Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Vì sao châu Âu luôn đối mặt với các cuộc khủng hoảng?

Ngày phát hành: 13/12/2018 Lượt xem 3635

 

Những khiếm khuyết về cấu trúc trong Liên minh châu Âu (EU) khiến liên minh này luôn phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng dai dẳng. Nhưng để xử lý được điều này, cần phải có những thay đổi bước ngoặt - điều mà EU vẫn chưa sẵn sàng trong thời điểm hiện nay, mạng Foreign Affairs ngày 10/12 bình luận.

EU đã luôn phải vật lộn để thích ứng với nền chính trị dân chủ của các thành viên. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 1999, với sự ra đời của một liên minh tiền tệ nhưng thiếu một liên minh chính trị và tài chính đi kèm. Đến đầu năm 2011, khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã phát triển từ mối đe dọa thực sự nhưng có thể kiểm soát được sang tình thế nan giải mà EU không có khả năng thoát ra rõ nét. Bị bó chặt trong một liên minh tiền tệ không hiệu quả, EU không thể thích hội nhập hay đè nén dân chủ đối với các thành viên. Hệ quả là sẽ tiếp tục lặp lại tình cảnh như một thập kỉ vừa qua: Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng mà không có giải pháp bền vững.

* Một đế chế châu Âu lụi tàn

Đối đầu giữa Chính phủ Italy với quan chức Eurozone về trần thâm hụt ngân sách của Italy là minh chứng mới nhất cho thấy sự bất lực của EU tromg việc xử lý dân chủ. Hai đảng phái lớn trong chính phủ liên minh ở Italy, đảng Lega và Phong trào Năm sao, đưa ra cam kết về thuế và chi tiêu trong cuộc bầu cử hồi năm 2017. Nhưng hai đảng này không thể thực hiện lời hứa vì nếu làm vậy sẽ khiến thâm hụt ngân sách gia tăng. Điều này sẽ phá vỡ cam kết của chính phủ tiền nhiệm với Hội đồng châu Âu, mâu thuẫn với quy định về tài khóa được nêu bật trong các hiệp định về thành lập Eurozone. Italy phụ thuộc phần lớn vào nguồn tiền vay từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dùng để chi trả các khoản vay và vì thế không thể chống EU. Tuy nhiên, đa phần cử tri Italy sẽ không chấp nhận việc châu Âu kiểm soát nền chính trị nước này. Chính phủ Italy hiện tin rằng gia tăng mức độ phản kháng với EU đồng nghĩa với việc sẽ giành được nhiều phiếu hơn trong các cuộc bầu cử vào tháng Năm tới vào Nghị viện châu Âu.

Có những khiếm khuyết cấu trúc rõ ràng, nhưng các nước thành viên EU lại không thể đồng thuận về điểm bất ổn chứ chưa nói đến giải pháp xử lý. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra những đề xuất về cải cách Eurozone như một nhu cầu thực tế để giúp khối có được sức mạnh đối chọi với cuộc khủng hoảng kế tiếp. Nhưng việc ông khẳng định giải pháp này là điều không thể thiếu lại được dựa trên một giả định sai lầm, cho rằng đã có sự đồng thuận về những điểm nghẽn cần giải quyết. Ví dụ, ông Macron muốn có một ngân sách Eurozone quy mô, mà chắc chắn sẽ phải có phần đóng góp từ những người đóng thuế ở Bắc Âu và Trung Âu. Nhưng những nước này sẽ không chấp nhận. Trước đó, một vài nước đã thành lập liên minh hồi đầu năm - Liên đoàn Hanseatic Mới (the New Hanseatic League), gồm Estonia, Phần Lan, Ireland, Latvia, Litva và Hà Lan (cùng hai thành viên khác không thuộc khu vực Eurozone là Đan Mạch và Thụy Điển). Số này muốn kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn ngân sách quốc gia - điều sẽ khiến các nước Nam Âu, thậm chí là cả Pháp, gặp khó khăn. Xung khắc này chỉ được giải quyết trừng nào mà một bên hay một nhóm nước giải thích rõ cho cử tri trong nước rằng do Eurozone bao gồm các nước với các nền kinh tế khác nhau, nên nếu chấp nhận là thành viên đồng nghĩa với việc gánh vác trách nhiệm chính trị lớn hơn các nước khác.

* Châu Âu không còn hiệu quả

Rạn nứt lớn của EU- Brexit, khởi nguồn từ những vấn đề khiếm khuyết cấu trúc, từng đưa tới nhiệm kỳ một thắng lợi cho chính quyền của David Cameron ở Anh. Khi khủng hoảng Eurozone nổ ra vào năm 2011, những mâu thuẫn căn bản trong Eurozone bộc lộ rõ qua trường hợp của Anh, với sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa ECB và Ngân hàng Trung ương Anh. Cách tiếp cận thắt chặt của ECB đẩy eurozone vào suy thoái, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh giúp kinh tế Anh củng cố đà hồi phục từ sau khủng hoảng tài chính. Anh sau đó trở thành điểm đến của những người không tìm được việc làm tại những nước Nam Âu, nơi có tỉ lệ thất nghiệp ở mức rất cao. Nền chính trị dân chủ Anh đã phải đón nhận hệ quả. Kết cục là EU đã phải tiến hành trưng cầu dân ý mà phần lớn chủ đề xoay vào các câu hỏi liên quan đến vấn đề người di cư.

Mất cân bằng cấu trúc lại càng trầm trọng hơn khi khủng hoảng Eurozone tạo ra sự dịch chuyển quyền lực chính trị trong nội bộ EU. Vị thế của Đức dưới góc độ là nhà cung cấp tín dụng chủ chốt cho các khoản vay dành cho những thành viên Eurozone đã giúp Berlin gia tăng ảnh hưởng trong EU. Trong nhiều năm, chính trị EU dường như là những vấn đề như: chờ đợi xem bà Merkel sẽ làm gì? Liệu bà có đẩy Hy Lạp ra khỏi Eurozone hay không? Bà có chào đón những người nhập cư và tị nạn hay sẽ đàm phán với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan để giữ số người này ở lại Thổ Nhĩ Kỳ?...

 

Hai nhân tố - tập chung quyền lực trong tay Merkel và xung đột cấu trúc trong liên minh đa tiền tệ của EU- đã tạo ra lực hích áp chót giúp cho những người ủng hộ chiến dịch rời khỏi EU giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Nỗ lực yểu mệnh của Cameron về tái đàm phán vị trí của Anh trong EU trước chiến dịch trưng cầu bắt đầu đụng chạm đến chủ quyền của Anh khi vẫn là một phần của liên minh. Cameron đặt cược hy vọng vào ảnh hưởng của Merkel. Nhưng EU đã không thể hội nhập các vấn đề nội bộ của Anh. Tất cả những gì Thủ tướng Anh đưa ra trước công chúng chỉ là màn thể hiện hoàn hảo về những hạn chế của quyền lực chính trị Anh trong liên minh. Ông Cameron từng hỏi thẳng bà Merkel về việc EU muốn quan hệ với Anh như thế nào. Nhưng EU đã không thể đáp lại nguy cơ ly khai của Anh, bởi liên minh này, theo hoàn cảnh thực tế, không thể giảm tỉ lệ thất nghiệp ở Nam Âu; còn theo điều khoản hiến pháp cũng lại không thể cho phép Anh đặt ra giới hạn về những nguyên tắc nền tảng hiệp ước bảo đảm tự do đi lại cho tất cả các công dân EU.

* Brexit một lần nữa chia cắt EU

Dù EU thống nhất trước Brexit, nhưng viễn cảnh Anh rời bỏ EU đã là một phần nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của Liên đoàn Hanseatic mới, khi nó thúc đẩy các quốc gia từng liên minh với Anh về luật hóa thị trường chung chuyển sang một liên minh với hai quốc gia không phải là thành viên của Eurozone là Đan Mạch và Thụy Điển. Nhóm mới này chỉ tạo ra những khó khăn chính trị cho EU. Khi Macron nhậm chức vào năm 2017, điểm mấu chốt trong nền chính trị Eurozone chính là việc liệu Đức sẽ nhượng bộ ở mức nào để tái tạo lập trục đối tác đầu tàu Pháp-Đức. Giờ EU lại có thêm một nhân tố được tổ chức chặt chẽ, có quyền phủ quyết là Liên đoàn Hanseatic mới.

Một cách để Eurozone có thể chấm dứt các cuộc khủng hoảng mãn tính là lập ra một liên minh tài khóa có đủ khả năng đáp trả các diễn tiến chính trị dân chủ. Nhưng EU sẽ không có đủ hậu thuẫn của công chúng trong nội khối về việc phải hy sinh chủ quyền trong ngân sách quốc gia cũng như chia sẻ gánh nặng nợ nần mà một liên minh như vậy sẽ đưa ra. Rõ nhất, khủng hoảng Eurozone đã cho thấy EU hiện không đủ thực lực về mặt chính trị để tiến hành các thay đổi mà sẽ phải cần xem xét lại các hiệp ước của khối. Nhưng EU cũng không thể đi theo cách ngược lại - chuyển giao bớt quyền lực cho các chính phủ quốc gia để tái tạo lập thích ứng dân chủ tại chính những nước này. Muốn làm vậy, EU cũng sẽ phải có những thay đổi cơ bản về hiệp ước mà sẽ rất khó đạt được nếu không có đồng thuận chính trị.

 Theo (TTXVN tại New York)

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết