Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Góp bàn về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay

Ngày phát hành: 19/11/2018 Lượt xem 4161


Kể từ khi học giả Việt Nam Đào Duy Anh nêu khái quát về tính chất tinh thần của người Việt Nam như: “thông minh, sức ký ức tốt, ham học, ít mộng tưởng, sức làm việc khó nhọc, ít dân tộc bì kịp, giỏi chịu đựng và hay nhẫn nhục, chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; bắt chước, thích ứng và dung hóa rất tài”,trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương do nhà sách Quan Hải tùng thư ấn hành năm 1938 đến nay đã tám thập kỷ (1). Sau đó nhiều học giả trong và ngoài nước tiếp tục bàn luận về giá trị và hệ giá trị văn hóa Việt Nam, trong đó đáng chú ý tác giả Trần Văn Giàu đã đúc kết 7 giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam đó là : “yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa”.(2) Nhìn chung, các học giả đều khá thống nhất với những nhận định trên về các giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, một vài ý kiến có bổ sung thêm một số yếu tố như: tinh thần đoàn kết, sự tinh tế, biết chấp nhận, hiếu học, trọng dạo lý, ưa ổn định, hướng nội…

Nghị quyết TW 5 khóa VIII năm 1998 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nêu những bản sắc Việt Nam: “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”(3)

Tác giảTrần Ngọc Thêm trong một nghiên cứu gần đây rút ra 5 giá trị cơ bản nhất tạo nên những đặc trưng gốc của bản sắc văn hóa Việt Nam, là: tính cộng đồng; tính ưa hài hòa; khuynh hướng thiên về âm tính; tính tổng hợp (tính chủ toàn) và tính linh hoạt.  (4)

Trong quá trình bàn luận về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, một số tác giả đã phân tích các khái niệm giá trị, hệ giá trị, đặc trưng,tính chất, bản sắc, chuẩn mực, biểu tượng (5).

Giá trị và hệ giá trị văn hóa có tính tương đối, mang tính lịch sử, có thể biến đổi theo hoàn cảnh. Giá trị và hệ giá trị văn hóa ở mỗi cộng đồng, quốc gia không đồng nhất. Hệ giá trị văn hóa có tính chung và riêng, có giá trị chung quốc gia, dân tộc, có giá trị riêng của từng tộc người hoặc từng lĩnh vực của cuộc sống. Hệ giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị chung nhất, đại diện cho con người, dân tộc Việt Nam như: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, đoàn kết thương người,khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, tinh tế, biết chấp nhận, hiếu học, ưa ổn định, giản dị.

Bên cạnh việc xem xét giá trị, hệ giá trị văn hóa như là những điều được hầu hết các thành viên trong cộng đồng, xã hội thừa nhận, trân trọng gìn giữ, tôn vinh, coi là niềm vinh hạnh, trở thành bản sắc, đặc trưng của dân tộc, các ý kiến cũng nêu ra những mặt trái, thói hư, tật xấu hoặc phi giá trị đã và đang tồn tại trong xã hội. (6)

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam hình thành trong xã hội tiền công nghiệptồn tại cả ngàn năm (7). Sau này chịu ảnh hưởng của các cuộc khai thác thuộc địa thời Pháp thuộc (chủ yếu ở một số đô thị và công trường, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền…). Cách mạng thánh Tám1945 thành công, chế độ dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, đất nước lại phải trải qua các cuộc kháng chiến. Đến năm 1975 hòa bình thống nhất đất nước, những khó khăn của thời hậu chiến bị bao vây, cấm vận kèm theo cơ chế quan liêu bao cấp. Rồi đổi mới, mở cửa, hội nhập từ 1986, đất nước lại chịu tác động mạnh mẽ của công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa (thế giới phẳng), cách mạng công nghiệp (4.0). Sự biến chuyển xã hội không ngừng làm cho các giá trị mới chưa kịp định hình đã bị biến động xã hội, thay đổi cả hình thức và nội dung, các giá trị truyền thống cũng chịu sự tác động không nhỏ của quá trình lịch sử ấy.

Nghiên cứu, bàn luận về hệ giá trị văn hóa ở nước ta chúng ta không thể không xem xét hệ giá trị trong mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình, làng- nước và tác động của các yếu tố khác trong quá trình hình thành hệ giá trị  văn hóa ấy như: phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, giáo dục…

Trong xã hội tiền công nghiệp vai trò của cá nhân trong cộng đồng làng xã như bị nhòe đi bởi các mối quan hệ lớp tuổi (giáp), dòng máu (họ tộc), địa vực (láng giềng), nghề nghiệp (phe giáp). Các quy định về gia phong, gia lễ, gia pháp… trói buộc các cá nhân trong mỗi gia đình. Thời đó phụ nữ tuy đóng vai trò nội tướng trong gia đình nhưng vẫn có những sự phân biệt “ trọng nam, khinh nữ” do ảnh hưởng của Nho giáo (nam nữ hữu biệt, nam nữ thụ thụ bất thân) và chế độ phụ quyền (quyền thừa kế). Phụ nữ không được ra đình, không được tham gia vào các cuộc bàn luận việc làng, không học hành, thi cử, phải thực hiện tam tòng tứ đức.v.v.

Làng gần như là một thực thể khép kín, quây lấy, che chở mọi gia đình, cá nhân trong đó với các khu cư trú và khu canh tác. Cộng đồng làng ràng buộcnhau bằng các chuẩn mực quy định thành văn và bất thành văn thông qua luật tục, hương ước ( thường do người có chữ, ông đồ, hưu quan hoặc những người lỡ làng chốn quan  trường, thi cử tham gia biên soạn nên có sự pha trộn giữa tư tưởng Nho giáo, các quy định của Nhà nước quân chủ tập quyền và phong tục tập quán địa phương.) Cả làng thờ chung thành hoàng ở đình, “Chuông làng nào làng ấy đánh,Thánh làng nào làng ấy thờ”, mọi thành viên trong làng cùng được thành hoàng làng che chở, bảo hộ. Mọi người trong làng cùng nhau góp công,góp của xây dựng đình, tham gia tổ chức lễ hội tưởng nhớ ghi ơn thành hoàng, chia xẻ ân đức của Thành hoàng làng.

Làng bầu ra Hội đồng kỳ mục mang tính tự quản,Hội đồng quyết định mọi hoạt động của làng xã như việc phân bổ thuế, chia cắt lao dịch, binh dịch, quyết định các hoạt động lễ hội, giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết các tranh chấp hay kiện cáo trong phạm vi làng xã.

Bên cạnh Hội đồng kỳ mục, người trong làng che chở, bao bọc,giúp đỡ nhau thông qua các mối quan hệ dòng máu “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “anh em như thể tay chân”; Lớp tuổi “sống lâu lên lão làng”; “trọng lão”, “ nhà nước trọng tước, hương ước trọng sỉ”;Địa vực cư trú (quan hệ láng giềng) “bán anh em xa ,mua láng giềng gần”; “tình làng, nghĩa xóm”;Nghề nghiệp (phường hội thờ chung một tổ nghề) “buôn có bạn, bán có phường”. Sự so kè giữa các dòng họ, phe giáp, phường hội tạo ra những sự cân bằng tương đối về quyền lực. Tuy trong làng có những họ đại khoa, họ lớn, họ nhở (ít người, thân cô thế cô, lép vế), giáp lớn, giáp nhỏ, nhưng với quan niệm “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” và các mối quan hệ thông gia, láng giềng giữa các phe giáp, dòng họ v.v. tạo nên một không khí duy tình hơn là duy lý, tâm lý“vuốt mặt nể mũi” trong các quyết sách, giải quyết các tranh chấp, sự vi phạm. Các mối quan hệ nhiều chiều đó đã tạo nên sự cố kết cộng đồng làng xã bền chặt.

Làng (xã) quan hệ với nước (nhà nước quân chủ tập quyền) thông qua bộ máy hành dịch do nhà nước quy định, thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước, cống nạp và đáp ứng các khoản về  sưu thuế, binh dịch và lao dịch.v.v.

Các cộng đồng làng tương đối khép kín đó giao lưu với nhau qua các phiên chợ, lễ hội, các hiệp thợ thủ công, phường hát, thương lái, quan hệ hôn nhân, những người thoát ly (đi học, làm quan, đi phu, đi linh…).v.v

Trải qua nhiều thế kỷ cái xã hội tiền công nghiệp tương đối ổn định đó đã tạo nên hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Trong thời kỳ đó sự gắn kết cộng đồng, các mối quan hệ trong làng là cái nôi/môi trường hun đúc nên hệ giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Ngoài môi trường làng xã, các giá trị văn hóa còn chịu tác động và được củng cố bới sự ảnh hưởng của các nền giáo dục theo Nho học và các tôn giáo có những quan niệmthích ứng với cộng đồng như quan niệm về nhân nghĩa của Nho giáo, từ bi của Phật giáo và bác ái của Thiên chúa giáo.

Bước sang thời thuộc địa cuộc sống của các cá nhân, gia đình, làng, nước đã có những ảnh hưởng nhất định. Các cuộc khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân đã làm cho bộ mặt đất nước đã có nhiều đổi thay.Trong nước đã ra đời một số đô thị, nhà máy, đồn điền, hầm mỏ kiểu phương Tây. Đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không được xây dựng nối liền các vùng miền của đất nước. Thành phần dân cư bắt đầu có biến động, một bộ phận nông đã thoát ly trở thành công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp đồn điền, hầm mỏ, công trường…Nhiều người  từ nông thôn đổ ra các đô thị buôn bán, làm ăn. Tầng lớp trí thức theo Tây học ngày càng nhiều, nền giáo dục theo Nho học tồn tại gần hai thiên niên kỷ mất dần vị trí và bị thay thế nền giáo dục mới theo phương Tây, chữ Nho được thay bằng chữ quốc ngữ. Lúc này sự xâm nhập của các luồng tư tưởng, sinh hoạt văn hóa phương Tây đã bắt đầu ảnh hưởng đến một bộ phận dân chúng, nhất là ở khu vực đô thị. Tuy nhiên do sự can thiệp của chính quyền thực dân vào hệ thống tổ chức và hoạt động làng xã còn chưa nhiều nên các giá trị  văn hóa truyền thống ở nông thôn tuy bắt đầu bị thử thách nhưng vẫn còn khá bền vững. Sự bền vững của các giá trị văn hóa truyền thống chính là cội nguồn và bệ đỡ cho thắng lợi của các phong trào cách mạng yêu nước chống thực dân phong kiến.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền dân chủ cộng hòa được thành lập, đoạn tuyệt với chế độ quân chủ phong kiến tập quyền và thưc dân đế quốc. Làn gió mới của dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự dovừa bắt đầu lan tỏa thì đất nước lại phải bước vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Những biến động chính trị,kinh tế, xã hội liên tục trong thời kỳ hai cuộc kháng chiến nảy sinh nhiều hệ lụy, thử thách sự bền vững của hệ giá trị văn hóa dân tộc. Cả nước dồn sức người sức của cho chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Chính trong những giai đoạn lịch sử khó khăn các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Trên miền Bắc những tác động của cải cách ruộng đất, rồi phong trào hợp tác hóa nông thôn, cải tạo tư bản tư doanh, thành lập xí nghiệp quốc doanh ở thành thị. Các hoạt động nêu cao ý thức tập thể, đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, xã hội.Trải qua mấy chục năm kháng chiến, mỗi cá nhân, gia đình, làng xã cuốn theo hoạt động phục vụ kháng chiến, những giá trị văn hóa truyền thống được dung hòa với những luồng tư tưởng mới về dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Giai đoạn này xuất hiện một đội ngũ trí thức đông đảo được đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trở về đóng góp cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Trong kháng chiến, người phụ nữ được coi trọng hơn trong gia đình khi đàn ông đi chiến đấu,phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, nhiều người gánh các trọng trách cao. Các gia đình ở nông thôn có biến động lớn do số người thoát ly tham gia vào lao động, sản xuất và phục vụ chiến đấu được huy động tối đa. Tổ chức chính quyền ở cơ sở đã có nhiều thay đổi, các tổ chức mặt trận, đoàn thanh niên, thiếu nhi, phụ nữ… được thành lập. Trong hoàn cảnh chiến tranh các mối quan hệ truyền thốngtrong thôn làng vẫn được duy trì, các giá trị truyền thống vẫn được bảo lưu nhưng nội dung, cách thể hiện đã có những điểm mới. Tinh thần yêu nước, dũng cảm, cần cù, sáng tạo, lạc quan được thể hiện qua các phong trào “ba đảm đang”, tinh thần “bất khuất, trung hậu, đảm đang”  của phụ nữ, “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Trung với Đảng, hiếu với dân” của quân đội“, “ Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của công an .v.v. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiến niên nhi đồng “ yêu tổ quốc yêu đồng bào, học tập tốt lao động tốt, thật thà dũng cảm.v.v.” là những biểu hiện của những giá trị truyền thống trên từng mặt, từng lĩnh vực cụ thể. Tinh thần lạc quan được thể hiện qua phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, tinh thần tiết kiệm thể hiện qua các khẩu hiệu: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, hay “giữ tốt, dùng bền”.v.v

Sau chiến tranh, những năm tháng khó khăn của thời hậu chiến, bị bao vây, cấm vận, bị trói buộc của cơ chế quan liêu bao cấp là những thử thách rất lớn đối với các giá trị văn hóa truyền thống. Vượt qua những năm tháng đầy gian lao đó, đất nước bước đổi mới mở cửa hội nhập, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay đất nước ta đã có nhiều đổi thay từ một nước nghèo đã tiến lên nước có thu nhập trung bình, thấp, kinh tế phát triển đều theo từng năm, cuộc sống đang dần ổn định. nhưng hệ giá trị văn hóa truyền thống lại đang chịu tác động mạnh mẽ củacông nghiệp hóa, đô thị hóa, cơ chế thị trường, toàn cầu hóa.

Với định hướng phấn đấu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào những năm sắp tới, trên đất nước xuất hiện nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, hàng trăm ngàn doanh nghiệpra đời thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước, hình thành một thị trường lao động đa dạng,đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Đội ngũ công nhân phát triển mạnh cung cấp lao động cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và xuất khẩu lao động.

Cùng với công nghiệp hóa, tốc độ đô thị hóa tăng lên nhanh chóng về số lượng và quy mô, chung cư, cao ốc mọc lên ồ ạt, Hệ thống đô thị Việt Nam những năm qua phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đô thị hóa tăng lên khoảng 36,6% với 802 đô thị (năm 2016). Khu vực đô thị đã chiếm tỷ lệ 70% chi phối trong tổng GDP của cả nước.

Đội ngũ trí thức cũng không ngừng tăng lên, trí thức được đào tạo trong nước ngoài nước. Nếu như trong kháng chiến họ được Nhà nước đưa đi học tập phần lớn tại các nước Đông Âu, giai đoạn này lại tăng mạnh ở các nước Tây Âu, Anh, Mỹ, Úc Nhật Bản…

Trong bối cảnh  phát triển của khoa học công nghệ và  sự tác động của cơ chế thị trường, thời gian nông nhàn của lao động nông thôn dài hơn, các nhu cầu của cuộc sống hiện đại cũng đòi hỏi cao hơn, sản phẩm nông nghiệp không đủ đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống hiện đại, buộc một bộ phận nông dân phải rời bỏ quê hương, bản quán đi làm thuê tại các khu công nghiệp, công trường xây dựng hoặc ra các đô thị kiếm thêm thu nhập trang trải cho nhu cầu cuộc sống. Hiện nay số dân nông thôn ở nước ta chiếm khoảng 65%  tổng dân số cả nước. Quy mô dân số của mỗi thôn làng tăng so với trước, vị trí của cá nhân và gia đình ở nông thôn tuy có nhiều biến động, song về cơ bản các mối quan hệ trong cộng đồng làng truyền thống vẫn được bảo lưu, công tác điều hành mọi hoạt động trong thôn vẫn duy trì hình thức tự quản .

Trong thời kỳ đổi mới nhiều hoạt động kinh tế mới mở ra ở các địa phương, xuất hiện nhiều làng nghề, nhiều mô hình sản xuất mới, kinh tế nông thôn có nhiều thay đổi. Các di sản văn hóa bị lãng quên hoặc bị phê phán, ngăn cấm, sử dụng sai mục đích, hư hỏng trong các thời kỳ trước đây tại các làng về cơ bản đã được phục hồi. Hiện nay hầu hết các di sản văn hóa vật thể như đình, chùa, đền, miếu, phủ, nhà thờ họ… và di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội…được khôi phục. Có thể nói trong giai đoạn hiện nay ở nước ta tuy có nhiều biến động về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng tại các làng thôn các mối quan hệ truyền thống (họ hàng, xóm giềng, nghề nghiệp. làng, nước) vẫn được gìn giữ ở những mức độ khác nhau. Đó chính là nền tảng vững chắc cho sự bền vững của các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa hiện nay.

Giờ đây vai trò của cá nhân được phát huy nhiều hơn, quan hệ giữa mọi người trong gia đình cũng biến đổi do các gia đình gồm nhiều thế hệ (ngũ đại đồng đường) đã dần thay thế bằng các gia đình hạt nhân. Các thành viên trong gia đình cũng ít hơn, con cái không còn là nguồn tài sản (lao động) của cha mẹ. Kinh nghiệm sống của cha mẹ không còn là mực thước cho cuộc sống của con cái, trẻ em được giáo dục trong nhà trường, được cung cấp thông tin qua hệ thống thông tin đại chúng. Quan hệ vợ chồng bình đẳng hơn, quan niệm về sự chung thủy, hiếu kính đã có sự thay đổi. Sinh hoạt gia đình cũng được điều chỉnh cho phù hợp với nhịp sống lao động hiện đại, con cái không còn ở gần bố mẹ. Các gia đình ở đô thị, khu công nghiệp sống trong các khu chung cư, các quan hệ truyền thốngdường như không còn tồn tại, nhường chỗ cho những quan hệ láng giềng, nghề nghiệp khá hờ hững. Ở những khu vực nông thôn đang trong quá trình  đô thị hóa, sự xâm nhập của cư dân các nơi và sự chuyển hóa nông dân tại chỗ trở thành thị dân đã tác động không ít vào hệ giá trị văn hóa truyền thống. Những chuẩn mực ứng xử quy định theo hương ước, luật tục địa phương dần nhường chỗ cho các quy định  của luật pháp.

Nền kinh tế thị trường làm cho sự phân hóa giàu, nghèo mạnh hơn, hố ngăn cách giàu nghèo cũng rộng hơn, trong nước đã xuất hiện những tỉ phú nằm trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới, nhưng những người thuộc diện đói nghèo vẫn còn không ít, thực trạng ấy gây bức xức lớn trong đời sống xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, những mặt trái của hệ giá trị như: tính hướng nội, đóng kín, “dĩ hòa vi quý” “ hòa cả làng”, cào bằng “ cá mè một lứa”,  dựa dẫm vào các quan hệ “một người làm quan cả họ được nhờ”, coi thường phép nước “phép vua thua lệ làng”, thích làm sang “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”, hoặc “ giàu ở làng, sang ở nước”, bon chen “ con gà tức nhau tiếng gáy”, vọng ngoại.v.v. kèm theo đó là những hệ lụy của sự tan vỡ của các gia đình hạt nhân do việc ly hôn tăng lên nhanh chóng. Những vấn đề nóng hiện nay như việc coi thường pháp luật, nạn tham nhũng, cửa quyền, nhũng nhiễu, chạy chức chạy quyền…trong các cơ quan công quyền, tệ nạn xã hội ( cờ, bạc, nghiện hút, cướp giật, trộm cắp, buôn lậu, phá rừng, bạo lực gia đình, phá hủy môi trường sinh thái, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.v.v.) được thông tin thường xuyên đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị văn hóa truyền thống..

Toàn cầu hóa dẫn đến sự xâm nhập các luồng văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục từ bên ngoài được một bộ phận giới trẻ tiếp thu. Các hệ giá trị từ các nền văn hóa khác được không ít người xem như những hệ quy chiếu để phê phán hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà không nhìn nhận sự đa dạng của biểu đạt văn hóa và những chuẩn mưc riêng phù hợp với dân tộc này những chưa chắc đã phù hợp với dân tộc khác. Sự phát triển của khoa học công nghệ tạo điều kiện để các sự kiện nóng bỏng toàn cầu được cập nhật thường xuyên liên tục. Các tin tức về những cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang, xung đột tôn giáo, đói nghèo,thiên tai dịch bệnh,biến đổi khí hậu, tệ nạn xã hội tại các nước, các khu vực trên thế giới xuất hiện liên tục với tần xuất ngày càng cao tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của mỗi người. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội với nhữngtin thất thiệt, tin giả giật gân, bóp méo sự thật lan tràn. Các yếu tố tiêu cực, mặt trái của giá trị văn hóa truyền thống tràn ngập trên các kênh thông tin gây không ít hoang mang, dao động trong cộng đồng.

Những tác động trái chiều đó gây mất niềm tin, tạo dư luận xấu trong xã hội, làm cho một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng thiếu lý tưởng, mục tiêu phấn đấu vì sự phát triển chung của cộng đồng, quốc gia, dân tộc, họ hướng đến cuộc sống đề cao cá nhân, ích kỷ hẹp hòi, thu vén, tìm mọi cách làm giàu nhanh chóng, bất chấp pháp luật.

Trong bối cảnh hệ giá trị văn hóa và các yếu tố tiêu cực đang có sự giằng co quyết liệt như hiện nay, muốn bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam, chúng ta cần có các giải pháp phù hợp nhằm gìn giữ hệ giá trị văn hóa truyền thống, bố sung những giá trị mới, hạn chế sự phát sinh của các yếu tố tiêu cực nội sinh và những hiện tượng văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục do nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa  đem lại.

Trước hết cần tiếp tục nghiên cứu để nhận diện rõ hơn về hệ giá trị văn hóa truyền thống và chuẩn mực con người Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn, quá trình hình thành, định hình các giá trị, chuẩn mực ấy. Sự tồn tại của các giá trị văn hóa trong các giai đoạn lịch sử, phân tích nguyên nhân, lý giải sự bền vững của các giá trị văn hóa truyền thống trước các biến động của lịch sử qua hàng ngàn năm. Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị văn hóa truyền thống và chuẩn mực còn người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tìm hiểu, nhận diện những biến đổi và khả năng biến đổi, khả năng bổ sung những giá trị mới vào hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục nghiên cứu những mặt trái của hệ giá trị văn hóa đã và đang nảy sinh, những tiêu cực do nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa tác động để có những quyết sách ngăn chặn phù hợp. 

Hướng đến xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở kế thừa hệ giá trị văn hóa truyền thống và những giá trị văn hóa mới của thời đại phù hợp với hoàn cảnh đất nước con người Việt Nam hiện nay.

Để có thể bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau cần xây dựng thể chế phù hợp, tạo điều kiện gìn giữ các nền tảng vật chất, thiết chế, môi trường tự nhiên và xã hội đã sản sinh và kết tinh các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đổi mới, mở cửa, hội nhập cho hôm nay và mai sau. Nghiên cứu bài học kinh nghiệm tạo nên hệ giá trị văn hóa truyền thống của người xưa, xây dựng mô hình sinh hoạt gắn kết các thành viên sống trong các đô thị và khu công nghiệp nhằm tạo ra môi trường bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống tại những nơi này. Phát huy quyền dân chủ của mọi công dân trong bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam, đấu tranh chống tiêu cực, chống lại những thói hư tật xấu ( tham nhũng, cửa quyền, nhũng nhiễu, coi thường pháp luật…) tệ nan xã hội. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật (xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân sống và làm việc theo pháp luật) trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hành động đẹp, việc tử tế và các tấm gương thể hiện các giá trị trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đề lan tỏa những điều tốt đẹp, phê phán những mặt trái, tiêu cực, phi văn hóa nhằm khẳng định cái hay, cái đẹp, sự trường tồn của các giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam.

 

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

 

 

 

Chú thích

1.Đào Duy Anh(1938): Việt Nam văn hóa sử cương.Quan Hải tùng thư Nxb Văn hóa Thông tin tái bản 2002.

2.Trần Văn Giầu.(1980): Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nxb. KHXH. Hà Nội.

3.Đảng Cộng sản Việt Nam (1998): Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4..Trần Ngọc Thêm (2016): Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai.Nxb Văn hóa văn nghệ Tp Hồ Chí Minh.

5. Ngô Đức Thịnh: Một số vấn đề lý luận nghiên cứu hệ giá trị văn hóa truyền thống trong đổi mới và hội nhập. Báo cáo tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi m,ới va fhooji nhập do Đề tài  KX. 03.14/06-10 (Chương trình KX.03/06-10) và Khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 17-17/9/2009 tại Biên Hòa (Đồng Nai).

6.Những mặt trái, tiêu cực được kể ra khá nhiều như: thói gian dối, phù phiếm, khôn vặt, nông nổi, chuộng hư danh, sính ngoại, thói dựa dẫm, ỷ lại; thói cào bằng, đố kỵ; bệnh hẹp hòi, ích kỷ, bè phái; bệnh sĩ diện, háo danh; bệnh thành tích; bệnh phong trào; bệnh hình thức; bệnh nói xấu sau lưng; bệnh vô cảm, chặt chém; tật ham vui, triệt tiêu cá nhân, thụ động, khép kín, bảo thủ; chậm chạp lề mề; bệnh tủn mủn, thiếu tầm nhìn; bệnh đối phó; bệnh thiếu bản lĩnh, tự ti, nhu nhược, yếu đuối; bệnh sùng ngoại; bệnh hám lợi, đại khái, xuề xòa; dĩ hòa vi quý; nước đôi, thiếu quyết đoán; bệnh trung bình chủ nghĩa, hời hợt, thiếu sâu sắc; chủ quan, kiêu ngạo; sống bằng quan hệ; thói tùy tiện, cẩu thả; thiếu ý thức pháp luật; thói khôn vặt, láu cá.v.v.

7.Nguyễn Từ Chi (1996): Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người. Nxb Văn hóa - Thông tin.Hà Nội.

 

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết