Thứ Sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024

Để Tây Nguyên bình yên, phát triển

Ngày phát hành: 12/07/2023 Lượt xem 1828

Được biết đến như một vùng đất huyền thoại, Tây Nguyên là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu đồng bào thuộc tất cả 54 dân tộc anh em, trong đó 53 dân tộc thiểu số với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng.

 

 

Đồng bào các dân tộc nơi đây có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; có nền văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú và đặc sắc.

 

Đây cũng là địa bàn mà các thế lực phản động, thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh trật tự trong khu vực, mới đây nhất là vụ việc xảy ra ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

 

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

 

“Để Tây Nguyên bình yên, phát triển” luôn là mối quan tâm, mong muốn lớn lao của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước. Phóng viên TTXVN thực hiện 4 bài viết giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về Tây Nguyên và những vấn đề cần được giải quyết thấu đáo để Tây Nguyên phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Nhân dân các dân tộc buôn Ciết, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk rạng rỡ trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

1. Củng cố vững chắc thế trận lòng dân

Tây Nguyên với đại ngàn hùng vĩ, biểu tượng của tinh thần kiên trung trong kháng chiến và ý chí vượt qua gian khó trong sự nghiệp kiến thiết, phát triển. Vùng đất thiêng này luôn được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, dành nhiều tình cảm sâu nặng. Trong Thư gửi Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946, Bác Hồ viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt...”.

 

Đáp lại tình cảm thiêng liêng cao quý của Người, trong những ngày đất nước kháng chiến, những người con Tây Nguyên sát cánh cùng đồng bào cả nước ra trận vì sự nghiệp thống nhất non sông. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên cùng các chiến sĩ cách mạng sống chung cảnh "đói cơm, nhạt muối" để cùng bám núi rừng đánh giặc. Đất nước thanh bình, đồng bào tiếp tục cuộc hành trình kiến thiết quê hương ngày càng giàu mạnh.

 

Ngày nay, hình ảnh của Đảng giữa buôn làng là sự hiện hữu của những chính sách, chương trình mang lại hiệu quả cho mỗi vùng quê và mỗi người dân. Đảng cùng dân xây dựng hạ tầng, đầu tư làm thủy lợi, bảo vệ rừng, hỗ trợ dân trồng trọt, phát triển chăn nuôi. Với điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, con em được đến trường, đồng bào được khám chữa bệnh, dần thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, không ai bị phân biệt đối xử, không ai bị bỏ lại phía sau... Đảng, Nhà nước, chính quyền cùng người dân bảo tồn và phát huy hệ thống các giá trị văn hóa cổ truyền; cùng dân chống lại những luận điệu sai trái của kẻ xấu, ngăn chặn âm mưu phá hoại cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc anh em.

 

Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, xúi giục

Hơn 18 năm qua, kể từ sau cuộc gây rối năm 2004 do đối tượng Ksor Kok cầm đầu đòi lập ra cái gọi là “Nhà nước Đề Ga”, sau khi “Tin lành Đề Ga” bị xóa bỏ, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Tây Nguyên đã được lập lại ổn định, đồng bào các dân tộc sinh sống bình yên trong các buôn làng. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động vẫn luôn tìm cách lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, ly khai… Bọn chúng thường xuyên tung ra các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

 

Qua vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk vừa qua có thể thấy bọn chúng không chỉ dừng lại ở việc chống phá, kích động biểu tình, mà đã xuất hiện những đối tượng cực đoan, kích động vũ lực, sẵn sàng dùng vũ khí, đốt phá, giết người. Các đối tượng hành động một cách có tổ chức, có phân công nhiệm vụ, giao quyền chỉ huy, hành động rất manh động, liều lĩnh, dã man.

 

Số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều còn trẻ. Qua lấy lời khai ban đầu, chúng khai “nhận được chỉ đạo, nếu gặp cán bộ và Công an xã thì giết chết, cướp tài sản, súng đạn”... Chúng thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng, chia rẽ người Kinh và người dân tộc thiểu số với cớ đòi đất, vì cho rằng đất đai do tổ tiên để lại.

 

Bộ Công an đánh giá vụ việc xảy ra tại Đắk Lắk là đặc biệt nghiêm trọng, là hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền, gây mất an ninh, trật tự. Các thế lực thù địch, số đối tượng Fulro lưu vong cố tình kích động một số người dân tộc thiểu số, chia rẽ người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ảo tưởng được ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Các đối tượng bị bắt giữ trong vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk mới đây.
Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an/TTXVN phát

Thế trận lòng dân vững chắc

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các đơn vị của Bộ Công an đóng trên địa bàn đã nhanh chóng phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, tiến hành vây bắt các đối tượng. Đặc biệt, người dân đã tham gia tích cực vào các cuộc vây ráp và truy bắt các đối tượng khủng bố. Từ “tai, mắt” của nhân dân, lực lượng chức năng đã phát hiện được nơi ẩn nấp của nhiều đối tượng và chính nhân dân cũng bắt được một số đối tượng đang trên đường trốn chạy.

Bên cạnh đó, người thân của nhiều đối tượng cũng đã thuyết phục, vận động chúng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, chỉ sau 72 giờ, hơn 70 đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố đã bị bắt giữ. Toàn bộ những kẻ cầm đầu, chủ mưu, thủ ác, đã bị bắt giữ. Các “ngòi nổ” bạo loạn mà các thế lực phản động chống Việt Nam nuôi hy vọng "kích hoạt" đều tắt ngấm.

 

Thế nhưng, để biện bạch cho tội ác khủng bố của nhóm đối tượng này, các phần tử phản động cùng một số tờ báo, trang web có tư tưởng thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đã xuyên tạc bản chất của vấn đề, dùng chiêu bài “người Kinh áp bức người Thượng”, “người Kinh chiếm đất của người Thượng” để cổ xúy cho những hành động phi nhân tính, kích động người dân chống lại chính quyền.

Đáp trả những rêu rao của chúng là những lời lên án mạnh mẽ từ chính đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đinh Thai - dân tộc Bahnar, người uy tín tại làng Pơ Ngăl (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cho biết, vụ việc xảy ra là chống phá Đảng ta, chống phá cách mạng. Bản thân ông và tất cả người dân trong làng không thể đồng tình.

“Tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân để đấu tranh, không để vụ việc tương tự xảy ra, không để nhen nhóm ở nơi nào nữa. Vụ việc xảy ra là do suy nghĩ theo FULRO, là tư tưởng chống phá, nó thường xuyên chống phá Đảng ta”, ông Thai nói.

 

Bất bình với việc làm của các thế lực phản động và cho rằng đây là hành vi lừa đảo, gây chia rẽ ở Tây Nguyên, ông Ksor Dơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến cáo người dân không nên hoang mang, dao động, không nghe, không tin theo những lời dụ dỗ, lôi kéo của bọn phản động; yên tâm lao động sản xuất, cùng chung tay phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

 

Bày tỏ nỗi đau xót trước vụ việc này, Già làng Ksor Yung ở buôn Chư Krih, thành viên Ban chấp sự Chi hội Tin lành xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, mong muốn “chính quyền, nhà nước kịp thời xử lý bọn khủng bố đó”. Người dân luôn đề cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu đưa tiền hoặc những thứ cám dỗ.

 

Ngay cả Y Pheo Niê và Y Đhoăn Ayun ở buôn Ea Klok, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, là hai đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố khi ra đầu thú, vẫn còn trong trạng thái hoảng sợ. Hai đối tượng cho biết bị dụ dỗ, lôi kéo, khi đi theo mới biết bị lừa dối để đi đánh nhau, tấn công trụ sở, bị đe dọa sẽ giết cả gia đình nếu bỏ về nên rất sợ.

Những hình ảnh người đồng bào tạm gác công việc cá nhân để nấu cơm, tiếp sức cho lực lượng công an làm nhiệm vụ, tham gia canh gác buôn làng, vây bắt các đối tượng… là bằng chứng sinh động thể hiện sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân; thể hiện truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái; đồng thời cũng cho thấy hiệu quả của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thế trận lòng dân vững chắc tại địa bàn.

Chú thích ảnh
Người dân xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk kể về giây phút đối mặt với các đối tượng có vũ khí và bị nhân dân vây bắt. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Dựa vào "tai, mắt" của dân

Qua sự việc ở Đắk Lắk cũng đặt ra những vấn đề về xây dựng thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vụ việc cho thấy bài học “rất đắt” về công tác bám nắm cơ sở và huy động lực lượng tại cơ sở. Đội ngũ Công an chính quy dù được bố trí về xã, phường, thị trấn, nhưng trong tình hình phức tạp về an ninh trật tự hiện nay, tội phạm ngày càng tinh vi, việc phối hợp lực lượng quần chúng tham gia với lực lượng chính quy bảo vệ an ninh, trật tự là điều cần thiết và cấp bách. Củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân là rất quan trọng.

 

“Phải dựa vào nhân dân, vì đông đảo nhân dân rất nhiều "tai, mắt", cho nên bộ đội, công an không những phải đoàn kết nội bộ, lại phải đoàn kết với nhân dân, dựa vào nhân dân, giáo dục nhân dân cảnh giác thì địch không làm gì được”. Lời dạy của Bác Hồ trong bài nói chuyện với Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình 61 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị.

 

Dù có bổ sung bao nhiêu cán bộ về cơ sở cũng không bằng “tai mắt” trong nhân dân. Đối với những địa bàn đặc thù như Tây Nguyên thì già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người có tiếng nói, có sức ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng. Già làng như “âm thanh trống cái, giữ nhịp hài hòa cho cả dàn chiêng”. Già làng nói, dân làng nghe; già làng làm, dân làng làm theo. Già làng, trưởng bản, người có uy tín chính là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc vận động quần chúng; là hạt nhân trong các phong trào, trung tâm gắn kết cộng đồng.

 

Tại xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai, hộ dân nào khấm khá, hộ dân nào còn khó khăn, già làng Siu Deo đều nắm rõ, để từ đó động viên, khuyến khích bà con chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

 

"Đối với dân, mình phải khiêm tốn, tôn trọng, đối với công việc, phải kiên trì nhẫn nại, đối với kẻ xấu phải thẳng thắn, đấu tranh. Già làng động viên, dân nghe theo" - già làng Siu Deo (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom) chia sẻ.

 

Theo già làng Siu Deo, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng chỉ một số ít người vì lợi ích cá nhân, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu mà làm điều trái với lương tâm, trái với chính truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình.

 

Khẳng định quê hương Tây Nguyên có được bộ mặt mới như ngày hôm nay là nhờ sự đoàn kết, chung tay góp sức của nhân dân, sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, già làng Y Pri Niê (buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Trong những năm qua, bản thân mình thường xuyên dạy bảo con cháu, người thân trong gia đình và người dân trong buôn làng tuyệt đối không nghe, không tin những lời dụ dỗ, kích động, lừa bịp lôi kéo của kẻ xấu. Hãy sinh sống, lao động theo Hiến pháp, pháp luật, yên tâm lao động sản xuất, học tập để mai này góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

 

Sự cống hiến đầy trách nhiệm của các già làng đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng vùng Tây Nguyên hội nhập, phát triển cùng đất nước. 

 

Bên cạnh đó là các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nhân rộng, đi vào hoạt động hiệu quả. Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều tin báo về an ninh trật tự, các vụ việc phát sinh, giúp lực lượng chức năng triệt phá tội phạm, giữ vững bình yên cuộc sống cho nhân dân.

 

2. Đoàn kết dân tộc, hòa hợp tôn giáo

 

Lật tẩy mưu đồ đội lốt tôn giáo

Vùng Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của tất cả các tôn giáo đang hiện diện ở nước ta. Do nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, cộng theo các dòng chảy văn hóa, các di cư sau này của người dân từ các vùng miền, nơi đây có đầy đủ các dân tộc, tôn giáo mà không vùng nào trên cả nước có được.

 

Tôn giáo chủ yếu ở Tây Nguyên là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với khoảng 2,3 triệu người có đạo, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự. Trong đó, Công giáo là tôn giáo có mặt sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên và là tôn giáo có nhiều tín hữu nhất.

 

Khi phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các tổ chức tôn giáo như Tin Lành, Công giáo, Phật giáo với những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nhân bản, đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Mặt tích cực có thể thấy rõ là đồng bào đã bớt đi các hủ tục, như bớt uống rượu; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, gắn bó đoàn kết cộng đồng, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu.

 

Các tổ chức tôn giáo cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội; khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đồng bào tôn giáo trên địa bàn tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng đời sống mới, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội để Tây Nguyên phát triển bền vững.

 

Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, sinh hoạt tôn giáo thuần túy, hợp pháp, ở Tây Nguyên những năm qua cũng xuất hiện khá nhiều hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý xã hội ở địa phương như: Hà Mòn, Canh Tân đặc sủng, Amí Sara, Bơ Khắp Brâu, Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam, Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ… Các “tà đạo”, “đạo lạ” gia tăng tính chất, mở rộng phạm vi hoạt động, số lượng người tham gia; một số còn biến tướng, tách ra thành lập các “tà đạo” mới... làm rạn nứt cộng đồng truyền thống, xáo trộn đời sống đồng bào nơi đây.

 

Là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn quan tâm đến Tây Nguyên. Chúng thường lợi dụng niềm tin và nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào, các vấn đề dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, kích động tư tưởng cực đoan, ly khai, gia tăng mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo, gây mất ổn định chính trị ở cơ sở, đe dọa đến sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

 

Điển hình trong số này phải kể đến tổ chức phản động đội lốt tôn giáo “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên - CHPC” do đối tượng FULRO lưu vong cầm đầu, hậu thuẫn cho nhóm “Người Thượng vì công lý - MSFJ” (thành lập năm 2019) để lôi kéo, kích động bà con tại các buôn làng trên địa bàn huyện Cư Kuin, huyện Krông Ana, tham gia biểu tình bạo loạn đòi yêu sách thành lập “Tin lành Đêga”, âm mưu thành lập nhà nước riêng trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên.

 

Thực thế thì sao? Tounéh Đen - từng là “tỉnh trưởng” Fulro, từng có 20 năm đi “xây dựng nước Đề Ga” khi trở về với buôn làng đã thú nhận: "Đó chỉ là một ảo tưởng sai lầm và ngu ngốc, là một sự bịp bợm của bọn phản động mê hoặc những khối óc u mê, mù quáng. Dù muộn màng nhưng tôi đã nhận ra mình lạc lối và trở về trong sự khoan hồng của chế độ và lòng nhân hậu của buôn làng. Bằng sức lực và khối óc, tôi đã tạo lập một cuộc sống hạnh phúc ngay trên chính quê hương, trên mảnh đất mà trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời tôi đã nghe lời kẻ xấu từ bỏ ra đi…”

Lời nói từ tâm can của Tounéh Đen như là một sự thức tỉnh đối với những ai đang mang trong mình những ảo tưởng sai lầm, đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Các tôn giáo phẫn nộ trước hành động khủng bố, cực đoan

Có thể nhận thấy “tà đạo”, “đạo lạ” là tổ chức đội lốt tôn giáo, lợi dụng tôn giáo, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đi ngược lại tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy, thay đổi phong tục, tập quán sinh hoạt tâm linh; đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, đảo lộn thuần phong mỹ tục, gây chia rẽ, phân hóa sâu sắc cộng đồng, làm biến đổi tình cảm, niềm tin của đồng bào vào chính quyền địa phương và Đảng, Nhà nước.

 

Điều này lý giải vì sao hơn 48 năm thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, nhưng khu vực Tây Nguyên vẫn chưa được bình yên trọn vẹn. Nếu như năm 1991, chúng ta gần như phá rã hoàn toàn tổ chức phản động Fulro, thì đến năm 2000, nhóm Fulro lưu vong thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị” do Ksor Kơk đứng đầu, đã quay về gây rối ở Tây Nguyên vào tháng 4/2004. Vụ việc nhanh chóng bị dập tắt nhưng đã gây mất ổn định an ninh trật tự trong khu vực, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.

 

Trong vụ việc mới đây tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), các đối tượng thù địch lại tiếp tục sử dụng chiêu bài dân tộc, tôn giáo để rêu rao, trắng trợn xuyên tạc, vu khống, bóp méo bản chất sự việc, khoét sâu tư tưởng hận thù, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, gây mất ổn định an ninh trật tự. Chúng lu loa rằng, người Ê Đê theo đạo Tin Lành luôn bị sách nhiễu, bỏ tù, đánh đập. Chúng quy chụp vô căn cứ rằng: “sự đàn áp về tôn giáo và bần cùng hóa về đất đai đã đẩy người Thượng đến bước đường cùng”.

 

Thế nhưng, chính trong nhóm đối tượng gây rối ở Cư Kuin vừa qua, nhiều đối tượng thú nhận đã thực hiện hành vi sai trái là do bị các thế lực thù địch, đối tượng Fulro lưu vong xúi giục, kích động nhằm chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số, gây mất trật tự tại địa bàn và gây tiếng vang ở nước ngoài. Cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng xác định vụ việc không liên quan đến yếu tố tôn giáo.

 

Bộ Công an đánh giá, đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các đối tượng rất man rợ, mất nhân tính, thể hiện quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.

Trước hành vi dã man, cực đoan của nhóm người ở Đắk Lắk, các tôn giáo đều vô cùng phẫn nộ, phê phán, lên án, không cổ súy cho hành động này. 

 

Thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Y Thái Ban (người Ê đê, tỉnh Đắk Lắk) chế tác tượng gỗ “Người đàn ông đi rẫy” tại không gian của triển lãm “Không gian hoa - Tượng gỗ Tây Nguyên” năm 2022. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Đến nay, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, đồng bào tôn giáo là người dân tộc thiểu số nói riêng, nhìn chung đều sống tốt đời, đẹp đạo. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, để có được sự ổn định này, cần sự góp sức từ hai phía: Cơ quan nhà nước và người dân.

 

Về phía các cơ quan nhà nước, tích cực tham mưu góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đồng bộ các quy định pháp luật về khai thác, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo.

 

Đồng thời, bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đảm bảo quyền tự do sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân, không có sự phân biệt dân tộc, tôn giáo; định hướng hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật…

 

Các cơ quan nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo vì mục đích ngoài tôn giáo.

 

Về phía nhân dân, là lực lượng đông đảo, hùng hậu, đóng vai trò chính, là chủ thể đóng góp trí tuệ, tài lực, vật lực, đồng sức đồng lòng cùng Nhà nước để bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của chính mình. Trong từng lĩnh vực cụ thể, sự đóng góp của nhân dân có ý nghĩa quyết định làm nên thành công.

 

Qua vụ việc ở Đắk Lắk cho thấy, nhân dân đã chung tay cùng lực lượng chức năng vây bắt tội phạm, trở thành hậu phương vững chắc khi đưa những hộp cơm nghĩa tình đến lực lượng bảo vệ chốt chặn và sẵn sàng sẻ chia, quyên góp, hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sỹ, người dân bị nạn trong vụ việc.

 

Trong lĩnh vực tôn giáo, các tổ chức tôn giáo bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, cụ thể hóa đường hướng hoạt động của giáo hội, tích cực hội nhập văn hóa, khuyến khích và thúc đẩy đồng bào có đạo phát triển kinh tế - xã hội. Các chức sắc, nhà tu hành gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; luôn trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm hạnh, là những tấm gương sáng trong tu học và hành đạo để đồng bào có đạo học tập noi theo.

 

Các chức sắc, nhà tu hành cũng chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn đồng bào thực hành đạo đức tôn giáo trong xây dựng cuộc sống, bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực phản động, thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Có thể thấy chiêu bài lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá là không mới, các thế lực thù địch vẫn luôn dùng thủ đoạn này. Về cơ bản, đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tin Đảng, tin Chính phủ, yên tâm lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Một số nhẹ dạ cả tin nghe theo lời xúi giục chỉ là rất nhỏ. Và thực tế, nhiều người sau gần chục năm theo “tà đạo”, “đạo lạ”, sống chui lủi trong rừng, đã nhận thấy mình sai đường, lạc bước, quyết tâm trở về chí thú làm ăn, tiếp tục cuộc sống bình yên bên gia đình, cộng đồng.

 

3. Sinh kế bền vững, hóa giải nguy cơ từ đất đai

 

Giải bài toán sinh kế cho người dân

Mỗi bước đổi mới, phát triển của Tây Nguyên hôm nay là sự chung tay, đồng lòng của Đảng, chính quyền và người dân. Mỗi mảnh đất, buôn làng, thành thị đều có những lợi thế và bản sắc riêng. Đắk Lắk với đồng bằng giữa miền cao nguyên đất đỏ Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê. Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch, vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất nước. Gia Lai với bạt ngàn hồ tiêu, cao su...

 

Những kết quả đó có được nhờ quá trình khai thác, phát triển dựa trên những tiềm năng nổi bật của Tây Nguyên về đất đai, khí hậu, tài nguyên... Tây Nguyên có 3,2 triệu ha đất rừng (chiếm 21% diện tích rừng cả nước), 1 triệu ha đất đỏ bazan, 1,8 triệu ha đất đỏ vàng, hệ sinh thái đa dạng, khí hậu điều hòa... Nơi đây có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời), giàu khoáng sản, là vùng sản xuất lớn các loại cây công nghiệp (cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, điều,...); có nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

 

Tuy nhiên, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Điều này có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, đầu tư chưa tương xứng, chưa giải quyết được hết những vấn đề còn vướng mắc; việc tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; tính tự lực, tự cường chưa được phát huy mạnh mẽ.

 

Các tỉnh Tây Nguyên hiện chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Nơi đây vẫn là "vùng trũng", "rốn nghèo" của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 8%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; phát triển văn hóa, xã hội, y tế còn nhiều bất cập. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển…

 

Rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng kinh tế - xã hội Tây Nguyên cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về đất đai. Nơi đây, một bộ phận người dân còn thiếu đất sản xuất. Tình trạng đất canh tác bị thu hẹp đang có xu hướng tăng do suy thoái chất lượng đất, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được sử dụng hiệu quả, xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm hoặc đầu cơ đất...

 

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, phá rừng làm rẫy, cũng như tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự. Gần đây nhất là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền, gây mất an ninh, trật tự đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Đắk Lắk. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các thế lực thù địch, số đối tượng Fulro lưu vong xúi giục, kích động qua không gian mạng và kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số với cớ đòi đất. Giải quyết vấn đề đất sản xuất không chỉ giải quyết bài toán sinh kế cho người dân ở Tây Nguyên, mà còn giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trật tự.

 

Ngăn ngừa những "mầm mống" bức xúc từ đất đai

Trong chiến tranh, đất bazan màu mỡ ngủ im lìm dưới những tán rừng, nhiều nơi bị bom đạn cày xé trơ trọc. Hòa bình lập lại, không chỉ người dân địa phương mà người dân từ các vùng, miền khác di cư về đây khai khẩn, sản xuất, đưa vùng đất này trở thành nơi cung ứng nông sản phong phú, dồi dào bậc nhất. Tây Nguyên thực sự được đánh thức và đổi đời khi nhiều cây công nghiệp lên ngôi: Cao su, cà phê, hồ tiêu,… với giá trị xuất khẩu lớn, góp phần thay đổi bộ mặt Tây Nguyên cũng như các buôn làng vùng sâu, vùng xa.

 

Để ổn định sản xuất, đời sống cho hàng triệu đồng bào đến Tây Nguyên, ngoài sự quan tâm của hệ thống chính trị địa phương, sự nỗ lực của bà con, cần giải quyết đồng bộ các vấn đề về đất đai, rừng, môi trường...

 

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vùng Tây Nguyên hiện có gần 53.000 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích khoảng 24.000 ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là nhiều nhất với khoảng 19.000 hộ, tỉnh Gia Lai xếp thứ 2 với khoảng 13.000 hộ.

 

Mục đích của việc cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là để giúp người dân có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương đang gặp khó khăn về quỹ đất sản xuất. Các nông, lâm trường, đơn vị, doanh nghiệp ở đây đang quản lý, sử dụng đất đai rộng lớn, nhưng hiệu quả lại thấp, trong khi đó người dân thiếu đất sản xuất. Công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đang gặp nhiều khó khăn.

 

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngành Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Tây Nguyên đều có chung quan điểm rằng, hiện nay nhu cầu về đất của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, trong khi quỹ đất tại các địa phương để bố trí cho người dân không nhiều, thậm chí không còn, đây là áp lực lớn đối với chính quyền các cấp. Một số tỉnh có chủ trương giãn dân ra khu vực đất của các nông, lâm trường chuyển giao, nhưng đến nay hầu như đều vướng, không thể lập phương án, quy hoạch sử dụng đất.

 

Trong đợt giám sát mới đây tại Tây Nguyên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã chỉ ra, các công ty nông, lâm nghiệp đang sở hữu quá nhiều đất nhưng hiệu quả sử dụng, đóng góp ngân sách là rất thấp. Có doanh nghiệp thuộc hàng tốt nhất tại Tây Nguyên, sử dụng hơn 40.000 ha đất sản xuất, nhưng nộp thuế đất chỉ hơn 1 tỷ đồng/năm. Với hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp ngân sách thấp như vậy nhưng lại được giao những diện tích đất rất lớn, trong khi người dân đang thiếu đất.

 

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc giải quyết đất đai cho đồng bào còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Để thực hiện hiệu quả chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong những năm qua, cần có chính sách giao đất, hỗ trợ về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế từng vùng.

 

Đặc biệt, hiện nay Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được ban hành, tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Vì vậy, thời gian tới, trong thực hiện các chính sách dân tộc, cần quan tâm triển khai tốt chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào Tây Nguyên; quản lý diện tích đất đã được Nhà nước hỗ trợ cho người dân, tránh sau khi đất được hỗ trợ lại rao bán, tiếp tục trở thành người không có đất sản xuất. 

 

Thời gian qua, hiện tượng "sốt đất", "cò đất" bủa vây các buôn làng với những chiêu trò thổi giá gây sốt ảo, dụ dỗ, lừa lọc người dân chuyển nhượng đất đai, dẫn đến không ít người dân bị trắng tay, phải làm thuê ngay chính trên ruộng nương vốn trước đây được Nhà nước giao. Hệ lụy nguy hiểm hơn là nguy cơ nông nghiệp vỡ thế trận ở vùng cao nguyên trù phú này, khi tư liệu sản xuất quý giá không được chú trọng khai thác mà lại bị lợi dụng để đầu cơ.

 

Đã có một thời gian, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đưa ra chính sách cấm chuyển nhượng đất ở và đất sản xuất, tình hình đã dịu xuống, nhưng vẫn còn đó nhiều nguy cơ. Do đó rất cần các chính sách đất đai đảm bảo tư liệu sản xuất cho đồng bào, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ đất, khắc phục tình trạng di canh, di cư, phá rừng làm nương rẫy...

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi heo rừng lai và trồng cà phê của gia đình chị RơLan Siu H’Hằng, làng Tu 1, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Giải quyết căn cơ vấn đề đất nông, lâm nghiệp

Để Tây Nguyên phát triển, trong đó có nông, lâm nghiệp, điều quan trọng là phải giải quyết được những vấn đề căn cơ liên quan đến đất đai. Tình trạng tranh chấp đất đai ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nông thôn, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động gây rối.

 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, cần có cơ chế,  chính sách rõ ràng hơn về quản lý đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên; cần quy định rõ việc quản lý rừng, đất rừng và việc chuyển đổi đối với những diện tích đất rừng không còn hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề đất đai ở Tây Nguyên, phải có cơ chế, chính sách giải quyết hài hòa giữa lâm nghiệp với nông nghiệp.

 

Bên cạnh đó, cần phải khẳng định, nông nghiệp luôn là lĩnh vực rộng lớn và cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Tây Nguyên. Không chỉ là kinh tế - xã hội mà còn là chính trị, an ninh, quốc phòng. Nói cách khác, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là căn cơ, là thế mạnh để nâng cao đời sống người dân, phát triển Tây Nguyên một cách bền vững.

 

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, những năm qua các tỉnh Tây Nguyên mặc dù thu ngân sách còn rất hạn chế, nhưng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Tỉnh luôn quan tâm, tìm giải pháp thay đổi phương thức, cách thức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo điều kiện cần thiết để đồng bào thiểu số tiếp cận đất đai, kỹ thuật, hình thành tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển, tuyên truyền vận động đồng bào thay đổi tư duy, khát vọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

 

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng. Để Tây Nguyên phát triển bền vững, đòi hỏi trách nhiệm của cộng đồng, sự giúp sức của Trung ương, các vùng, các tỉnh khác, với tinh thần "Tây Nguyên vì cả nước và cả nước vì Tây Nguyên".

Từ khi có Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về "phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên", nguồn lực tập trung đầu tư vào địa bàn chiến lược này ngày càng cao, nhằm phát triển theo hướng bền vững. Tiếp đó, Bộ Chính trị Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm tạo cú huých để Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm, sự ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng đảm bảo ổn định và phát triển vùng Tây Nguyên và là cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, phải có chính sách, giải pháp đúng đắn nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; coi trọng tính đặc thù, đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào khi giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể.

 

Bên cạnh đó, chúng ta cần khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo của người dân trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, nhất là cấp cơ sở thường xuyên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

4. Nghị quyết 23 tạo bước đột phá

Trong căn nhà gỗ còn tuềnh toàng, đơn sơ, vẫn giữ phong cách sống của đồng bào dân tộc H’mông, Lầu A Say (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) cho biết anh vừa đi làm rẫy về. Cuộc sống ở quê còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khó canh tác, năm 2015, theo người quen, anh Lầu A Say đưa cả gia đình 5 người di cư từ Lào Cai vào đây sinh sống, làm rẫy, trồng cà phê.

 

Tuy cái nghèo vẫn đeo bám, nhưng với sự ưu đãi của thiên nhiên, cộng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn xưa, không còn cảnh đứt bữa.

 

Cầm chiếc thẻ bảo hiểm y tế trên tay, anh Lầu A Say rưng rưng: "Cảm ơn Nhà nước nhiều lắm". "Không có nhà nước, không có thẻ bảo hiểm, mình không có tiền chữa bệnh đâu. Có thẻ bảo hiểm, mình đỡ được tiền mua thuốc, có nhà nước lo cho".

"Thằng con mình té xe, nó đi mua kẹo bị người ta tông vào, nằm 20 ngày ở Bệnh viện tỉnh Đắk Nông. Mình cũng nằm viện 15 ngày ở Bệnh viện huyện Đắk Glong", anh Say kể về thời điểm tháng 2 và tháng 7/2019, hai bố con anh phải nhập viện và chiếc thẻ bảo hiểm y tế trở thành cứu cánh cho gia đình trong lúc nguy nan.

 

Không biết tổng chi phí điều trị trong thời gian nằm viện của hai bố con hết bao nhiêu tiền, nhưng nếu không có bảo hiểm y tế thì riêng việc mổ chân đã phải chi 20-25 triệu đồng. Ngoài tiền viện phí được Nhà nước chi trả hoàn toàn, anh còn được hỗ trợ tiền ăn với mức hơn 20.000 đồng/ngày.

 

Chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong rất nhiều chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Nhờ chính sách này, nhiều người như anh Say yên tâm đi khám, chữa bệnh.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng. Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 120/2020/QH14, mở đường cho Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

 

Trong đó, tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu... đồng thời cũng hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn văn hóa, thông tin tuyên truyền, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe…

Riêng giai đoạn I (2021 - 2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước gần 115 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Gần đây nhất, tháng 10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với kỳ vọng tạo sức bật cho vùng đất giàu tiềm năng này. Phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững, trong đó kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là quan điểm được đặt lên hàng đầu.

Sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được Bộ Chính trị đặt ra, bao gồm phát triển kinh tế với trọng tâm, trụ đỡ là nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến là động lực; du lịch là đột phá. Đi liền với đó là phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp.

 

Và một yếu tố quan trọng khác là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, tạo thế chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị... Xác định buôn làng là một bộ phận rất quan trọng và là địa bàn chủ yếu ở cấp cơ sở ở Tây Nguyên.

 

Ổn định để phát triển

Chú thích ảnh
Mô hình “Trình diễn lúa nước” của Đồn Biên phòng Ia Mơ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) cho năng suất cao, giúp hàng trăm hộ dân tộc thiểu số tại làng Klăh, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông thoát nghèo.
Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Là vùng đất rộng, trù phú, dân cư còn thưa thớt, nên những năm qua, lượng người di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tới vùng Tây Nguyên khá nhiều, tạo nên đặc trưng riêng có của vùng đất này. 5 tỉnh Tây Nguyên là nơi hội tụ của cộng đồng 54 dân tộc anh em, hình thành bức tranh đặc sắc, đa dạng về dân tộc, tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng, đòi hỏi phải thực hiện tốt các chính sách phát triển, thực hiện hài hòa các chính sách dân tộc, tôn giáo.

 

Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp 2013, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước luôn khẳng định quan điểm cốt lõi là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; bảo đảm các tôn giáo bình đẳng với nhau và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc. Đồng thời, Đảng, Nhà nước ta cũng thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá chế độ, chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Tại Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên diễn ra chiều 7/7/2023, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên cần đặc biệt quan tâm giải pháp căn cơ nhất là phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp đặc điểm tình hình địa bàn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị.

 

"Phải toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức làm thế nào để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thoát nghèo bền vững", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

 

Bài toán ổn định và phát triển cho Tây Nguyên không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai, mà cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân.

 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để đồng bào nhận thấy được quan tâm và được thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước, được phát huy vai trò, vị thế. 

Cần đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, xử lý kịp thời các mâu thuẫn phát sinh, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động gây chia rẽ.

 

Trong công tác cán bộ, phải đặc biệt chú trọng vai trò, vị trí của đồng bào dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị, trong đoàn thể xã hội, tôn trọng ý kiến của đồng bào. Trong công tác dân vận, Mặt trận, cần phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc, chức việc. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác nắm tình hình, diễn biến dư luận, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

 

Về phía người dân, cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của chính bản thân và gia đình mình, cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; đoàn kết, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

 

Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đứng lên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có truyền thống yêu nước, thấu hiểu được giá trị của tự do, hòa bình, thống nhất đất nước.

Chú thích ảnh
Học sinh các cấp tỉnh Kon Tum biểu diễn cồng chiêng kết hợp múa xoang tại các hội diễn ở địa phương.
Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Hòa hợp, đoàn kết dân tộc, tôn giáo là điều kiện căn cốt tạo nên sức mạnh đưa Tây Nguyên phát triển bền vững. Đi trên con đường quốc lộ 14 thênh thang với những hàng thông xanh mát, những rặng hồ tiêu mướt mắt, vườn café bạt ngàn, những lời ca đẹp trong bài hát "Nỗi nhớ cao nguyên" thêm vang vọng, thiết tha: Rồi đi xa thấy nhớ/Nhớ cao nguyên chờ đợi... Rồi đi xa thấy nhớ/Đêm cao nguyên lửa trại/Đêm âm thanh của rừng/Đêm rượu cần men say/Tôi như say tiếng cồng chiêng/Tôi như say hương cao nguyên đại ngàn/Tôi như say đất đỏ bazan/Tôi như say đất trời thênh thang…

 

Nơi đại ngàn hùng vĩ, tiếng chiêng, tiếng cồng vẫn rộn vang nơi buôn làng, những tiếng đàn T'rưng trong trẻo, thánh thót... như tăng thêm sức sống mãnh liệt của vùng đất Tây Nguyên kỳ bí. Mai đây, những tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Nha Trang - Buôn Mê Thuột, Đắk Nông - Bình Phước, Quy Nhơn - Pleiku… nối các cực tăng trưởng được hình thành, cùng với những chính sách vượt trội, Tây Nguyên sẽ bứt phá vươn lên.

 

Xuân Tùng - Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết