3. Xây dựng, phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Hiệu quả của xây dựng và phát huy nguồn lực con người chỉ có thể là kết quả tổng hợp của hệ thống các chính sách để giải quyết một loạt vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó thể hiện chủ yếu ở các lĩnh vực: Đời sống vật chất; đời sống văn hóa; môi trường chính trị - xã hội; nền giáo dục và phát triển khoa học - công nghệ; nền sản xuất công nghiệp hiện đại; nhận thức của chủ thể chính trị, chính sách và thể chế chính trị.
Về đời sống vật chất, không phải ngẫu nhiên mà năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và Người chỉ ra rằng: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[1]. Chính vì lý do ấy, chân lý thực tế ấy mà Hồ Chí Minh yêu cầu:
“Chúng ta phải thực hiện ngay:
- Làm cho dân có ăn.
- Làm cho dân có mặc.
- Làm cho dân có chỗ ở.
- Làm cho dân có học hành.
Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta được xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”[2]. Việc nhấn mạnh nhu cầu cuộc sống vật chất của con người không chỉ phù hợp với quy luật cuộc sống mà cũng mang ý nghĩa nhân văn. Chính Hồ Chí Minh cũng đã nhắc đến câu châm ngôn “dân dĩ thực vi thiên”. Trong toàn bộ đường lối của Đảng, việc chăm lo, không ngừng cải thiện đời sống vật chất của nhân dân là nội dung nhất quán, bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Vậy trong giai đoạn sắp tới, yêu cầu về cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân là gì?
Về tổng thể, Đảng yêu cầu: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội,nhất là phức lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”. Các chính sách phát triển kinh tế, xã hội phải gắn bó chặt chẽ với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân, bảo đảm cơ chế phân bổ nguồn lực công bằng, hợp lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích, bảo đảm cho cơ hội phát triển của các tầng lớp dân cư, các nhóm xã hội; chú ý thích đáng đến người già, trẻ em và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhà nước đổi mới và thực hiện các chính sách bảo đảm cuộc sống của người có công được cải thiện; bảo đảm tiền lương tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đổi mới chính sách lao động, việc làm, chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, từng bước bảo đảm vững chắc các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí… Xây dựng đất nước Việt Nam trở thành một đất nước hạnh phúc, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc, bền vững cho các thế hệ người Việt Nam.
Xây dựng nền văn hóa như nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc, môi trường rèn luyện tu dưỡng lối sống của con người Việt Nam hiện đại. Nói như Hồ Chí Minh, “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”[3]. Xuất phát từ quan niệm của C. Mác, “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, khái niệm “con người” đã mang bản chất xã hội, không thể thống nhất không thể tách rời giữa con người tự nhiên với con người xã hội. Trong các mối quan hệ xã hội đó có các mối quan hệ trong phạm vi hẹp là gia đình, dòng họ, bạn bè, có những mối quan hệ rộng lớn hơn như dân tộc, nhân loại. Và vì thế, môi trường văn hóa - xã hội có ý nghĩa quyết định trong việc hình thành nhân cách, lối sống, các giá trị đạo đức của con người. Khi môi trường văn hóa - xã hội thay đổi thì các giá trị xã hội của con người cũng thay đổi theo. Logic ấy nói lên tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng môi trường văn hóa - xã hội trong quá trình xây dựng, phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới của copong cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII toát lên yêu cầu xây dựng một môi trường văn hóa - xã hội tốt đẹp, tích cực vì con người nói chung và vì xây dựng nguồn nhân lực cho thời kỳ phát triển mới của đất nước nói riêng. Yêu cầu hàng đầu của vấn đề là thực hiện tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn văn hóa với kinh tế, xã hội như một thế thống nhất hữu cơ trong quá trình phát triển đất nước. Trước hết, cần sớm xác định giá trị quốc gia và chuẩn mực giá trị con người Việt Nam hiện đại, tạo cơ sở xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp phục vụ cho sự phát triển con người, khắc phục sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cư dân, nhất là trong lớp người trẻ tuổi. Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện và phát huy vai trò, ảnh hưởng xã hội của các cuộc vận động, các phong trào văn hóa cơ sở, nhằm xây dựng môi trường văn hóa - xã hội tốt đẹp, tích cực nhất cho sự phát triển của con người. Bảo tồn, tu tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc; xây dựng và phát huy vai trò giáo dục, hướng dẫn và điều tiết xã hội của văn học, nghệ thuật, báo chí, truyền thông, thể dục, thể thao, các thiết chế văn hóa khác, làm cho văn hóa thực sự giữ vai trò “soi đường cho quốc dân đi”.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, tổng thể, nâng cao chất lượng nền giáo dục, đào tạo quốc dân, làm cho giáo dục và đào tạo thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện con người trở thành những chủ nhân xứng đáng, có đủ trí tuệ, sức khỏe, kỹ năng sống, năng lực công tác, đảm đương trách nhiệm xây dựng, phát triển đất nước cường thịnh, bảo vệ Tổ quốc bền vững. Phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo hợp lý về yêu cầu xã hội, theo kịp điều kiện mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật và cơ chế vận hành, phương pháp tổ chức quản lý, có chất lượng cao, liên thông trong nước và quốc tế, bảo đảm cho yêu cầu ngày càng phong phú, đa dạng về nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Trong giáo dục, đào tạo, cần quan tâm thích đáng đến hai nhân vật chính là giáo viên và học trò. Cần có chính sách xây dựng và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ người thầy, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo một cách xứng đáng, hợp lý, tương xứng với vai trò, vị thế quan trọng của học trong xã hội và trong chiến lược phát triển đất nước. Đối với người học, không chỉ lôi cuốn được tỷ lệ tối đa trẻ em tới trường, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, mà cần phải đổi mới chính sách đãi ngộ, thay đổi kịp thời một số nhận thức quá thiên về cơ chế thị trường trong “xã hội hóa giáo dục” để hình thành một môi trường giáo dục công bằng, bình đẳng, nhân văn, không có phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, đúng với tính chất chủ nghĩa xã hội. Đây là điều kiện rất quan trọng để giáo dục, xây dựng nhân cách, lối sống trong sáng cho những chủ nhân tương lai của đất nước.
Cùng với giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ là yếu tố sống còn, là điều kiện không thể thiếu trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người. Đến lượt nó, con người chính là chủ thể phát triển, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào đời sống, biến khoa học - công nghệ thành động lực trung tâm để phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng xuất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh yêu cầu “có chiến lược phát triển khoa học - công nghệ” phù hợp với thời đại, yêu cầu và điều kiện của đất nước; “đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ”, lấy nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển con người làm trung tâm. Đầu tư phát triển khoa học công nghệ theo cơ chế thị trường, trên cơ sở huy động nguồn lực từ nhà nước, xã hội và các doanh nghiệp, cá nhân; khuyến khích mọi doanh nghiệp, cá nhân phát triển khoa học, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành mũi nhọn; ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến; tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, v.v.. Tóm lại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, một mặt tăng cường lực lượng sản xuất, nâng cao năng xuất lao động xã hội, tăng cường sức mạnh kinh tế cho đất nước, mặt khác thông qua đó để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là một trong số điều kiện quyết định để phát triển đất nước vì mục tiêu con người.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền sản xuất công nghiệp hiện đại, nền kinh tế tri thức, thức đẩy nhanh chuyển đổi số nền kinh tế của đất nước cũng chính là một điều kiện, một môi trường, một phương thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần thiết cho đất nước trong thời kỳ sắp tới. Nền công nghiệp hiện đại với tính kỷ luật lao động cao, với yêu cầu cao về sự sáng tạo, với đòi hỏi cao về sự hợp tác trong làm việc, sẽ là trường học thực tiễn có hiệu quả cao nhất trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao mà không có trường lớp nào có thể làm tốt hơn được.
Vấn đề then chốt còn lại của việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới là nhận thức đúng đắn bản chất, yêu cầu và nhanh chóng hoàn thiện thể chế phát triển chung, trong đó có thể chế cho sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Nói cụ thể hơn, đó chính là việc nhận thức rõ hơn các vấn đề về con người và con người trong chế độ của chúng ta, chế độ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thời kỳ mà chúng ta mới dự báo một mô hình tương lai của chủ nghĩa xã hội dựa trên tính quy luật của lịch sử và những dự báo của một học thuyết khoa học về xã hội - học thuyết Mác - Lê nin. Chúng ta đang sống trong điều kiện mà, chủ nghĩa xã hội mới chỉ là những mầm mống, những bộ phận và giá trị ban đầu, đang hình thành, đồng thời cùng tồn tại, chung sống với những bộ phận, những giá trị của chế độ cũ, chế độ quá độ. Chưa kể một điều đương nhiên không thể quên rằng, “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”[4]. Trong điều kiện ấy, sự kiên định phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội cũng đồng thời là đòi hỏi sáng tạo, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa phát triển của nhân loại để giúp cho con đường phát triển của chúng ta nhanh chóng hơn, bền vững hơn. Đó cũng chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rằng, “cái gì có lợi cho dân thì cố mà làm, cái gì có hại cho dân thì cố mà tránh”, hay như vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới V.I. Lênin đã chỉ ra: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt nhất của nước ngoài: Chính quyền xô-viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = ∑= chủ nghĩa xã hội”[5].
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về bối cảnh, điều kiện, yêu cầu của cách mạng, chúng ta phải thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, các chế định nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế bảo vệ nói chung cho sự phát triển, nói riêng mục tiêu phát triển con người, xây dựng, phát huy nguồn lực con người. Đó là một hệ thống pháp luật, chế định bảo vệ quyền con người đồng thời với xác định rõ trách nhiệm công dân, bảo đảm phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn liền với tăng cường pháp chế, kỷ luật, kỷ cương xã hội, bảo đảm cho mỗi con người đều có thể và có điều kiện phát triển tự do, toàn diện, phát huy tài năng, sở trường trong cuộc sống không tách rời thái độ sống có trách nhiệm với xã hội, sự ý thức đầy đủ về lợi ích của dân tộc, quốc gia và tinh thần hữu nghị, nhân ái với bạn bè. Thiếu một thể chế như thế sẽ là sự cản trở không thể vượt qua để xây dựng, phát huy hiệu quả nguồn lực con người trong điều kiện mới.
*
* *
Tóm lại, xây dựng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng, một yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta trong thời kỳ tới. Đó cũng là công việc phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận vừa khoa học, vừa rất thực tế, thận trọng nhưng phải sáng tao, quyết liệt. Hơn thế nữa, xây dựng và phát huy nguồn lực con người cũng là kết quả của sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều ban ngành, nhiều lĩnh vực hoạt động trong đười sống xã hội, vì thế đòi hỏi phải có chiến lược chung, có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, hiệu quả trong cả hệ thống chính trị. Chỉ có xây dựng, tạo ra môi trường, điều kiện phát triển tốt nhất cho con người, chúng ta mới có điều kiện để khơi dậy những sức mạnh to lớn, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ to lớn, nặng nề, đầy tính sáng tạo của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”[6]./.
(Hết)
GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
[1], Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 175.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 130.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 216.
[5] V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.684.
[6] . Nguyễn Phú Trọng: Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, báo Nhân dân, số ra ngày 31-8-2020.