Chủ Nhật, ngày 25 tháng 05 năm 2025

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Ngày phát hành: 23/05/2025 Lượt xem 98

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam mà còn là nhà tư tưởng lớn với tầm nhìn sâu rộng về tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước. Những quan điểm của Người về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đặc biệt là yêu cầu “tinh gọn, liêm chính, phục vụ Nhân dân” đang tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta kiên định vận dụng trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị hiện nay. 

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy Nhà nước

 
Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò và tính chất của Nhà nước cách mạng - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu Ủy ban soạn thảo), tư tưởng dân chủ được khẳng định rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Theo Người, bộ máy Nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực của Nhân dân, do Nhân dân tổ chức nên và vì lợi ích của Nhân dân mà phục vụ. Chính vì vậy, bộ máy ấy phải thực sự hiệu lực, hiệu quả, “hoạt động không vì quyền lợi của một nhóm người nào, mà vì quyền lợi của toàn dân”.


Người phê phán các biểu hiện của sự trì trệ trong bộ máy hành chính, gọi tên đúng những căn bệnh làm giảm sút hiệu quả hoạt động: “Từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí” (1); “bộ máy cồng kềnh, nhiều giấy tờ, hình thức... từ cấp trên xuống cấp dưới, công việc chậm trễ, nhiều khi không ăn khớp”. (2)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (năm 1956)

 

Không chỉ phê phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề xuất giải pháp cụ thể: “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”. (3)


Cùng với việc tổ chức lại bộ máy, Người đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người: phải chọn những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, “có tài, có đức”, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Người yêu cầu, phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức để nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức; mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hành đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; nêu cao tấm gương “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nền hành chính dân chủ, khoa học, trong sạch và phụng sự Nhân dân cũng đi đôi với những lời cảnh báo nghiêm khắc về chủ nghĩa cá nhân - thứ mà Người coi là “giặc nội xâm” sinh ra tệ quan liêu, tham ô, bè phái, cục bộ. Người yêu cầu mọi cán bộ, công chức phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đồng thời nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần tập thể. Không chỉ “chống”, Người còn yêu cầu phải “trừ bỏ, quét sạch, tiêu diệt” chủ nghĩa cá nhân ra khỏi tư tưởng của từng cán bộ thì mới có thể xây dựng bộ máy Nhà nước hiệu lực, hiệu quả.


Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt yêu cầu mọi công dân “từ Chủ tịch nước đến mỗi người dân phải thượng tôn pháp luật”; mọi công dân đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước Hiến pháp và pháp luật. Người nói: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”. (4)

 Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, hoàn thiện bộ máy Nhà nước hiện nay

 

Trong bối cảnh mới của đất nước, những quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy Nhà nước tiếp tục là kim chỉ nam cho các chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Điển hình là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.  Ngoài ra còn có: Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026;  Quy định số 70-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; Quyết định số 73-QĐ/TW về biên chế của các bộ; cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các đơn vị sự nghiệp, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn 2022-2026…


Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30/10/2024, số biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương đã giảm theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người). Cùng với đó, hàng trăm đầu mối tổ chức trung gian đã được sáp nhập, giải thể hoặc điều chỉnh chức năng nhiệm vụ để tránh chồng chéo, trùng lặp.


Từ cuối năm 2024 đến nay, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, đã chỉ đạo tích cực, khẩn trương đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.


Trong quý I/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có 17 bộ, ngành (gồm: 14 bộ và 3 cơ quan ngang Bộ), giảm 5 bộ, ngành so với trước đây. Về tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 519 cục và tổ chức tương đương, giảm 219 vụ và tổ chức tương đương, giảm 3.303 chi cục và tương đương chi cục.
Đối với các địa phương, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, 63 tỉnh và thành phố đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 29%, cùng với 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%).


Cùng với đó, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng như chính quyền địa phương đã giảm rất rõ rệt.


Một trong những bước đi đột phá trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước hiện nay là việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Theo kế hoạch, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2025 để vận hành theo mô hình mới từ ngày 1/7/2025. Quá trình sáp nhập cấp tỉnh sẽ hoàn tất trước ngày 30/8/2025, đảm bảo vận hành từ ngày 1/9/2025. Dự kiến, sau sắp xếp, cả nước giảm từ 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh xuống còn 34 đơn vị (gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM); giảm từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn hơn 3.320 đơn vị.


Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ nhằm giảm số lượng cán bộ và các đầu mối mà còn hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền. Đây là bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.


Cùng với tinh giản biên chế, Chính phủ còn đặc biệt chú trọng đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc tổ chức thi tuyển, đánh giá năng lực, cải tiến cơ chế tiền lương và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng được triển khai đồng bộ, góp phần hình thành đội ngũ công chức chuyên nghiệp, hiện đại, có đạo đức và trách nhiệm công vụ cao. Ngoài ra, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh qua việc xử lý các vụ án tham nhũng và cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao trong việc làm trong sạch bộ máy, đúng như lời dạy của Hồ Chí Minh: “Thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào”.


Không dừng lại ở sắp xếp tổ chức, việc xây dựng bộ máy Nhà nước hiệu lực còn gắn chặt với cải cách hành chính và chuyển đổi số. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2024, 100% bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến và tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, cho thấy bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính của cả nước đạt 48,84%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 39,65%, phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, minh bạch hơn, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về bộ máy Nhà nước không chỉ là giá trị lịch sử mà còn mang tính định hướng chiến lược lâu dài cho sự phát triển của Việt Nam. Việc tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là sự vận dụng sinh động và sáng tạo những nguyên lý quản trị hiện đại kết hợp với giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh – luôn đặt Nhân dân vào vị trí trung tâm. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và yêu cầu phát triển bền vững, việc tiếp tục kiên trì thực hiện cải cách thể chế, xây dựng Nhà nước liêm chính, hiệu lực, hiệu quả chính là cách để hiện thực hóa khát vọng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Theo TTXVN


(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2011, t.13, tr.314
(2): Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr.391
(3): Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr.164
(4): Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.9, tr.258

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết