Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Phát triển kinh tế tư nhân, một chủ trương lớn của Đảng ta trong quá trình đổi mới nền kinh tế

Ngày phát hành: 25/09/2020 Lượt xem 14421

                                                                            

Được thành lập từ ngày 30/9/1950, tới nay Ban Kinh tế Trung ương đã tròn 70 năm. Sau những lần nhập, tách, nhưng có thể nói, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định mình cơ quan tham mưu cao nhất của Đảng ta trong phát triển kinh tế - xã hội và có vai trò rất quan trọng : là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong việc định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế - xã hội và hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp lớn về kinh tế - xã hội của đất nước.

Một trong những dấu ấn quan trọng thể hiện vai trò của Ban Kinh tế Trung ương thời kỳ đổi mới là đã góp phần tích cực vào việc đổi mới tư duy về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân của Đảng ta.

 

 

Trước tháng 12-1986, nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam chưa được thừa nhận, ngược lại còn muốn “nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh... Trong nhận thức cũng như hành động, chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất ”[1]. Do vậy, với tinh thần “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa,…”, để chuẩn bị cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI, các ban tham mưu cho Đảng về phát triển kinh tế như Ban Kinh tế Trung ương (hợp nhất từ Ban Phân phối - Lưu thông Trung ương và Ban Kinh tế - Kế hoạch Trung ương), Ban Công nghiệp Trung ương (hợp nhất với Ban Kinh tế Trung ương từ năm 1989), Ban Nông nghiệp Trung ương (hợp nhất với Ban Kinh tế Trung ương từ năm 1991) đã được phân công tham gia chuẩn bị cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI[2].

Có thể nói, vai trò của các ban tham mưu cho Đảng về phát triển nền kinh nhiều thành phần, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, bắt đầu được thể hiện qua việc tham gia đóng góp vào đổi mới tư duy của Đảng và được đánh giá là một trong những thành tựu về đổi mới kinh tế bắt đầu từ năm 1986. Cụ thể là “Đã bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”[3]. Đại hội VI của Đảng khẳng định cả nước tồn tại bốn thành phần kinh tế : kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh, tập thể, gia đình); kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế tư bản tư nhân. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Đảng ta đề ra : “Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, Nhà nước thừa nhận sự cần thiết của bộ phận kinh tế này trong thời kỳ quá độ, hướng dẫn và giúp đỡ nó sản xuất, kinh doanh, liên kết với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể… Nhà nước cho phép những nhà tư sản nhỏ sử dụng vốn, kiến thức kỹ thuật và quản lý của họ để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, nghề thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước. Quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tùy theo ngành nghề và mặt hàng…Thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa và  kinh tế tư bản tư nhân… Cần sửa đổi, bổ sung và công bố chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. Những quy định có tính nguyên tắc phải trở thành pháp luật để mọi người yên tâm, mạnh dạn kinh doanh. Xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá và đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau”[4]. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã nhận định “phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là một chủ trương chiến lược lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”[5].

 

Đánh giá về chính sách nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần được đưa ra tại Đại hội VI, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, Đảng ta khẳng định “Chính sách này được nhân dân hưởng ứng rộng rãi và đã đi nhanh vào cuộc sống. Chính sách ấy đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế; khơi dậy được nhiều tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân để phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo thêm việc làm và sản phẩm cho xã hội; thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hoá, tạo ra sự cạnh tranh sống động trên thị trường”[6]. Cụ thể, “Về kinh tế tư nhân, kết quả rõ nhất là nhiều hộ cá thể và tiểu chủ đã bỏ vốn kinh doanh vào nhiều ngành nghề,…nhiều đơn vị kinh tế tư nhân đóng góp tích cực và làm giàu chính đáng,…”[7].

Từ tháng 6 năm 1991 đến trước tháng 01-2011, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục thể hiện vai trò của mình khi góp phần không nhỏ trong đổi mới tư duy về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân của Đảng ta.

Cụ thể, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội VII, Đảng ta chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước; trong đó kinh tế cá thể và tiểu chủ có phạm vi hoạt động tương đối rộng ở những nơi chưa có điều kiện tổ chức kinh tế tập thể, hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức”[8]. Cũng tại Đại hội này, Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó khẳng định : “Nền kinh tế nước ta tồn tại nhiều hình thức sở hữu trong đó có ba hình thức sở hữu cơ bản là : sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Trên cơ sở ba hình thức sở hữu này hình thành năm thành phần kinh tế : kinh tế quốc doanh; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể; kinh tế tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước… Kinh tế cá thể còn có phạm vi tương đối lớn, từng bước đi vào con đường làm ăn hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh do luật pháp quy định”[9].

Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội VIII của Đảng, nước ta có năm thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác xã; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân. Chính sách cụ thể với kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân là : “Giúp đỡ kinh tế cá thể, tiểu chủ giải quyết các khó khan về vốn, công nghệ, thị trường và kinh nghiệm quản lý để mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn và có chính sách thích hợp khuyến khích họ tự tổ chức hoặc tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác và các hình thức lien doanh, liên kết với kinh tế nhà nước. Thực hiện các biện pháp chính sách để khuyến khích kinh tế tư bản tư nhân đầu tư vào sản xuất trong các ngành, các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của đất nước… Xây dựng quan hệ hợp tác giữa chủ và thợ trên cơ sở thực hiện Luật lao động, bảo đảm lợi ích hợp pháp của cả hai bên”[10].  

 

 

Trong đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại Đại hội IX, Đảng ta nhấn mạnh việc thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, với sáu thành phần kinh tế : kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Với kinh tế cá thể, tiểu chủ, Đảng ta chủ trương : “kinh tế cá thể, tiểu chủ cả ở nông thôn và thành thị có vị trí quan trọng lâu dài. Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển; khuyến khích các hình thức tổ chức hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp hoặc phát triển lớn hơn”. Với kinh tế tư bản tư nhân, quan điểm của Đảng ta là : “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xây dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động”[11]

Đặc biệt, với việc tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương khi được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phân công chủ trì dự thảo Đề án về kinh tế tư nhân, Đảng ta đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18/3/2002 (Hội nghị Trung ương 5 khóa IX) "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân".

Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng, nước ta có năm thành phần kinh tế : kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân); kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đảng ta nhấn mạnh, “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế…Phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân… Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”[12].

Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng, nước ta có các thành phần kinh tế : kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đảng ta nhấn mạnh, “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”[13].

 

 

Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh : “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế… Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”[14].

Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Kinh tế Trung ương đã được phân công chủ trì nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ðề án "Tổng kết 15 năm 2002-2017 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân"; qua đó, ngày 03/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, qua gần hai thập kỷ thực hiện chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc Đảng ta thông qua Nghị quyết 14-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 5 khóa IX ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo động lực mới, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao năng suất lao động, góp phần đưa kinh tế - xã hội đất nước phát triển lên tầm cao mới. Đến nay, năm 2020, kinh tế tư nhân ở nước ta đã phát triển, trở thành lực lượng quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững.  Khu vực kinh tế tư nhân với hơn 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh; riêng hoạt động của các hộ kinh doanh đã bảo đảm cuộc sống cho khoảng 20 triệu người dân. Có được kết quả đó, vai trò quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương là không thể thiếu được trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng kịp thời có chủ trương, đường lối đổi mới các cơ chế, chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân.

 

TS Nguyễn Hồng Sơn

Chánh Văn phòng Hội đồng Lý luận TW



[1] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 24, 25

[2] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 11

[3] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 325

[4] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 59-61

[5] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 355

[6] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 355

[7] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 360

[8] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 394

[9] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 431-432

[10] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 803-805

[11] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr 919

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2006, tr 83,86

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2011, tr 74,209

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, tr 107,108

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết