Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua gàn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
I. MỞ ĐẦU
Trong suốt quá trình cách mạng Đảng ta luôn quan tâm sâu sắc và coi trọng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết Trung ương 7 khoá X đã xác định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá , xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Với tầm nhìn đó, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống, vai trò, vị trí của giai cấp nông dân và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Bước sang giai đoạn mới, bên cạnh việc phải tiếp tục khắc phục những tồn tại yếu kém hiện có, xuất hiện nhiều cơ hội và thách thức mới yêu cầu Đảng ta phải có những chủ trương, chính sách mới phù hợp hơn đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu chủ trương: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.
Bài viết này góp phần đánh giá thực trạng, đề xuất quan điểm, phương hướng và giải pháp chính thực hiện chủ trương do Đại hội Đảng đề ra cho giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở nghiên cứu, chắt lọc từ các báo cáo liên quan của các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế.
1. Làm rõ nội hàm một số khái niệm chính
Trong chủ trương mới, có một số khái niệm cần làm rõ, nhất là về: (1) nông nghiệp sinh thái; (2) nông thôn hiện đại; (3) nông dân văn minh. Qua nghiên cứu tài liệu và hội thảo, có thể tóm lược về nội hàm của các khái niệm nêu trên.
a. Nông nghiệp sinh thái
Những giai đoạn trước Đảng ta chủ trương thúc đẩy quá trình CNH HĐH nông nghiệp, nông thôn. Gần đây LHQ khuyến cáo nhiều về phát triển bao trùm và bền vững. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, khái niệm nông nghiệp thông minh với khí hậu (climate-smart) được đề xuất. Để tận dụng tài nguyên, phát triển lành mạnh, nông nghiệp tuần hoàn được đề cao. Để đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường nông nghiệp hữu cơ đang phát triển ở nhiều nơi, EU chủ trương tới năm 2030 sẽ có ít nhất 25% diện tích cây trồng được canh tác hữu cơ. Trong nền kinh tế số, nông nghiệp cũng đang dần được số hoá. Từ năm 2015, Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc đưa ra cách tiếp cận nông nghiệp sinh thái.
Sở dĩ có nhiều khái niệm như nêu trên là do cách nhìn nhận từ các góc độ khác nhau.
Có nhiều định nghĩa về nông nghiệp sinh thái. Theo nghĩa hẹp người ta thường nói đến khía cạnh môi trường. Theo định nghĩa mới nhất do FAO đưa ra năm 2015 và đã được 175 quốc gia thành viên đồng thuận: “Nông nghiệp sinh thái là phương pháp tiếp cận tổng hợp, áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc về sinh thái và xã hội để xây dựng và quản trị các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm. Trong khi tối ưu hoá các mối tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường nó xem xét cả các yếu tố xã hội để hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng và bền vững”[1]. Năm 2019 Hội đồng FAO cũng đã phê duyệt 10 thành tố của nông nghiệp sinh thái gồm: tính đa dạng; chia sẻ kiến thức và đồng khởi tạo; tính tương hỗ; tính hiệu quả; sự tái tạo; sức chống chịu, giá trị xã hội nhân văn; truyền thống ẩm thực và văn hoá; quản trị có trách nhiệm; kinh tế tuần hoàn và vững chắc.
Cách tiếp cận này không loại trừ việc áp dụng các phương thức canh tác hay nền tảng kỹ thuật phù hợp.
b. Nông thôn hiện đại
Phát triển nông thôn theo hướng hiện đại là quyết tâm chính trị của Đảng nâng cao nhanh hơn đời sống của dân cư nông thôn, làm cho nông thôn tham gia và đóng góp cao hơn trong quá trình phát triển toàn diện của đất nước.
Hiện đại hoá nông thôn cần được thực hiện trên nhiều phương diện, cả về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng. Một nông thôn hiện đại phải có kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiếp cận các chuẩn mực đô thị; đời sống của người dân được nâng cao; quan hệ xã hội lành mạnh, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường lành mạnh, có khả năng chống chịu cao trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các biến động bất lợi khác; chính trị ổn định; an ninh, an toàn, trật tự xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, mong đợi có thể rất cao nhưng xác định được mốc phù hợp để hướng tới và có thể đạt được trong mỗi giai đoạn mới có ý nghĩa thiết thực.
c. Nông dân văn minh
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bỏ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã nêu “Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...”. Đảng ta cũng chủ trương xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh trong đó xây dựng và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hoá, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách.
Như vậy, xây dựng nông dân văn minh phải được nhìn nhận từ các cấp độ giai cấp, cộng đồng, gia đình và mỗi con người; từ các khía cạnh vật chất, tinh thần, chính trị, văn hoá, xã hội một cách toàn diện.
2. Thực trạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân
Từ khi Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá X, ban hành năm 2008 đến nay, nhờ có chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân và dân cư nông thôn, nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta đã có nhiều tiến bộ mạnh mẽ.
a. Về nông nghiệp (bao gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và diêm nghiệp)
- Đã duy trì tăng trưởng liên tục ở mức khá cao, bình quân 2,94%. Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hoá cạnh tranh quốc tế. Nhiều loại nông, lâm, thuỷ sản được xuất khẩu tới 196 nước và vùng lãnh thổ với quy mô ngày càng tăng, năm 2020 đạt tới 42,34 tỷ USD. Nhờ vậy, nông nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập ngày càng tăng cho hàng chục triệu lao động.
- Nông nghiệp đã cung cấp nguyên liệu để phát triển nhiều ngành công nghiệp chế biến, thủ công, mỹ nghệ. Nhiều cơ sở chế biến nông lâm thuỷ sản đã trở thành hạt nhân phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, như các cơ sở chế biến mía đường, sữa, rau quả...
- Việc nông nghiệp liên tục là ngành xuất siêu đã góp phần duy trì cán cân thanh toán của quốc gia.
- Nông nghiệp đã góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội trong các tình huống có nhiều khó khăn. Tăng trưởng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thường đóng góp phần lớn thu nhập tăng thêm giúp các hộ nông dân thoát nghèo.
- Ngành lâm nghiệp đã nỗ lực bảo vệ và phục hồi rừng cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ che phủ rừng đã tăng từ 38,7% năm 2008 lên 42% năm 2020, góp phần quan trọng cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia.
- Ngành nông nghiệp đã liên tục nỗ lực điều chỉnh cơ cấu theo hướng phát huy lợi thế so sánh của quốc gia và mỗi địa phương, kết hợp nâng cao trình độ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.
Đối chiếu với nhiệm vụ do Nghị quyết 26 đề ra và định hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp nước ta còn có những tồn tại, yếu kém như sau:
- Tăng trưởng không ổn định, có xu hướng giảm dần. Tăng trưởng GDP nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 là 3,13%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 2,61% so với nhiệm vụ phải đạt 3,5-4%.
- Chất lượng một số loại nông sản còn thấp, giá trị thương mại thấp, hiệu quả sản xuất không cao. Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ 2-3 trên thế giới nhưng giá gạo bình quân chỉ bằng khoảng 70% giá bình quân của gạo Thái Lan. Tỷ lệ thực phẩm vi phạm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm còn cao.
- Nông nghiệp tập trung cao cho khâu sản xuất mà chưa phát huy cao các khâu khác trong chuỗi giá trị (chế biến, bảo quản, phân phối) nên giá trị gia tăng chưa cao. Tỷ lệ lớn nông sản hàng hoá còn xuất thô hoặc mới qua sơ chế. Kinh doanh nông sản nội địa còn thô sơ. Tổn thất sau thu hoạch còn cao, tuỳ mặt hàng, tới 10-20% sản lượng.
- Phát triển nông nghiệp dựa nhiều vào các yếu tố đầu vào, phần lớn nhập khẩu. Có tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng lãng phí nước, thức ăn chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai, thậm chí làm thay đổi môi trường sinh thái trên diện rộng; hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động thấp. Có tới gần 5 triệu ha đất nông nghiệp bị thoái hóa trung bình và nặng.
- Chưa phát huy cao các giá trị văn hoá dân tộc để nâng cao giá trị thương mại của nông sản, trừ một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP gần đây.
- Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thấp, dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Ngoại trừ nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, hầu như chưa thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trên diện rộng mặc dù nông nghiệp đóng góp tới gần 20% tổng lượng phát thải của cả nước năm 2020. Đa dạng sinh học bị suy giảm.
b. Về nông thôn
Nông thôn nước ta là nơi sinh sống của hơn 60% dân số cả nước. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông thôn và đã đạt nhiều thành tựu to lớn, nổi bật gần đây là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã thay đổi căn bản, khang trang, hiện đại hơn. Đời sống của bộ phận lớn dân cư được cải thiện rõ rệt. Cụ thể như sau:
- Đến năm 2020 cả nước có 5157/8267 xã (62,4%) đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí hiện hành;173 huyện, 4 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Một số xã đã thực hiện theo bộ tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu.
- Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch mạnh. Cùng với nông nghiệp, sự phát triển của công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn. Năm 2016, cả nước có 15,99 hộ nông thôn, trong đó có 8,58 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7% giảm 14,1% so với năm 2006 và 8,5% so với năm 2011. Số hộ phi nông nghiệp đã tăng lên tương ứng.
- Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện nhanh. Hệ thống thủy lợi phát triển mạnh, khá đồng bộ. Tổng năng lực tưới đạt 4,062 triệu ha, tăng 320 nghìn ha so với năm 2008. Năng lực tiêu nước tăng thêm 255 nghìn ha. Hiệu suất phục vụ tưới tăng từ 71,5% lên 81,4%. Đã đầu tư nâng cấp 89 cảng cá, 71 khu neo đậu tầu thuyền tránh trú bão. Đã có trên 97% xã có đường giao thông đến huyện được cứng, nhựa hóa.
- Giáo dục, y tế, văn hóa ở các vùng nông thôn đều có bước phát triển. Đến năm 2020, có 49,1% trường mầm non, 68,8% trường Tiểu học, 61,5% trường Trung học cơ sở, 43,3% trường Trung học phổ thông có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Đã có100% xã duy trì phổ cập giáo dục mần non cho trẻ 5 tuổi, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ I, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Về y tế, năm 2020, 99,3% số xã có trạm y tế, trong đó 92,1% đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 87,5% có bác sỹ. Ngoài ra còn có 2838 cơ sở khám chữa bệnh khác.
- Môi trường nông thôn được quan tâm bảo vệ, thực hiện theo hướng xanh, sạch, đẹp. Năm 2019 đã tổ chức thu gom 62,8% chất thải rắn sinh hoạt, tổ chức thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 68% trang trại có áp dụng biện pháp xử lý chất thải; tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm trên các lưu vực sông lớn, như sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, sông Vu Gia-Thu Bồn...
- An ninh trật tự ở nông thôn cơ bản được giữ vững.
Những tồn tại chính trong phát triển nông thôn là:
- Kinh tế ở nhiều vùng nông thôn phát triển chậm, mang tính tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho lao động nông thôn. Hằng năm có số lượng lớn lao động phải di cư tìm kiếm việc làm ở các đô thị, khu công nghiệp.
- Cơ sở hạ tầng nhiều nơi còn kém phát triển, chất lượng thấp. Đường về thôn bản còn thiếu. Chất lượng cung cấp điện ở nhiều vùng nông thôn thấp, kém ổn định.
- Chất lượng phục vụ y tế, giáo dục, văn hóa còn thấp so với đô thị;
- Môi trường nông thôn tiếp tục suy thoái, nhiều nơi rất nghiêm trọng, nhất là vùng ven đô thị, khu cụm công nghiệp, làng nghề. Khả năng đáp ứng yêu cầu về phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp.
c. Về nông dân
Trong giai đoạn 2008-2020, dân số nông thôn giảm ít, gần như ổn định, năm 2020 còn 61,6 triệu người. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 đã đem lại những thay đổi tích cực sau đây đối với nông dân:
- Thu nhập của dân cư nông thôn tăng nhanh, bình quân giai đoạn 2010-2020 là 12,5%. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 3,48 triệu đồng/tháng. Trong cơ cấu thu nhập của dân cư nông thôn, thu nhập từ nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm giảm dần, còn 18,5%; thu từ tiền lương, tiền công - 49,4%; thu từ các hoạt động phi nông nghiệp - 20,9%; các nguồn thu khác - 11,2%.
- Điều kiện sinh hoạt được cải thiện. Năm 2020, tỷ lệ hộ nông thôn có nhà ở kiên cố là 50,8%, tỷ lệ hộ có đồ dùng lâu bền là 99,8%; hộ dùng điện sinh hoạt 99,5%; hộ có hố xí hợp vệ sinh 91,1%; có nguồn nước hợp vệ sinh 96,2%.
- Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 17,1% năm 2010 xuống còn 15,7% năm 2019.
- Cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ lệ làm việc ở khu vực phi nông nghiệp có năng suất lao động và thu nhập cao hơn.
Năm 2016 số lao động hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 51,4%, giảm 8,2% so với năm 2011; số lao động hoạt động chính trong các ngành nghề phi nông nghiệp, chiếm 45,8%, tăng 6,9%; 0,87 triệu người không hoạt động kinh tế, chiếm 2,8%, tăng 1,3%.
Thực tế ngay trong các hộ hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản thì tỷ lệ thời gian và nguồn lực dành cho hoạt động phi nông nghiệp cũng ngày càng tăng.
- Chất lượng, năng suất lao động được nâng cao; trang bị kỹ thuật tăng lên. Chỉ riêng Chương trình đào tạo nghề nông thôn đã đào tạo được gần 10 triệu lượt người. Máy móc trong nông nghiệp được sử dụng ngày càng nhiều hơn. Trong giai đọan 2011-2016 số máy kéo tăng 144,5%, máy gặt đập liên hợp tăng 169,5%, máy chế biến thức ăn chăn nuôi tăng 186,2%, máy bơm nước tăng 144%...Diện tích nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi theo kiểu công nghiệp cũng tăng nhanh. Năm 2016 có 102.421 tầu thuyền khai thác thủy sản biển.
Giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động tăng bình quân 6,8%/năm.
- Đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện. Hầu hết dân cư nông thôn được xem TV. Nhiều địa phương đã khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống lành mạnh. Nhà văn hóa thôn, xã được xây dựng và phát huy tác dụng cho các sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ hài lòng với cuộc sống nông thôn tăng từ 50,4% năm 2012 lên 79,3% năm 2018[2]
- Tính tích cực xã hội được nâng cao; vai trò chủ thể được phát huy. Sự tham gia của nông dân vào các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp ngày càng tăng, vai trò làm chủ của nông dân được phát huy cao hơn. Năm 2020 Hội Nông dân Việt Nam có 11.188.789 hội viên, bằng 31% tổng số lao động nông thôn, 70% số hộ nông thôn. Nông dân cũng chiếm đa số hội viên của Hội LHPN VN, Đoàn TNCS HCM, Hội Cựu chiến binh. Thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ cơ sở, nông dân đã tham gia tích cực hơn các hoạt động công cộng. Đặc biệt từ khi triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới, nông dân ở nhiều nơi đã tham gia xây dựng kế hoạch, đóng góp công sức và thực hiện các nội dung của Chương trình. Giai đoạn 2010-2015 nông dân đã đóng góp 12,6% vốn đầu tư của Chương trình, nếu kể cả vốn vay là 63,7%; giai đoạn 2016-2019 tương ứng là 8,2% và 69,4%.
Những tồn tại chính là:
- Thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giữa nông thôn và thanh thị, giữa các vùng ngày càng doãng ra; nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bằng 62,2% bình quân khu vực đô thị. Thu nhập ở Trung du và miền núi phía Bắc chỉ bằng 45,6% bình quân của Đông Nam Bộ. Chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất ở nông thôn là 7,99 lần.
- Lao động nông thôn có xu hướng già hóa nhanh; Chất lượng lao động nông thôn cải thiện chậm, nhìn chung còn thấp.
Trong khi lao động nông thôn tăng thêm 2,13 triệu người lên 36,09 triệu người thì số lao động làm việc trong ngành nông lâm ngư nghiệp giảm mạnh, tới 6,58 triệu người, năm 2020 còn 17,72 triệu người. Độ tuổi bình quân của lao động trong và trên độ tuổi lao động tăng từ 38,54 tuổi năm 2011 lên 40,16 tuổi năm 2016. Tỷ lệ lao động nữ trong nông nghiệp ngày càng tăng, hiện chiếm 63,4% tổng số so với 57,5% là nam giới.
Không đạt yêu cầu của Nghị quyết về tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%. Hiện còn tới 65,4% lực lượng lao động nông thôn chưa được đào tạo; 18,3 % chỉ được đào tạo ngắn hạn không được cấp chứng chỉ; trong số 16,3% được đào tạo và được cấp chứng chỉ: sơ cấp 4,0%, trung cấp 3,7%, cao đẳng 2,9%, đại học trở lên 5,7%. Tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp còn lớn, năng suất lao động thấp, chỉ bằng 44% trung bình cả nước.
- Tiếp cận y tế, giáo dục, văn hóa thấp hơn so với đô thị. Tệ nạn xã hội gia tăng. Khoảng 62% xã có tội phạm, 63% xã có nghiện hút ma túy.
- Kết cấu xã hội có sự nông thôn xáo trộn, có biểu hiện mai một văn hóa truyền thống. Nhiều nơi người trẻ đi lên thành phố làm việc, ở quê còn lại chủ yếu người già. Sự gắn kết cộng đồng ở nhiều vùng nông thôn có xu hướng giảm. Số liệu VARHS cho thấy, tỷ lệ xem trọng mối quan hệ với họ hàng, hàng xóm có xu hướng giảm, thay vào đó mối quan hệ bạn bè ngày càng được xem trọng hơn.
Nhiều làng quê bị bê tông hóa...Trong khi đó, một số tổ chức chính trị-xã hội hoạt động hình thức, hành chính hóa.
Bài học lớn nhất rút ra sau 13 năm thực hiện đó là Nghị quyết 26 đã tạo ra sự thống nhất cao trong Đảng về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, từ đó cả hệ thống chính trị và xã hội đã dành sự quan tâm cao, nguồn lực cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục nên đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, khá toàn diện đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy vậy, nhận thức, sự quan tâm, nguồn lực và sự chỉ đạo ở nhiều nơi chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.
II. QUAN ĐIỂM VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TRONG GIAI ĐOẠN TỚI NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
1. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục đóng vai trò chiến lược đối với phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của cả nước. Nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định, bền vững là cơ sở để ổn định chính trị, xã hội của cả nước, phát triển đất nước bền vững.
2. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tích hợp đa giá trị kinh tế, xã hội và môi trường. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh theo chuỗi giá trị bền vững, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thân thiện với môi trường.
3. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Nông thôn có kinh tế phát triển đủ sức tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn không thua kém đô thị; cơ sở hạ tầng, dịch vụ và điều kiện sống tiệm cận điều kiện đô thị; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; môi trường được bảo vệ, xanh sạch, đẹp; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
4. Xây dựng đội ngũ nông dân theo hướng văn minh, được đào tạo đủ trình độ ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế số; đủ bản lĩnh chính trị để đóng vai trò làm chủ trong quá trình phát triển. Xây dựng cộng đồng nông thôn gắn kết, vững mạnh, gia đình văn hóa, hạnh phúc.
5. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao trình độ khoa học công nghệ, trình độ văn hóa, chuyên môn và tinh thần tự chủ vươn lên làm động lực chính để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đội ngũ nông dân.
6. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội. Các tổ chức đảng là hạt nhân lãnh đạo toàn diện quá trình phát triển từ cơ sở. Các thành viên của hệ thống chính trị theo chức năng, có trách nhiệm chủ động tham gia và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Động viên sự hưởng ứng và tham gia tích cực của nông dân và cả xã hội. Nhà nước ưu tiên đầu tư, hỗ trợ tích cực.
III. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Mục tiêu
a. Mục tiêu tổng quát
Phát triển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, có chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa, có kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiệm cận các tiêu chuẩn đô thị, y tế, giáo dục, văn hóa phát triển, môi trường được bảo vệ, xanh, sạch đẹp; an ninh trật tự được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định; nông dân văn minh, đời sống dân cư nông thôn không ngừng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, lao động nông thôn có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng để làm chủ quá trình phát triển.
b. Mục tiêu đến năm 2030
- Tăng trưởng GDP nông nghiệp - 2,8-3%/năm
- Xây dựng nông thôn mới: 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 50% xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
- Lao động nông thôn được đào tạo: bình quân 1,8 triệu lượt-người năm.
- Thu nhập của nông dân tăng 2,5-3 lần so với năm 2020.
c. Tầm nhìn đến năm 2045
Nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo chuỗi gía trị, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, trung hòa về phát thải khí nhà kính, bền vững. Nông thôn hiện đại có kinh tế, xã hội phát triển, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường được bảo vệ, có điều kiện làm việc, thu nhập và sinh sống không thua kém đô thị. Nông dân văn minh, có đời sống vật chất và tinh thần cao, có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, làm chủ quá trình phát triển.
2. Phương hướng và giải pháp chính
2.1. Đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng sinh thái
a. Đối với trồng trọt, chăn nuôi
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của cả nước, từng vùng và mỗi địa phương để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị, hiệu quả cao hơn.
- Nâng cao năng suất, giá trị gia tăng trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua áp dụng các gói kỹ thuật tiến bộ (VietGAP...), công nghệ cao, thực hiện truy suất nguồn gốc.
- Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Tới năm 2030 giảm 20% lượng sử dụng phân bón hóa học, 50% lượng sử dung thuốc bảo vệ thực vật độc hại; 50% lượng sử dung kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Phổ biến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Phổ biến áp dụng các quy trình quản lý sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng, vật nuôi tổng hợp,
- Phát triển các chuỗi giá trị, nhất là chế biến sâu, bảo quản lạnh, công nghệ mới trong kinh doanh nông sản, thương mại điện tử, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng.
- Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp. Ngăn chặn tình trạng suy thoái đất.
- Thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Áp dụng kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính trong tất cả các khâu trong chuỗi giá trị.
b. Đối với thủy sản
- Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao. Đa dạng hóa loài nuôi. Phát triển nuôi sinh thái, nuôi trên biển.
- Điều chỉnh lại việc đánh bắt trên biển cả về số lượng, chủng loại, thời gian, công nghệ đánh bắt để đảm bảo bền vững, khắc phục tình trạng khai thác quá mức trên biển Đông như hiện nay (3,5-4 triệu tấn so với mức bền vững 2-2,5 triệu tấn/năm). Cơ cấu lai đội tầu. Ứng dụng kỹ thuật, thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt, chất lượng và giá trị sản phẩm đánh bắt. Phát triển đánh bắt trên đại dương xa. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tầu thuyền tránh trú bão gắn với các cơ sở chế biến hải sản. Gắn phát triển khai thác, nuôi trồng hải sẩn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
c. Đối với lâm nghiệp
- Duy trì độ che phủ rừng khoảng 42%. tập trung nâng cao chất lượng, trữ lượng rừng làm nòng cốt bảo đảm môi trường sinh thái quốc gia, tăng năng lực hấp thu các bon, góp phần thực hiện cam kết trung hòa phát thải khí nhà kính của cả nước.
- Hoàn chỉnh hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ theo quy hoạch. Chú trọng phát triển rừng ven biển, ngập mặn.
- Tiếp tục dừng khai thác chính từ rừng sản xuất là rừng tự nhiên để khoanh nuôi, tái sinh, nâng cao trữ lượng rừng.
- Phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ, lâm đặc sản; nâng cao năng suất rừng trồng.
- Tiếp tục phát triển chế biến lâm sản, đổi mới cơ cấu sản phẩm, áp dụng công nghệ mới để nâng cao giá trị gia tăng.
- Thực hiện các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học.
d. Phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các hồ chứa nước đa chức năng ở những nơi có điều kiện; đảm bảo an toàn hồ chứa; xây dựng các hệ thống điều tiết nước liên hồ chứa.
- Đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương đảm bảo tưới tiêu chủ động, nhất là trên ruộng lúa để có thể áp dụng chế độ "nông, lộ, phơi".
- Phổ biến áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đối với cây trồng cạn.
- Phát triển thủy lợi phục vụ thủy sản.
- Đầu tư nâng cấp các hệ thống đê sông, đê biển.
- Tiếp tục nâng cao năng lực phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng.
- Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, kỹ thuật canh tác để thích ứng với sự thay đổi của khí hậu.
2.2. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa
- Rà soát lại quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã.
- Có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, đủ sức tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Tiếp tục chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa nghèo bền vững, nhất là ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Đảm bảo an sinh xã hội ở các vùng nông thôn.
- Phát triển cơ sở hạ tầng: đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, viễn thông, hướng tới theo tiêu chuẩn đô thị, trước hết ở các xã ven đô thị. Ở vùng miền núi, ĐBSCL đảm bảo có đường đi lại 4 mùa tới tất cả các điểm dân cư.
- Tiếp tục nâng cấp trường học, bệnh xá, cơ sở văn hóa, thể thao, trụ sở xã ở những nơi chưa đạt chuẩn. Xây dựng đời sống văn hóa văn minh hiện đại; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa đối với nông dân và nông thôn.
- Bảo vệ môi trường nông thôn: đảm bảo 100% rác thải rắn được thu gom, xử lý phù hợp. Nước thải từ các làng nghề, khu cụm công nghiệp, đô thị được xử lý đạt chuẩn trước khi xả vào môi trường. Các nguồn gây ô nhiễm không khí được xử lý đạt chuẩn. Xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp.
- An ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững. Giảm thiểu các loại tệ nạn xã hội.
- Củng cố hệ thống chính trị ở nông thôn theo đúng chủ trương của Đảng (Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về xắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả).
- Rà soát lại bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện từng vùng. Rà soát hệ thống chính sách, hỗ trợ tích cực hơn đối với các xã vùng cao, miền núi, bãi ngang, hải đảo để tiến kịp các vùng phát triển hơn.
2.3. Xây dựng đội ngũ nông dân văn minh, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.
- Tiếp tục đổi mới, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động, đáp ứng yêu cầu nhân lực qua đào tạo cho các ngành lĩnh vực ở khu vực nông thôn, trong đó một bộ phận nhân lực chất lượng cao, có thể tiếp thu, làm chủ những tiến bộ khoa học công nghệ.
Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn giai đoạn 2021-2030”, đảm bảo nguồn lực để hàng năm đào tạo ít nhất 1,8 triệu lao động, trong đó 30% học nghề nông, số còn lại học các nghề phi nông nghiệp và quản lý. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở nông thôn đạt trên 30%.
Đổi mới chính sách đối với người học. Bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ, xoá bỏ rào cản, tạo điều kiện tham gia học nghề với người dân tộc thiểu số, người nghèo, người cao tuổi còn khả năng lao động. Xây dựng chính sách tín dụng hỗ trợ đào tạo dài hạn cho lao động nông thôn.
Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo nghề từ các trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tới các cơ sở giáo dục đại học. Hoàn thiện chính sách đối với các cơ sở đào tạo nghề nông thôn, tăng đầu tư hạ tầng, trang thiết bị đào tạo. Tiếp tục đổi mới cách thức quản trị các cơ sở đào tạo nghề theo hướng phân cấp và giao quyền tự chủ. Đẩy nhanh quá trình tiếp cận các chuẩn khu vực và quốc tế về chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo viên. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng thiết thực hiệu quả gắn với thực tiễn.
Hoàn thiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động.
- Hoàn thiện thể chế hỗ trợ phát triển và nâng cao hiệu quả thị trường lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từng bước chính thức hóa lao động, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và các bên có liên quan theo quy định của luật pháp.
- Tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin vào Đảng và Nhà nước, chống lại sự xâm nhập của các tư tưởng lệch lạc. Tăng cường tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật. Giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đảm bảo an ninh trật tự, đoàn kết ở nông thôn.
- Xây dựng các cộng đồng nông thôn đoàn kết, có nếp sống văn hóa, phát huy các truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc và cộng đồng dân tộc Việt nam. Xây dựng tổ chức cộng đồng đủ mạnh để chủ động phát huy nội lực tổ chức đời sống, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, Xây dựng gia đình nông thôn ấm no, hạnh phúc, là tế bào lành mạnh của xã hội.
- Hoàn thiện các thể chế đảm bảo phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát huy khả năng năng động sáng tạo của mỗi người dân trong phát triển kinh tế. Thực thi dân chủ cơ sở đảm bảo sự tham gia của mỗi người dân trong công việc chung ở mỗi công đồng liên quan trực tiếp đến đời sống của hộ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và các đòan thể chính trị-xã hội ở nông thôn vững mạnh.
- Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, năng lực và vị thế của phụ nữ nông thôn. Tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ nông thôn, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số được đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận, hưởng thụ đầy đủ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội đóng góp vào phát triển bền vững của đất nước, thực hiện đầy đủ cam kết của Việt Nam đối với các mục tiêu phát triển bền vững do LHQ đề ra.
- Tiếp tục đổi mới và phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Hội Nông dân Việt Nam thực sự trở thành nơi tập hợp, đại diện cho tiếng nói của giai cấp nông dân, bảo vệ quyền lợi, dẫn dắt giai cấp nông dân đi theo con đường do Đảng đề ra.
2.4. Phát triển khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; nông nghiệp nông thôn chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 52/NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4" trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tận dụng các cơ hội đi đôi với khắc phục những thách thức để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nông nghiệp, kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân.
- Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn. Chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN nông nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thúc đẩy hình thành các cơ sở ngoài công lập, nhất là ở các doanh nghiệp. Đầu tư nâng cao tiềm lực của các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao KH&CN nông nghiệp công lập cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu và nhân lực đủ sức tiếp cận, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến, làm nòng cốt phát triển KH&CN trong nước. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông; phát triển khuyến nông số.
- Phát nghiên cứu, ứng dụng CNSH để tạo ra các giống cây con mới, các kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ cao để thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp, công nghệ và thiết bị bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản đáp ứng sát yêu cầu và phù hợp với điều kiện của Việt Nam với giá thành hạ; nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN trong nông nghiệp, nhất là thị trường về mua bán bản quyền giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp.
- Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hàng năm đạt 0,84% GDP nông nghiệp (hiện nay mới đạt 0,2% GDP nông nghiệp và tăng khoảng 4%/năm; Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế khuyến cáo nên đầu tư 0,84% và tăng 11,2/%/năm)[3].
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp, ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng CNSH, công nghệ cao 4.0 trong nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.
- Đẩy nhanh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo lập môi trường chính sách, pháp luật thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá về nông nghiệp. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số ở các vùng nông thôn đạt trình độ ngang bằng với trình độ chung của quốc gia. Có chính sách khuyến khích phát triển, chế tạo thiết bị trong nước phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong nông ngiệp, nông thôn.
- Phát triển cơ giới hoá, tự động hoá trong nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông sản, phát triển ngành nghề nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030, đổi mới căn bản thiết bị cơ giới trong nông lâm thuỷ sản; nâng cao mức độ cơ giới hoá tất cả các khâu canh tác; những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung được cơ giới hoá đồng bộ, tiến tới tự động hoá; ngành chế biến nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các cơ sở ngành nghề nông thôn để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm gắn với giá trị văn hoá truyền thống. Có chính sách phát triển nghiên cứu, chế tạo thiết bị phục vụ cơ giới hoá, tự động hoá phù hợp với điều kiện Việt Nam có chất lượng và giá thành cạnh tranh làm cơ sở thúc đẩy cơ giới hoá, tự động hoá trong nông nghiệp, nông thôn làm trong nước.
- Phát triển dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Củng cố và nâng cao năng lực của hệ thông thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản và an toàn thực phẩm theo hướng chuyên nghiệp, thống nhất, đủ mạnh để thực hiện có hiệu quả cao các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước và hội nhập quốc tế; khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ kỹ thuật đa dạng chủ yếu với sự tham gia của tư nhân.
2.5. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
a. Hoàn thiện tổ chức sản xuất
- Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Duy trì tốc độ tăng vốn đầu tư của các doanh nghiệp khoảng 15%/năm (trong giai đoạn 2010-2020 đạt bình quân 12%/năm)[4].
- Tiếp tục đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vốn là các nông lâm trường quốc doanh.
- Phát triển thực chất các HTX và các hình thức liên kết của nông dân với các doanh nghiệp.
- Tiếp tục hỗ trợ các hộ nông nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn hơn, bao gồm cả các trang trại. Phát triển hộ ngành nghề, dịch vụ, làng nghề.
b. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và huy động nguồn lực
- Chính sách đất đai: sửa đổi luật đất đai theo hướng vận dụng triệt để cơ chế thị trường để phân bổ lại và khuyến khích sử dụng đất đai hiệu quả; khắc phục những tồn tại trong việc thu hồi, đề bù, giải phóng mặt bằng để đảm bảo công bằng và ổn định xã hội, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Chính sách tài khóa: sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng để tạo thuận lợi và giảm nhẹ chi phí của doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các vùng nông thôn. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc sau 5 năm tăng gấp 2 lần đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn (Giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 1,9 lần so với giai đoạn 2011-2015)[5]. Khuyến khích đóng góp hợp lý của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
- Chính sách tiền tệ: phát triển hệ thống tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Duy trì tốc độ tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn 18-20%/năm (bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 18,5%)[6]. Xóa bỏ tín dụng đen. Mở rộng tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội.
- Chính sách thương mại: Hoàn thiện chính sách, pháp luật trong nước để phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế. Tích cực đàm phán mở cửa và duy trì thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam ở nước ngoài. Bảo hộ phù hợp thị trường nông sản và vật tư nông nghiệp trong nước. Tạo thuận lợi phát triển thương mại điện tử đối với nông sản và vật tư nông nghiệp.
2.6 Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội
- Thống nhất nhận thức trong Đảng về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chủ trương của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới của Đất nước. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong nông dân tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của nông dân và cả xã hội.
- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra.
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân thực hiện các chủ trương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Đảng đề ra. Phát động phong trào thi đua sôi động, khơi dậy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong nông dân, nông thôn.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân là sự nghiệp to lớn, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển Đất nước tới năm 2045 do Đảng đề ra. Để làm điều đó cần có quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật đổi mới và tổ chức thực hiện hiệu quả.
TS. Cao Đức Phát
Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.
[1] Agriecology is an integrated approach that simultaneously applies ecological and social concepts and principles to the design and management od food and agricultural systems. It seeks to optimize the interactions between plants, animals, humans and the environment while taking into consideration the social aspects that need to be addressed for sustainable and fair food system.
[2] Kết quả điều tra VARHS 2018.
[3] Theo Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam.
[4] Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[5] Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[6] Nguồn: Viện chiến lược ngân hàng.