Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 19 tỉnh phía Bắc giải ngân gần 5.700 tỷ đồng

Ngày phát hành: 28/06/2023 Lượt xem 1744

 

Trong 2 ngày 26 và 27/6/2023, tại thành phố Tuyên Quang, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (từ năm 2021-2023) đối với khu vực miền núi phía Bắc. Theo đó, đến ngày 31/5/2023, 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã giải ngân số vốn gần 5.700 tỷ đồng, đạt 21,46%.


 Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

 
Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.


Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.


Phạm vi của Chương trình là trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.


Đối tượng của Chương trình bao gồm các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Các dự án thành phần của Chương trình bao gồm: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình. Tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 dự kiến là gần 138.000 tỷ đồng


19 tỉnh phía Bắc giải ngân gần 5.700 tỷ đồng

 
Theo đánh giá tại Hội nghị sơ kết ngày 26/6/2023, qua 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.


Hoạt động đào tạo nghề góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động rất lớn trên địa bàn. Thông qua đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm. Công tác chăm sóc sức khoẻ, giáo dục-đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Về kết quả thực hiện giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023, đến thời điểm 31/5/2023, 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã giải ngân số vốn gần 5.700 tỷ đồng, đạt 21,46%.


Dự kiến, đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thành các mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỷ lệ xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt trung bình 99,2%; Tỷ lệ thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trung bình 91,7%; Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trung bình 90,1%; Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt trung bình 92,3%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt trung bình 98,6%; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt trung bình 54,7%; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trung bình 92,8%; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92%...


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Chương trình vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Các ý kiến tại Hội nghị cho rằng, việc phân bổ vốn tại các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân năm 2022, nhất là đối với các dự án quy mô lớn. Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình của một số địa phương, đơn vị, nhất là một số Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thời gian đầu ban hành còn chung chung, chưa sát với yêu cầu phát triển của địa phương hoặc do nhiệm vụ và giải pháp chưa gắn với thực tiễn nên phải điều chỉnh, bổ sung. Nhiều địa phương còn chậm thực hiện báo cáo việc giao kế hoạch vốn, tiến độ ban hành kế hoạch, khối lượng nhiệm vụ triển khai và tiến độ giải ngân thực hiện.


Giải đáp vấn đề tại sao nguồn vốn giải ngân lại chậm, bà Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, đây là Chương trình rất đặc thù, tổng hợp nhiều ngành, cơ quan, lĩnh vực cùng thực hiện. Mặt khác, thời gian vừa qua là giai đoạn đầu tiên triển khai nên phải ban hành nhiều văn bản quản lý, hướng dẫn mới. Tuy nhiên, đến nay, nhiều vướng mắc, bất cập đã được Chính phủ kịp thời nắm và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng tháo gỡ; việc triển khai các dự án, tiểu dự án đã thu được kết quả bước đầu.


Tại Hội nghị, các ý kiến đề nghị Uỷ ban Dân tộc, các bộ ngành sớm ban hành tiêu chí xác định thôn có dân tộc khó khăn đặc thù sinh sống thành cộng đồng để được đầu tư cơ sở hạ tầng làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; ban hành quy định, hướng dẫn cơ chế thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; tập trung việc rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định còn bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình làm cơ sở cho việc đề xuất, triển khai thực hiện theo hướng phân quyền chủ động cho cở sở thực hiện; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công của Chương trình...

 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và chưa được, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh yêu cầu, thời gian tới Ban Dân tộc các tỉnh cần nghiên cứu kỹ văn bản để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ đạo, hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện đúng tiến độ và phát huy hiệu quả Chương trình. Các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo tiến độ cụ thể, chi tiết.


Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cần tổng hợp các khó khăn, vướng mắc làm việc với các cơ quan liên quan để có giải pháp hướng dẫn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết