Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tổ chức hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa

Ngày phát hành: 10/05/2023 Lượt xem 5788

 

Vấn đề tổ chức của cách mạng xã hội chủ nghĩa được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin rất quan tâm vì: “Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là sự tổ chức[1], nhưng: “...lĩnh vực trọng yếu nhất và khó khăn nhất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tức là nhiệm vụ tổ chức[2]. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm (1917-1922), với vai trò là người đứng đầu Đảng Cộng sản (b) Nga cầm quyền lãnh đạo xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, V.I.Lênin hết sức quan tâm đến việc xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Xô viết và để lại những chỉ dẫn quan trọng. Có thể khái quát lại một số quan điểm nổi bật của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề này như sau:

 

1. Tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen về hệ thống chính trị XHCN

 

          Do điều kiện lịch sử, lúc sinh thời của C.Mác và Ph.Ăngghen, giai cấp vô sản chưa giành chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở một quốc gia- dân tộc, nên C.Mác và Ph.Ăngghen chưa đi sâu nghiên cứu về vấn đề xây dựng mô hình tổ chức hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các sự kiện lịch sử và những bước tiến ban đầu cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã để lại những tư tưởng có tính định hướng quan trọng về vấn đề xây dựng mô hình tổ chức hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.

  - Hệ thống chính trị mới phải bảo đảm giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản….: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản (bằng bạo lực cách mạng) giành lấy chính quyền”[3], thiết lập hệ thống tổ chức chuyên chính vô sản.

  - Hệ thống chính trị mới phải bảo đảm giai cấp vô sản giành lấy dân chủ, loại bỏ đặc quyền. Ông đã khẳng định hình thức tổ chức của chuyên chính vô sản là “sự cai quản nhân dân do chính nhân dân đảm nhiệm” để phục vụ cho lợi ích của mình.

   - Hệ thống chính trị mới là hệ thống chuyên chính vô sản bảo đảm trấn áp kẻ địch của mình. C.Mác khẳng định hình thức tổ chức của chuyên chính vô sản là để phục vụ cho lợi ích kinh tế của GCVS. Tuy nhiên, ông vẫn chú ý đến hệ thống bạo lực để trấn áp kẻ thù[4]. Ph.Ăngghen cũng cho rằng:“…chừng nào mà giai cấp vô sản còn cần đến nhà nước, thì như thế tuyệt nhiên không phải vì tự do, mà để trấn áp kẻ địch của mình”[5].

 

 

2. Quan điểm của V.I.Lênin về mô hình tổ chức hệ thống chính trị XHCN  

 

Sau khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, V.I.Lê-nin đặc biệt quan tâm đến xây dựng tổ chức HTCT của chế độ mới và để lại những chỉ dẫn có giá trị thời sự đến ngày nay:

 

- Xây dựng mô hình tổ chức hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là việc hệ trọng, cấp thiết, nhưng rất khó khăn. V.I.Lê-nin chỉ rõ rằng lĩnh vực trọng yếu nhất và khó khăn nhất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ tổ chức: “chính ở chỗ này, ở chỗ làm nhiệm vụ quan trọng nhất và khó khăn nhất này, mà chúng ta đã gặp nhiều thất bại nhất và mắc nhiều sai lầm nhất[6]. Người đã thẳng thắn chỉ ra:“Thế là đã năm năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công[7], vì: “…bộ máy nhà nư­ớc của chúng ta, trong một mức độ rất lớn, vẫn còn là một tàn dư­ của thời trư­ớc,... Bộ máy ấy chỉ mới đư­ợc tô điểm sơ qua bên ngoài; ngoài ra, nó vẫn là điển hình thật sự của bộ máy nhà n­ước cũ ở ta”[8].

 

Trong báo cáo đọc tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, Lênin nêu rõ rằng Chính phủ Nga có 18 bộ thì ít nhất là 15 bộ quá kém, không thể tìm đâu ra một vị bộ trưởng tốt. Về các ban thuộc Hội đồng Bộ trưởng thì nhiều vô hạn nhưng không rõ trách nhiệm: “Đến thánh cũng không biết đâu mà lần trong các ban đó, không làm thế nào mà tìm ra được người chịu trách nhiệm cả; mọi cái đều rối tung và cuối cùng, người ta đưa ra một nghị quyết trong đó tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm[9].

 

- Xây dựng tổ chức HTCT mới phải giải quyết đúng mối quan hệ giữa Đảng với các cơ quan chính quyền; chấn chỉnh bộ máy, tổ chức và nhân sự; chấn chỉnh thói ba hoa, dối trá, nói mà không làm. V.I.Lê-nin yêu cầu phải khắc phục ngay tình trạng cán bộ chỉ “nói những lời rỗng tuếch, những lời ba hoa... chạy ngược, chạy xuôi tíu tít... cải tổ các cơ quan và lập ra các cơ quan mới[10]. Sau hơn 4 năm trở thành đảng cầm quyền, tháng 3-1922, là người đứng đầu Đảng đồng thời là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dân ủy, Lênin, đã thẳng thắn: “Cần phải thừa nhận, và không nên sợ phải thừa nhận rằng trong 100 trường hợp thì có đến 99 trường hợp là những người cộng sản phụ trách không được sử dụng đúng theo khả năng của họ; họ không biết tiến hành công việc của họ...”[11]. Do đó, vấn đề căn bản là hãy có một cơ chế tổ chức biết “…chọn những người xứng đáng và phải kiểm tra việc chấp hành thực tiễn[12].

 V.I.Lê-nin đã thừa nhận: “Giữa Đảng và các cơ quan xô-viết, hiện đã có những quan hệ không đúng... Đó cũng là lỗi lớn của tôi[13]. Lênin đã cho rằng Bộ Chính trị nên tập trung vào ba việc hệ trọng nhất: (1) là công tác giáo dục chính trị, không nên ôm đồm, giải quyết công việc thay cho cơ quan nhà nước mà “phải chú ý nhiều hơn nữa đến kiểm tra tình hình chấp hành”[14]; (2) là cần phải tập trung vào tinh giảm bộ máy, không nên và không thể để một bộ máy quá cồng kềnh; (3) là “mấu chốt và thực chất của tình hình chính trị hiện nay đặt trọng tâm vào việc lựa chọn người, vào việc kiểm tra sự chấp hành công tác thực tế”[15].

 

- Hoàn toàn có thể kết hợp một số cơ quan đảng với cơ quan nhà nước. Tất nhiên, Đảng không phải là Nhà nước. Đảng là một tổ chức giữ vai trò lãnh đạo chính trị, Nhà nước là trụ cột của HTCT, là tổ chức duy nhất nắm trong tay cả ba nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do đó cần suy nghĩ kỹ xem: “Làm thế nào có thể kết hợp được một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền xô viết?” V.I.Lênin cho rằng muốn trả lời đúng câu hỏi đó thì phải tìm về thực tiễn, lấy thực tiễn để khẳng định đúng sai. Người viết: “Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế?[16]. Người viết: “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi hoài nghi đối với điểm đó đều phát ra từ những xó xỉnh bụi bặm nhất của bộ máy nhà nước chúng ta và những hoài nghi ấy chỉ đáng có một điều là, đem ra mà chế giễu[17]. Sau gần hai năm thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, V.I.Lênin nhận thấy trong điều kiện chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất, cần thiết và có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền vì việc này sẽ có ích cho cả hai cơ quan đó. 

 

- Các tổ chức chính trị-xã hội được tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả, thiết thực. V.I.Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai lầm của một số ủy viên Bộ Chính trị lúc đó như Trốtxki, Bukharin đòi nhà nước hóa công đoàn hay đòi công đoàn độc lập hoàn toàn. V.I.Lênin khẳng định các tổ chức công đoàn hay Đoàn thanh niên phải được tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả, thiết thực. Những chỉ dẫn của V.I.Lênin cho chúng ta những gợi ý rất quí về đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội trong tình trạng các tổ chức này bị hành chính hóa hiện nay.

 

- Cần xây dựng cơ quan kiểm tra mạnh để kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng. Từ ngày 22 đến ngày 25-9-1920, Hội nghị lần thứ IX toàn Nga của Đảng Cộng sản (B) Nga họp ở Mát-xcơ-va. Trong bài phát biểu về những nhiệm vụ trước mắt của công tác xây dựng Đảng, V.I.Lênin chính thức đề nghị Ban Chấp hành Trung ương và đại hội sắp tới của Đảng phê chuẩn việc: “Thừa nhận sự cần thiết phải thành lập Ban Kiểm tra...” có “một địa vị độc lập hơn Bộ Tổ chức và do đại hội bầu ra”(15), và “chỉ chịu trách nhiệm trước đại hội đảng mà thôi(16) với các lý do chính:

 

- Thứ nhất, V.I.Lênin nhận định: “Ban Chấp hành Trung ương chúng ta đã trở thành một cơ quan tập trung rất chặt chẽ và có một uy tín to lớn, nhưng công tác của cơ quan ấy lại không được đặt vào trong những điều kiện tương xứng với uy tín đó”(12). Vì vậy, với việc thiết lập Ban Kiểm tra song song với Ban Chấp hành Trung ương sẽ tạo ra được “điều kiện tương xứng” ấy (kiểm soát quyền uy to lớn ấy-G), để giúp các ủy viên trung ương thực hiện tốt hơn công việc của mình, phòng ngừa những hiện tượng không lành mạnh trong công tác.

 

- Thứ hai, với nhãn quan chính trị cực kỳ sắc sảo, V.I.Lênin thấy rõ dù nước Liên bang Cộng hòa Xô-viết mới ra đời chưa lâu, nhưng bọn quan liêu - một “thứ đồ cũ bỏ đi”- đang tồn tại không những trong các cơ quan xô-viết mà cả trong các cơ quan đảng nữa(13). Với việc thiết lập Ban Kiểm tra song song với Ban Chấp hành Trung ương, nó sẽ đủ sức cùng với cơ quan thanh tra công nông, “tiến hành những cuộc lục soát trong đống đồ cũ bỏ đi ấy(14), để loại bỏ những kẻ quan liêu, lạm quyền trong bộ máy đảng và nhà nước.

 

Theo đề nghị của V.I. Lênin về thành lập cơ quan kiểm tra của Đảng, Đại hội X của Đảng Cộng sản (B) Nga (tháng 3-1921) đã bầu Ban Kiểm tra Trung ương gồm 7 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Đại hội giao cho Ban Kiểm tra nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, bệnh địa vị, chống việc lạm dụng địa vị công tác và địa vị đảng của các đảng viên, chống phá hoại những quan hệ đồng chí trong nội bộ Đảng(22).

 

- Điều kiện để cải tổ bộ máy, xây dựng tổ chức của hệ thống chính trị mới: Theo V.I.Lênin, trước hết phải học tập[18]; thứ hai là phải dùng khoa học tổ chức, quản lý.  V.I.Lênin yêu cầu “Mở ngay một cuộc thi soạn hai cuốn sách giáo khoa, hoặc nhiều hơn nữa, viết về tổ chức công tác nói chung, và đặc biệt là về công tác quản lý”; phải “Cử một vài ng­ười có năng lực và tận tâm sang Đức hay sang Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề[19].

- “Thà ít mà tốt”. V.I.Lênin chỉ ra phương châm xây dựng tổ chức mới: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt. Phải tuân theo quy tắc này: thà mất hai năm hay thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo đ­ược một nhân liệu tốt[i]. Cách tiến hành cải tổ bộ máy nhà nước phải được tiến hành vững chắc; thận trọng; tránh lề mề, kém hiệu quả, nhưng phải có trọng điểm.

 

 V.I. Lênin chỉ rõ: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ[ii], nhưng Người lưu ý: “Về mặt này, không thể giải quyết được bằng một hành động liều lĩnh, hay một cuộc xung phong, bằng sự táo bạo hay bằng nghị lực, hoặc nói chung, bằng bất cứ một trong những đức tính tốt đẹp nhất nào của con người[iii]. Muốn xây dựng tổ chức nhà nước có thể đạt được trình độ mong muốn thì phải tôn trọng quy tắc “chỉ hành động khi đã suy nghĩ chín chắn” thận trọng và “am hiểu cặn kẽ”, phải đi những bước vững chắc chứ không thể hấp tấp, vội vàng.

 

PGS,TS Nguyễn Văn Giang

Hội đồng lý luận Trung ương



[1]  V.I.Lênin toàn tập, tập 8, Nxb.Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, tr.490

[2] V.I.Lê-nin toàn tập, t.36, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr.203.

[3]  C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.615.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.461.

[5] Sđd, t.19, tr.46.

[6] Lênin, toàn tập, t.44. Nxb Tiến bộ, M 1978, tr 186.

[7] Lênin, toàn tập, t.44. Nxb Tiến bộ, M 1978, tr  tr.445

[8] Sđd, tr.435

[9] Sđd, t.45, tr. 138.

[10] Sđd, t.44, tr. 132.

[11] Sđd, t.45, tr. 139.

[12] Sđd, t.45, tr. 134.

[13] Sđd, t.45, tr. 136.

[14]Sđd, t.45, tr. 137.

[15] Sđd, t.45, tr. 139.

[16] Sđd, t.45, tr.452.

[17] Sđd, t.45, tr.453.

[18] Lênin, toàn tập, t.45. Nxb Tiến bộ, M 1978, tr.444

[19] Lênin, toàn tập, t.45. Nxb Tiến bộ, M 1978, tr.509.



[i] Sđd, tr.445

[ii] Sđd, tr.442,443.

[iii] Sđd, tr.444.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết