Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Tác động của đại dịch Covid - 19 và những vấn đề phát triển đặt ra (phần 1) ​

Ngày phát hành: 17/09/2020 Lượt xem 82313


I. Đặc điểm của đại dịch Civid - 19

 

       Đại dịch Covid - 19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 11-2019, sau đó đã nhanh chóng lan ra toàn cấu; cho đến nay (14-9) đã lan ra hơn 210 nước và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục, với gần 30 triệu người lây nhiễm và gần một triệu người tử vong. Cho đến nay, nhân loại vẫn đang còn nhiều điều chưa hiểu hết về đại dịch này, tuy nhiên có thể khái quát một số đặc điểm của đại dịch này như sau:

- Chưa rõ nguồn gốc của virut Covid -19; xuất hiện những biến thể mới.

- Chưa xác định được đầy đủ con đường lây lan.

- Chưa xác định được đầy đủ cơ chế gây bệnh.

- Chưa có vacxin và thuốc đặc hiệu để phòng ngừa và chữa trị.

- Tốc độ lây lan rất nhanh; lây cả khi chưa phát bệnh.

- Giải pháp phòng chống cơ bản là phát hiện, khoanh vùng và cách ly; cùng với các phương pháp điều trị triệu chứng, hỗ trợ thể lực…

- Về một số phương diện, đang diễn ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu : về giải pháp ứng phó phòng chống dịch Covid - 19; về vacxin và thuốc chữa trị; về trang thiết bị phòng chống dịch như máy thở, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và các trang thiết bị liên quan; về hệ thống y tế dự phòng, y tế công cộng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, về hệ thống cơ sở và nguồn lực chữa trị; về năng lực dự báo và phối hợp hoạt động phòng chống dịch của hệ thống y tế thế giới, về số người bị lây nhiễm và số người tử vong cao; về lần đầu tiên trên thế giới, các bác sỹ tại nhiều nước phải thực hiện một sự lựa chọn rất khó khăn, “cay đắng”, trái với lương y và sẽ phải mang theo sự day dứt cả đời, đó là phải lựa chọn ưu tiên cứu ai trong đại dịch này…Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng "Đại dịch này là một cuộc khủng hoảng y tế một trăm năm nay mới xảy ra một lần, những tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa" (31/7/2020). Trên thực tế, trên bình diện quốc tế, đại dịch chưa qua đỉnh, đang bùng phát lại ở nhiều nước và diễn biến rất phức tạp.

      Chính vì vậy, trên toàn thế giới, sau “cú sốc choáng váng” ban đầu, các nước đã áp dụng một loại giải pháp “phi y tế” đề ngăn chặn sự lây lan dịch giữa các nước, các vùng, khu vực, đơn vị, gia đình, người với người trong thời gian không ngắn (như đóng của biên giới, thực hiện cách ly xã hội, giãn cách xã hội, dừng các hình thức giao thông công cộng, các hoạt động kinh tế, xã hội công cộng, tập trung đông người…). Theo như một số thống kê, trên thế giới đã có hơn 2,3 tỷ người bị phong tỏa, cách ly. Các giải pháp “phi y tế này” đã có tác dụng quan trọng để ngăn chặn lây lan, kiểm soát dịch, từng bước khống chế và dập dịch. Tuy nhiên, mặt khác chính các giải pháp này đã có những tác động “tiêu cực” rất mạnh đối với hoạt động bình thường và sự phát triển các mặt của đời sống kinh tế, xã hội trên toàn cầu cũng như trong từng nước. Vì vậy, để tránh rơi vào khủng hoảng và suy thoái sâu sắc hơn, các nước buộc phải tìm các giải pháp sớm “mở cửa trở lại” nền kinh tế. Nhưng trong khi các giải pháp y tế phòng chống dịch chưa đủ mạnh và hiệu quả, các giải pháp “phi y tế” bị yếu đi, bị nới lỏng do mở cửa nền kinh tế và các hoạt động xã hội, đã làm cho dịch bùng phát trở lại (như ở nhiều nước), buộc các nước phải “siết” chặt lại các giải pháp ngăn cách xã hội. Tổ chức Y tế thế giới dự báo tình hình dịch Covid - 19 có thể còn diễn ra trong mấy thập kỷ nữa. Tình huống “lưỡng nan” này chưa từng xẩy ra trên bình diện quốc tế trước đây.

 

 II. Đặc điểm tác động của đại dịch Covid-19

   1. Trên bình diện quốc tế

Đại dịch Covid - 19 lan ra và tác động trên toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực, có những đặc điểm khác với những tác động của các đại dịch bệnh trước đây. Có thể nêu khái quát các đặc điểm sau :

1) Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, tác động tới tất cả các lĩnh vực. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới bị cuốn vào đại dịch, với một nửa nhân loại bị liên quan.

2) Đại dịch Covid - 19 đưa đến và kéo theo sự “tam trùng” của ba cuộc khủng hoảng liên đới với nhau, đó là : cuộc khủng hoảng về y tế, cuộc khủng hoảng - suy thoái về kinh tế, và cuộc khủng hoảng về xã hội. Cuộc khủng hoảng về y tế, sự lây lan nhanh chóng của đại dịch, buộc các quốc gia phải thực hiện các các giải pháp khẩn cấp cách ly xã hội trên diện rộng và giữa các quốc gia, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng như trong mỗi quốc gia, làn cho hệ thống sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa “bị đột ngột đừng lại”- tác nhân chủ yếu gây nên khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Nền sản xuất và lưu thông bị dừng lại, đình đốn đã kéo theo một loạt những vấn đề xã hội: tình trạng mất việc làm của hàng chục triệu lao động trong hầu hết các lĩnh vực ở mỗi nước, thu nhập bị giảm sút hoặc không còn thu nhập; an sinh xã hội đứng trước thách thức rất lớn; các lĩnh vực xã hội khác cũng rơi vào đình đốn, trì trệ; mâu thuẫn, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội tăng lên.

3) Đại dịch Covid - 19 tác động lên toàn cầu, nhưng các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại đa số là những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong các chuỗi giá trị toàn cầu, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Ý (đều nằm trong top 10), kế đó là Hàn Quốc,  Iran, Ấn Độ và Braxin... Các nước này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP toàn cầu, đồng thời cũng là những nước chiếm và chi phối các chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều nhất[1]. Vì vậy tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19 tại các nước này, nhất là Trung Quốc, có sự “lan tỏa” lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới, sự suy giảm của các nước này sẽ lan truyền tới chuỗi cung ứng ở hầu hết các quốc gia, “khi những nền kinh tế này hắt hơi, phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm lạnh” (ví dụ về sự phụ thuộc của thế giới vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc ở biểu đồ sau).

 

  4) Tính chất tác động khác biệt của đại dịch Covid - 19

- Không phải bắt đầu từ khủng hoảng tài chính - tiền tệ, hay bất động sản như các cuộc khủng hoảng trước đây. Cuộc khủng hoảng - suy thoái kinh tế do đại dịch Covid - 19 gây ra lại bắt nguồn từ các giải pháp phòng chống dịch “phi y tế”, như đóng cửa biên giới, phong tỏa xã hội, cách ly xã hội, giãn cách xã hội; ngừng các hoạt động giao thông công cộng, du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống…Chính các giải pháp bắt buộc đó đã “bóp nghẹt” nền kinh tế, sẽ “giết chết” nền kinh tế thế giới, nếu không không chế được dịch và dịch còn kéo dài.

- Sự tác động “liên hoàn” của các giải pháp phòng chống đại dịch Covid - 19 : Các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự lan tỏa đại dịch Covid - 19 có tác động đa chiều và mang tính liên hoàn tới rất nhiều lĩnh vực; phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, mà còn tác động liên hoàn đến các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội, giáo dục, văn hóa…, đến mỗi gia đình.

- Nền sản xuất và thương mại toàn cầu cũng như trong từng nước, các chuỗi cung ứng bị suy giảm mạnh, bị đứt gẫy, bị dừng đột ngột, tác động mạnh tới tất cả các nước, kể cả những nước ít chịu tác động trực tiếp của đại dịch Covid - 19, nhưng có độ mở của nền kinh tế lớn.

- Các giải pháp phòng chống đại dịch Covid - 19 đã làm gián đoạn, suy giảm, thay đổi cả cung, cầu, quan hệ cung - cầu trên thế giới và trong từng nước; tác động trở lại đối với nền sản xuất xã hội trong tất cả các lĩnh vực, gây nên sự suy thoái nghiêm trọng và rộng lớn trên toàn cầu (có lẽ trong thời gian qua, chỉ có sản xuất khẩu trang, máy thở, nước sát khuẩn, trang thiết bị và bảo hộ y tế là lên ngôi). Có nghĩa là các giải pháp phòng chống dịch phải được “đánh đổi” bằng sự suy giảm phát triển kinh tế, lợi ích kinh tế ở mức độ cấn thiết.

- Sự đình trệ sản xuất và thương mại làm cho tất cả các chủ thể sản xuất kinh doanh (từ các tập đoàn đa quốc gia, các công ty xuyên quốc gia, các doanh nghiệp nội địa, đến kinh tế tư nhân, cá thể, hộ gia đình..) đều bị thu hẹp sản xuất kinh doanh, đình chỉ, đóng cửa, hoặc phá sản vì thua lỗ nghiêm trọng.

- Hàng trăm triệu lao động trên thế giới bị mất việc làm hoặc giảm việc làm, dẫn đến giảm hoặc không có thu nhập, bị rơi vào tình trạng không được đảm bảo tốt về an sinh xã hội, nghèo đói, cùng cực. Xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

- Tác động của đại dịch Covid cũng thúc đẩy quá trình “số hóa” mọi hoạt động

xã hội: phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, làm việc qua mạng, xây dựng chính phủ điện tử, hội nghị trực tuyến, quán lý dịch bệnh và khám bệnh qua mạng, giáo dục qua mạng, quan hệ văn hóa - xã hội qua mạng…

5). Về kinh tế : Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại giai đoạn trước 2020, dịch bệnh xuất hiện đầu năm 2020 tạo nên một sự cộng hưởng các yếu tố dẫn đến những biến động sâu rộng trên nền kinh tế toàn cầu, kể cả thị trường hàng hóa, dịch vụ và tài chính toàn cầu; tác động tiêu cực từ các biện pháp ngăn chặn đại dịch. Hai yếu tố này tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, quan hệ cung - cầu, giảm nhu cầu, dẫn đến sản xuất đình trệ, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp.

Tác động ban đầu của đại dịch bộc lộ rõ nhất qua việc giảm và đình chỉ hoạt động của một số ngành dịch vụ quan trọng như giao thông (hàng không, hàng hải, giao thông công cộng…), du lịch, giải trí… Nhưng rất nhanh sau đó, với tác động của các biên pháp phong tỏa, các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, rối loạn kéo theo sự thuyên giảm mạnh cả ở phía “cầu” lẫn phía “cung”, cả trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Một đặc điểm đáng lưu ý là các tác động tiêu cực mang tính chất liên hoàn giữa lĩnh vực này kéo theo lĩnh vực kia; giữa khâu này kéo theo khâu kia trong cùng một chuỗi sản xuất kinh doanh; từ nền kinh tế nước này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp sang nền kinh tế nước khác. Sự tác động của đại dịch Covid với các giải pháp cách ly xã hội dài ngày không những chỉ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, mà còn làm thay đổi nhu cầu - cấu trúc tiêu dùng xã hội và tâm lý tiêu dùng về mọi mặt. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh trong thời Covid, mà sẽ còn tạo ra xu hướng mới “hậu Covid”.

Tổng hợp các tác động đó đưa đến sự khủng hoảng - suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo nhiều tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm[2]; dự báo đưa ra vào tháng 3/2020 cho rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái ở quy mô chưa từng thấy : Tăng trưởng kinh tế của Mỹ ước đoán sẽ ở mức -5,9%, còn Nhật Bản là -5,2%, Đức sẽ là -7%, Pháp là -7,2%, Italy là -9,1%, Tây Ban Nha -8%, và Nga là -5,5%, Brazil -5,3%, còn Mexico sẽ là -6,6%; kinh tế của tất cả các nước đang phát triển và thị trường mới nổi được dự báo cũng sẽ sẽ rơi vào suy thoái và hệ lụy còn lớn hơn nhiều so với các nước phát triển. Nhưng các chỉ số thống kê thực tế kinh tế quý 2-2020 công bố ngày 31-7 cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế  đã ghi nhận tại nhiều nước trầm trọng hơn dự báo nhiều : kinh tế Pháp trong quý 2 đã giảm 13,8%, Tây Ban Nha giảm 18,5% trong khi Bồ Đào Nha và Ý lần lượt giảm 14,1% và 12,4%, Anh giảm tới 20%. Về tổng thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khối eurozone giảm 12,1% trong khi toàn liên minh châu Âu giảm 11,9%. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nhất, GDP quý 2 cũng đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, một sự suy giảm phát triển kinh tế tồi tệ nhất từng ghi nhận ở Mỹ.

Sự tác động của đại dịch Covid - 19 đã cộng hưởng với sự tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đưa đến tình trạng sau : i) - Đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ giảm khoảng hơn 40%; đầu tư vào các quốc gia đang phát triển định hướng xuất khẩu sẽ giảm từ 2.000 - 3.000 tỷ USD trong 2 năm tới; ii) - Tình trạng rút các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc (Chính phủ Nhật đã đưa ra gói 2,5 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp rút ra khỏi Trung Quốc, còn Mỹ đã tuyên bố thực hiện các chinh sách thúc đẩy các doanh nghiệp rút ra khỏi Trung Quốc[3]…); iii) - Nhân cơ hội suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản, một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã đẩy mạnh quá trình “thâu tóm” (mua và sát nhập) các doanh nghiệp của các nước sở tại, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp chiến lược. Cả EU, Ấn Độ, và nhiều nước khác đang rất cảnh giác với xu thế này và đã ban hành các chính sách để ngăn chặn quá trình này, thậm chí cấm bán, sáp nhập doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài trong một số lĩnh vực chiến lược. Đồng thời, để “giải cứu” các doanh nghiệp, các nước đã đưa ra các gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD.

6) Về các lĩnh vực xã hội : Đại dịch Covid - 19 đã tác động rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực xã hội theo hai con đường trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu, với gần 20 triệu người bị lây nhiễm và hơn 700.000 người bị tử vong (đến ngày 10/8/2020), làm đảo lộn hệ thống y tế dự phòng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng của các nước, hệ thống khám và chữa bệnh quá tải, không đáp ứng yêu cầu. Cả xã hội phải gồng mình lên để đối phó với đại dịch, gây nên tâm lý hoảng loạn, lo âu, kỳ thị trong xã hội. Tác động gián tiếp cũng rất nghiêm trọng, sự đình đốn sản xuất kinh doanh do Covid - 19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản doang nghiệp ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; kéo theo đó là việc gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập, việc làm. Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp năm 2019 đang là 188 triệu, đồng thời hàng triệu người lao động khác rơi vào tình trạng thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Sự tác động sẽ rất nghiêm trọng đối với các nước kém phát triển, nhóm lao động trong các khu vực phi chính thức, tự làm ở các nước đang phát triển, vốn thường là “tấm đệm” giúp làm nhẹ bớt tác động tiêu cực của những thay đổi đột ngột trên thị trường lao động, thì lần này vai trò đó bị yếu đi đáng kể do những hạn chế cách ly xã hội, di chuyển lao động và hàng hóa. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập cho người lao động, ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Các nước đều đưa ra các gói hỗ trợ an sinh xã hội lớn chưa từng có, hàng trăm tỷ USD, hỗ trợ cho hàng chục triệu lao động và người dân, nhưng mức độ đáp ứng cũng còn rất hạn chế.

Đại dịch Covid - 19 cũng đã tác động mạnh tới các lĩnh vực xã hội khác, như văn hóa, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng cũng bị đình trệ, xáo trộn. Tác động của đại dịch Covid - 19 đã làm nảy sinh các xu hướng khác nhau trong tâm lý xã hội : kỳ thị, vị kỷ, coi thường, bất chấp, chủ nghĩa cá nhân, trục lợi, kinh doanh vô đạo đức, làm bộc lộ những bất cập của những giá trị hiên tồn (như những sinh hoạt văn hóa, xã hội chạy theo hình thức, mang nặng tính hành chính quan liêu, hoặc quá thiên về lợi ích kinh tế…). Mặt khác, làm nảy sinh những giá trị mới, tích cực (như các phong trào chia sẻ cộng đồng, nhất là đối với những gia đình, những người khó khăn, yếu thế…), dần nổi lên cao hơn là ý thức cá nhân gắn với ý thức trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng, cùng nhau chung tay chống dịch, trên bình diện quốc tế cũng như trong từng nước. Có thể nói, sự đồng thuận xã hội của người dân trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách và giải pháp đúng đắn của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid - 19.

7) Về lĩnh vực môi trường : Tác động của đại dịch Covid - 19 đã làm bộc lộ rõ hơn những vấn đề môi trường, như vấn đề ô nhiễm môi trường và sự xuất hiện - lây lan dịch bệnh, nhất là các lọai bệnh dịch mới ngày càng nguy hiểm hơn; vấn đề các quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế đã không chú trọng đến bảo vệ môi trường; không những thế còn tàn phá thiên nhiên, gây mất cân bằng sinh thái; vấn đề sản xuất và tiêu dùng không bền vững, không hài hòa với thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (bằng chứng là trong thời gian đại dịch xẩy ra, với các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế giao thông…môi trường không khí trên toàn cầu và ở mỗi quốc gia đã trong lành hơn rất nhiều lần).

8) Tác động đến quan hệ quốc tế : Những vấn đề phức tạp, căng thẳng trong quan hế quốc tế, khu vực và giữa một số nước trước đại dịch, đã bị đại dịch làm sâu sắc thêm, đẩy lên một cấp độ mới. Một mặt, do tính chất tác động toàn cầu của đại dịch, buộc các nước phải cộng tác với nhau trong việc ngăn chặn lây lan đại dịch, nhất là thông qua các thể chế quốc tế, đa phương; vai trò của Liên hợp quốc, tổ chức y tế thế gới, WHO, WB, IMF, G20, EU, ASEAN…tăng lên. Nhưng mặt khác, làm sâu sắc hơn các mâu thuẫn giữa các nước, như về đánh giá vai trò của WHO, về điều tra nguồn gốc và nguyên nhân lây lan đại dịch từ Vũ Hán (Trung Quốc); vấn đề đại dịch Covid còn bị “chính trị hóa”, lợi dụng mưu cầu lợi ích riêng của một số nước trong quan hệ quốc tế và giữa một số nước. Đại dịch Covid đã tác động tiêu cực đến quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các nước và đối tác trên thế giới, nhất là giữa các nước lớn. Lợi dụng tác động của đại dịch, một số nước lớn đẩy mạnh hơn gây sức ép trong cạnh tranh chiến lược (đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ, ngoại giao “khẩu trang”, ngoại giao “ghi sổ nợ”, “thâu tóm” các doanh nghiệp chiến lược ở nước ngoài, tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, cạnh tranh địa chiến lược, liên kết thành các liên minh để tạo ảnh hưởng và sức ép với các “đối tác” không cùng chí hướng…). Vai trò của Mỹ bị suy giảm; trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ tăng lên, dường như Trung Quốc đang tìm cách xích lại gần hơn với các đổi tác lớn ở châu Á như Nhật bản và Hàn Quốc và một số nước khác. Mặt khác, nhiều nước trên thế giới lại có xu hướng đề cao sự thận trọng, cảnh giác hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, thu được lợi hay hại ở mức nào trong quan hệ quốc tế không chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn và mong muốn của mỗi nước, mà còn phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh quốc tế, vào năng lực thích ứng của mỗi nước.

Cũng do các giải pháp “cách ly” trên toàn cầu, nên quan hệ giữa các nước và hoạt động của các thể chế quốc tế và khu vực bị gặp nhiều trở ngại, nếu diễn ra phải tổ chức “trực tuyến” qua mạng, hiệu quả có mặt hạn chế, việc đạt được sự đồng thuận và phối hợp hành động khó khăn hơn. Trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn còn tác động mạnh và rộng lớn trên toàn cầu, quan hệ quốc tế vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp và trạnh thái “hậu Covid” vẫn chưa được hình rõ nét.

9) Tác động đến vai trò của Nhà nước: Do tính chất và phạm vi tác động của đại dịch Covid - 19, vai trò của Nhà nước được đặt vào vị thế mới cả trên quan hệ quốc tế cũng như trong từng nước. Trên bình diện quốc tế, đang diễn ra quá trình mang tính hai mặt : một mặt, chính phủ các nước phải tìm các giải pháp phối hợp với nhau để ngăn chặn lây lan và phòng chống dịch; mặt khác, chính phủ các nước buộc thực hiện các giải pháp và chính sách để bảo vệ lợi ích của đất nước mình (như đóng cửa biên giới…) có thể không phù hợp với lợi ích của các đối tác, làm nảy sinh các mâu thuẫn. Nhưng tại các nước đều nổi lên vai trò quan trọng của chính phủ về hai phương diện: năng lực quản lý khủng hoảng do đại dịch gây ra, và năng lực hoạch định và thực thi các chính sách phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch còn tác động kéo dài. Đây là một thách thức rất lớn đối với tất cả các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là đối với những nước nghèo, tiềm lực kinh tế và y tế có hạn. Quan niệm về vai trò và mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội đã và sẽ có thay đổi lớn trong phòng chống đại dịch Covid - 19 và trong “trạng thái bình thường mới” hậu Covid.

10) Vòng xoáy suy thoái kinh tế chưa có lối thoát hiệu quả : Kinh tế thế giới đang rơi và suy thoái nghiêm trọng. Muốn thoát ra khỏi suy thoái thì cả nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của từng nước đứng trước áp lực phải mở cửa trở lại; nhưng mở cửa trở lại nền kinh tế, các nước lại phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid - 19, lại phải “đóng cửa trở lại” ở những mức độ khác nhau, như thực tế đang diễn ra ở không ít nước. Đây là một “vòng xoáy” nghiệt ngã mà các nước chưa tìm được lối ra thực sự có hiệu quả. Việc thích ứng có hiệu quả với “trạng thái bình thường mới” khi đại dịch còn kéo dài là vấn đề lớn, mang tính tổng hợp, cả trên bình diện quốc tế cũng như trong mỗi quốc gia. Tác động của đại dịch Covid buộc các nước phải dành nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách để thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp; điều này sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư phát triển giai đoạn “hậu Covid”.

 

 

  2. Tác động đến Việt Nam

Về tổng thế, những tác động của đại dịch Covid - 19 trên bình diện quốc tế cũng là những tác động tới Việt Nam. Tuy nhiên, do điều kiện cụ thể của Việt Nam, mà những tác động đó có những đắc điểm, sắc thái và mức độ khác nhau, có thể nêu khái quát như sau :

1) Về y tế : Xét về quy mô và mức độ nghiêm trọng, cho đến  nay, do Việt Nam nhận thức sớm tính nguy hiểm của đại dịch và triển khai nhanh, quyết liệt một số giải pháp phòng, chống, mà tác hại của đại dịch về mặt y tế ở mức độ thấp trong tương quan của thế giới và khu vực (dến 10/8/2020 có 841 người lây nhiễm, 13 người tử vong; chi phí cho phòng chống dịch cũng không cao so với các nước). Tác động của đại dịch Covid - 19 cũng cho thấy những mặt mạnh của hệ thống y tế Viêt Nam, như hệ thống y tế dự phòng, y tế cộng công cộng tương đối mạnh, đội ngũ chuyên gia trình độ cao, có sự chỉ đạo thống nhất, phản ứng nhanh, tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, cũng làm bộc lộ những hạn chế mà nếu dịch lây lan mạnh, rộng, số người lây nhiễm lớn sẽ rất khó khó khăn trong việc phòng chống, như nguồn lực và tiềm lực y tế có hạn, cơ sở vất chất, trang thiết bị còn nhiều bất cập, thiếu thốn.

2) Về kinh tế : Đại dịch bệnh COVID-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội Việt Nam, thể hiện tập trung ở tăng trưởng GDP 2019 là 7,02%, sáu tháng đầu năm 2020 giảm xuống chỉ còn 1,81%, thấp nhất trong 10 năm qua (trong đó quý II chỉ tăng 0,36%). Tác động của nó là nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội; thể hiện chính ở suy giảm tăng trưởng, đầu tư và thương mại; làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến du lịch và dịch vụ. Mặc dù, về quy mô tuyệt đối, nền kinh tế Việt Nam cón khá khiêm tốn, GDP năm 2019 mới khoảng 267 tỷ USD, song do độ mở của nền kinh tế lớn, nên tác động của đại dịch Covid - 19 còn bị ảnh hưởng rất lớn từ biến động của các đối tác lớn (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật bản, Hàn Quốc…). Sự ảnh hưởng này mang tính hai mặt: nhìn tổng thể, sự đứt gãy các các chuỗi cung ứng và thương mại (vào ra) từ các đối tác làm suy giảm sản xuất kinh doanh của Việt Nam; mặt khác sự đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nội tại các nước đối tác dẫn đến sự thiếu hụt một số sản phẩm hàng hóa thiết yếu vẫn cần phải nhập khẩu (lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế, thiết bị bảo hộ y tế…). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam “lách cửa” đi vào; chính vì vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh những sản phẩm gặp khó khăn, suy giảm, vẫn có những sản phẩm có được sự phát triển sản xuất và xuất khẩu khả quan, là nhân tố cơ bản tạo nên xuất siêu hơn 5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020.

Do cấu trúc của kinh tế Việt Nam, cũng như độ mở cửa và tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế khác nhau, nên sự tác động của đại dịch Covid - cũng khác nhau : Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chịu tác động nhiều là sản xuất các sản phẩm xuất khẩu khi các nước đối tác “đóng cửa biên giới” và một số lĩnh vực là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nhóm chịu ảnh hưỏng nhiều nhất là dệt may, da giày; sản xuất giấy; sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất, kinh doanh thép... Riêng lĩnh vực điện thoại, điện tử, điện máy và linh kiện, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, do tỷ lệ nội địa hóa còn thấp (khoảng 5-10%), tỷ trọng đóng góp trong nước cho xuất khẩu cũng rất thấp (khoảng 8%), do đó mức độ tác động của dịch Covid-19 là tương đối nhỏ. Đối với lĩnh vực dịch vụ, chịu ảnh hưởng lớn là vận tải (hàng không, đường sắt, đường thủy…), du lịch, lưu trú, ẩm thực, dịch vụ y tế và giáo dục, đào tạo…

Doanh nghiệp Việt Nam (Doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI), nhất là các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế, định hướng xuất khẩu, đều phụ thuộc lớn vào “đầu vào, đầu ra” từ các đối tác lớn, nên quy mô tác động đến các doanh nghiệp là rất rộng (dự báo 85% DN bị tác động, hơn 80% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu), hầu hết các doang nghiệp đều bị cắt giảm, thậm chí bị ngưng các đơn đặt hàng (cả đầu vào và đầu ra; hiện nay chỉ có 30-50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong khi đó tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40%, yêu cầu hủy là 20-30%; nhưng xu hướng tiêu cực vẫn đang tăng lên do đại dịch Covid - 19 trên toàn thế giới vẫn chưa tới đỉnh và đang diễn biến rất phức tạp, nhiều nước phải thực hiện phong tỏa xã hội, cách ly xã hội trở lại). Đây là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp.

Sự tác động tiêu cực mang tính chất “dây truyền” giữa các lĩnh vực được thể hiện rất rõ và nghiêm trọng: Các giải pháp đóng cửa biên giới, phong tỏa xã hội, cách ly xã hội…dẫn đến các hãng hàng không, giao thông công cộng bị dừng lại và thiệt hại nặng nề (Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, đại dịch có thể làm giảm doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng năm 2020), kéo theo du lịch bị thiệt hại (tổng số khách du lịch quốc tế 7 tháng đầu năm 2020 giảm hơn 61%), các khách sạn lưu trú bị đóng cửa, kéo theo đóng cửa các nhà hàng dịch vụ ẩm thực, từ đó lại tác động tiêu cực đến dịch vụ cung ứng thực phẩm, cuối cùng là tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Các lĩnh vực khác cũng có tác động dây truyền như vậy. Vấn đề đặt ra là, các doanh nghiệp có tiềm lực của nhỏ, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước cũng hạn chế, do đó dịch kéo dài sẽ làm cho rất nhiều doanh nghiệp “hụt hơi”, không trụ lại được, có rất nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ[4], phá sản.

3) Về văn hóa, xã hội :

Tác động trực tiếp, sâu rộng nhất là suy giảm lao động, việc làm, thu nhập và 

đời sống của người dân, nhất là nhóm lao động trong các khu vực phi chính thức, đối tượng yếu thế, lao động trong các doanh nghiệp mang tính chất gia công (may mặc, giầy da…) phụ thuộc cả về đầu vào và đầu ra từ nước ngoài khi các chuỗi cung ứng và thị trường bị đứt gãy. Theo các thống kê sơ bộ, cho đến nay (7-2020), đại dịch Covid - 19 đã tác động đến hơn 30 triệu lao động, trong đó có gần 8 triệu lao động giảm việc làm, hơn 1,4 triệu lao động mất việc làm. Hàng triệu lao động đang phải nghỉ không lương hoặc phải giãn, giảm thời gian làm việc, thu nhập giảm sút, không có đóng bảo hiểm xã hội.

Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành giáo dục - đào tạo. Từ khi dịch bùng phát đến nay, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và tư thục đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp; phải triển khai công tác giảng dạy, đào tạo online, E-learning, qua truyền hình. Một số cơ sở đào tạo có chính sách ưu đãi giảm 15-20% học phí cho toàn bộ học sinh, sinh viên để chia sẻ gánh nặng với người học, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục - đào tạo đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai chương trình năm học mới; gặp khó khăn lớn về tài chính, giữ và trả lương cho giáo viên và các ảnh hưởng tiêu cực khó lường khác.

Bên cạnh những nét chung về tác động của đại dịch Covid - 19 trong lĩnh vực tâm lý xã hội, ở Việt Nam cũng có những đặc điểm cụ thể hơn : mặc dù trong xã hội cũng xuất hiện tâm lý lo lắng, bất an khi dịch bùng phát và kéo dài; cũng có những tư tưởng vị kỷ, ích kỷ, coi thường, hiện tượng lợi dụng tác động của dịch để kinh doanh lừa đảo, trục lợi. Song nổi lên mạnh hơn, cao hơn đó là ý thức và trách nhiệm công dân, ý thức và trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội của tuyệt đại đa số người dân, đoàn kết đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước chung tay chống dịch; đó là sự quyên góp, chia sẻ đầy lòng nhân ái và tình người của rất nhiều tổ chức, cá nhân dành cho những người gặp khó khăn (phong trào quyên góp rộng lớn do MTTQ chủ trì thu được hơn 2.000 tỷ đồng, sự ra đời của các loại ATM cung cấp miến phí những nhu yếu phẩm cho những người thiếu thốn…); đó còn là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế trên tuyến đầu chống dịch, của các lực lượng quân đội, công an tham gia phòng chống dịch.

(Còn tiếp)

 

 PGS.TS Trần Quốc Toản

                                  Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương



        [1] Chỉ tính riêng Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Ý đã chiếm: - 60% nguồn cung và cầu trên toàn thế giới (GDP); - 65% khối lượng sản xuất toàn cầu; - 41% khối lượng xuất khẩu trên toàn thế giới.

 

 [2] Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được công bố cuối tháng 6 vừa qua, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020 và kinh tế thế giới sẽ thiệt hại tổng cộng 12.000 tỷ USD tính đến hết năm 2021. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020 của Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế Khu vực Eurozone bị giảm từ 5% đến 15%. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2020 được dự báo giảm 5,4% (thực tế 6 tháng đầu năm giảm 10,5%), trở thành dấu mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào sử dụng năm 1999. Tuy nhiên, dự báo của IMF, cho rằng mức suy giảm của EU trong năm 2020 có thể tới 7,5%.

          [3] Chính phủ Mỹ cho rằng trước đây đã sai lầm khi để cho các công ty Mỹ chạy theo lợi nhuận đã rời Mỹ chạy sang Trung Quốc đầu tư vì giá nhân công rẻ, làm cho rất nhiều sản phẩm chiến lược phải nhập khẩu lại từ Trung Quốc, dù là nhà máy của Mỹ, như trong lĩnh vực dược phẩm và dụng cụ y tế tại Mỹ hơn 95% được sản xuất tại Trung Quốc. Kế tiếp là các công ty điện tử, sản xuất các con “chip” vi tính, máy vi tính, điện thoại iPhone phần lớn được lắp ráp tai Trung Quốc. Sai lầm này đang được chính phủ Mỹ mạnh dạn thay đổi toàn diện.

         [4] Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, đầu tháng 4 - 2020 tiếp nhận báo cáo của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước dự báo đang đối mặt với giảm khoảng 279.767 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch COVID-19; 8 tập đoàn trong các lĩnh vực lương thực, xăng dầu, hàng không...dự báo lỗ tới 26.234 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD) hơn nếu dịch kéo dài trong năm nay.

Các ngành và doanh nghiệp chế tạo của Việt Nam (chiếm 16% GDP) đang chịu áp lực nặng nề từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, bởi quốc gia này là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng và là một thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Việc thiếu nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020. Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến một số dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc do bị hạn chế trở lại Việt Nam trong thời gian có dịch. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI lớn, như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda,… cũng đã gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và nhân lực đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu dự trữ và nguồn thay thế hạn chế. Các chuyên gia nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khi tìm kiếm nguồn hàng hóa đầu vào thay thế trong thời gian ngắn.

Theo Cục Thuế Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2020 có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giải thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22% đến 37,8%.

 

   

.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết