Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Những xu hướng mới của kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế Việt Nam (Phần 2)

Ngày phát hành: 08/10/2020 Lượt xem 23027

II. Tác động đến kinh tế Việt Nam

Xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới đang tác đông mạnh mẽ đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế nước ta nói riêng.

1. Tác động của toàn cầu hoá,

 Việt Nam có vị trí thuận lợi về địa kinh tế và địa chính trị, có sự ổn định về chính trị, xã hội, do vậy Việt Nam có sức hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Trong suốt những năm vừa qua các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên khá nhanh. Dù cầu thế giới có suy giảm, nhưng những mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam là những mặt hàng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của các quốc gia, nên ít bị ảnh hưởng. Các quốc gia phát triển đang ở trong thời kỳ tái cơ cấu kinh tế, do vậy họ có nhu cầu chuyển nhượng công nghệ để tạo điều kiện ứng dụng công nghệ mới, đây cũng là thời cơ để Việt Nam có thể tiếp nhận các công nghệ hiện đại từ các nước Âu Mỹ. Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ ký 5 FTA nữa, nghĩa là Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, và đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tăng cường thu hút các nguồn lực của thế giới.

Việt Nam hiện là một trong những nước hưởng lợi nhiều từ xu hướng toàn cầu hóa. Năm 2019, tỷ lệ thương mại so với GDP của Việt Nam đạt tới 201,4%. Đây là con số cao nhất trong nhóm những nước có trên 50 triệu dân theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới tính từ năm 1960. Có thể nói yếu tố toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đóng vai trò quan trọng trong thành tích tăng trưởng trung bình 7% trong hơn 3 thập kỷ qua của Việt Nam.

Việt Nam đã thực hiện chính sách tập trung phát triển xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam cung cấp thị trường lao động giá rẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và nhanh chóng trở thành nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất chi phí thấp. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu hàng điện tử và may mặc.

Trái với những nền kinh tế phát triển nóng khác, sự thịnh vượng của Việt Nam được đánh giá là phân bố khá đồng đều. Số người thuộc nhóm nghèo giảm từ 37,4% năm 1998 xuống còn 5,8% năm 2016. Ngân hàng Thế giới đánh giá chính những cơ hội việc làm được tạo ra từ hoạt động thương mại đã đem tới chuyển biến đáng kinh ngạc này.

Bên cạnh cơ hội từ toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đem lại, Việt Nam cũng gặp những thách thức như:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế quá phụ thuộc vào hoạt động thương mại. Những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các nhu yếu phẩm bao gồm: nguyên liệu đầu vào, nông sản, hàng tiêu dùng cơ bản không có sức cạnh tranh cao, do vậy doanh nghiệp Việt Nam rất dễ gặp khó khăn trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, cùng với việc tham gia các FTA, nguồn cung hàng hóa của thế giới đang và sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam với giá cả thấp, đe dọa sự phát triển của sản xuất nội địa. Muốn hạn chế các tác động tiêu cực này, cần thiết phải có các hàng rào kỹ thuật, tỷ giá để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hiện nay các công cụ bảo hộ thương mại của Việt Nam còn chưa phát triển đầy đủ, cần thời gian để hoàn thiện.

Thứ hai, phụ thuộc vào đối tác kinh tế. Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nếu hai nền kinh tế này thay đổi chính sách, Việt Nam có thể gặp khó khăn. Ví dụ, việc các sản phẩm nông sản của Việt Nam thường xuyên ách tắc trên biên giới do phía Trung Quốc từ chối nhập khẩu khiến thị trường trong nước phải "giải cứu" cho thấy sự phụ thuộc này là không hề lành mạnh. Do vây, việc đa dạng hoá thị trường là nhiệm vụ cần thiết của nước ta trong thời gian tới đây.

Thứ ba, phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Hiện nay các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới trên 70% giá trị xuất khẩu và trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, nghĩa là nền kinh tế Việt Nam đã bị các doanh nghiệp FDI chi phối trên thực tế. Bên cạnh một số đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam như giúp duy trì đà tăng trưởng cao, tạo công ăn việc làm cho người lao động… các doanh nghiệp FDI cũng gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ như gây ô nhiễm môi trường, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, mục tiêu chuyển giao công nghệ còn hạn chế …

Thứ tư, do nền kinh tế có độ mở cao nên những thay đổi bên ngoài đều tác động nhanh và trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, kể cả sự điều chỉnh chính sách của các nước, đặc biệt là những đối tác kinh tế thương mại lớn của Việt Nam.

Có thể nói càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh những lợi ích có được, Việt Nam cũng phải đối phó với nhiều rủi ro và thách thức. Điều quan trọng đặt ra là trong thời gian tới đây Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, tăng cường nội lực để hội nhập thành công.

2. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam hiện đang là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, do vậy, để đạt mục tiêu phát triển đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại với mức thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại có mức thu nhập trung bình cao đòi hỏi vừa phải phát triển nhanh và phát triển bền vững. Vì vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay đòi hỏi phải tận dụng tốt nhất những tiềm năng, lợi thế trong bối cảnh mới, đặc biệt là những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Đây chính là dư địa không giới hạn để phát triển nhanh và bền vững cả trong trước mắt cũng như trong trung và dài hạn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên nền tảng của công nghệ số với sự đột phá của internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để thực hiện siêu kết nối. Cuộc cách mạng này phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử và tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người và quốc phòng an ninh đối ngoại. Trong lĩnh vực kinh tế, sự ra đời các ngành nghề mới, sự thay đổi phương thức quản trị, điều hành và những vấn đề khác đang đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với chúng ta. Tuy nhiên, có thể khẳng định, nếu không tận dụng thật tốt cuộc cách mạnh này thì nguy cơ cơ tụt hậu của chúng ta là hiện hữu.

Thời gian qua, Đảng, chính phủ và cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã rất tích cực, chủ động tham gia vào cuộc cách mạng này. Bộ chính trị đã có NQ 52 NQTWvề: “Một số chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các Bộ ngành và địa phương đều đã có chương trình hành độn. Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng này của chúng ta còn hạn chế. Điều đó do những nguyên nhân về thể chế, chính sách, trình độ phát triển KHCN, nguồn nhân lực…Do vậy, cần phải có chính sách tổng thể và quyết liệt từ trung ương đến địa phương và các Bộ ngành và doanh nghiệp để chủ động tham gia có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo bước đột phá trong phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Với một nước có trình độ công nghệ ở mức thấp như Việt Nam, việc bắt nhịp thành công vào cuộc CMCN 4.0 được đánh giá là khó khan và thách thức. Mặc dù vậy, chúng ta cũng có những lợi thế, cơ hội nhất định, trong đó phải kể đến Việt Nam có 50% dân số, đa số người trẻ đã phổ cập internet, hơn 55% đang sử dụng smartphone và trên 90% số này thường xuyên vào mạng xã hội. Chỉ cần giúp 1% trong số này đạt đến trình độ chuyên gia công nghệ hoặc trở thành nhà cung cấp, DN lớn trên thế giới ảo thì Việt Nam đã có nửa triệu động lực 4.0 hứa hẹn tạo ra hàng trăm tỷ đô la mỗi năm. Để có thể bắt nhịp thành công với cuộc cách mạng công nghiệp này, cần xây dựng được một chiến lược cụ thể và toàn diện, đồng thời có được sự đồng thuận thực hiện từ cấp trung ương đến địa phương.

Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước phát triển hơn, và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước được công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Trong trường hợp ngược lại, nếu không tận dụng thành công những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần này, khoảng cách phát triển với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng.

3. Tác động từ quá trình biến đổi khí hậu đến nền kinh tế Việt Nam

Theo dự báo về tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu trong vài thập niên tới, như mực nước biển dâng, đặc biệt tại các vùng ven biển. Là nước nông nghiệp (nông nghiệp đóng góp khoảng 14% GDP năm 2019), có bờ biển dài 3.260km, đạt mức thu nhập trung bình thấp của thế giới, phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất do quá trình biến đổi khí hậu. Theo chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), trong 30 năm tới thông qua 42 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường tại 193 quốc gia, Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”.[1]

Biến đổi khí hậu tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực của Việt Nam, nhưng trong đó tài nguyên nước, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế - sức khỏe và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, là nguy cơ hiện hữu đối với thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Theo một dự báo, đến năm 2100, Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thế giới và Đại học Cô-pen-ha-ghen (năm 2012) cho biết, nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại khi đó do biến đổi khí hậu có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD.[2]

Các tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan,... đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn, thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, gây thiệt hại cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam. Hai vựa lúa lớn của cả nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước, vùng nguyên liệu đầu vào quan trọng cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dệt, may,... là một trong 4 - 5 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập chìm không còn khả năng canh tác. Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm. Nước biển dâng khiến tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển nặng nề hơn, thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều thấp hơn so với mực nước biển. Nhiệt độ tăng, mưa ít, hạn hán, thiếu nước tưới, các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, lũ theo mùa tự nhiên ít khiến đất thiếu phù sa bồi đắp đứng trước nguy cơ bị bạc màu, suy thoái, ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất cây trồng.

Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai tại các đô thị, khu dân cư lớn, các làng nghề; các sự cố môi trường ngày càng gia tăng do những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, gia tăng dân số,... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn. Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng bộc lộ rõ, chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Các sự cố về môi trường, tranh chấp môi trường và xung đột môi trường diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, có nguy cơ lan rộng cả về không gian, thời gian và tần suất ở nhiều địa phương trên cả nước.[3] Vấn đề biến đổi khí hậu là một thách thức hiện hữu với kinh tế Việt Nam, do vậy việc nghiên cứu ứng dụng các giải pháp thích ứng thích hợp ở Việt Nam là vấn đề rất quan trọng. Việt Nam thực sự cần hướng tới tính bền vững nhiều hơn, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo biến đổi khí hậu có thể gây ảnh hưởng 1,5% GDP của Việt Nam từ nay đến 2050.

4. Tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam

Đại dịch COVID-19 nổ ra đầu năm 2020 đến nay đã tác động mạnh mẽ và làm tổn hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội của nước ta.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2020), trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019 và nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm mạnh hơn, giảm 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, những mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống như lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng; nhưng những mặt hàng như may mặc; phương tiện đi lại; vật phẩm văn hóa, giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp giãn cách xã hội lại có tốc độ giảm.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm tới 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu du lịch lữ hành giảm tới 53,2% - đây là lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 và từ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Đối với cầu đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, trong đó khu vực Nhà nước tăng 7,4%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 4,6% và đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 3,8% (Tổng cục Thống kê, 2020). So sánh với năm 2019 cho thấy dịch bệnh COVID-19 tác động đến nhu cầu vốn vào các khu vực khác nhau. Trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực Nhà nước tăng 3%, khu vực ngoài nhà nước tăng 16,4% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,7%. Như vậy, nhu cầu đầu tư của 2 khu vực: khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư khu vực FDI giảm mạnh nhất, từ tăng trưởng 9,7% năm 2019 xuống tăng trưởng âm 3,8% năm 2020; tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước sụt giảm từ 16,4% năm 2019 xuống còn 7,4% năm. Tuy nhiên, điểm sáng duy nhất là vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng từ 3% năm 2019 lên 7,4% năm 2020. Trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn và tổng cầu suy giảm, Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế sự suy giảm của tổng cầu.

Đối với nhu cầu bên ngoài cũng có sự suy giảm, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 6,7%. Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực kinh tế trong nước tăng 10,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,9%. Như vậy, khu vực kinh tế trong nước vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 giảm. Thực trạng này cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đầu tư và chuỗi giá trị toàn cầu cũng đang tác động đến xuất khẩu của nền kinh tế nước ta.

Nói chung, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cầu của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) bị sụt giảm, từ đó làm suy giảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế. Các biện pháp Chính phủ đang triển khai hiện nay chủ yếu hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất.

Ở góc độ xã hội, COVID-19 tác động làm tăng tỷ lệ nghèo và cận nghèo về thu nhập và làm sụt giảm thu nhập tạm thời của hộ gia đình và người lao động. Theo kết quả khảo sát của UNDP và UN WOMEN (2020), “trong tháng 12 năm 2019, trung bình tỷ lệ hộ nghèo là 11,3%. Tỷ lệ này tăng lên tới 50,7% trong tháng 4 năm 2020. Tỷ lệ hộ cận nghèo tăng từ 3,8% vào tháng 12 năm 2019 lên 6,5% vào tháng 4 năm 2020”. Quan trọng hơn, những hộ gia đình thuộc nhóm dân tộc thiểu số và hộ gia đình có lao động phi chính thức và gia đình những người nhập cư chịu tác động từ dịch bệnh lớn hơn. Cũng theo kết quả điều tra của UNDP và UN WOMEN (2020), “thu nhập trung bình của các hộ gia đình DTTS trong tháng 4 và tháng 5 năm 2020 lần lượt chỉ tương ứng 25,0% và 35,7% mức tháng 12 năm 2019. Trong khi đó, những con số này cao hơn, lần lượt ước tính khoảng 30,3% và 52% đối với nhóm hộ gia đình người Kinhvà người Hoa.Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2020, thu nhập trung bình của hộ di cư được ước tính chỉ tương đương 25,1% và 43,2% của tháng 12 năm 2019. Những con số này lần lượt là 30,8% và 52,5% đối với nhóm hộ gia đình không di cư.”

Trước mắt, trong ngắn hạn, Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế nước ta và chắc chắn tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ ở mức thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra (6,68%). Theo dự báo của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vào đầu tháng 8/2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 3,1% vào năm 2020 và tăng lên mức 7% năm 2021.[4] Hay như dự báo vào cuối tháng 7/2020 của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam có thể đạt 2,8% vào năm 2020 và 6,8% vào năm 2021[5]. Thậm chí, HSBC còn đưa ra dự báo lạc quan hơn. Tổ chức này đánh giá chỉ có nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương (3,1%) trong số các nước ASEAN trong năm 2020 và sẽ đạt mức tăng trưởng 8,5% trong năm 2021[6]. Nói cách khác, các dự báo đều cho thấy, cú sốc COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam chỉ mang tính tạm thời, xu hướng của nền kinh tế nước ta sẽ là tăng trưởng ở mức cao (trên dưới 7%).

Việc tái bùng phát đại dịch covid-19 diễn ra ở Đà Nẵng cuối tháng 7 vừa qua đã làm tổn hại đến nền kinh tế nước ta trầm trọng hơn rất nhiều. Các biện pháp phòng tránh dịch được triển khai đã làm cho sản xuất và dịch vụ không chỉ ở Đà Nẵng mà ở nhiều tỉnh thành trong cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  Các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản tang, công ăn việc làm và các vấn đề an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo đứng trước nhiều thách thức mới. Tình hình trên cũng đặt ra cho chúng ta cần phải có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn để thích ứng được trạng thái bình thường mới để nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tình hình dịch bệnh diễn ra hiện nay trên thế giới và trong nước cho thấy đại dịch Covid -19 tác động vô cùng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội các nước trên thế giới và nước ta. Cho đến nay chưa có dự báo nào về thời gian kết thúc của đại dịch, và như vậy, chắc chắn đại dịch còn tiếp tục tác động xấu đến nước ta ít nhất trong một hai năm tới. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và phát triển của nước ta trong vài ba năm tới và trong kế hoạch 5 năm 2021-2025. Vì vậy, cần phải đánh giá lại các mục tiêu tăng trưởng và có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất những cơ hội, những tiềm năng và thế mạnh để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh mới của thế giới hiện nay cho thấy tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp và khó lường. Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang có những diện mạo mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trương, vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt tác động của đại dịch covid-19 đang tác đông mạnh mẽ đến các nước nói chung và Việt nam nói riêng. Đất nước ta sau gần 35 năm đổi mới thu được những thành tựu vĩ đại, có tính lịch sử. Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Việc nhìn nhận đầy đủ những xu hướng mới của kinh tế thế giới, xác định rõ thời cơ và thách thức là hết sức quan trọng và ý nghĩa để thực hiện thành công mục tiêu phát triển của đất nước cho giai đoạn tới.

(Hết)

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn

Phó Chủ tịch HĐLLTW









[1] Phạm Tất Thắng (2017), Biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế, Nghiên cứu của Tạp chí Cộng sản, ngày 3/1/2017

[2] Phạm Tất Thắng, Sdd

[3] Nguyễn Thế Chinh (2016), Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, tháng 11-2016

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết