Tàu làm hàng tại Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép
1. Cơ sở và các yêu cầu (nguyên tắc) xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Đại hội XII của Đảng xác định “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa mang đầy đủ các đặc điểm đặc trưng chung, phổ quát của kinh tế thị trường thế giới ở trình độ phát triển hiện đại hiện nay; vừa có những đặc trưng định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở để xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cần phải: (1) Nghiên cứu sâu sắc nền kinh tế thị trường, các lý thuyết về kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới và nghiên cứu về tiêu chí nền kinh tế thị trường của một số nước kinh tế phát triển và tổ chức quốc tế; (2) đồng thời, phải bám sát, quán triệt các quan điểm của Đảng về những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế đất nước ta hiện nay.
a- Nghiên cứu về về kinh tế thị trường hiện đại (tiêu biểu là ở các nước G.7) và các lý thuyết về kinh tế thị trường trên thế giới, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù hiện nay có nhiều lý thuyết về nền kinh tế thị trường và có nhiều mô hình kinh tế thị trường[1], nhưng tất cả đều thống nhất về những đặc trưng chung, thuộc bản chất, những giá trị cốt lõi của nền kinh tế thị trường hiện đại là:
+ Đa dạng sở hữu (nền tảng là sở hữu tư nhân), quyền sở hữu, quyền tài sản được bảo vệ;
+ Tự do kinh doanh, các chủ thể kinh tế tự chủ, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng;
+ Giá cả hàng hóa, dịch vụ do thị trường quyết định, có hệ thống thị trường phát triển;
+ Các quy luật của thị trường, như quy luật giá trị, cung cầu, cạnh tranh, lưu thông tiền tệ điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, điều tiết lưu thông hàng hòa, quyết định phân bổ các nguồn lực. Lợi nhuận là động lực thúc đẩy phát triển;
+ Là nền kinh tế mở;
+ Nhà nước tạo khung khổ pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu, ổn định kinh tế vĩ mô, can thiệp hạn chế vào hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Các nền kinh tế thị trường hiện đại đều là những nền kinh tế hỗn hợp vừa có vai trò của thị trường, vừa có vai trò của nhà nước. Tuy nhiên, mức độ và phương thức, mục đích can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thị trường ở các nước khác nhau, tạo nên những mô hình kinh tế thị trường khác nhau.
- Nghiên cứu, phân tích tiêu chí nền kinh tế thị trường do một số nước, tổ chức quốc tế nêu ra (như EU, Mỹ, của WTO, của The Wall Street Journal và The Heritage Foundation)[2], nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đánh giá:
+ Các tiêu chí do EU, Mỹ đưa ra là để đánh giá nền kinh tế các nước khác, nhất là các nền kinh tế chuyển đổi (Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ), xem có đáp ứng yêu cầu là nền kinh tế thị trường chưa để có cách ứng xử, áp dụng các chính sách phù hợp với các nước này. Các tiêu chí tập trung vào yêu cầu bảo đảm tự do kinh doanh, vai trò của thị trường; giảm bớt vai trò của nhà nước trong việc xác định giá cả, phân bổ nguồn lực, can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực, có hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, tôn trọng quyền sở hữu, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp bằng chính sách thương mại, tài chính, tiền tệ… Trong tiêu chí còn có cả “các yếu tố khác” để Mỹ, EU có thể đối xử khác nhau với các nước khác nhau, tùy thuộc mục tiêu, quan điểm chủ quan của mình.
+ Đối với các tiêu chí kinh tế thị trường của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), và các chỉ số tự do kinh tế do The Wall Street Journal và The Heritage Foundation công bố, cần phải thấy rằng: WTO là một định chế quốc tế điều chỉnh và thúc đẩy phát triển thương mại toàn cầu, nên tiêu chí WTO đưa ra chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại, xóa bỏ những rào cản tự do thương mại, những phân biệt đối xử, cản trở cạnh tranh lành mạnh, thiếu công khai, minh bạch trong chính sách, sử dụng hàng rào thuế quan, phí thuế quan, chính sách trợ giá, độc quyền…, mà không có tiêu chí về các lĩnh vực khác của nền kinh tế thị trường. Còn các chỉ số tự do kinh tế do The Wall Street Journal và The Heritage Foundation công bố hằng năm chỉ tập trung thể hiện một đặc trưng là tự do kinh tế; đây là đặc trưng rất quan trọng của kinh tế thị trường, nhưng đó chưa phải là đầy đủ những tiêu chí của nền kinh tế thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nghiên cứu những đặc trưng của các nền kinh tế thị trường tiêu biểu trên thế giới và các tiêu chí nền kinh tế thị trường do các nước, tổ chức quốc tế đưa ra là rất quan trọng và cần thiết khi xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta để nền kinh tế thị trường nước ta trở thành nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, không phải theo quan điểm, tiêu chí riêng của Việt Nam, mà theo tiêu chí chung của thế giới. Một số ý kiến còn cho rằng, việc nghiên cứu đặc trưng của nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới ngày nay còn có giá trị đối với việc xác định những yếu tố đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường nước ta bởi nhiều mầm mống của chủ nghĩa xã hội cũng nảy sinh từ trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại.
b- Bám sát, quán triệt những quan điểm của Đảng về những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trình độ phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay, một số ý kiến cho rằng những yếu tố đặc trưng của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và những yếu tố đặc trưng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường nước ta không tách rời nhau mà gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo nên kết cấu và cơ chế vận hành, động lực và cơ chế điều tiết hoạt động của nền kinh tế, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, bao trùm (cả về kinh tế, xã hội, môi trường) vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các đặc trưng đó không được mâu thuẫn với nhau, cản trở nhau; các đặc trưng định hướng xã hội chủ nghĩa phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế đất nước hiện nay.
Từ các quan điểm của Đảng đến Đại hội XII và Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, nhiều ý kiến cho rằng, những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng là:
- Có nhiều hình thức sở hữu, quyền sở hữu, quyền tài sản được bảo vệ;nhiều thành phần kinh tế; trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
- Tự do kinh doanh; các chủ thể, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hợp tác, cạnh tranh bình đẳng.
- Vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong xác định giá cả và phân bổ các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất, điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém.
Nhà nước xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; sử dụng các công cụ chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực của Nhà nước để định hướng, điều tiết kinh tế; làm tốt vai trò kiến tạo, phát triển. Đồng thời, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn lực của Nhà nước được phân bổ, sử dụng theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với cơ chế thị trường.
- Phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
- Là nền kinh tế mở, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới.
Với những đặc trưng này, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa có những yếu tố cơ bản của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vừa có những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.
- Nhưng, có một số ý kiến cho rằng, quyền sở hữu, quyền tài sản đối với một số đối tượng (đất đai, tài nguyên, sản phẩm trí tuệ…), quyền tự do kinh doanh đối với một số lĩnh vực vẫn còn chưa được xác định rõ và nhất là chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trong thực tế. Vai trò của cơ chế thị trường chưa được phát huy đầy đủ. Vai trò của Nhà nước còn lớn, còn lấn lướt, làm thay vai trò, chức năng của thị trường (trong xác định giá cả, phân bổ nguồn lực, can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp…). Cơ chế phân phối thể hiện trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), trong Văn kiện Đại hội XII và cả trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[3] thực chất là phân phối theo cơ chế thị trương có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, trong đó có hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, vì vậy, cần diễn đạt lại cho gọn và chính xác hơn.
Một số ý kiến nêu vấn đề trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thì có mâu thuẫn với nhau không; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì kinh tế thị trường nước ta có phải là nền kinh tế thị trường hiện đại như phổ biến trên thế giới hiện nay không (kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới nền tảng là kinh tế tư nhân). Đây là những vấn đề cần phải tiếp tục được làm rõ.
c- Những yêu cầu (hay nguyên tắc) xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
- Các tiêu chí được xác định phải có tính khoa học cao, có căn cứ khoa học, thuyết phục. Tiêu chí thể hiện đặc trưng của nền kinh tế thị trường hiện đại phải tương thích với tiêu chí kinh tế thị trường ở các nước phát triển hiện nay, phải có tính thời đại. Tiêu chí định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện tính đặc thù của kinh tế thị trường Việt Nam, nhưng không mâu thuẫn, cản trở, triệt tiêu những tác động tích cực của các yếu tố thị trường. Tiêu chuẩn đánh giá tính khoa học của các tiêu chí là nền kinh tế thị trường theo các tiêu chí đó phải giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững theo hướng trở thành nước công nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế thành công; đời sống vật chất, tinh thần, quyền làm chủ của nhân dân không ngừng được nâng lên; môi trường sinh thái được bảo vệ; thực hiện được mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Các tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải có tính thực tiễn cao, sát thực tiễn đất nước, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế đất nước hiện nay. Các tiêu chí phải trực tiếp góp phần vào tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và nhân dân ta về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành, các địa phương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phải góp phần vào việc vận động, thuyết phục các nước công nhận kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường.
- Các tiêu chí cần mang tính định hướng, động và mở để phù hợp với đối tượng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta luôn vận động, phát triển phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới.
- Số lượng các tiêu chí không quá nhiều. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các tiêu chí nêu ra cũng chỉ 05 - 06 nội dung (hay 05 - 06 tiêu chí) một cách rõ ràng, cụ thể. Tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta cần tập trung vào những đặc trưng về quan hệ sở hữu, về quan hệ quản lý và cơ chế vận hành, về quan hệ phân phối, về hội nhập kinh tế quốc tế và về việc gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh để đất nước phát triển bền vững, bao trùm.
- Một số ý kiến đề nghị các tiêu chí cần có khả năng đo lường, đánh giá được bằng các phương pháp phân tích định tính, định lượng (hay một tiêu chí định tính cần được cụ thể hóa bằng một số chỉ tiêu định lượng).
2. Đề xuất cụ thể về các tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Trong các bài viết gửi đến hội thảo và ý kiến phát biểu tại cuộc hội thảo, có nhiều đề xuất về các tiêu chí của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta hiện nay, ít là 2 tiêu chí, nhiều là 5 tiêu chí; có tác giả đưa ra 17 chỉ số cụ thể. Cụ thể là:
- Có tác giả đề xuất 2 tiêu chí của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay là: (1) Là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và (2) là nền kinh tế thị trường do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tác giả cho rằng 2 tiêu chí như vậy là đủ để thể hiện đặc trưng của nền kinh tế thị trường nước ta, vì thế nào là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế thì hiện nay trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu và khi nền kinh tế thị trường do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh dạo thì tất yếu là định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Có tác giả đề xuất 2 nhóm tiêu chí là: (1) nhóm tiêu chí kinh tế thị trường, trong đó có một số tiêu chí cụ thể, như: hình thành đầy đủ, đồng bộ các loại thị trường còn các yếu tố thị trường, nhất là giá cả phải do thị trường quyết định; (2) nhóm tiêu chí định hướng xã hội chủ nghĩa, gồm các tiêu chí: có chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, có thể chế chính trị để vận hành nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tác giả này còn đề xuất một hướng tiếp cận khác để xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ mục tiêu đưa nước ta thành một nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tác giả đề xuất 2 nhóm tiêu chí: (1) nhóm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, gồm các tiêu chí: số lượng và chất lượng tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động; thu nhập bình quân đầu người; (2) nhóm tiêu chí “dân chủ, công bằng, văn minh”, gồm các tiêu chí: Đảng Cộng sản lãnh đạo; Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền làm chủ của nhân dân; công bằng trong tiếp cận cơ hội phát triển và phân phối sản phẩm; trình độ học vấn, mức sống, điều kiện sống của người dân.
- Tác giả khác đề xuất 2 tiêu chí của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là: (1) Hiệu quả và (2) Công bằng và tiến bộ xã hội. Tác giả cho rằng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế phải có hiệu quả và định hướng xã hội chủ nghĩa càng phải có hiệu quả. Còn công bằng và tiến bộ xã hội là những đặc trưng tiêu biểu cho định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.
- Có tác giả đề xuất 3 nhóm tiêu chí của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay là: (1) Là nền kinh tế thị trường hiện đại; (2) Là nền kinh tế thị trường văn minh và (3) Là nền kinh tế thị trường nhân bản (vì con người). Tác giả cho rằng tiêu chí là nền kinh tế thị trường trường hiện đại phản ánh trình độ, định hướng phát triển của nền kinh tế thị trường, bao gồm hiện đại về công nghệ và hiện đại về thể chế kinh tế. Tiêu chí là nền kinh tế thị trường văn minh thể hiện định hướng và trình độ phát triển văn minh - văn hóa của nền kinh tế, như đòi hỏi phải có môi trường phát triển minh bạch và trong sạch, phát triển xanh, bền vững. Tiêu chí là nền kinh tế thị trường nhân bản (vì con người) thể hiện tính chất và mục đích nhân văn của sự phát triển kinh tế; trong đó có các yêu cầu như mức sống, chỉ số phát triển con người (HDI), các quyền con người (quyền tài sản, quyền tiếp cận thông tin, quyền bầu cử, ứng cử…).
- Có tác giả đề xuất 4 tiêu chí của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay là: (1) Là nền của nền kinh tế thị trường đa sở hữu (bao gồm sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội); (2) Nền kinh tế được điều tiết bằng nhà nước pháp quyền; (3) Chế tài điều tiết các hoạt động kinh tế là chế độ hợp đồng; (4) Tính định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện trước hết ở việc nhà nước pháp quyền sử dụng các nguồn lực, công cụ điều tiết chính sách phân phối để bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
- Có tác giả đề xuất 5 tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là: (1) Đa sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế có quyền tự chủ, tự do kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; (2) Kinh tế hỗn hợp, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong xác định giá cả, phân bổ các nguồn lực, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp. Nhà nước, với sự tham gia của các tổ chức xã hội, xây dựng thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô; sử dụng các công cụ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để điều tiết thị trường, thúc đẩy và định hướng phát triển của nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm (cả kinh tế, xã hội và môi trường); (3) Cơ chế phân phối là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế; đồng thời theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác và phân phối quan hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; (4) Có lực lượng sản xuất hiện đại; có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao; (5) Là nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế, có quan hệ thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, lao động, khoa học - công nghệ, tham gia vào phân công, hợp tác quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu.
- Có tác giả đưa ra 17 chỉ số (đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) là: (1) Chỉ số tự do kinh tế; (2) Chỉ số thuận lợi trong kinh doanh; (3) Quy mô của Chính phủ; (4) Chỉ số nhận thức về tham nhũng; (5) Độ mở thương mại; (6) Độ mở tài chính; (7) Tỷ trọng của FDI so với tổng đầu tư toàn xã hội; (8) Tỷ trọng của FDI so với GDP; (9) Tỷ trọng kiều hối so với GDP; (10) Chỉ số hộ chiếu; (11) Chỉ số sẵn sàng kết nối; (12) Chỉ số chuỗi giá trị sản phẩm; (13) Chỉ số kinh tế tri thức; (14) Hệ số GINI; (15) Hệ số co dãn của đói nghèo với mở cửa thương mại; (16) Hệ số co dãn của bất bình đẳng với mở cửa thương mại; (17) Chỉ số chất lượng môi trường. Tác giả cho rằng các chỉ số này có thể tính được và nhiều nước cũng đã tính các chỉ số này.
Mục đích của Hội thảo là đi đến xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Tuy nhiên, là Hội thảo đầu tiên được tổ chức về chủ đề này, nhiều bài viết gửi đến tham gia hội thảo tiếp tục phân tích về các đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chưa đề xuất các tiêu chí cụ thể. Một số bài viết và ý kiến phát biểu tại hội thảo đề xuất các tiêu chí về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn đơn giản (như chỉ đề xuất tiêu chí hiệu quả và công bằng, tiến bộ xã hội; hay tiêu chí là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và do Đảng Cộng sản lãnh đạo…). Một số bài viết và ý kiến phát biểu đề xuất một số tiêu chí nhưng không bám sát các đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định trong các văn kiện của Đảng (như đề xuất tiêu chí là kinh tế thị trường văn minh, kinh tế thị trường nhân văn, kinh tế theo chế độ hợp đồng…). Có bài viết bám sát các đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nêu trong các Văn kiện Đảng để xác định các tiêu chí, nhưng các tiêu chí chưa cụ thể hóa hơn các đặc trưng. Chưa có bài viết và ý kiến nào đưa ra được tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước vào năm 2030, khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và vào năm 2045, khi nước ta trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chắt lọc, tiếp thu những kết quả của hội thảo, bước đầu, chúng tôi đề xuất phương án về xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gồm có:
- Kinh tế đa sở hữu, nhiều thành phần. Quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh được tôn trọng, bảo vệ. Doanh nghiệp mọi thành phần tự chủ, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật, công khai, minh bạch. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
- Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thị trường đóng vai trò chủ yếu xác định giá cả, phân bổ nguồn lực, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp. Nhà nước xây dựng thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiến tạo phát triển bền vững, bao trùm cả kinh tế, xã hội, môi trường.
- Phân phối theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác, đồng thời qua hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
- Có lực lượng sản xuất phát triển cao, hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao (theo tiêu chí của các nước công nghiệp hiện đại)
- Nền kinh tế hội nhập quốc tế, có quan hệ thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, lao động, khoa học công nghệ với các nước; tham gia vào phân công, hợp tác kinh tế quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu; các thị trường trong nước kết nối với thị trường thế giới.
Các tiêu chí trong cả phương án trên là những đặc trưng lớn, chưa được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu định tính hay định lượng cụ thể hơn để dễ dàng, thuận lợi cho việc đánh giá và phân biệt trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường ở các thời kỳ khác nhau (như đến năm 2030 hay 2045)[4]. Đây là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu hơn nữa./.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo
[1] Các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới: kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi, kinh tế thị trường nhà nước phát triển.
[2] - 5 tiêu chí kinh tế thị trường của EU: (1) Mức độ ảnh hưởng của chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp; (2) Nhà nước không can thiệp quá mức hoạt động của doanh nghiệp khu vực tư nhân hóa; (3) Luật doanh nghiệp minh bạch, không phân biệt đối xử; (4) Một hệ thống luật thống nhất, hiệu quả, minh bạch, tôn trọng quyền sở hữu tài sản và quy chế phá sản; (5) Có khu vực tài chính độc lập với nhà nước.
- 6 tiêu chí nền kinh tế thị trường của Bộ Thương mại Mỹ: (1) Khả năng chuyển đổi đồng tiền; (2) Tự do thỏa thuận mức lương; (3) Đầu tư nước ngoài; (4) Sở hữu hoặc quản lý của nhà nước đối với các ngành sản xuất; (5) Quản lý của nhà nước đối với sự phân bổ các nguồn lực; (6) Các yếu tố khác.
- 5 tiêu chí kinh tế thị trường của WTO: (1) Thương mại không phân biệt đối xử; (2) Thương mại ngày càng tự do hơn; (3) bảo đảm tính minh bạch, dễ dự đoán trong chính sách thương mại; (4) thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; (5) thúc đẩy phát triển và cam kết cải cách kinh tế theo hướng thị trường.
- 12 chỉ số tự do kinh tế của The Wall Street Journal và The Heritage Foundtion: (1) Quyền tư hữu; (2) Chính phủ liêm chính; (3) Hiệu quả tư pháp; (4) gánh nặng thuế; (5) chi tiêu Chính phủ; (6) tình hình tài khóa; (7) tự do kinh doanh; (8) tự do lao động; (9) tự do tiền tệ; (10) tự do thương mại; (11) tự do đầu tư; (12) tự do tài chính.
[3] Trong các văn kiện trên đều xác định “phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”.
[4] Ví dụ như: để tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, ngoài pháp luật công khai, minh bạch, cần có Chính phủ liêm chính, nền tư pháp có hiệu quả; để phát huy vai trò của thị trường trong xác định giá cả, phân bố nguồn lực, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp cần phải có tự do lưu thông hàng hóa, tự do tài chính, tiền tệ, lao động… Để phân biệt các trình độ phát triển cần có các chỉ tiêu về GDP, về GDP bình quân đầu người…