Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, tư tưởng về vai trò quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là nội dung cơ bản, cốt lõi, là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định tính khoa học, cách mạng tư tưởng của Người. Hiện nay, tư tưởng của Người về vai trò quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới.
Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
_Ảnh: TTXVN
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam
Kế thừa, vận dụng sáng tạo tinh hoa truyền thống tổ chức, xây dựng Quân đội của dân tộc Việt Nam và nhân loại, đặc biệt là học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, trực tiếp là xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm toàn diện, sâu sắc về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông qua những Hiến pháp, Luật, Sắc lệnh, bài nói, bài viết và thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Nhà nước đối với Quân đội, có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam gồm những nội dung cơ bản sau:
Một là, Nhà nước quản lý Quân đội nhân dân Việt Nam là tất yếu khách quan.
Không chỉ khẳng định, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, khi có Nhà nước, trở thành một bộ phận của Nhà nước, Quân đội phải chịu sự quản lý của Nhà nước là tất yếu khách quan. Sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội không làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, mà còn góp phần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội.
Xuất phát từ mối quan hệ giữa Nhà nước với Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung thành và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, trực tiếp là mối quan hệ giữa Nhà nước vô sản với Quân đội vô sản vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam phải đặt dưới sự quản lý của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với Quân đội sẽ tạo nên sự thống nhất giữa quyền lực chính trị và quyền lực xã hội đối với Quân đội. Chức năng, nhiệm vụ của bất cứ Quân đội nào trên thế giới, đều phụ thuộc vào mục đích chính trị của Nhà nước tổ chức ra và nuôi dưỡng nó, không có Quân đội trung lập, đứng ngoài Nhà nước. Do đó, Nhà nước quản lý Quân đội nhân dân Việt Nam là tất yếu khách quan.
Xuất phát từ mục đích tổ chức xây dựng, quản lý Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tổ chức thành lập trước yêu cầu của thực tiễn đấu tranh giành chính quyền và đã làm tròn vai trò là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời tiến hành tổ chức quản lý, xây dựng đất nước, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 71-SL, ngày 22 tháng 5 năm 1946, về việc Quân đội của nước Việt Nam là một quân đội quốc gia. Tiếp đó, trong Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc nhân dịp kỷ niệm lần thứ hai ngày quốc khánh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2 tháng 9 năm 1947, Người viết: “Chính phủ đã do sức mình mà tổ chức nên một Quân đội quốc gia, huấn luyện… hàng triệu dân quân, tự vệ, để giữ gìn Tổ quốc, để chống nạn ngoại xâm”[2]. Điều đó đã thể hiện khẳng định trên thực tế của Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân Việt Nam phải đặt dưới sự quản lý của Nhà nước, phải nhận và thực hiện thắng lợi bất cứ nhiệm vụ gì mà Nhà nước giao cho.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi có Nhà nước, Quân đội trở thành một bộ phận của Nhà nước nên Quân đội phải chịu sự quản lý của Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Quân đội là công cụ bạo lực của Nhà nước, song do nhiệm vụ cách mạng ở mỗi thời kỳ có sự khác nhau nên cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước phải quản lý chặt chẽ, toàn diện thì Quân đội mới hoàn thành được nhiệm vụ Nhà nước giao cho. Trong Bài nói về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của quân đội tại Hội nghị cao cấp toàn quân, ngày 20 tháng 3 năm 1958, trên cương vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh khẳng định: “phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”[3].
Hai là, Nhà nước quản lý mọi mặt, mọi lĩnh vực hoạt động của Quân đội.
Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước quản lý Quân đội toàn diện về tổ chức, biên chế và mọi mặt: Chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật,... Nhà nước quản lý Quân đội trong mọi lĩnh vực hoạt động: Chiến đấu, huấn luyện chiến đấu và xây dựng đơn vị,… Sự quản lý mọi mặt, mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là một nội dung quan trọng trong chức năng quản lý Nhà nước. Theo đó, Quân đội là một bộ phận của Nhà nước nên mọi mặt, mọi lĩnh vực hoạt động của Quân đội phải đặt dưới sự quản lý tập trung của Nhà nước.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước quản lý mọi mặt, mọi lĩnh vực hoạt động của Quân đội được thể hiện trên thực tế cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh luôn trực tiếp quan tâm chỉ đạo xây dựng, quản lý Quân đội toàn diện về mọi mặt: Chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật,... trong mọi lĩnh vực như hoạt động chiến đấu, huấn luyện chiến đấu và xây dựng đơn vị. Về chính trị, Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ”[4]. Về quân sự: “Phải tăng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật”[5]. Về hậu cần: “Phải tăng cường thì mới có thể bảo đảm được sự cung cấp đầy đủ cho chiến tranh và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội”[6]. Về kỹ thuật: “nâng cao chiến thuật và kỹ thuật của bộ đội”[7].
Bằng những công việc thường xuyên của người đứng đầu Nhà nước chỉ đạo Quân đội, đến những lần đi kiểm tra các đơn vị Quân đội và trong Hiến pháp, Luật, Sắc lệnh, bài nói, bài viết đã thể hiện rõ quan điểm Nhà nước quản lý mọi mặt, mọi lĩnh vực hoạt động của Quân đội của Hồ Chí Minh. Ngày 19 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về Dự án Ngân sách lương thực của quân đội; ngày 2 tháng 7 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo của Phó Tổng thanh tra về tình hình quản lý tài chính trong quân đội,... Người đều có sự chỉ đạo rút kinh nghiệm hạn chế, định hướng làm tốt hơn các mặt công tác này. Tháng 3 năm 1948, Người còn gửi thư tới Hội nghị quân y, biểu dương những cố gắng của nam nữ cán bộ quân y và góp một số ý kiến cụ thể về nhiệm vụ người thầy thuốc, về tổ chức quân y trong hoàn cảnh thiếu cán bộ chuyên môn, về phương hướng phát triển của ngành,...
Ba là, biện pháp thực hiện sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội.
Nhà nước quản lý Quân đội bằng hiến pháp, pháp luật và chính sách. Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ban hành hiến pháp, pháp luật và chính sách quy định cụ thể để thực hiện quản lý Quân đội như các chính sách, pháp lệnh về tổ chức, biên chế xây dựng quân đội, về điều lệnh, kỷ luật quản lý bộ đội, quản lý cán bộ quân đội, điều lệnh huấn luyện và các chế độ đối với Quân đội… Thực tế, gần một phần tư thế kỷ trên cương vị Chủ tịch của nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959), đã ký công bố 16 đạo luật, 613 Sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật, trong đó có nội dung về quản lý Nhà nước đối với Quân đội. Chỉ riêng từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1949, Người ký khoảng gần 80 Sắc lệnh quy định về chính sách, tổ chức, bổ nhiệm cán bộ cả về cấp và chức trong Quân đội. Thông qua đó để thực hiện sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội.
Nhà nước quản lý Quân đội bằng điều lệnh quản lý bộ đội và đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp trong Quân đội. Điều lệnh quản lý bộ đội và kỷ luật Quân đội là sự cụ thể hóa của pháp luật Nhà nước, nó quy định những điều cụ thể có tính bắt buộc thi hành đối với mọi tổ chức, cá nhân nhằm đưa mọi hoạt động của Quân đội vào nền nếp chính quy. Do đó, thông qua ban hành và tổ chức duy trì thực hiện Điều lệnh quản lý bộ đội, kỷ luật quân đội là biện pháp quan trọng nhằm duy trì sự quản lý Nhà nước đối với Quân đội. Hồ Chí Minh khẳng định muốn có Quân đội mạnh thì “kỷ luật phải nghiêm minh”[8], Người còn chỉ rõ: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua”[9]. Vì vậy, Người thường xuyên nhắc nhở mỗi quân nhân trong quân đội phải tu dưỡng, rèn luyện kỷ luật quân sự, trên tinh thần tự giác, tự nguyện, nghiêm minh.
Đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp của Quân đội là bộ phận cán bộ của Đảng, Nhà nước công tác trong Quân đội. Họ là người trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, nhiệm vụ Quân đội, “là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận”[10]. Thông qua thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của cán bộ chỉ huy các cấp từ trên xuống dưới sẽ đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với Quân đội. Vì vậy, ngay từ năm 1925, Hồ Chí Minh đã tuyển chọn những người ưu tú nhất trong số thanh niên yêu nước Việt Nam gửi đi học Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu, Trung Quốc), chuẩn bị để khi cần thiết trở về nước xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt cho toàn dân đứng lên giành chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập các trường quân sự để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; lựa chọn nhiều cán bộ ưu tú của Đảng để bổ sung tăng cường cho đội ngũ cán bộ Quân đội và cử nhiều lớp cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài. Người đặc biệt coi trọng việc đào luyện đội ngũ cán bộ các cấp của Quân đội qua thực tiễn chiến đấu ở các đơn vị. Đối với cán bộ chỉ huy, Người yêu cầu: “Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu”[11].
Nhà nước quản lý Quân đội thông qua xây dựng tổ chức, biên chế của Quân đội. Bàn về tổ chức, biên chế của Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật”[12], “nếu không có tổ chức thì không phải một đội quân cách mạng, không thể đánh được”[13], kết cục sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã. Từ đó, Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ vào xây dựng Quân đội cách mạng, Người nêu rõ có tổ chức mạnh mới có con người mạnh. Con người mạnh làm cho tổ chức mạnh, Đảng bộ trong Quân đội làm nòng cốt và hạt nhân lãnh đạo, vừa có hệ thống lãnh đạo, vừa có hệ thống chỉ huy, xác định rõ lãnh đạo là tập thể, chỉ huy là trách nhiệm cá nhân. Đặc biệt, trước yêu cầu phát triển của cách mạng, Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xây dựng tổ chức, biên chế của Quân đội phải theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, đảm bảo cho Quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Người chỉ rõ: “Quân đội ta phải tiến đến chính quy và hiện đại hoá”[14].
Trên thực tế, là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều Sắc lệnh về tổ chức, biên chế để thực hiện sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội như: Sắc lệnh số 71-SL, ngày 22 tháng 5 năm 1946 về việc Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia, trong đó quy định cụ thể tổ chức, biên chế cấp từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn…; Sắc lệnh số 113-SL, ngày 25 tháng 1 năm 1948, quy định tổ chức, nhiệm vụ của Cục Quân huấn trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam; Sắc lệnh số 206-SL, ngày 18 tháng 8 năm 1948 về thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao; Sắc lệnh số 140-SL, ngày 21 tháng 12 năm 1949 sửa đổi Điều 19 và 20 của Sắc lệnh số 71-SL, ngày 22-5-1946 về tổ chức và ấn định quy tắc Quân đội quốc gia Việt Nam; Sắc lệnh số 121-SL, ngày 7 tháng 11 năm 1950, ấn định các cơ quan chức năng của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam; tổ chức và nhiệm vụ của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp.
Nhà nước quản lý Quân đội theo chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ban hành hiến pháp, pháp luật và chính sách quy định cụ thể để thực hiện quản lý Quân đội. Hồ Chí Minh khẳng định mọi hoạt động quản lý Quân đội của Nhà nước không được trái với chủ trương, đường lối của Đảng, mà phải tuân theo đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, là sự cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước để thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với Quân đội, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội theo đúng tinh thần “nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”[15].
2. Nội dung, biện pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình hiện nay
Hiện nay, sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đang đứng trước cả thời cơ, thuận lợi đan xen những nguy cơ, khó khăn. Các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với Quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, từng bước tiến tới vô hiệu hóa, làm mất sức chiến đấu của Quân đội ta. Thực hiện mưu đồ đó, chúng đòi bỏ Điều 65, chương 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”[16]; đòi “phi chính trị hóa” Quân đội; chúng còn xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tạo mối nghi ngờ, hiềm khích, gây ly gián, chia rẽ Quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với Quân đội, chia rẽ Quân đội với các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trước bối cảnh tình hình đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu và đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức nội dung, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội trong tình hình hiện nay. Theo đó, một mặt, cần tập trung nghiên cứu có hệ thống, toàn diện và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tính tất yếu, nội dung và biện pháp quản lý của Nhà nước đối với Quân đội; mặt khác, vừa khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội, vừa tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển và vận dụng tư tưởng đó cho phù hợp với tình hình mới.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tính tất yếu, nội dung, biện pháp và giá trị lý luận, thực tiễn trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội; tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn chủ trương, quan điểm, đường lối, nhất là tư duy mới của Đảng về sự cần thiết phải tăng cường sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất đối với Quân đội nhân dân; qua đó, Đảng và Nhà nước nắm chắc Quân đội, lãnh đạo, quản lý Quân đội hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong mọi hoàn cảnh, phải kiên quyết bảo vệ tính khoa học, cách mạng và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội. Trên cơ sở đó đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động, nhạy bén, sắc sảo và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; tỉnh táo, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp diễn ra trong hoạt động thực tiễn theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, không để kẻ địch lợi dụng.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng đã có bước tiến quan trọng. Nhà nước đã xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quân sự, quốc phòng: Luật Quốc phòng (sửa đổi năm 2018), Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2024), Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Dân quân tự vệ năm 2009 (sửa đổi năm 2019), Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015,... Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nhất là quan điểm Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) về quốc phòng, an ninh và cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013, các nghị quyết chuyên đề khác của Bộ Chính trị, số lượng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về quốc phòng, an ninh được ban hành trong giai đoạn này tăng lên rõ rệt, với khoảng 40 luật, 23 pháp lệnh, 7 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều văn bản luật, dưới luật khác trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh về lĩnh vực quốc phòng, an ninh[17].
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là những vấn đề về an ninh phi truyền thống, đã và đang đặt ra yêu cầu hợp tác quốc tế sâu rộng để giải quyết. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đây là những vấn đề mới, cần được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng như biên giới quốc gia, tác chiến không gian mạng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, phòng thủ dân sự… để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức chỉ huy các cấp trong Quân đội. Đây là một biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với Quân đội. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức chỉ huy các cấp trong các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17 tháng 1 năm 2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2 tháng 4 năm 2022 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh cải tiến phương thức, lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, tạo ra những bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức, biên chế, xây dựng chính quy. Xác định rõ nguyên tắc làm việc và quy chế phối hợp vận hành của bộ máy lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị Quân đội. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về các nhiệm vụ: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; quân sự, quốc phòng; phòng, chống lụt, bão, cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn…
Thứ tư, duy trì nghiêm việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Sinh thời Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của kỷ luật Quân đội, Người khẳng định “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”[18]. Từ vai trò của kỷ luật đối với sức mạnh của Quân đội và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội, các đơn vị trong toàn quân, phải duy trì nghiêm việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trên cơ sở vững mạnh về chính trị.
Thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, yêu cầu chấp hành kỷ luật Quân đội và pháp luật của Nhà nước cho bộ đội. Đổi mới phương thức hoạt động của các mô hình, như: Ngày pháp luật, tổ tư vấn pháp lý, tủ sách pháp luật… ở các đơn vị trong toàn quân. Đổi mới nội dung giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Nội dung giáo dục phải toàn diện, trong đó tập trung giáo dục về tầm quan trọng và sự cần thiết phải chấp hành nghiêm điều lệnh, kỷ luật, pháp luật, xác định quyết tâm, trách nhiệm và ý thức tự giác trong chấp hành cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Điều chỉnh, bổ sung Điều lệnh quản lý bộ đội, các chỉ thị, văn bản về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật. Các cơ quan, đơn vị phải có những chủ trương, giải pháp phù hợp lãnh đạo xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật quân sự, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, ở mọi điều kiện, hoàn cảnh, trong mọi nhiệm vụ.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý bộ đội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Quân đội. Duy trì chặt chẽ, hiệu quả, nền nếp kế hoạch, thời gian làm việc, huấn luyện, công tác, sinh hoạt, thực hiện nghiêm chế độ quản lý quân số theo phân cấp; kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị, địa phương, gia đình tổ chức nắm chắc tư tưởng của bộ đội. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình câu lạc bộ quân nhân; tích cực xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị “xanh, sạch, đẹp”. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nhằm tạo điều kiện cho bộ đội tham gia rèn luyện sức khỏe, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các cơ quan, đơn vị, báo chí, phát thanh, truyền hình trong Quân đội, cần đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả luận điệu xuyên tạc, chống phá, thúc đẩy “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
PGS.TS Cao Văn Trọng[1]
[1] Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, tập 5, tr. 233.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 233.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 29.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 29.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 30.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 29.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 483.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Sđd, tr. 537.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 219.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 236
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 500
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 500
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Sđd, tr. 324.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 249.
[16] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Sđd, tr. 489.