Chúng ta có thể khẳng định rằng, đổi mới ở Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ cạn kiệt nguồn lực bởi các lẽ sau:

 

Thứ nhất, đổi mới ở Việt Nam là đổi mới sáng tạo và tự giác. Đó là một chương trình cải cách có mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình và những bước đi thích hợp, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo nhân dân thực hiện. Công cuộc đổi mới được hoạch định, trù liệu và được dẫn dắt bởi cương lĩnh, chiến lược, đường lối, quan điểm của Đảng. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm quan trọng, then chốt của đổi mới, Đảng ta đều có những quyết sách đúng đắn nhằm phát hiện đúng các nguồn lực, kích hoạt các nguồn lực đó thông qua các cơ chế, chính sách, giải pháp tác động vào con người, xã hội để khai thác, phát huy vai trò các nguồn lực phục vụ cho đổi mới và phát triển đất nước. Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới của Đảng đã chỉ rõ: “Cần đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khơi dậy những tiềm năng, nguồn lực của đất nước, tạo ra động lực mới cho quá trình đổi mới”4.

 

Thứ hai, đổi mới ở Việt Nam vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, do đó đã phát huy được mọi nguồn lực to lớn trong nhân dân. Mục tiêu đó không chỉ có tác dụng định hướng công cuộc đổi mới mà còn đóng vai trò nguồn lực thúc đẩy đổi mới các lĩnh vực khác. Việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu này cho phép phát huy được các nguồn lực rất to lớn trong nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm nhân lực, tài lực và vật lực. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo cơ chế, chính sách hợp lý, môi trường thuận lợi; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội; hoàn thiện thể chế, chính sách,... để thu hút, phát huy tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước. Đại hội XII của Đảng đã đề ra chủ trương thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân,… qua đó đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới.

 

 

Thứ ba, sự kết hợp giữa “ý Đảng với lòng dân và kỷ cương phép nước” đã tạo ra nguồn lực to lớn, có tính quyết định của đổi mới. Đổi mới ở Việt Nam là sự kết hợp, bắt gặp, đồng thuận giữa đổi mới từ cơ sở, từ phía người dân với đổi mới từ các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đó là sự đồng thuận giữa “ý Đảng và lòng dân”, làm cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam trở thành sự nghiệp chung của toàn dân, do Đảng lãnh đạo. Điều này cho thấy nguồn lực của đổi mới là nguồn lực to lớn của nhân dân; sức mạnh của đổi mới là sức mạnh của nhân dân, của dân chủ, đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn lấy “đoàn kết” làm giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” làm đường lối chiến lược trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng, là nguồn lực và động lực chủ yếu của dân tộc Việt Nam. Đây là nguồn lực mang tính quyết định đối với sự nghiệp đổi mới. Do đổi mới là sự đồng thuận giữa “ý Đảng và lòng dân” nên khi Đảng ta phát động đổi mới thì lập tức được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng mạnh mẽ: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, trở thành nguồn lực to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

 

Thứ tư, bản thân đổi mới là một nguồn lực quan trọng nhất để duy trì lợi thế phát triển. Đổi mới không chỉ là phương thức, mà còn là một nguồn lực của phát triển. Đó là nguồn lực được sinh ra trong quá trình đổi mới, là kết quả của đổi mới, do chính những thành tựu của đổi mới tạo ra. Nguồn lực tự sinh này bắt nguồn từ tầm vóc lịch sử, quyết sách chiến lược của đổi mới; triết lý giải phóng - sáng tạo - phát triển của đổi mới; đặc điểm, tính chất của đổi mới, v.v. Nguồn lực này tiếp thêm sức mạnh cho đổi mới, tạo thế và lực mới cho đất nước ta. Tất cả các nguồn lực khác, nếu không có đổi mới thì sẽ được quản lý, khai thác, phân bổ theo cách thức, tư duy cũ sẽ không phát huy tối đa hiệu quả. Nhờ đổi mới, các nguồn lực cũng sẽ được phân bổ hợp lý hơn, nuôi dưỡng và tái tạo để không bị suy giảm trong quá trình khai thác, sử dụng. Cũng nhờ đó, mà tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được khơi dậy mạnh mẽ, trở thành nguồn lực vô tận của đổi mới và phát triển.

 

Nguồn lực của đổi mới không phải là một, là duy nhất mà là một hệ thống, bao gồm nhiều nguồn lực, cả vật chất và tinh thần, trong kinh tế, chính trị và văn hóa, trong các giá trị truyền thống đã kết tinh thành di sản, trong các giá trị mới được sinh ra từ đổi mới và phát triển. Thời gian qua, bên cạnh những thành công trong khai thác, phát huy các nguồn lực thì những hạn chế, yếu kém trong quản lý cùng với những tiêu cực, lãng phí đã làm thất thoát rất lớn các nguồn lực của đất nước. Điều này đã làm không ít người hiểu sai bản chất của đổi mới, bản chất của Đảng ta, để một số phần tử cơ hội chính trị lợi dụng reo rắc những luận điệu sai trái, thù địch nhằm kích động, gây phân tâm trong một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên. Việc vạch trần các thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc và phản bác các luận điệu sai trái của các phần tử cơ hội này là hết sức cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Qua đó, giúp chúng ta ngày càng hiểu đúng và vững tin hơn vào con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

PGS, TS Phan Trọng Hào

Hội đồng Lý luận Trung ương


_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. CTQGST, H. 2021, tr. 14.

2 - Trung tâm Từ điển học (Vietlex) – Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2008, tr. 427.

3 - Trung tâm Từ điển học (Vietlex) – Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2008, tr. 142.

4 - ĐCSVN – Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb. CTQG, H. 2015, tr. 221.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết