Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội (MXH) đã trở thành một công cụ giao tiếp và kết nối vô cùng mạnh mẽ, phổ biến trên toàn cầu. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, MXH đã thay đổi cách thức để mọi người trao đổi, chia sẻ thông tin, tạo ra một kênh truyền thông nhanh chóng và rộng rãi. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích tích cực, các thế lực thù địch, phản động đã và đang triệt để “lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, MXH,...”[1], trong đó, MXH trở thành một môi trường lý tưởng để chúng ra sức phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội và xâm phạm đến nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta.
MXH với khả năng kết nối vượt qua mọi rào cản về không gian và thời gian, không chỉ là nơi giao lưu, kết nối, mở rộng các mối quan hệ xã hội, mà còn trở thành mặt trận đấu tranh tư tưởng quan trọng. Các nền tảng như: Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram... đã thu hút hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới, trở thành kênh truyền tải thông tin mạnh mẽ. Theo báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Datareportal và We Are Social công bố, hiện có khoảng 4,8 tỷ người sử dụng MXH, chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu.
Việt Nam đến tháng 01/2024, Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng internet, tương ứng với 79,1% dân số cả nước, tăng thêm 5,3 triệu người (+7.3%) so với đầu năm 2022. Trung bình, mỗi người dùng tại Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút trực tuyến trên Internet, trong đó 55,4% thời gian sử dụng Internet thông qua thiết bị di động. Những con số này cho thấy tỉ lệ rất cao người dân Việt Nam sử dụng Internet và mạng xã hội. Đây là cơ hội để hội nhập sâu rộng vào không gian mạng toàn cầu, từ đó tiếp cận với những cơ hội phát triển mới cho đất nước và con người Việt Nam, nhất là công cuộc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, song song với những cơ hội cũng đặt ra không ít thách thức.
Sự phát triển nhanh chóng của MXH đã tạo ra cơ hội và thách thức trong công cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Một mặt, MXH giúp lan tỏa nhanh chóng các thông tin chính thống, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận xã hội một cách kịp thời và hiệu quả. Thông qua MXH, các thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế được phổ biến rộng rãi, giúp người dân nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Mặt khác, MXH cũng là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng, truyền bá các tư tưởng sai lệch, kích động, gây mất ổn định chính trị, xã hội và tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta. MXH hiện đang là không gian thực hiện các chiến lược thông tin, tuyên truyền về nhiều luồng tư tưởng, hệ giá trị khác nhau, gây ra sự dao động, hoài nghi trong cộng đồng cư dân mạng đối với hệ tư tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Và trên thực tế MXH đã trở thành một không gian mới cho cuộc sống của con người, và Internet đã trở thành phương tiện truyền thông chủ đạo để nuôi dưỡng thói quen đọc, cách suy nghĩ và lối sống của đông đảo cư dân mạng. Công chúng được tự do bày tỏ ý kiến và quan điểm, nhiều quan điểm và giá trị khác nhau có thể được tự do trao đổi và cũng dễ xảy ra sự va chạm, đụng độ. Một khi cuộc tranh luận của dư luận leo thang, nó thường dẫn đến cuộc đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng, gây ra nhiều tác dụng ngược. Hơn nữa, MXH là mảnh đất màu mỡ, nơi dung dưỡng của rất nhiều luồng tư tưởng, ý thức chính trị khác nhau, các “mầm tư tưởng” được phát triển một cách tự do, khó kiểm soát.
Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng MXH như một “mặt trận” chính để thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền xuyên tạc, với những hình thức rất đa dạng và tinh vi. Chúng tạo ra các website, kênh trên nền tảng MXH, tuyên truyền sai sự thật, kích động hằn thù, chia rẽ nội bộ, thậm chí kêu gọi hành động chống phá, gây rối loạn trật tự, an ninh xã hội. Với những luận điệu như “nhập khẩu lý luận”, “chủ thuyết phát triển mới”, hay nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”,… chúng cố tình đánh tráo khái niệm, xuyên tạc các quan điểm chính thống, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Có không ít các bài đăng với những hình ảnh, video trên các diễn đàn, trang mạng cá nhân (Facebook, Twitter, Instagram…) bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các giá trị phương Tây, ca ngợi đời sống phương Tây, đồng thời so sánh với Việt Nam dưới góc nhìn xuyên tạc để nói bóng gió chê bai hệ thống chính trị, hệ tư tưởng của Việt Nam. Lối suy nghĩ, hệ giá trị và cách ứng xử của phương Tây thể hiện trong những nội dung văn hóa này đều có tác động nhất định đến hệ tư tưởng của nước ta hiện nay.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng tư duy phản biện (TDPB) cho đội ngũ cán bộ Công an nhân dân (CAND) trở thành yếu tố quan trọng và cần thiết, giúp họ nhận diện, phân tích, phản bác, “đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”[2], góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho toàn lực lượng CAND, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, chiến sĩ, để đảm bảo một môi trường MXH an toàn, lành mạnh, bảo vệ các giá trị chính thống và giữ vững niềm tin vào con đường mà Đảng và Nhà nước đã chọn.
1. Tư duy phản biện và vai trò đối với đội ngũ cán bộ CAND trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH
Tư duy là đỉnh cao của nhận thức trong nhìn nhận, phân tích, đánh giá sự vật, hiện tượng; TDPB (critical thinking) là quá trình phân tích, đánh giá và suy ngẫm về các thông tin, quan điểm và lập luận một cách logic, khách quan. TDPB không chỉ đơn giản là việc chỉ trích hay bác bỏ ý kiến người khác, mà còn là khả năng đặt câu hỏi, tìm hiểu sâu sắc về vấn đề và tìm kiếm sự thật một cách có cơ sở.
TDPB có vai trò hết sức quan trọng giúp đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ CAND nhận diện, phân tích và phản bác hiệu quả trước các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Vai trò đó biểu hiện cụ thể trên các vấn đề sau:
Thứ nhất, TDPB là công cụ hữu ích giúp đội ngũ cán bộ CAND nhận diện và phân tích quan điểm sai trái, thù địch trên MXH.
TDPB giúp đội ngũ cán bộ CAND xem xét, phân tích các quan điểm tiếp cận dưới góc nhìn đa chiều, đánh giá tính logic, độ tin cậy và tính thuyết phục của các lập luận. Đồng thời, huy động tổng hợp các yếu tố (tri thức, kỹ năng tư duy, phẩm chất cá nhân) trong xem xét toàn diện từ mục đích, nội dung, cách thức và nhận diện chính xác các thông tin sai lệch, xuyên tạc hay sự nhào nặn, chế biến thông tin theo hướng tiêu cực của các thế lực thù địch. Đặc biệt, TDPB bảo đảm tính khách quan cho sự nhận diện khoa học đối với các chiêu bài xuyên tạc, sai lệch. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ sẽ phòng, tránh được các cạm bẫy của các luận điệu sai trái, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, ngăn chặn sự lan truyền của các thông tin độc hại, bảo vệ cộng đồng mạng và an ninh thông tin.
Thứ hai, TDPB giúp đội ngũ cán bộ CAND xây dựng khả năng phản bác quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả.
Phản bác quan điểm sai trái, thù địch luôn đòi hỏi sự tinh tế trong lập luận và khả năng phân tích sâu sắc. TDPB là công cụ giúp đội ngũ cán bộ CAND nhận diện và phân tích những điểm yếu trong lập luận, chỉ ra các lập luận không có căn cứ của các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, cho phép xác định các sản phẩm thông tin trên MXH không có tính logic, sự thiếu nhất quán và các yếu tố gây hiểu lầm trong các thông tin sai lệch. Trước một thông tin sai trái dựa trên các số liệu không rõ nguồn gốc hoặc thống kê không chính xác, TDPB giúp họ phân tích và chứng minh những vấn đề này. Hơn nữa, khi có khả năng xây dựng các lập luận trên cơ sở khoa học, đội ngũ cán bộ phản bác thông tin sai lệch một cách hiệu quả, khẳng định sự thật, tính chính xác của các quan điểm chính thống.
Thứ ba, TDPB hỗ trợ đội ngũ cán bộ CAND lựa chọn thông tin chính xác và đáng tin cậy.
Trước lượng thông tin khổng lồ và đa dạng được truyền tải với tốc độ cao, TDPB giúp đội ngũ cán bộ CAND phát triển khả năng lựa chọn và đánh giá thông tin đúng đắn, bằng cách cung cấp các phương pháp và công cụ để đánh giá tính xác thực của quan điểm đưa ra. Họ có thể phân tích nguồn gốc của thông tin, kiểm tra độ tin cậy của các nguồn và xem xét các yếu tố liên quan như: tính chính xác của dữ liệu và sự phù hợp của thông tin với bối cảnh hiện tại. Qua đó, việc chọn lọc và đánh giá thông tin chính xác sẽ bảo vệ họ tránh khỏi bị cuốn vào vòng xoáy của tin đồn, thông tin sai lệch hoặc luận điệu xuyên tạc, góp phần định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực và khoa học.
Thứ tư, TDPB góp phần tăng sức đề kháng của đội ngũ cán bộ CAND trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên MXH.
TDPB đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cho đội ngũ cán bộ CAND trước các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên MXH. Nó như là “tấm màng chắn” giúp họ tự ngăn chặn thông tin độc hại, sai lầm, các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Bên cạnh đó, với TDPB, mỗi cán bộ CAND sẽ có nhiều ý tưởng trong tranh luận, thảo luận, tìm kiếm thông tin mới, chủ động phân tích và đánh giá vấn đề trước khi chấp nhận bất cứ ý kiến, quan điểm nào; phân tích sâu sắc và nhận diện rõ ràng các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. TDPB giúp họ tăng khả năng nhận diện các yếu tố kích thích tâm lý, sự thao túng thông tin và các chiến lược tuyên truyền được sử dụng để tạo ra sự phân tâm và mất niềm tin vào các tổ chức chính trị, xã hội. Nhờ đó, họ tránh khỏi việc bị lôi kéo, đồng thời phản bác hiệu quả trước các thông tin, quan điểm sai lệch, duy trì sự ổn định và lòng tin vào chế độ.
Thứ năm, TDPB thúc đẩy tinh thần tự học của đội ngũ cán bộ CAND góp phần nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch.
TDPB giúp cán bộ CAND phát triển tinh thần tự học và sáng tạo trong công việc, nhận thức rõ hơn về sự cần thiết của việc cập nhật và bổ sung kiến thức mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch. Bằng cách liên tục tự rèn luyện TDPB, họ sẽ trở nên năng động hơn trong việc tìm kiếm và ứng dụng các phương pháp và công cụ mới, đồng thời, chủ động học hỏi từ các đồng nghiệp và chuyên gia trong và ngoài ngành, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở đó, góp phần nâng cao khả năng nắm thực chất, đánh giá chính xác, khách quan các thông tin, quan điểm tiếp nhận, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
2. Giải pháp xây dựng TDPB cho đội ngũ cán bộ CAND trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH hiện nay
Hiện nay, MXH đã trở thành môi trường chủ yếu để các thế lực thù địch, phản động tiến hành các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ta. Những luận điệu phản động, thông tin xuyên tạc được tung ra một cách tinh vi và có tổ chức nhằm tác động tới nhận thức của người sử dụng MXH, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải ai cũng có khả năng nhận diện và đấu tranh chống lại những thông tin này. Một bộ phận người dùng MXH nói chung, đội ngũ cán bộ CAND nói riêng do thiếu TDPB hoặc chưa được rèn luyện kỹ năng này, dễ bị lôi cuốn theo các luận điệu sai trái, dẫn tới nguy cơ “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”.
Một số thách thức hiện nay trong TDPB của đội ngũ cán bộ CAND trong phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH hiện nay bao gồm: (1) Thiếu kỹ năng phân tích thông tin: Một số cán bộ CAND hiện nay không được trang bị đầy đủ kỹ năng phân tích thông tin, dẫn đến việc tiếp nhận và tiếp thu thông tin một cách thụ động và không có sự đánh giá hay phê phán, phản biện. Trong môi trường thông tin tràn ngập trên MXH, việc thiếu khả năng phân tích có thể khiến họ chấp nhận các thông tin một cách vô thức mà không đặt câu hỏi về nguồn gốc, độ tin cậy và tính chính xác của chúng. Kỹ năng phân tích thông tin đòi hỏi mỗi cán bộ CAND phải có khả năng phân tách các yếu tố cấu thành của thông tin, đánh giá các luận cứ và chứng cứ và nhận diện các yếu tố gây hiểu lầm hoặc bóp méo sự thật. Thiếu kỹ năng này, họ không thể phát hiện được các thông tin sai lệch hay thông tin không đáng tin cậy, dẫn đến sự tiếp nhận thông tin một cách lệch lạc và không chính xác. (2) Thiếu sự kiểm chứng thông tin: Trên MXH, thông tin thường được lan truyền với tốc độ nhanh chóng mà không qua quy trình kiểm chứng chính thức. Một bộ phận cán bộ CAND dễ dàng chấp nhận và chia sẻ, không xác minh thông tin. Sự thiếu kiểm chứng này gây ra nguy cơ cao về việc phát tán thông tin sai lệch, lan truyền các tin đồn, thông tin giả mạo và luận điệu xuyên tạc, dẫn đến sự hoang mang và sự phân tâm trong dư luận. Việc thiếu một quy trình kiểm chứng thông tin thường xuyên và có hệ thống khiến cho họ không thể phân biệt thông tin đáng tin cậy và thông tin sai lệch. (3) Thiếu khả năng phản bác: Khi đối mặt với các luận điểm sai trái hoặc thông tin không chính xác, không ít cán bộ CAND không biết cách phản bác một cách hiệu quả hoặc cảm thấy e ngại trong việc tranh luận. Nguyên nhân có thể do thiếu tự tin vào khả năng lập luận hoặc do không biết phương pháp và kỹ năng phản bác thông tin một cách thuyết phục. Điều đó dẫn đến việc các quan điểm sai lệch không được kiểm chứng và phản bác một cách có hệ thống, làm giảm khả năng duy trì và bảo vệ các quan điểm chính thống.
Những vấn đề nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của một số cán bộ CAND về tầm quan trọng của TDPB, về tính chất, mức độ và hậu quả của các quan điểm sai trái, thù địch chưa đầy đủ, việc tự học tập, tự bồi dưỡng TDPB còn hạn chế; kỹ năng TDPB trong nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch còn yếu; môi trường chưa thực sự thuận lợi cho phát triển TDPB; vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia trong đội ngũ cán bộ CAND tham gia đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH chưa phát huy hiệu quả.
Để xây dựng TDPB cho đội ngũ cán bộ CAND trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ CAND về TDPB và vai trò của nó trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH
Nâng cao nhận thức về TDPB là bước khởi đầu thiết yếu trong việc trang bị cho đội ngũ cán bộ CAND các công cụ cần thiết để đối phó với thông tin sai lệch và luận điệu xuyên tạc. Thực hiện được điều này, các cơ quan, đơn vị đặc biệt là trong các nhà trường công an cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, tập trung lan tỏa sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ. Trong các chương trình đào tạo, cần lồng ghép các nội dung liên quan đến TDPB, hướng dẫn cách phân tích, đánh giá thông tin và phát triển kỹ năng phản biện. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn, sách tham khảo về TDPB và cung cấp cho cán bộ, học viên để tự học và nghiên cứu.
Thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo để giúp đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, hiểu rõ về TDPB và vai trò quan trọng của nó trong việc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, khuyến khích các cán bộ, chiến sĩ tham gia các khóa học, hội thảo, tọa đàm về TDPB để cập nhật kiến thức mới và rèn luyện kỹ năng. Qua đó tạo điều kiện cho mỗi cán bộ có cơ hội thảo luận và thực hành các kỹ năng này trong các tình huống thực tế.
Bên cạnh đó, các nhà trường công an cần tích hợp TDPB vào chương trình đào tạo từ sớm. Việc này giúp đội ngũ cán bộ CAND tích luỹ kỹ năng phân tích thông tin và đánh giá quan điểm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thông qua các bài học về cách nhận diện thông tin sai lệch và các phương pháp phản biện trong chương trình học như phân tích, lập luận, thảo luận nhóm,… sẽ giúp họ hình thành thói quen, rèn luyện và phát triển khả năng TDPB.
Việc phát triển TDPB không chỉ dựa vào các chương trình đào tạo chính quy, mà còn phải thông qua quá trình tự học, tự rèn luyện của mỗi cán bộ CAND. Do đó, các đơn vị trong lực lượng cần khuyến khích cán bộ, chiến sĩ chủ động học tập, nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội, pháp luật để nâng cao kiến thức và phát triển TDPB, để “phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị”[3]. Việc tự học giúp họ có kiến thức sâu hơn về các vấn đề, phát triển khả năng tư duy, óc phân tích, phán đoán. Các đơn vị cũng có thể cung cấp các khóa học trực tuyến và tài liệu nghiên cứu để hỗ trợ quá trình tự học của họ. Mặt khác, mỗi cán bộ cũng cần tránh like, share hay click vào các đường link khi chưa kiểm chứng thông tin, gây mất an toàn thông tin cá nhân, cũng như vô tình tiếp tay cho quan điểm sai trái, thù địch trên MXH.
Hai là, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng TDPB cho đội ngũ cán bộ CAND trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH
Để TDPB trở thành một kỹ năng thiết yếu, đội ngũ cán bộ CAND cần được khuyến khích thực hành các kỹ năng này thông qua các hoạt động thực tiễn như tranh luận, thảo luận nhóm, các cuộc thi hùng biện, viết báo khoa học và tham gia đưa tin, bài trên các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái trên MXH, Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những hoạt động này giúp người tham gia rèn luyện kỹ năng lập luận và phân tích thông tin, tạo cơ hội tiếp cận những quan điểm khác nhau, xây dựng và bảo vệ các luận điểm của mình và cải thiện khả năng phân tích, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ngoài ra, việc khuyến khích nghiên cứu độc lập cũng rất quan trọng giúp đội ngũ cán bộ CAND phát triển khả năng phân tích và đánh giá thông tin một cách có hệ thống và sâu sắc hơn. Khuyến khích việc mở rộng kiến thức và phát triển khả năng tư duy thông qua việc tiếp cận các tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau với các nguồn thông tin đa chiều, từ đó phát triển khả năng phân tích, đánh giá và xây dựng quan điểm riêng trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, thông qua việc đọc các tài liệu, sách báo từ nhiều nguồn khác nhau giúp mỗi cán bộ mở rộng kiến thức và có cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề và cải thiện kỹ năng TDPB.
Các khóa đào tạo chuyên sâu và chương trình tập huấn về TDPB cần được thiết lập và triển khai rộng rãi trong lực lượng Công an để cung cấp cho đội ngũ cán bộ CAND các kỹ năng cần thiết, nâng cao năng lực nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH. Những khóa học này nên bao gồm các chủ đề như: kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin, kỹ năng giao tiếp và tranh luận, khả năng lập luận khoa học, sử dụng chứng cứ cụ thể và phản ứng một cách tự tin trước các thông tin sai lệch để bảo vệ quan điểm một cách thuyết phục. Các chương trình này cũng nên bao gồm các bài tập thực hành để người tham gia có cơ hội áp dụng các kỹ năng trong giải quyết các tình huống thực tế.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cần cung cấp tài liệu học tập và công cụ hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ CAND. Các tài liệu này có thể bao gồm sách, bài viết, video hướng dẫn và các công cụ trực tuyến giúp họ nâng cao khả năng phân tích và đánh giá thông tin. Cung cấp các công cụ hỗ trợ như: ứng dụng kiểm tra thông tin và nền tảng thảo luận trực tuyến để họ tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn và phát triển kỹ năng TDPB hiệu quả hơn.
Ba là, phát huy vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia trong đội ngũ cán bộ CAND tham gia đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH
Các nhà khoa học, chuyên gia đóng vai trò then chốt trong việc phân tích và phản bác thông tin sai lệch trên MXH. Để phát huy vai trò này, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng các nhóm phản biện gồm các nhà khoa học, chuyên gia để tập trung vào việc phân tích và phản bác thông tin sai lệch. Những nhóm này có thể hoạt động như một cơ quan tư vấn để cung cấp các báo cáo và phân tích về các vấn đề tranh luận trên MXH. Chủ động tham gia vào các diễn đàn trực tuyến và MXH để giải thích, phân tích và làm rõ các vấn đề phức tạp. Sự hiện diện của họ trên các nền tảng MXH sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, tin cậy dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề quan trọng. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ CAND được cập nhật kiến thức mới nhất về các kỹ năng TDPB, cũng như các thông tin chính trị, xã hội, phân biệt được thông tin chính thống để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch.
Ngoài việc tham gia các diễn đàn MXH, các nhà khoa học, chuyên gia cần hợp tác với các phương tiện truyền thông để truyền đạt thông tin chính xác đến công chúng. Đồng thời, tích cực viết báo, tổ chức các buổi live stream, tham gia phỏng vấn và tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận trực tuyến để cung cấp các ý kiến chuyên gia, giải thích chính xác các vấn đề đang được tranh luận, nâng cao độ tin cậy của các nguồn tin và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng TDPB cho đội ngũ cán bộ CAND trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH.
Yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng để xây dựng TDPB cho đội ngũ cán bộ CAND trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH. Ở các nhà trường CAND, cần đổi mới phương pháp giảng dạy để chú trọng phát triển kỹ năng TDPB. Các phương pháp giảng dạy hiện đại như: học qua dự án, thảo luận nhóm và giải quyết vấn đề thực tiễn, sẽ giúp đội ngũ cán bộ CAND rèn luyện khả năng phân tích, lập luận phản biện. Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong giảng dạy sẽ tạo ra một môi trường học tập kích thích sự phát triển TDPB một cách hiệu quả hơn.
Các cơ quan, đơn vị CAND cần xây dựng môi trường văn hóa phản biện trong tổ chức, khuyến khích cán bộ thể hiện quan điểm, đặt câu hỏi và thảo luận ý kiến về các quan điểm trên MXH. Điều này thúc đẩy một môi trường làm việc cởi mở, nơi mọi người được tôn trọng và các ý kiến khác biệt được đánh giá cao sẽ giúp phát triển khả năng TDPB và thúc đẩy sự trao đổi ý tưởng trong đội ngũ cán bộ CAND. Đồng thời, xây dựng môi trường thực hành TDPB, tạo điều kiện cho họ thực hành, áp dụng các kỹ năng TDPB vào công tác thực tiễn, đặc biệt trong việc đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên MXH. Tổ chức các buổi thảo luận, tranh luận, mô phỏng các tình huống thực tế để cán bộ, chiến sĩ có cơ hội rèn luyện kỹ năng phản biện, đánh giá và phân tích thông tin. Tạo điều kiện cho cán bộ CAND tham gia vào các diễn đàn, hội thảo, nhóm nghiên cứu để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và nâng cao trình độ TDPB.
Tạo điều kiện thuận tiện cho đội ngũ cán bộ CAND ứng dụng các công cụ hỗ trợ như: phần mềm phân tích dữ liệu, công cụ xác minh thông tin, các ứng dụng hỗ trợ phản biện trực tuyến…. để báo cáo thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, trang bị cho họ kỹ năng sử dụng các công cụ này để hỗ trợ công tác đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Các cơ quan quản lý trong lực lượng Công an cần theo dõi và xử lý các báo cáo này một cách kịp thời và hiệu quả, phát hiện và gỡ bỏ thông tin sai lệch, cũng như các quy trình xử lý các báo cáo vi phạm góp phần bảo vệ môi trường MXH và bảo vệ cán bộ, chiến sĩ khỏi các quan điểm sai trái, thù địch.
Trong bối cảnh các thế lực thù địch đang sử dụng MXH như một công cụ để tiến hành “diễn biến hòa bình”, việc xây dựng và phát triển TDPB cho đội ngũ cán bộ CAND là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, giúp mỗi cán bộ tự bảo vệ trước các thông tin sai trái, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và sự ổn định của xã hội chính trị, xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, xây dựng TDPB cho đội ngũ cán bộ CAND cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ để tạo nên một môi trường MXH an toàn, lành mạnh, văn minh./.
Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành*
Đại tá, PGS.TS Cao Văn Trọng**
* Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương
** Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 245
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 201.
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 244