Chủ Nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024

Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ trí thức thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngày phát hành: 12/11/2023 Lượt xem 400

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963-18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023).

Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

 

Đội ngũ trí thức đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, qua đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ trí thức, nhất là trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước ngày nay. Xuyên suốt lịch sử Việt Nam, đội ngũ trí thức đã có những đóng góp quan trọng, to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và phát triển đất nước.

Đội ngũ trí thức đóng góp quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc

 
Từ xa xưa, giới trí thức, những người học cao hiểu rộng, có chí khí được nhân dân vinh danh là kẻ sĩ. Danh xưng kẻ sĩ, ngoài ý nghĩa đề cao đạo học và nhân tài, còn là sự gửi gắm, hy vọng, đặt ra yêu cầu cao về nhân cách, cốt cách người quân tử, dù cạm bẫy, cám dỗ thế nào cũng phải luôn giữ lòng ngay thẳng, tôn trọng, đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Lịch sử dân tộc qua các thời kỳ đã chứng minh, hiền tài là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Năm 1484, Đông các Đại học sỹ Triều Lê - Thân Nhân Trung - vâng mệnh vua Lê Thánh Tông đã soạn bài ký cho tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, trong đó đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các minh quân không đời nào không coi trọng việc giáo dục nhân tài, tuyển chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia”. Cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) viết: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt/ Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên...”, đại ý: Tước có 5 bậc, sĩ được dự vào bậc nhất; dân có 4 loại, sĩ đứng đầu... Cũng nhờ đó mà đất Việt qua bao đời “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có”. Trong lịch sử dân tộc đã có nhiều tấm gương kẻ sĩ với tinh thần, cốt cách như tùng, như bách, chí khí hiên ngang đã được lịch sử vinh danh muôn đời.
Nhận thức được vai trò to lớn của tầng lớp trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế" (1). Thực tế đã cho thấy trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức của nước nhà đã không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.


Trong những năm 1930-1931, dưới sự kêu gọi của Đảng, trí thức đã đứng về phía cách mạng, hăng hái tham gia các cao trào đấu tranh chống thực dân xâm lược, là một bộ phận trong lực lượng quần chúng cách mạng. Bước sang những năm 1936-1939, đông đảo trí thức tham gia phong trào quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh và trở thành một bộ phận trong Mặt trận Dân tộc thống nhất.


Những năm đầu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được phổ biến rộng rãi và ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của tầng lớp trí thức Việt Nam. Trong quá trình vận động tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, dưới ngọn cờ dẫn đường của Đảng và Mặt trận Việt Minh, trí thức tham gia đấu tranh trên khắp các mặt trận, nhất là mặt trận văn hóa.


Năm 1943, Đảng đưa ra Đề cương về văn hóa Việt Nam, nêu rõ đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Đề cương trở thành “kim chỉ nam” định hướng cho trí thức trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Với sự tuyên truyền và tổ chức của Đảng, dưới sự tập hợp của Hội Văn hóa cứu quốc (thành lập năm 1943) và theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đông đảo thanh niên, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ đã bước vào hàng ngũ cách mạng, tham gia các phong trào do Việt Minh tổ chức, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.


Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trí thức là đội ngũ quan trọng tạo thành lực lượng chính trị rộng lớn, là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng. Đội ngũ trí thức đã góp phần đưa văn hóa trở thành một mặt trận đấu tranh; văn nghệ sĩ đã sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân, chiến sĩ trên các mặt trận, đóng góp trí tuệ và sức lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Nhiều nhân sĩ, trí thức từng tham gia chính quyền cũ, trí thức ở nước ngoài trở về nước đã lên chiến khu, chấp nhận hy sinh, gian khổ, tận tâm cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc” (2); “Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến” (3).


Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, trí thức miền Bắc hòa mình cùng các giai tầng xã hội khác thực hiện đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa; từng bước cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, đại đa số trí thức giữ vững tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, tham gia các đoàn thể dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đấu tranh chống chính sách cai trị phản động của đế quốc Mỹ và tay sai, bảo vệ lợi ích của quốc gia-dân tộc.


Trong suốt những năm tháng đó, có nhiều trí thức tự nguyện đi theo cách mạng và trở thành những nhà cách mạng lỗi lạc, giữ cương vị cao trong bộ máy của Đảng, Chính phủ, như các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Tố Hữu... Nhiều trí thức, học sinh đã được cử đi học ở nước ngoài để về kiến thiết đất nước. Đồng thời, nhiều trí thức Việt Nam có tài ở nước ngoài, như: Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Phạm Huy Thông, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước... được mời về nước làm việc và có những đóng góp rất quan trọng vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đội ngũ trí thức không chỉ cống hiến sức lực, trí lực, mà còn cả sinh mệnh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đội ngũ trí thức góp phần quyết định trong thực hiện mục tiêu CNH, HĐH đất nước

 
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, đội ngũ trí thức và các hội trí thức Việt Nam không ngừng phát triển về tổ chức, đoàn kết, tập hợp rộng rãi trí thức tham gia.
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho trí thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã có tới 156 hội thành viên (gồm 63 liên hiệp hội ở các địa phương và 93 hội ngành toàn quốc), gần 600 tổ chức khoa học-công nghệ, hình thành một mạng lưới các tổ chức thành viên và trực thuộc rộng khắp cả nước, đa ngành, đa lĩnh vực; tập hợp, thu hút khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước.


Hòa cùng các phong trào thi đua yêu nước của công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước ở tất cả các lĩnh vực.


Trong lĩnh vực chính trị, đội ngũ trí thức nước ta là lực lượng tiên phong trong việc nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn để cung cấp những luận cứ khoa học khách quan, đề xuất hệ thống lý luận khoa học sát thực, tham mưu định hướng chiến lược cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định con đường phát triển đất nước ở tầm vĩ mô cũng như ở từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời, trực tiếp tham gia phản biện, đóng góp ý kiến về từng chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển đất nước.


Ở lĩnh vực kinh tế, đội ngũ trí thức là bộ phận cơ bản của nguồn nhân lực chất lượng cao, là lực lượng sản xuất trực tiếp quyết định khả năng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng và phát triển kinh tế, là nhân tố nòng cốt quyết định trình độ, tốc độ phát triển và nội lực của nền kinh tế đất nước hiện nay. Đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chuyển giao công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của các ngành kinh tế, giúp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Trong lĩnh vực văn hóa, đội ngũ trí thức là lực lượng có vai trò chủ đạo trong việc sáng tạo ra các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, góp phần làm cho nền văn hóa nước nhà ngày càng hiện đại, phong phú và tiến bộ, cũng như quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và tiếp thu, truyền bá những tinh hoa văn hóa nhân loại vào Việt Nam.


Trong lĩnh vực xã hội, trí thức là lực lượng cơ bản trong thực hiện giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, không chỉ là giáo dục trình độ chuyên môn, kiến thức, mà còn đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng; không chỉ đào tạo trong nước, mà còn đào tạo ở nước ngoài.


Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng từ 4,42% (năm 2008) lên 7,92% (năm 2022). Số cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 10,07% (năm 2008) lên 26,05% (năm 2022); trình độ thạc sĩ tăng từ 45,4% (năm 2008) lên 61,4% (năm 2022). Thông qua các đề án và chương trình học bổng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, hơn 5.200 du học sinh công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở những quốc gia có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Hungary, Liên bang Nga, Trung Quốc...


Qua đó, lực lượng lao động Việt Nam ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng trí thức, trọng dụng nhân tài

 
Trong quá trình phát triển đất nước, công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài luôn được coi là một trong những chính sách trọng tâm của Đảng và Nhà nước.


Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VIII (tháng 12/1996), Đảng ta đã khẳng định: "Thực sự coi giáo dục-đào tạo, là quốc sách hàng đầu." Đến năm 2008, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước - Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công tác trí thức, ra đời đã thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức, nhân tài.


Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đều khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ trí thức và xác định rõ trách nhiệm, lộ trình, bước đi trong việc xây dựng đội ngũ trí thức có đủ tâm và tầm, tham gia hiệu quả vào công cuộc đổi mới.


Đại hội XIII của Đảng khi xác định các đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo (tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045), đã nhấn mạnh nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao và yêu cầu cần có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.


Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa qua, thảo luận tại Hội trường về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, các vị Ủy viên Trung ương Đảng đã thống nhất với dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức, nhất trí tầm quan trọng của việc ban hành một Nghị quyết mới, đồng thời đưa ra ý kiến nhằm xây dựng một đội ngũ trí thức đáp ứng các yêu cầu về phát triển đất nước trong tình hình mới, cũng như trong bối cảnh toàn cầu hóa.


Trong định hướng giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước…


Do đó, các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lãnh đạo, phát triển đội ngũ trí thức cần được khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học…/.


Minh Duyên (TTXVN)


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 184.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 200.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 72.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết