Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Ngày phát hành: 03/05/2023 Lượt xem 1133

         

 

Từ năm 1975 đến nay, Đất nước bước vào một giai đoạn phát triển với những điều kiện trong nước và quốc tế mới có nhiều thuận lợi cùng với khó khăn, thử thách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn toàn diện, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn vừa qua bởi các học giả trong và ngoài nước. Bài viết đúc kết một số bài học kinh nghiệm từ quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn 50 năm qua.

 

1. Những thành tựu

a. Về nông nghiệp

Trong 50 năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có những thay đổi to lớn.

Nông nghiệp từ sản xuất tự cung tự cấp là chính đã chuyển sang một nền nông nghiệp hàng hóa có khả năng cạnh tranh khá cao. Từ chỗ sản xuất không đủ lương thực, thực phẩm, phải nhập khẩu, nước ta đã chuyển sang đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, có dư để xuất khẩu với số lượng lớn. Năm 1975, sản lượng lúa khoảng 10,3 triệu tấn [8] cho gần 47 triệu người. Năm 2021, dân số tăng gấp 2 lần nhưng sản lượng lúa đã là 43,85 triệu tấn, tăng gấp 4,3 lần. Bước vào những năm đầu thực hiện kế hoạch giai đoạn 1976-1980 thiếu hụt lương thực ở mức 2 triệu tấn năm, phải nhập khẩu để bù đắp [4]. Năm 2021, xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD. Sản xuất đủ lương thực, mà nòng cốt là lúa gạo,  góp phần quan trọng để ổn định đời sống nhân dân.

 

Sản lượng nhiều loại nông sản khác cũng tăng mạnh. Từ chỗ chưa có vị trí đáng kể, nước ta đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản trên thị trường thế giới.

 

Năm 1980, sản lượng cà phê của nước ta mới có 36 nghìn tấn, cao su 41 nghìn tấn, hồ tiêu 0,5 nghìn tấn. Năm 2021 tương ứng là: cà phê - 1845 nghìn tấn (tăng 51 lần); cao su 1272 nghì tấn (tăng 31 lần); hồ tiêu 288 nghìn (tăng 576 lần). Trở thành nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất về hồ tiêu, thứ 2 về cà phê và cao su.

 

Ngành thủy sản đã có bước tiến vượt bậc. Đến năm 1980, tổng sản lượng thủy sản giảm so với năm 1975 từ 607 nghìn tấn xuống còn 377 nghìn tấn [10], chủ yếu là đánh bắt trên biển. Năm 2021, tổng sản lượng đạt 8793 nghìn tấn (tăng 23 lần), trong đó khai thác 3937 nghìn tấn; nuôi trồng đạt 4855 nghìn tấn, cao hơn sản lượng đánh bắt. Nước ta trở thành nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất về các tra và tôm sú. 

 

Ngành chăn nuôi tuy chưa xuất khẩu lớn, nhưng sản lượng nhiều loài vật nuôi tăng mạnh. So với năm 1980, đàn gia cầm tăng 8,1 lần lên 526 triệu con vào năm 2021; đàn lợn tăng 2,4 lần lên 23,5 triệu con; đàn bò tăng 3,8 lần lên 6,37 triệu con. Ngành chăn nuôi bò sữa tăng mạnh, cung cấp sản phẩm đa dạng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Ngành lâm nghiệp đã ngăn chặn được đà suy giảm cả về diện tích và trữ lượng rừng. Năm 1990, độ che phủ rừng giảm xuống chỉ còn 27,2%. Năm 2021 đã tăng trở lại đạt 42%. Ngành còn cung cấp số lượng lớn gỗ và lâm sản khác cho chế biến xuất khẩu để nước ta trở thành một trung tâm về chế biến đồ gỗ xuất khẩu của thế giới.

 

Sau thời kỳ khó khăn 1975-1987, nông nghiệp nước ta đã liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 1988-2021 là 3,66%/năm so với mức trung bình thế giới khoảng 2%. Tăng trưởng nông nghiệp góp phần không nhỏ duy trì tăng trưởng chung của nền kinh tế. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia, có năm chiếm tới 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53 tỷ USD, chiếm 14,2 % tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước[1]

 

b. Về nông dân

Trong thời gian qua, tỷ lệ dân cư nông thôn ngày càng giảm nhưng số lượng tuyệt đối liên tục tăng. Năm 1975, có 37,3 triệu người chiếm 79,4%. Năm 2021, tương ứng là 61,9 triệu người và 62,9%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm dần từ khoảng 66% đầu những năm 1980 đến năm 2021 là 29,1%. Tuy vậy, số lượng tuyệt đối liên tục tăng, đạt mức cao nhất vào năm 2014 là 24,4 triệu người, sau đó giảm nhanh, đến năm 2021 còn 14,262 triệu người. Số liệu cho thấy, nông nghiệp đã là lĩnh vực tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế trong khi công nghiệp chưa phát triển.

 

Xu hướng hiện nay là số lao động nông nghiệp tiếp tục giảm theo hình thức chuyển hẳn sang làm nghề phi nông nghiệp hoặc làm kết hợp nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Số lượng lao động giảm nhưng tỷ lệ đào tạo và trang bị kỹ thuật tăng nên năng suất lao động tăng nhanh.

Thu nhập và đời sống của đa số nông dân được cải thiện rõ rệt. Năm 1975 thu nhập của gia đình xã viên nông nghiệp là 18,6 đồng [9] (tương đương khoảng 6,5 USD/người/tháng); năm 1993 thu nhập của hộ gia đình nông thôn 94,44 nghìn đồng/người/tháng (tương đương khoảng 9 USD). Năm 2021 thu nhập bình quân hộ nông thôn là 3,486 triệu đồng/người/tháng (tương đương 148 USD, tăng 23 lần so với năm 1975, 16 lần so với năm 1993).

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ gần 60% (theo chuẩn quốc tế) năm 1990 xuống còn 4,4% (năm 2021, theo tiếp cận đa chiều), trong đó khoảng 90% hộ nghèo sinh sống ở nông thôn.

 

 

C. Về nông thôn

Hầu hết các vùng nông thôn đã có chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2010). Bộ mặt nông thôn khang trang hơn.

 

Về thủy lợi, năm 1976 diện tích lúa được tưới bằng các công trình thủy lợi là 3,25/5,30 triệu ha (61,3% diện tích gieo trồng), năm 2021 là 7,26/7,68 triệu ha (95%). Ngoài lúa, các hệ thống thủy lợi còn cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686 nghìn ha, 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; đảm bảo kiểm soát mặn 1 triệu ha; tiêu thoát nước cho 1,72 triệu ha [11].

 

Về đường giao thông, năm 1994, 87,9% xã có đường đến UBND xã. Tới năm 2020, 99,2% xã có đường trục được trải nhựa hoặc bê tông; 96,3% thôn có đường ô tô tới xã.

 

Về điện năm 1994, 49,3% xã có trạm biến thế. Năm 2021, 100% xã và 99% thôn, 99,45% hộ nông thôn có điện.

Số hộ nông thôn có nhà ở kiên cố năm 1993 là 8,9%, năm 2020 là 50,8%.

 

Năm 2020, hơn 90% trường tiểu học, trung học cơ sở được kiên cố hóa; 76% xã có nhà văn hóa; 75% xã có tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

 

Ở nông thôn năm 2020 có 16,88 triệu hộ, trong đó 9,108 triệu hộ nông, lâm, thủy sản (chiếm 53,9%), 20611trang trại, 7418 HTX, 7471 doanh nghiệp nông nghiệp [7].

 

Nhìn chung, điều kiện sống ở các vùng nông thôn đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ gia đình nông thôn có trang bị không thua kém các đô thị.

 

 2. Một số bài học kinh nghiệm

 

Quá trình đổi mới và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phải là một quá trình tiến triển liên tục, mà có những thăng trầm, tới ngày nay vẫn có nhiều tồn tại và phải đối diện với nhiều thách thức.

Nhìn lại quá trình 50 năm qua có thể rút ra một số bài học như sau:

 

(1) Đánh giá đúng vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong chiến lược phát triển của Đất nước

Là một nước nông nghiệp với đa số dân cư sinh sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, Đảng ta đã luôn quan tâm tới phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 [1] nêu: “Phát triển nông lâm ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế xã hội”

 

Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976 [2], Đảng đã xác định nhiệm vụ cơ bản số 1 là: “Tập trung cao độ sức của cả nước, của các ngành các cấp để tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp"

 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, báo cáo “Phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981-1985) và những năm 80” [4] xác định: “Trước hết phải luôn luôn nắm vững nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong 5 năm (1981-1985) và những năm 80 là: Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa...”

 

Đại hội Đảng lần thứ X xác định: “Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn coi trọng đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn...” [6].

Đây là nền tảng quan trọng làm cơ sở cho việc hình thành các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo thực hiện.

 

Tuy vậy, giữa chủ trương và thực hiện có khoảng cách. Trong giai đoạn 1975-1985, việc tổ chức thực hiện đã không sát với chủ trương. Trong giai đoạn này, sản xuất nông nghiệp tăng chậm, không đạt kế hoạch đề ra, đời sống nông dân nói riêng và nhân dân nói chung gặp nhiều khó khăn.

 

Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng [3] đã thẳng thắn nhận định: “Chúng ta đã có khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình cụ thể của đất nước, trong việc xác định mục tiêu và bước đi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 5 năm 1976-1980, trên thực tế đã chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết... Trong 5 năm 1981-1985 đã không nghiêm chỉnh thực hiện những kết luận đúng đắn của Đại hội lần thứ V của Đảng về cụ thể hóa đường lối kinh tế trong chặng đường đầu tiên...”; “Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện”.

 

Chỉ sau Đại hội VI của Đảng, với nhận thức đúng, quyết tâm chính trị cao, cơ chế Đổi mới, nền nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta mới thực sự có sự chuyển biến mạnh mẽ, chứng minh nông nghiệp là bệ đỡ cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội, nhất là trong những giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

 

(2). Giải quyết tốt vấn đề đảm bảo an ninh lương thực là cơ sở quan trọng để ổn định xã hội và phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác

 

Những năm 1975-1988, sản xuất lương thực, thực phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trước hết, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. 

Do phải nhập khẩu khối lượng lớn lương thực, cân đối ngoại tệ căng thẳng.

Do thiếu lương thực, nhiều nơi phải phá rừng để lấy đất trồng cây lương thực, thực phẩm, góp phần làm suy giảm nhanh diện tích rừng.

Do chế độ dinh dưỡng thấp, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em cao; tuổi thọ trung bình người Việt năm 1990 chỉ có 65,3 so với 73,6 hiện nay.

 

Sau khi sản xuất lương thực tăng mạnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu với số lượng lớn, an ninh lương thực được đảm bảo vững chắc, đất nước có điều kiện thuận lợi để ổn định xã hội, đi vào phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa và công nghiệp hóa.

 

Một phần lớn diện tích đất nông nghiệp, thậm chí đất lúa, có thể chuyển sang trồng cây khác, nuôi trồng thủy sản, làm công nghiệp...Nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường hội nhập quốc tế hướng tới giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Đảm bảo an ninh lương thực đã làm giảm sức ép vào rừng, tạo điều kiện phục hồi và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

(3). Nông dân là chủ thể và là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn

 

 

Cơ chế kế hoạch hóa tập trung với mô hình các hợp tác xã và nông lâm trường kiểu cũ đã không khuyến khích được sự năng động sáng tạo của nông dân, tạo động lực để họ sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, ngay cả sức lao động của chính mình, huy động nguồn lực để đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Cơ chế mới đã trao đất đai cho nông dân và tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn để họ chủ động sản xuất, kinh doanh; khuyến khích họ sử dụng tối ưu đất đai và các nguồn lực và đầu tư để đạt hiệu quả cao hơn.

Hơn thế, trong phát triển nông thôn, khi nhận thức đúng lợi ích và được hướng dẫn, tổ chức và hỗ trợ, nông dân đã tham gia tích cực và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ chỉ trong thời gian 10 năm.

 

(4) Phát triển nông thôn là cơ sở góp phần để đất nước phát triển hài hòa và bền vững

Nông thôn có kinh tế phát triển, điều kiện sống được cải thiện, tiến gần đến điều kiện của các đô thị, giúp thực hiện trên thực tế chủ trương xây dựng xã hội công bằng, văn minh.

 

Kinh tế nông thôn là một bộ phận lớn của nền kinh tế. Phát triển kinh tế nông thôn góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế quốc dân. Kinh tế nông thôn chủ yếu do các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện nên tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho đa số người dân.

 

Phát triển nông thôn góp phần ổn định xã hội, giảm thiểu căng thẳng xã hội do đói nghèo và sự không bình đẳng trong tạo cơ hội có cuộc sống tốt đẹp cho người dân thuộc mọi tầng lớp, dân tộc và ở mọi nơi trong phạm vi quốc gia, giảm áp lực di cư vào các đô thị với các vấn đề xã hội và môi trường.

 

Phát triển nông thôn theo hướng bền vững là cơ sở quan trọng để đất nước phát triển bền vững.

 

(5) Cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nguồn gốc tạo ra động lực chính cho quá trình phát triển

 

Trước Đổi mới, mặc dù được quan tâm, nông nghiệp phát triển chậm, thậm chí có lúc suy thoái. Nguyên nhân sâu xa là do cơ chế không phù hợp. Cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại nguồn động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển.

 

Cơ chế thị trường được thực hiện thông qua việc xác lập rõ quyền của nông dân đối với đất đai, các tư liệu sản xuất khác và sản phẩm làm ra. Quyền sử dụng ruộng đất được xác lập ngày càng rõ, mở rộng và ổn định hơn. Thị trường vật tư, nông sản và các thị trường khác có liên quan được khơi thông không chỉ trong nước mà cả với quốc tế.

Các thể chế thị trường được thiết lập ngày càng rõ, ổn định hơn. Chi phí tham gia thị trường được giảm thiểu. Các HTX, doanh nghiệp nhà nước được đổi mới để hoạt động có hiệu quả hơn theo cơ chế thị trường. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển, tạo ra mạng lưới các chủ thể thị trường năng động.

 

(6) Vận động quần chúng, phát huy sự ủng hộ và tham gia của toàn xã hội tạo ra sức mạnh to lớn cho quá trình phát triển

 

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực rộng lớn, liên quan tới toàn xã hội mà trực tiếp là đa số người dân sinh sống ở nông thôn. Mặc dù hết sức quan tâm, Nhà nước không thể bao quát và làm thay trên mọi lĩnh vực đời sống nông thôn.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc sử dụng các chính sách tạo động lực, hỗ trợ về tài chính, công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức có tác động mạnh mẽ. Chính nhờ công tác này đã tạo ra trong nông dân và cả xã hội nhận thức đúng, sự ủng hộ, tham gia, đóng góp to lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 2010-2015 người dân đã huy động, đóng góp bằng tiền và hiện vật, nếu kể cả vốn vay chiếm 63,7% tổng số vốn đầu tư của Chương trình xây dựng nông thôn mới; giai đoạn 2016-2019 là 69,4%.

 

Sự tham gia và ủng hộ của người dân còn có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và chính trị. Thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đem lại sự củng cố quan trọng về niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ.

 

3. Quan điểm phát triển trong bối cảnh mới

 

a. Bối cảnh và các xu hướng mới

Trong giai đoạn mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối diện với nhiều cơ hội và thách thức mới. Ở trong nước, xu hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa được đẩy mạnh vừa tạo thuận lợi về thị trường tiêu thụ nông sản, cung cấp vật tư, thiết bị cho nông nghiệp, việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn, nhưng cũng cạnh tranh về đất đai, lao động và nguồn vốn. Xu hướng chung là sẽ chuyển dần lao động và đất đai nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp, giảm dần và già hóa dân cư nông thôn, lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, đất nước đang bước sang giai đoạn thay vì tích lũy từ nông nghiệp để công nghiệp hóa và đô thị hóa, nay có thể lấy công nghiệp để hỗ trợ nông nghiệp, đô thị hỗ trợ nông thôn.

Biến đổi khí hậu gia tăng tác động đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để phát triển bền vững, nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải thích ứng, đồng thời tích cực tham gia giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính. Áp lực gây ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Nhu cầu bảo vệ môi trường sống trong lành ngày càng trở nên cấp thiết. Nông nghiệp, nông thôn phải trở nên thân thiện hơn với môi trường.

 

Trên thế giới, xu hướng toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi sự phát triển của khoa học và công nghệ. Công nghệ số làm cho sự liên lạc xuyên biên giới ngày càng thuận lợi và phát triển, đem lại những thay đổi mạnh mẽ trong mọi mặt đời sống xã hội. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta không thể đứng ngoài quá trình phát triển chung của đất nước và nhân loại.

 

Cạnh tranh quốc tế có thể dẫn đến xung đột vũ trang, bao vây, cấm vận. Các quốc gia cần phải duy trì và nâng cao năng lực tự chủ, khả năng chống chịu trước các biến động trong quan hệ quốc tế, trước hết là đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước. 

 

 b. Quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta trong 20-30 năm tới.

Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu quan điểm, chủ trương, định hướng liên quan. Phân tích nêu trên cho thấy cần chú trọng thực thi  các quan điểm phát triển như sau:

 

1. Thực hiện nghiêm túc trên thực tế quan điểm tiếp tục coi trọng nông nghiệp, nông dân nông thôn trong tiến trình phát triển của đất nước; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hóa, đô thị hóa phải được thực hiện theo cách gắn kết và hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, không làm tổn hại đến nông nghiệp, nông thôn.

 

2.  Củng cố năng lực đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, trước mắt và lâu dài, tránh tư tưởng coi thường đối với sản xuất lương thực, trước hết là lúa gạo. Cẩn trọng trong chuyển đổi đất sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là đất lúa sang sử dụng cho các mục tiêu khác. Nước ta đã mất 15 năm kể từ năm 1975 để đạt được ngưỡng tự cung tự cấp gạo (300 kg lúa/ người). Với tốc độ giảm sản lượng lúa bình quân đầu người như từ năm 2016-2022, nước ta có thể quay trở lại ngưỡng đó trong 15-17 năm tới .

 

3. Nông dân là lực lượng xã hội đông đảo, có vị thế chính trị quan trọng. Đảng phải luôn quan tâm giải quyết các vấn đề của nông dân, đảm bảo lợi ích của nông dân, củng cố niềm tin và sự ủng hộ của nông dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ.

 

4. Phát triển nông thôn là cơ sở góp phần đảm bảo thực hiện chủ trương xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, đất nước phát triển bền vững. Đảng phải chú trọng chỉ đạo tạo cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông thôn, tránh quá tập trung cho đô thị, khu công nghiệp lớn, bỏ rơi nông thôn, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn.

 

5. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo nguồn động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển các thị trường phải đi đôi với giám sát, khắc phục các khiếm khuyết của thị trường để đảm bảo thực hiện đồng thời các mục tiêu kinh tế cũng như xã hội và môi trường. Trong giai đoạn mới chú trọng tạo sự chuyển biến mạnh hơn trong phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ sinh học.

 

6. Đổi mới công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh cộng đồng trong nông dân và nông thôn. Phát huy cao hơn vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể với nòng cốt là các tổ chức đảng trong vận động, hướng dẫn và tổ chức nông dân thực hiện các chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trương, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Năm mươi năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển chung của đất nước. Những thành tựu đó trước hết nhờ chủ trương đúng đắn và cơ chế đổi mới. Bước sang giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức mới, cần tiếp tục phát huy các bài học của giai đoạn vừa qua để đảm bảo cho quá trình phát triển liên tục, hiệu quả và bền vững.

 

TS. Cao Đức Phát

 

Tài liệu tham khảo 

 

1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. tulieuvankien.dangcongsan.vn

2 Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.   tulieuvankien.dangcongsan.vn

3. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. tulieuvankien.dangcongsan.vn

4. Phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trong   5 năm (1981-1985) và những năm 80. tulieuvankien.dangcongsan.vn

5. Báo cáo kế hoạch nhà nước năm 1981. Tulieuvankien.dangcongsan.vn

6. Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT – XH 5 năm 2006 – 2010 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. tulieuvankien.dangcongsan.vn

7. Kết quả điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ năm 2020 của Tổng cục thống kê.

8. Nguyễn Sinh Cúc, Nguyễn Văn Tiêm. Nửa thế kỷ phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam 1945-1995. NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 1996

9. Nguyễn Thị Hương. Những dấu ấn quan trọng về kinh tế - xã hội trong hành trình 75 năm thành lập và phát triển đất nước qua số liệu thống kê. Tạp chí kinh tế và dự báo, số 25/2020.

10. Ngô Anh Tuấn. 53 năm Thủy sản Việt Nam: Không ngừng phát triển, hướng tới tương lai. thuysanvietnam.com.vn

11. Đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu. tongcucthuyloi.gov.vn

 

 

 



[1] Giai đoạn 1976-1980, kim ngạch xuất khẩu cả của nước là 1,5 tỷ rúp, đô la, trong khi nhập khẩu 6,3 tỷ rúp, đô la (theo Báo cáo kế hoạch nhà nước năm 1981) [5].

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết