Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Nguồn lực, động lực để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Ngày phát hành: 23/07/2023 Lượt xem 2653


 

1. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về nguồn lực, động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội

Quan điệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư đã tạo cơ sở khoa học cho C.Mác và Ph.Ăng-ghen xác định nguồn lực, động lực xây dựng CNXH. Vì CNXH là một cuộc vận động, cho nên những người cộng sản phải lấy toàn bộ quá trình lịch sử trước đây và đặc biệt là những kết quả thực tế trước mắt tại các nước văn minh làm tiền đề của họ. Chủ nghĩa cộng sản nảy sinh ra từ nền đại công nghiệp và những hậu quả của đại công nghiệp… từ sự hình thành ra giai cấp vô sản và sự tích tụ của tư bản; và từ cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản do đó mà nảy sinh ra[1].

 

C.Mác và Ph.Ăng-ghen khẳng định: “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”[2]. Để lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và xây dựng thành công xã hội mới, giai cấp vô sản cần được tổ chức lại dưới sự lãnh đạo của đảng gồm những người cộng sản[3], tuy nhiên, cần phải thu hút các đẳng cấp trung gian, đặc biệt là giai cấp nông dân[4]. Như vậy, tất cả các yếu tố vật chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cùng yếu tố con người, đặc biệt là giai cấp công nhân phải trở thành nguồn lực cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Động lực chính của xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

2. Quan điểm của V.I.Lênin về nguồn lực, động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội

 V.I.Lênin khẳng định, “sự phát triển của đại công nghiệp, của những các‐ten, xanh‐đi‐ca, tơ‐rớt tư bản chủ nghĩa và cả ở sự phát triển ghê gớm của quy mô và thế lực tư bản tài chính, đấy là cơ sở vật chất chủ yếu cho sự ra đời không thể tránh khỏi của chủ nghĩa xã hội. Động lực trí tuệ và tinh thần của sự chuyển biến đó, lực lượng thể chất thi hành sự chuyển biến đó, là giai cấp vô sản, giai cấp đã được bản thân chủ nghĩa tư bản rèn luyện” [5]. Trong xây dựng và bảo vệ xã hội mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của đảng cộng sản, giai cấp công nhân phải chủ động tích cực sử dụng hình thức nhà nước mới: nền chuyên chính vô sản. Đồng thời, giai cấp công nhân với vị trí, vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng xã hội mới cần phải chú trọng thu hút các giai cấp, tầng lớp xã hội khác vào xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

 

Việc lựa chọn chính sách thu hút các giai cấp khác phải dựa trên quan điểm lập trường phương pháp luận của C.Mác, tuân thủ yêu cầu: “nghiên cứu một cách khách quan toàn bộ những mối liên hệ qua lại giữa các giai cấp trong một xã hội nhất định, không trừ một giai cấp nào, và do đó, hiểu biết được trình độ phát triển khách quan của xã hội ấy và những mối liên hệ qua lại giữa xã hội ấy với những xã hội khác, thì mới có thể có cơ sở cho một sách lược đúng của giai cấp tiên phong được. Ngoài ra, mọi giai cấp và mọi nước đều được nhận xét theo phương diện động chứ không theo phương diện tĩnh, nghĩa là trong trạng thái vận động (sự vận động này có những quy luật bắt nguồn từ những điều kiện kinh tế trong đời sống của một giai cấp) chứ không phải trong trạng thái bất động. Rồi sự vận động lại được xét không những về mặt quá khứ mà cả về mặt tương lai nữa, và xét một cách biện chứng chứ không phải xét theo quan niệm tầm thường”[6]. V.I.Lênin cho rằng, “chỉ có sự liên kết chặt chẽ nhất của tất cả các lực lượng cách mạng của giai cấp vô sản: 1) mới làm cho giai cấp vô sản trở thành một chiến sĩ tiên phong mở đường tiến tới chủ nghĩa xã hội; 2) mới làm cho giai cấp vô sản có khả năng trở thành lãnh tụ của phái dân chủ Nga trong cuộc đấu tranh chống tất cả những tàn dư của một chế độ nửa phong kiến và chống di sản của chế độ Nga hoàng; 3) mới giúp cho giai cấp vô sản đưa cuộc cách mạng tới đích và giải quyết hoàn toàn các vấn đề: chiến tranh và hòa bình, tịch thu ruộng đất, ngày làm 8 giờ,… việc đoàn kết các lực lượng, rất cần thiết cho giai cấp vô sản”[7].

 

 Trong số các nguồn lực con người cần thu hút vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước tiểu nông, V.I.Lênin nhận thức rõ rằng bên cạnh giai cấp vô sản có “những nông dân sống bằng sức lao động của mình chứ không bằng bóc lột lao động của người khác”[8], từ đó tiếp tục kiên định quan điểm của C.Mác: “Nhiệm vụ của chúng ta đối với tiểu nông, trước hết, sẽ là hướng sản xuất tư nhân và tài sản tư hữu của họ vào con đường làm ăn hợp tác, không phải bằng cách cưỡng bức mà bằng cách nêu gương và bằng cách đề ra biện pháp xã hội giúp đỡ để thực hiện mục đích ấy”[9].

 

V.I.Lênin chia sẻ kinh nghiệm với các dân tộc phương Đông đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa về vai trò của việc tập hợp lực lượng cho xây dựng và bảo vệ xã hội mới: sau khi thắng chủ nghĩa tư bản, những người vô sản đoàn kết với số quần chúng tản mạn gồm hàng triệu nông dân lao động, đã nổi dậy chống ách áp bức thời trung cổ đó và đã thắng ách đó[10]. Bên cạnh đó, V.I.Lênin rất chú trọng việc thu hút và sử dụng các chuyên gia tư sản. Theo V.I.Lênin, những người cộng sản ở nước Nga chưa hiểu rõ nhiệm vụ lãnh đạo thực sự của mình là như thế nào: “không nên “tự mình” làm “tất cả”, làm quá sức mà vẫn không kịp, làm một lúc cả hàng hai chục việc mà không được một việc nào ra trò, mà phải kiểm tra công việc của hàng chục, hàng trăm người phụ giúp, tổ chức kiểm tra công việc của họ từ dưới lên, nghĩa là tổ chức sự kiểm tra của quần chúng chân chính; chỉ đạo công tác và học tập những người có những kiến thức chuyên môn (những chuyên gia) và có kinh nghiệm trong việc tổ chức các xí nghiệp lớn (các nhà tư bản). Một người cộng sản thông minh không sợ phải học tập một chuyên gia quân sự, mặc dầu 9/10 các chuyên gia quân sự đều có thể phản lại chúng ta bất cứ lúc nào. Một người cộng sản thông minh không sợ phải học một nhà tư bản (dầu là học một nhà đại tư bản được tô nhượng, hay một thương gia kinh tiêu, hay một nhà tư bản nhỏ tham gia hợp tác xã, v.v.), tuy rằng nhà tư bản cũng chẳng khác gì anh chuyên gia quân sự”[11].

 

V.I.Lênin tiếp tục kiên định quan điểm của chủ nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội phải dựa trên trình độ phát triển mới nhất của nhân loại, trước hết về kinh tế và những yếu tố có vai trò thúc đẩy phát triển trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể. Những nguồn lực phát triển kinh tế mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra cần được kế thừa và đẩy nhanh phát triển, đặc biệt là các nguồn lực vật chất và con người của quá trình tái sản xuất và phát triển xã hội. Trong điều kiện cụ thể của nước Nga xô viết sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, những nguồn lực đó trước hết bao gồm: (1) “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động”[12]. (2) Nền đại công nghiệp hiện đại kết hợp với “nông nghiệp trên cơ sở áp dụng khoa học một cách có ý thức, trên cơ sở sự liên hợp của lao động tập thể, trên cơ sở phân phối lại dân cư”[13]. V.I.Lênin khẳng định: “Không có kỹ thuật đại tư bản chủ nghĩa được xây dựng trên những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại, không có một tổ chức nhà nước có kế hoạch khiến cho hàng chục triệu người phải tuân theo hết sức nghiêm ngặt một tiêu chuẩn thống nhất trong công việc sản xuất và phân phối sản phẩm, thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được”[14]. (3) Nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, với “hình thức gia đình mới, những điều kiện mới cho địa vị của phụ nữ và cho việc giáo dục những thế hệ trẻ”[15], “nền giáo dục sẽ kết hợp lao động sản xuất với học tập và thể dục cho tất cả các trẻ em trên một hạn tuổi nào đó, nó không phải chỉ là một phương pháp để làm tăng thêm sản xuất xã hội mà còn là một phương pháp duy nhất để tạo ra những con người phát triển toàn diện”ʺ[16]….

 

Kế thừa quan điểm của C.Mác về “động lực thực sự của lịch sử là cuộc đấu tranh cách mạng của các giai cấp”[17], V.I.Lênin khẳng định: “Chỉ có quần chúng, tức là giai cấp vô sản lôi cuốn giai cấp nông dân đi theo họ, mới là động lực giải quyết mâu thuẫn”[18] trong cách mạng vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, động lực trí tuệ và tinh thần của sự chuyển biến xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội xã hội chủ nghĩa, lực lượng thể chất thi hành sự chuyển biến đó, là “giai cấp vô sản, giai cấp đã được bản thân chủ nghĩa tư bản rèn luyện”[19]. Trên cơ sở đó, V.I.Lênin đã có những sáng tạo trong việc xác định động lực cách mạng gắn với bối cảnh cụ thể: “Chúng ta đã xác định một cách hoàn toàn đúng những động lực của cách mạng… Trước đây, phong trào quần chúng chỉ bao gồm có giai cấp vô sản và nông dân mà thôi… Nhưng hiện nay tình hình đã khác đi rồi. Cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa đã chia rẽ giai cấp tư sản châu Âu, và kết quả là… Chúng ta có đồng minh, đó chẳng những là giai cấp tư sản Nga, mà cả các nhà tư bản Anh ‐ Pháp nữa”[20]. Trong lĩnh vực kinh tế V.I.Lênin cho rằng có thể biến tô nhượng “thành động lực đem lại cho chúng ta một thắng lợi nhanh chóng hơn trong cuộc chiến tranh kinh tế sắp tới”[21]

 

3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nguồn lực, động lực phát triển đất nước

 Để thực hiện mục tiêu cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, cần phải có lực lượng nhất định. Lực lượng đó phải là toàn thể nhân dân, trong đó đặc biệt là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, bao gồm giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt mục ích đó, thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”[22]. “Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Muốn ăn quả thì phải trồng cây. Muốn có quả ngon thì phải ra sức săn sóc cho cây tốt. Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì nhân dân ta phải nâng cao tinh thần làm chủ. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của người chủ: cn kim xây dng nưc nhà, y dng ch nghĩa xã hi”[23]. Bác cũng chỉ rõ: “Làm chủ sao cho ra làm chủ, không phải làm chủ là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm. Làm chủ nghĩa là phải làm sao cho… sản xuất được nhiều”[24]. Nguồn lực và động lực xây dựng CNXH ở Việt Nam theo Hồ Chủ tịch rất đa dạng, trong đó, “người lao động là vốn quý nhất”[25]. “Miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng. Rừng vàng, biển bạc là của ta, do nhân dân ta làm chủ. Đồng bào ta đoàn kết, siêng năng. Đảng ta kiên quyết, Chính phủ ta trong sạch, Đảng và Chính phủ một lòng vì nước, vì dân”[26].

 

 

4. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguồn lực, động lực phát triển đất nước

Trước khi đổi mới kinh tế ở Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam có trình độ thấp, vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong bối cảnh bao vây, cấm vận, các nguồn lực phát triển kinh tế chủ yếu được nhìn nhận theo hình thức hiện vật. Kể từ khi đổi mới, với sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nguồn lực được hiểu theo nghĩa rộng hơn, bao gồm vốn, tài nguyên thiên nhiên, lao động, khoa học công nghệ. Đảng ta đã có nhận thức rõ ràng, thống nhất về các nguồn lực, vai trò của các nguồn lực và tương tác giữa các nguồn lực này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là từ khi thực hiện đổi mới đến nay.

 

Đặc biệt, trong các nguồn lực phát triển quan trọng, Đảng ta luôn nhấn mạnh vào việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực, khẳng định mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là “vì con người, do con người”. Báo cáo chính trị tại Đại hội IX khẳng định “nguồn lực con người là yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 được thông qua tại Đại hội XI cũng nêu rõ: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng (2016), các nguồn lực cơ bản và quan trọng tiếp tục được đề cập trọng tâm trong định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: “nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững”[27]. “Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”[28].

 

Quá trình đổi mới nhận thức tư duy về nguồn lực và động lực phát triển đất nước gắn liền với sự đổi mới tư duy về quản lý kinh tế. Việc vận dụng kinh tế thị trường vào quá trình sản xuất, trao đổi và tiêu dùng đã tạo ra động lực lớn lao cho phát triển kinh tế - xã hội. Ở giai đoạn đầu đổi mới, cơ chế kế hoạch hoá mặc dù vẫn còn là cơ chế quản lý chủ đạo nhưng Đảng đã nhận thấy cơ chế này cần được đổi mới về cả nội dung và phương pháp, trong đó: “phải vận dụng đúng đắn và rộng rãi quan hệ hàng hoá - tiền tệ, quan hệ thị trường trong công tác kế hoạch hoá.”[29] Kể từ Đại hội VII, nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đã được xác nhận một cách dứt khoát là “Nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác”. Vai trò của thị trường và vai trò của nhà nước trong phân bổ nguồn lực cũng được phân định: “Thị trường trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn lĩnh vực hoạt động, mặt hàng, quy mô, công nghệ và hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong môi trường hợp tác và cạnh tranh”. Nhà nước thực hiện vai trò quản lý vĩ mô và cũng là một chủ thể quản lý, phân bổ nguồn lực nhà nước cho sự phát triển. Cụ thể: Nhà nước “Tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Dẫn dắt và hỗ trợ những nỗ lực phát triển thông qua kế hoạch và các chính sách kinh tế, sử dụng có trọng điểm các nguồn tài lực tập trung và lực lượng dự trữ; Quản lý và kiểm soát việc sử dụng tài sản quốc gia nhằm bảo tồn và phát triển các tài sản đó, trong đó có bộ phận tài sản giao cho kinh tế quốc doanh”.

 

 

Những bước tiến mới trong nhận thức của Đảng về động lực phát triển dựa vào thị trường tiếp tục được thể hiện qua các kỳ Đại hội VIII, IX và X. Đó là nhận thức về vai trò của cơ chế thị trường trong giải phóng sức sản xuất xã hội, về sự cần thiết của việc hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất để phân bổ có hiệu quả các nguồn lực quan trọng này và vai trò của nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường. Đại hội VIII khẳng định “Thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh”. Đại hội IX nhấn mạnh sự cần thiết “Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt quan tâm các thị trường quan trọng nhưng hiện chưa có hoặc còn sơ khai như: thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ”. Đại hội lần thứ IX của Đảng yêu cầu phải: Đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ mọi trở ngại về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để huy động tối da mọi nguồn lực, tạo sức bật mới cho phát triển sản xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau. Mọi doanh nghiệp, mọi công dân được đầu tư kinh doanh theo các hình thức do luật định và được pháp luật bảo vệ. Mọi tổ chức kinh doanh theo các hình thức sở hữu khác nhau hoặc đan xen hỗn hợp đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác cạnh tranh bình đẳng và là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[30] Đại hội X và XI xác định rõ hơn các chức năng cơ bản của nhà nước là: “Định hướng sự phát triển bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường… Tạo môi trường pháp lý và cơ chế, chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực của xã hội cho phát triển… Hạn chế các rủi ro và tác động tiêu cực của cơ chế thị trường”. Bước chuyển biến căn bản về tư duy điều hành nền kinh tế của nhà nước và nhận thức của xã hội về vai trò của cơ chế thị trường trong phân bổ các nguồn lực phát triển được thể hiện ở Đại hội XII khi lần đầu tiên, Đảng khẳng định một cách chính thức trong văn kiện: “thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”[31]. Kết luận của Hội nghị trung ương 4 khoá XII về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo nghị quyết Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh: “huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường”[32]. Để làm được việc này cần: “đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện 3 đột phá chiến lược. Theo đó, tăng cường đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Phát triển đồng bộ và lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường bất động sản…”[33]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 5/2017) Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã viết: “Thực hiện bình đẳng trong tiếp cận các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực công, mua sắm và đầu tư công. Tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước; kiểm soát, ngăn chặn, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp. Hoàn thiện thể chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường vào những ngành, lĩnh vực và địa bàn đạt hiệu quả cao, có tác động lan tỏa”.[34] Nghị quyết số 39-NQ/TW, khoá XII, tiếp tục khẳng định: áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển.

 

Đánh giá thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Đại hội XIII của Đảng nhận định “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch. Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”[35]. “Văn hoá chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”[36]. “Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt”[37]. “chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển”[38].

 

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng rút ra bài học kinh nghiệm: “phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa”[39], “đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ; phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”[40].

Đánh giá thành tựu 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”[41]. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII đã nêu ra quan điểm chỉ đạo: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”[42].

 

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 nêu rõ, phải “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. (2) Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[43].

 

Đảng khẳng định, phải “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[44]; “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”[45]; “Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đa dạng hoá hình thức đầu tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng”[46]; “Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường”[47]; “Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hoá, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực”[48]; “Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực”[49]; “Tăng cường đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân”[50]; “Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước”[51]; “Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hoá”[52]; “đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội”[53]; “Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hoá các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là với lao động khu vực phi chính thức. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”[54]; “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên đưa lao động kỹ thuật có tay nghề đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, an toàn và tiếp tục phát huy nguồn lực này sau khi về nước trên cơ sở bảo đảm cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trong nước”[55].

 

Như vậy, Cùng với tiến trình đổi mới, chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó, đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức về nguồn lực, động lực và việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, tạo dựng các động lực phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh những nguồn lực thể hiện dưới hình thái hiện vật với vai trò là những yếu tố cơ bản quan trọng hàng đầu của nền sản xuất xã hội nói chung, đã hình thành và có vai trò ngày càng lớn các nguồn lực mới từ các lĩnh vực ngoài kinh tế và các nguồn lực từ sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những động lực cơ bản phản ánh những lợi ích của các giai cấp, giai tầng, nhóm xã hội, đã hình thành những động lực mới với sự chuyển hóa từ các nguồn lực có vai trò thúc đẩy phát triển trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể của từng giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc./.

 
PGS.TS Đoàn Xuân Thủy*


* Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương

[1] Xem: C.Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, Hà Nội,1995, t.4, tr.399

[2] C.Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, Hà Nội,1995, t.4, tr.605

[3] Xem: C.Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, Hà Nội,1995, t.4, tr.614-615

[4] C.Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, Hà Nội, 1995, t.22, tr.736

[5] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 26, tr.86-87

[6] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 26, tr.90-91

[7] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 32, tr.145

[8] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 36, tr.499

[9] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 26, tr.90

[10] Xem: V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 39, tr.372

[11] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 43, tr.293

[12] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 38, tr.430

[13] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 26, tr.87

[14] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 43, tr.253

[15] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 26, tr.87

[16] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 26, tr.88

[17] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 13, tr.334

[18] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 21, tr.34

[19] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 26, tr.86-87

[20] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, Tập 31, tr.295-296

[21] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 42, tr.95

[22]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H., 2011, Tập 13, tr.387

[23]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H., 2011, Tập 13, tr.293.

[24]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H., 2011, Tập 13, tr.387.

[25]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H., 2011, tập 11, tr.591

[26]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H., 2011, tập 9, tr.504

[27]Báo cáo chính trị của BCHTW khoá XI trình bày tại Đại hội XII của Đảng, tr. 30, truy cập tại http://baochinhphu.vn/Dua-Nghi-quyet-Dai-hoi-XII-cua-Dang-vao-cuoc-song/Cong-bo-van-kien-Dai-hoi-XII-cua-Dang/250536.vgp

[28] Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Tài liệu đã dẫn, tr 22

[29] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986

[30] Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, HN, năm 2005-trang 721

[31] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 103.

[32] Đảng Cộng sản Việt Nam, Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ tư khoá XII, http://dantri.com.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-4-khoa-xii-20161014154916592.htm, trang 4.

[33] Kết luận của Hội nghị trung ương 4, khoá XII. Tài liệu đã dẫn, trang 4.

[34] Báo Hà Nội mới ngày 5/6/2017.

[35] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.80.

[36] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.84.

[37] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.88.

[38] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.94.

[39] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.97.

[40] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.98.

[41] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.103-104.

[42] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.110-111.

[43] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.114-115.

[44] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.120-121.

[45] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.121.

[46] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.127.

[47] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.129.

[48] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.131.

[49] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.133.

[50] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.141.

[51] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.141-142.

[52] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.146.

[53] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.148.

[54] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.148-149.

[55] ĐCSVN: Văn kiện đại hội lần thứ XIII, Nxb CTQG, H., 2021, tr.149-150.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết