Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Dân số Việt Nam - nguồn lực to lớn cho thời kỳ phát triển mới

Ngày phát hành: 10/07/2023 Lượt xem 1989

 

Cán mốc 100 triệu dân và có cơ cấu dân số vàng với gần 60 triệu người trong độ tuổi lao động, Việt Nam trở thành một "cường quốc dân số"  xét theo cả quy mô và thứ bậc. Trong bối cảnh các nước đều coi nguồn nhân lực là một lợi thế quốc gia, Việt Nam có những cơ hội to lớn cho thời kỳ phát triển mới, nhanh và bền vững của đất nước.

 

 "Cường quốc dân số" và những cơ hội “vàng”

 

48 năm kể từ khi đất nước thống nhất, dân số nước ta đã tăng hơn gấp đôi, từ 48 triệu dân năm 1976 lên 100 triệu dân vào tháng 4/2023. Có thể thấy Việt Nam đã trở thành một cường quốc về dân số theo cả quy mô và thứ bậc. Không chỉ trở thành nước có quy mô dân số lớn, từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%, nghĩa là cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có hai người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi), Việt Nam cũng chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”.

 

Theo số liệu đầu năm 2023, lực lượng lao động cả nước có 52,2 triệu người, tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. Những điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt, các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế quốc gia thì những yếu tố này là cơ hội và động lực để Việt Nam bứt phá.


Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, đường lối của Đảng và Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhiều năm qua, nhờ chính sách dân số hợp lý, Việt Nam đã duy trì được mức sinh tiệm cận mức sinh thay thế, giúp tái cân bằng dân số và trẻ hóa lực lượng lao động. Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử với trên 20% dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 24. Hơn một nửa số người trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi. Đây là thế hệ thanh niên trẻ, vừa là nguyên khí quốc gia, vừa là lực lượng xung kích tham gia vào quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước tiến nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.


Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30-35 năm, thậm chí là 40-45 năm. Như vậy, số dân đạt 100 triệu người và cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam hiện nay sẽ còn kéo dài trong khoảng 15-25 năm nữa. Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia đang phát triển năng động, giàu tiềm năng, và đang tham gia mạnh mẽ vào thị trường thế giới thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Kết hợp với nguồn lực con người dồi dào và lực lượng lao động trẻ hùng hậu, có khả năng xoay chuyển nền kinh tế, hứa hẹn sẽ đem lại những cú bật nhanh và mạnh cho tăng trưởng kinh tế-xã hội đất nước.


Bên cạnh nguồn lực về lao động, 54 dân tộc với bản sắc văn hóa đa dạng, đậm nét truyền thống còn đại diện cho nguồn lực văn hóa mạnh mẽ, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để ghi dấu ấn văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới trong thời kỳ hội nhập.

 

 Để tận dụng trọn vẹn lợi ích mà dân số mang lại

 

Một thị trường lớn, đông dân sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng cũng đặt ra các vấn đề về an ninh lương thực, năng lượng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường… Để tận dụng trọn vẹn lợi ích mà dân số mang lại, Việt Nam còn rất nhiều trở ngại và thách thức cần vượt qua.


Một trong những vấn đề lớn hiện nay phải đối mặt là chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo bài bản; kiến thức, kỹ năng tay nghề và cả ý thức lao động không cao. Trong khi cuộc cách mạng về công nghệ đang dần đưa máy móc vào thay thế con người, nếu chất lượng nguồn lao động không được cải thiện, không đáp ứng được nhu cầu thị trường sẽ dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng, tạo ra gánh nặng cho xã hội.


Năm 2022, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.162,94 USD, xếp thứ 117 trên thế giới. Để nâng cao mức sống của người dân trong điều kiện mở rộng quy mô dân số, cần phải tăng nhanh hiệu quả lao động. Nhưng tăng trưởng dựa trên mở rộng việc làm thường không cao và thiếu bền vững, trong khi theo hướng thúc đẩy năng suất lao động, tuy là thách thức lớn nhưng lại tạo ra tăng trưởng nhanh, bền vững, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện được mục tiêu này và tận dụng thành công thời kỳ “dân số vàng”, đòi hỏi các chính sách phát triển lâu dài, phù hợp và triệt để. Việc đầu tiên cần làm là cải thiện chất lượng lao động, góp phần cải thiện khu vực sản xuất của nền kinh tế. Cần nâng cao trình độ, kỹ năng và kỷ luật lao động của người lao động; đào tạo lao động theo nhu cầu và đáp ứng được nhu cầu thị trường, hướng tới những công việc có giá trị tăng thêm cao, trọng dụng nhân tài. Cần tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách về y tế, giáo dục, cơ hội việc làm và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo. Do sự chênh lệch và phân hóa mạnh về dân số-phát triển giữa thành thị với nông thôn, cần đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn để tạo thêm cơ hội cho lực lượng lao động trẻ.


Cơ cấu dân số vàng cũng sẽ không kéo dài lâu, trong khi Việt Nam được đánh giá có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già với khoảng 15 triệu người trên 60 tuổi (chiếm 14% tổng số dân). Già hóa dân số nhanh chóng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế-xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Hiện nay Việt Nam đã có lộ trình kéo dài độ tuổi về hưu, giữ thêm người cao tuổi tiếp tục ở lại lực lượng lao động, nhằm bù đắp sự thiếu hụt nhân công vì già hóa dân số trong tương lai. Đây cũng là chính sách được nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới áp dụng để cân bằng phát triển dân số và kinh tế-xã hội.


Đối mặt với những thời cơ và thách thức lớn, trong Chiến lược Dân số đến năm 2030, Việt Nam tập trung chuyển trọng tâm chính sách dân số, từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số, trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Theo đó đặt ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), giữ quy mô dân số ở mức 104 triệu người. Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý với tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%. Tập trung nâng cao chất lượng dân số thông qua tăng cường chăm sóc y tế, nâng cao mức sống người dân. Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh.  Thực hiện quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng sẽ hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Với các lợi thế về dân số và những chủ trương, chính sách đúng đắn, tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ phát huy mạnh mẽ nguồn lực hùng hậu, xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, tạo vị thế vững chắc trên bản đồ thế giới./.

 

 

Thu Hạnh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết