Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Xây dựng nền kinh tế độc lập-tự chủ gắn với nâng cao vai trò, hiệu quả của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới (phần 1)

Ngày phát hành: 12/07/2023 Lượt xem 2005

                                                                           

 

I. Nhận thức về bản chất và vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập-tự chủ

 

1. Bản chất và vai trò của kinh tế nhà nước

 

Cho đến nay, trên thế giới có nhận thức chung về kinh tế nhà nước (KTNN) là khu vực kinh tế thuộc sở hữu của nhà nước, do nhà nước trực tiếp quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua bộ máy đại diện là các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Kinh tế nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, các quỹ dự trữ quốc gia, các quỹ bảo hiểm nhà nước và các tài nguyên quốc gia, các tài sản khác thuộc sở hữu nhà nước các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngân hàng nhà nước..., mà nhà nước dựa vào đó để điều tiết, phát triển nền kinh tế của cả nước.

 

Kinh tế nhà nước có những đặc điểm như sau:

- Kinh tế nhà nước thuộc sở hữu của nhà nước (hoặc thuộc sở hữu toàn dân như ở một số nước xã hội chủ nghĩa).

- Kinh tế nhà nước thường được coi là lĩnh vưc tài sản công, bao gồm ba bộ phận chủ yếu: i) - Những tài sản tài chính thuần túy; ii) - Những tài sản mang tính thương mại, được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh; iii) - Những tài sản mang tính phi thương mại; iv) - Ngoài ra, cũng có thể kể đến các khoản nợ của Chính phủ, của doanh nghiệp nhà nước.

- Kinh tế nhà nước do nhà nước trực tiếp quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua bộ máy đại diện là các cơ quan quản lý nhà nước.

- Kinh tế nhà nước thực hiện tổng hợp các chức năng kinh tế, chính trị, xã hội đối với cả nước.

- Chức năng sản xuất kinh doanh được giao cho các doanh nghiệp nhà nước; đồng thời cũng có thể được thực hiện qua các hình thức đối tác công - tư, liên kết sản

xuất kinh doanh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

- Một số lĩnh vực kinh tế, sản xuất kinh doanh, tủy theo điều kiện của từng nước, được xác đinh thuộc độc quyền nhà nước ở những mức độ khác nhau (như liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, đến các lĩnh vực trọng yếu của đất nước…).

 

Vai trò của kinh tế nhà nước:

Về vai trò của KTNN có những nhận thức chung trên thế giới và những nhận thức riêng của mỗi nước. Nhận thức chung là KTNN giữ vị trí trọng yếu, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. KTNN là “nền tảng vật chất” để nhà nước thực hiện chức năng điều tiết và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, là công cụ trọng yếu để nhà nước “khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường”.

 

Chính vỉ vậy, trên thế giới, ở tất các các nước, trong quá trình phát triển, đều tồn tại khu vực kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, với các tỷ trọng khác nhau trong từng thời kỳ. Ở các nước tư bản phát triển vai trò của kinh tế nhà nước cũng rất quan trọng, tuy phạm vi và tỷ trọng khác nhau. Ở những nước này, mặc dù kinh tế tư nhân phát triển rất mạnh, được coi là động lực chủ đạo của sự phát triển, thì nhà nước vẫn trực tiếp sở hữu một khối lượng khổng lồ tài sản công, gồm: i) - Sở hữu nhà nước về đất đai, tài nguyên, bất động sản, hệ thống giao thông…; ii) - Các DNNN và doanh nghiệp hỗn hợp có cổ phần nhà nước chi phối; iii) - Tài chính nhà nước (bao gồm toàn bộ phần thu nhập quốc dân để đầu tư phát triển hoặc chi tiêu cho các dịch vụ công cộng); iv) - Các tổ chức cung ứng dịch vụ công cộng, như trường học, bệnh viện, thư viện, công trình thể thao, văn hóa, xã hội...Theo Dag Detter và Stefan Folster trong cuốn “Quản lý hiệu quả tài sản công” (2015), ước tính tổng giá trị tài sản công ở các nước trên thế giới lên tới hàng ngàn tỷ USD, một quy mô khổng lồ, nhưng hiếm khi được nhìn nhận đầy đủ và sử dụng hiệu quả. Trong số 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 11% giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các doanh nghiệp niêm yết.

 

Ngay ở Mỹ, sở hữu nhà nước vào cuối thập niên 80 chiếm 20% tổng tài sản quốc gia. Tỷ trọng chi ngân sách của Chính phủ Mỹ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng từ 26,8% năm 1960 lên 41,3% năm 2010. Ở một số nước G7 khác, tỷ trọng sở hữu nhà nước còn cao hơn, đều ở mức khoảng 30% tổng tài sản quốc gia. Riêng về đất đai, quy mô sở hữu nhà nước ở các nước phương Tây là rất lớn. Đặc biệt, KTNN ở các nước tư bản có vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ công, như giao thông, công viên, bảo đảm an ninh công cộng... Như ở Anh, là một trong những nước đầu tiên chấp thuận cho tư nhân tham gia phát triển kết cấu hạ tầng công cộng, nhưng đến năm 2018, Chính phủ Anh đã quyết định dừng hẳn các dự án về kết cấu hạ tầng do tư nhân đảm nhận, với lý do các dự án công có tư nhân tham gia tốn phí hơn so với các dự án công chỉ do nhà nước thực hiện.

 

Như vậy, có thể thấy, ngay ở các nước tư bản có nền kinh tế thị trường phát triển cao, KTNN nói chung và DNNN nói riêng có vai trò rất quan trọng, là một trong những công cụ quản lý vĩ mô giúp khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, trên thế giới hiện vẫn có các nhận thức khác nhau về vai trò của KTNN và DNNN. Điều này không chỉ do điều kiện cụ thể của mỗi nước, mà còn do nhận thức khác nhau về bản chất và vai trò của KTNN và DNNN trong quá trình phát triển. Trên thực tế, KTNN chứa đựng tổng hợp các bản chất kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong quá trình phát triển trong tương quan với vị trí, vai trò của tất cả các các khu vực, thành phần kinh tế khác trong quá trình phát triển nền kinh tế quốc gia. 

Về mặt kinh tế, sự khác nhau về của vai trò KTNN được xem xét ở “mức độ chủ đạo”, tỷ trọng của nó trong tổng thể giá trị nền kinh tế quố gia; ở xác định vai trò độc quyền của nó trong các lĩnh vực kinh tế. Về mặt chính trị, thường gắn cho KTNN vai trò đảm bảo bản chất của chế độ chính trị - xã hội.

Về văn hóa, thường gắn cho KTNN đảm bảo các giá trị văn hóa dân tộc. Về xã hội, thường gắn cho KTNN thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo công bằng, bình đẳng xã hội. Ở mỗi nước, do điều kiện cụ thể và sự lựa chọn thể chế phát triển mà có sự “kết hợp” các bản chất và vai trò KTNN về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội theo những mô hình khác nhau; và đương nhiên là có thể đưa lại những kết của khác nhau.

Ở đây, rất cần nhận thức rõ vai trò khách quan của KTNN và vai trò chủ quan của KTNN do thể chế chính trị lựa chọn. Vai trò khách quan của KTNN là sự tồn tại khách quan của KTNN trong tương quan hữu cơ với vai trò của các khu vực, thành phần kinh tế khác trong quá trình phát triển cụ thể của đất nước. Vai trò khách quan của KTNN không thể chỉ được xem xét từ yêu cầu xây dựng nền tảng kinh tế của nhà nước của giai cấp thống trị. Vai trò KTNN cần phải dược đánh giá ở sự phát triển tổng hợp sức mạnh của cả nền kinh tế đất nước, trong đó có sự phát huy hiệu quả của tất cả các khu vực, thành phần kinh tế trong sự tương tác với nhau. Vai trò chủ quan của KTNN là vai trò do thể chế chính trị xác định cho KTNN vì những mục tiêu chính trị, có thể không phù hợp với các quy luật kinh tế. Khi vai trò của KTNN được xác định quá thiên về các mục tiêu chính trị (ví dụ lấy sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể làm tiêu chí chi phối tổng thể quan hệ sản xuất của nền kinh tế, không phù hợp với trình độ phát triển thực tế), hay quá thiên về vai trò bao cấp, thực hiện chính xã hội; sẽ làm cho KTNN suy giảm, thậm chí mất đi động lực và hiệu quả phát triển. Do đó vai trò chủ quan của KTNN cần phải được xác định phù hợp với vai trò khách quan của nó trong những bối cảnh, điều kiện và trình độ phát triển cụ thể.

 

 

2. Bản chất và vai trò của doanh nghiệp nhà nước

 

Doanh nghiệp nhà nước là một bộ phận trọng yếu của KTNN. Theo Liên hợp quốc[1]: “Doanh nghiệp nhà nước là những doanh nghiệp do Nhà nước nắm toàn bộ hoặc một phần sở hữu và Nhà nước kiểm soát tới một mức độ nhất định quá trình ra quyết định của doanh nghiệp”. Việc sử dụng hai tiêu chí “sở hữu” và tiêu chí “kiểm soát” trong việc hình thành hệ thống DNNN ở các nước có khác nhau. DNNN có đầy đủ những bản chất, vai trò chung của KTNN; đồng thời, do đây là những tài sản mang tính thương mại của nhà nước được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của các DNNN để tạo ra thu nhập, giá trị thặng dư, do đó, DNNN còn có những bản chất và vai trò riêng:

 

- DNNN là những đơn vị kinh tế (sản xuất, kinh doanh hàng hóa; cung úng dịch vụ) do Nhà nước sở hữu hoàn toàn hoặc sở hữu một phần đủ để chi phối trong quản lý, điều hành. Quyền sở hữu là yếu tố quyết định để phân biệt DNNN với các doanh nghiệp khác ở khu vực kinh tế tư nhân.

 

- Ở DNNN, Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư, Nhà nước có thể trực tiếp đầu tư và tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh; hoặc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp trong các khu vực ngoài nhà nước để thực hiện các mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu chính trị, xã hội khác.

 

- Trong các DNNN, thường xác định chủ sở hữu là nhà nước, song trên thực tế Nhà nước là một pháp nhân chung, tất cả các cán bộ, công chức nhà nước đều là người làm công ăn lương của nhà nước, các tổ chức hay cá nhân do nhà nước cử thực hiện chức năng “đại diện chủ sở hữu” trong DNNN, không phải là chủ sở hữu trực tiếp và toàn quyền gắn liền với quyền, trách nhiệm và lợi ích (lỗ lãi) trong sản xuất kinh doanh như trong doanh nghiệp tư nhân. Theo nghĩa đó, có thể coi chủ sở hữu trong DNNN là “chủ sở hữu ảo”. Đặc trưng bản chất này đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý - quản trị phù hợp để đảm bảo DNNN hoạt động có hiệu quả.

 

 - Quan niệm về DNNN ở các nước có sự khác nhau. Một số nước quan niệm DNNN là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc sở hữu hoàn toàn của Nhà nước. Nhiều nước lại xác định DNNN còn là những doanh nghiệp trong đó Nhà nước có sở hữu trên 50% vốn đầu tư, thậm chí có nước coi DNNN là cả những doanh nghiệp trong đó nhà nước chỉ cần có phần vốn khống chế nào đó.

 

- DNNN không phải là cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng nhà nước có quyền chi phối về quản lý, điều hành trong DNNN thông qua các chế định pháp lý, cơ chế, chính sách và thông qua người đại diện.

 

- Trong điều kiện kinh tế thị trường, DNNN Không thể hoạt động “biệt lập” với doanh nghiệp của các thành phần, khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Trong một số lĩnh vực do nhà nước quy định theo những yêu cầu và điều kiện nào đó, DNNN có vai trò chi phối (thậm chí độc quyền) trong sản xuất kinh doanh và cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội.

 

- Trong một số lĩnh vực, DNNN còn là “công cụ” để Nhà nước thực hiện các chính sách điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện các chính sách xã hội.

 

3. Nhận thức và quan niệm của Việt Nam về vị trí và vai trò của KTNN và DNNN

 

Trong quá trình đổi mới, từ thể chế tập trung quan liêu bao cấp, sang thể chế kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, nhận thức và quan niệm của Đảng và Nhà nước về KTNN, DNNN đã có những thay đổi và phát triển quan trọng; từ chỗ coi KTNN, DNNN chiếm tỷ lệ sở hữu và vai trò tuyệt đối áp đảo, sang coi KTNN, DNNN là một bộ phận trọng yếu của nền kinh tế đa thành phần.

 

Về KTNN: Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) lần đầu tiên đề cập đến khái niệm “kinh tế nhà nước”, chỉ rõ phải: “Chủ động đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác. Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế hợp tác xã dần dần trở thành nền tảng…”. Đại hội X của Đảng khẳng định “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”[2]. Văn kiện Đại hội XI và Cương lĩnh 2011 tiếp tục khàng định “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”[3]. Hiến pháp năm 2013, Điều 51 hiến định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng tiếp tục khảng định “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó KTNN giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. KTNN giữa vai trò chủ đạo với các nội hàm chủ yếu sau: một là, KTNN là lực lượng vật chất giúp Nhà nước định hướng phát triển nền kinh tế quốc dân; hai là, KTNN là sức mạnh vật chất để nhà nước thực hiện các chính sách điều tiết của mình trong cơ chế thị trường; ba là, KTNN góp phần quan trọng tạo môi trường phát triển chung cho mọi thành phần kinh tế; bốn là, việc khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế vai trò và sự phát triển của các thành phần kinh tế khác, mà các thành phần kinh tế đều được phát triển bình đẳng theo quy định của pháp luật, quan hệ mật thiết với nhau, đan xen, liên kết với nhau.

 

Về DNNN: Nếu như, nhận thức về KTNN “giữ vai trò chủ đạo” trong phát triển của nền kinh tế đất nước là nhất quán; thì nhận thức về vị trí, vai trò của DNNN lại có những thay đổi quan trọng. Mặc dù, Đảng và Nhà nước đều nhất quán về tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước; song về về vị trí, vai trò của DNNN trong nền kinh tế đã có những thay đổi qua các kỳ Đại hội của Đảng cùng với quá trình đổi mới tư duy và nhận thức từ thực tiễn. Đại hội VI và Đại hội VII của Đảng xác định: “xí nghiệp quốc doanh đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”. Đến Đại hội VIII của Đảng mới xác định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, trong đó DNNN là một bộ phận quan trọng. Như vậy, vị trí, vai trò của DNNN đã có sự điều chỉnh. Đại hội IX của Đảng xác định, DNNN “giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế”; “đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật”, “DNNN là lực lượng nòng cốt đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Đại hội X có sự điều chỉnh nhất định về vị trí, vai trò của DNNN, đó là xóa bỏ độc quyền và đặc quyền sản xuất, kinh doanh của DNNN và tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, vào một số lĩnh vực công ích.

 

Đại hội XII tiếp tục khẳng định tập trung phát triển DNNN ở những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng - an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; thực hiện vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. DNNN là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của lĩnh vực an ninh, quốc phòng; độc quyền tự nhiên; cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu; và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn.

 

Kết luận số 50-KL/TW, ngày 30-5-2019, của Ban Bí thư[4] đưa ra quan điểm “DNNN là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, và là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Đại hội XIII, tiếp tục nhấn mạnh: DNNN tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

 

Như vậy, nhận thức về vị trí, vai trò của DNNN đã có bước chuyển quan trọng từ “đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”, sang “là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước,giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế”, “xóa bỏ độc quyền và đặc quyền sản xuất, kinh doanh của DNNN”, “tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của lĩnh vực an ninh, quốc phòng; độc quyền tự nhiên; cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu; và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn”, là một bước tiến quan trọng, phù hợp với thực tiễn và trình độ phát triển của đất nước; đồng thời, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

 

4. Nhận thức về độc lập - tự chủ của nền kinh tế

 

Trên thế giới, hầu như tất cả các nước đều muốn xây dựng một nền kinh tế dân tộc có tính độc lập - tự chủ cao. Tuy nhiên, quan niệm, nội hàm về tính độc lập - tự chủ của nền kinh tế, về con đường và giải pháp đảm bảo tính độc lập tự chủ đó lại khác nhau; và không phải nước nào cũng đạt được mục tiêu của mình, nhất là trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tủy thuộc lẫn nhau ngày càng sâu rộng. Độc lập, tự chủ của một quốc gia thể hiện ở thực hiện chủ quyền quốc gia - quyền tự quyết tối cao trong quyết định các chính sách phát triển đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội và đối ngoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, phù hợp Hiến chương Liên Hợp Quốc. Độc lập - tự chủ đòi hỏi đất nước phải có một tiềm lực đủ mạnh, nhất là tiềm lực kinh tế, để không bị lệ thuộc vào nước ngoài một cách bất bình đẳng, không bị nước ngoài chèn ép làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia - dân tộc. Độc lập - tự chủ kinh tế luôn được đặt trong mối quan hệ biện chứng với độc lập, tự chủ về chính trị, vãn hóa, xã hội và các mặt cụ thể khác, tạo thành sự độc lập, tự chủ và sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

 

Độc lập, tự chủ về kinh tế là có đường lối, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, phù hợp với điều kiện của đất nước và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; tạo được sức mạnh nội lực về kinh tế ngày càng lớn, có khả năng đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, năng động, chủ động thích ứng với những thay đổi, biến động của thị trường, của khủng hoảng kinh tế, tài chính ở khu vực, trên thế giới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và canh tranh quốc tế ngày càng tăng. Độc lập tự chủ về kinh tế còn thể hiện sự không bị lệ thuộc sự phát triển kinh tế vào nước khác, không bị nước khác chi phối, áp đặt làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc mình.

 

Xây dụng nền kinh tế độc lập - tự chủ phải có được hai yếu tố cơ bản sau: Một là, phải có đường lối, chinh sách độc lập tự chủ về phát triển kinh tế - xã hội. Hai , phải có thực lực và tiềm lực kinh tế (quy mô và cơ cấu GDP) đủ mạnh ở mức cần thiết. Toàn bộ nền sản xuất xã hội không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội mà còn có tích lũy cần thiết để thực hiện tái sản xuất mở rộng ngày càng tăng và với trình độ ngày càng cao hơn. Nền kinh tế phải có sức cạnh tranh cao (bao gồm sức cạnh tranh của hàng hóa, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế) trong hội nhập quốc tế, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Nền kinh tế phải có năng lực nội sinh đảm bảo an ninh kinh tế cao.

 

Nhận thức, quan niệm của Đảng ta về xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ đã có những bước phát triển quan trọng. Nếu như trước đổi mới, trong thể chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, chúng ta quan niệm: xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ là xây dựng đồng bộ nền tảng công nghiệp, nhất là công nghiêp nặng; phát triển toàn diện, đống bộ, cân đổi các lĩnh vực kinh tế (theo quan điển tự đảm bảo ở mức cao nhất); không bị phụ thuộc vào nước ngoài. Từ khi đổi mới, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan niệm của Đảng ta về xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ có những đổi mới quan trọng. Đảng ta coi việc xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ như một nội hàm trọng yếu, đảm bảo nền tảng vật chất của quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển, để Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Đảng ta vẫn tiếp tục khảng định để xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ, phải đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa đất nước, nhưng đó không phải là công nghiệp hóa theo phương thức cổ điển, khép kín trước đây, mà phải thực hiện công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, nhất là trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, các thành tự của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, gắn liền với quá trình hội nhập quốc tế.

 

Trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Đảng ta nhấn mạnh “Xây dựng nền kỉnh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong đỉều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó: phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bển vững”. Có phát huy được nội lực thì mới thu hút và sử dụng có hiệu quả ngoại lực. Nội lực được tăng cường thì mới bảo đảm được độc lập tự chủ về kỉnh tế và thực hiện hội nhập kỉnh tế quốc tế thành công. Đặc biệt phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là của doanh nghiệp Việt.

 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ, xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ là một nội dung cốt lõi đảm bảo phát triển nhanh - bền vững đất nước trong bối cảnh thế giới có những bước phát triển đột phá, biến động và thay đổi khó lường của quan hệ quốc tế, của quá trình toàn cầu hóa, tác động của quá trình biến đổi khí hậu.

 

Đảng ta khảng định xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ không phải là xây dựng một nền kinh tế biệt lập, khép kín, tự cung, tự cấp; mà phải xây dựng nền kinh tế mở, gắn liền với hội nhập quốc tế, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: phải “chủ động, tích cực hội nhập kỉnh tế quốc tế”, “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế[5]. Đồng thời Văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ rõ: phải “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia[6]. Điều rất đáng lưu ý là ở đây, Đảng đã chỉ rõ một quan điểm quan trọng: để xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ, thì phải đẩy mạnh “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước”, chứ không chỉ phát triển KTNN, DNNN là có thể đảm bảo được tính độc lập - tự chủ cao của nền kinh tế.

 

5. Nội dung cơ bản về tính độc lập - tự chủ của nền kinh tế

 

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, có thể khái quát một số nội dung cơ bản về tính độc lập - tự chủ của nền kinh tế như sau:

i) - Có đường lối, cơ chế, chính sách phát triển nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của đất nước, với bối cảnh và xu thế phát triển của thế giới.

ii) - Xây dựng được một cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành nghề, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu trình độ…) phù hợp, hiệu quả, bảo đảm độ cân đối và an toàn cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, cho thực hiện các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng của đất nước trong mọi tình huống.

iii) - Phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh để không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; đồng thời có tích lỹ để đầu tư phát triển ngày càng cao. Đặc biệt, phải có đội ngũ nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với làm chủ và xây dựng được nền tảng công nghệ cấn thiết để xây dựng được năng lực kinh tế dân tộc (nội lực) đủ mạnh.

iv) - Có môi trường thể chế chính trị - xã hội ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài. Bảo đảm ổn định kinh tế vỹ mô; giữ được nợ công trong giới hạn an toàn.

v) - Nền kinh tế độc lập - tự chủ là một nền kinh tể thị trường hiện đại gắn với hội nhập quốc tế; có tính chủ động cao trong tham gia hiệu quả vào các quan hệ kinh tế quốc tế; vừa bảo vệ được các lợi ích quốc gia dân tộc, tận dụng được các cơ hội, đồng thời hạn chế, “hóa giải” được các tác động tiêu cực.

vi) - Nền kinh tế phải có năng lực cạnh tranh quốc gia cao cả trên thị trường quốc tế và hị trường trong nước; có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến đổi không thuận của quan hệ quốc tế, trước những cú sốc - khủng hoảng của khu vực và thế giới[7].

vii) - Nền kinh tế phải có năng lực an ninh cao: an ninh về năng lượng; an ninh về lương thực, thực phẩm; an ninh về tài chính, tiền tệ; an ninh về môi trường sinh thái.  

(Còn tiếp)
  PGS.TS Trần Quốc Toản
(Sản phẩm của Đề tài cấp nhà nước: Chủ nghĩa tư bản hiện đại - vai trò, tác động đến tiến trình phát triển của thế giới và định hướng chình sách của Việt Nam; mã số KX.04.08/21-25).

 [1] Báo cáo của Đại hội đồng Liên hợp quốc, năm 1985

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 83

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 73 – 74

[4] Kết luận số 50-KL/TW, ngày 30-5-2019, của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” 

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 135

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 135

[7] Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), xét khả năng kháng chịu của nền kinh tế được xét trên 5 phương diện: kinh tế, môi trường, quản trị, hạ tầng và xã hội; với 5 bộ tiêu chí là: (i) Năng lực hấp thụ và chống chọi với khủng hoảng/cú sốc; (ii) Có nguồn lực và hệ thống hỗ trợ để duy trì hoạt động trong giai đoạn khủng hoảng; (iii) Năng lực thích ứng, đối phó linh hoạt trước khủng hoảng; (iv) Năng lực phát hiện nhanh cú sốc/khủng hoảng; (v) Năng lực phục hồi sau khủng hoảng.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết