Thứ Ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024

Ba thách thức lớn của cuộc chiến chống Covid-19

Ngày phát hành: 27/07/2021 Lượt xem 1792


Vaccine phòng COVID-19 là vũ khí mạnh mẽ để chống lại đại dịch. Sau khi thế giới đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vaccine và nhiều nước nhanh chóng tiến hành tiêm chủng trên diện rộng, tình hình dịch bệnh căng thẳng trên toàn cầu đã có phần dịu bớt, dẫn đến tình trạng nhiều quốc gia và người dân buông lỏng cảnh giác với dịch bệnh. Nhiều nước đã dỡ bỏ phong tỏa, các hoạt động xã hội bắt đầu quay trở lại, ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, người dân lại tập trung ở các nhà hàng và quán bar cũng như các địa điểm vui chơi giải trí. Nhiều người đã vội quên đi những mất mát, họ xem nhẹ và tỏ ra lơ là trước dịch bệnh. Đây là điều đáng lo ngại.


Con đường chiến thắng COVID-19 của nhân loại vẫn còn rất xa
Lịch sử loài người từ lâu đã chứng minh rằng chiến thắng đại dịch là một điều khó khăn. Nhiều bệnh truyền nhiễm sau nhiều năm vẫn chưa thể loại bỏ triệt để, và công tác phòng chống dịch cũng sẽ không thể thay đổi theo mong muốn chủ quan và ý chí của người dân. SARS-CoV-2 là một loại virus rất nguy hiểm, không những không tìm ra được nguồn gốc mà còn liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới, nhiều chuyên gia trên thế giới đang dốc sức nghiên cứu để tìm cách đối phó hiệu quả hơn với dịch bệnh.
Tuy nhiên, hàng loạt sự thật phũ phàng gần đây cho thấy loài người sẽ phải mất một khoảng thời gian rất dài mới có thể đánh bại được hay thậm chí là ngăn chặn một cách hiệu quả đại dịch COVID-19. Công tác phòng chống dịch trên toàn cầu phải được thắt chặt, bất kỳ hành động buông lỏng nào cũng đều có thể tạo cơ hội cho virus lây lan, khiến dịch bệnh bùng phát và hoành hành trở lại. Cuộc chiến giữa con người và virus SARS-CoV-2 là một cuộc chiến quyết liệt, nếu không loại bỏ được virus, thế giới sẽ không thể yên bình. Việc dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào tạm thời dịu bớt và được ngăn chặn đều không phải là chiến thắng quyết định cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Sau một năm bị hoãn do dịch bệnh, Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo đã khai mạc, cộng đồng quốc tế nhìn chung hy vọng rằng dịch bệnh có thể được kiềm chế một cách hiệu quả. Việc Thế vận hội Tokyo vẫn diễn ra cho thấy ở một mức độ nhất định, thế giới đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, việc Thế vận hội Tokyo sẽ được tổ chức trong điều kiện dịch bệnh khiến mọi người cảm thấy quan ngại nhiều hơn là mong đợi, các nghi thức và cách tổ chức thi đấu của Thế vận hội lần này đều rất khác biệt so với những lần trước.
 Ngày 20/7, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach cho biết Thế vận hội Tokyo đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình và thống nhất, song sự gia tăng số lượng các vận động viên được xác nhận mắc COVID-19 đã phủ bóng đen lên sự kiện này. Ông thú nhận rằng sự việc này khiến ông cảm thấy đau lòng: "Trong 15 tháng qua, chúng tôi đã phải đưa ra nhiều quyết định trong tình trạng khó đoán định. Chúng tôi trao đổi và thảo luận, đây là khoảng thời gian lo lắng đến mất ngủ".

WHO đưa ra cảnh báo đáng quan ngại
Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đến Tokyo từ sớm, 5 bên liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức Thế vận hội Tokyo sẽ tiến hành tham vấn và đưa ra quyết định về tình hình dịch bệnh. Ngày 21/7, Tedros nhắc nhở mọi người đừng quên thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt, ông nhấn mạnh rằng đại dịch là một phép thử và thế giới đang thất bại, chỉ có những người hoang tưởng mới cho rằng đại dịch toàn cầu đã kết thúc. Theo ước tính của Tedros, cho đến thời điểm ngọn đuốc Olympic tắt vào ngày 8/8, thế giới sẽ có thêm 100.000 người thiệt mạng.
Cần phải nói rằng WHO là tổ chức hiểu rõ nhất về tình hình thực tế của đại dịch toàn cầu, bởi đội ngũ nhân viên và các cơ quan hợp tác trên toàn thế giới liên tục cung cấp cho WHO những thông tin mới nhất và chân thực nhất về tình hình dịch bệnh. Việc người đứng đầu đưa ra một cảnh báo đáng sợ như vậy khiến mọi người cảm thấy bất an.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Nhật Bản cho thấy hầu hết mọi người đều phản đối việc tổ chức các sự kiện thể thao quy mô lớn trong thời kỳ khủng hoảng y tế cộng đồng. "Tình trạng khẩn cấp" về dịch bệnh do Tokyo ban bố sẽ được kéo dài đến ngày 22/8. Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội Olympic, IOC cấm cổ động viên đến xem các trận đấu. Đó cũng là biện pháp đối phó bất đắc dĩ, bởi nếu Thế vận hội Tokyo dẫn đến đại dịch bùng phát nghiêm trọng ở Nhật Bản và trên toàn thế giới, thì không ai có thể gánh vác được trách nhiệm này. Tinh thần thi đấu "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn" và tinh thần thể dục thể thao "công bằng, bình đẳng, tự do" của Thế vận hội Olympic tuy rất quan trọng, nhưng sự an toàn về tính mạng con người rõ ràng còn quan trọng hơn.


Công cuộc phòng chống đại dịch phải đối mặt với 3 thách thức lớn
Thế vận hội Tokyo chỉ là một trong những tâm điểm của tình hình dịch bệnh toàn cầu hiện nay. Chúng ta không nên xem nhẹ các đợt bùng phát và mối đe doạ tiềm ẩn khác về tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh toàn cầu và công tác phòng chống dịch hiện nay chủ yếu phải đối mặt với ba thách thức lớn.
Thứ nhất, không thể ngăn chặn sự gia tăng các biến thể mới của virus. Biến thể Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ và đến nay đã được ghi nhận tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 21/7, WHO cho biết biến thể Delta chiếm hơn 3/4 mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene ở những quốc gia lớn và dự kiến trong vài tháng tới sẽ nhanh chóng vượt qua các biến thể khác để trở thành biến thể lây nhiễm chính.
 Theo thông tin do WHO công bố, tỷ lệ các mẫu phân tích là biến thể Delta ở các nước Australia, Bangladesh, Botswana, Anh, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi đã vượt quá 75%. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn so với những biến thể không thuộc nhóm “biến thể đáng lo ngại” (VOC). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác về việc cơ chế nào khiến biến thể này có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn, do đó rất khó ngăn chặn dịch bệnh.
Ngoài Delta, trên thế giới đã xuất hiện các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. WHO đã đặt tên cho loại biến thể được phát hiện ở Peru là biến thể Lambda. Loại virus này được phát hiện vào tháng 8/2020, nhưng cho đến năm nay mới hoành hành. Gần đây, Peru cho biết biến thể này hiện chiếm hơn 80% ca mắc COVID-19 ở nước này và đang lây lan sang các nước Mỹ Latinh khác.
Trước đó, WHO cũng đã phát hiện ra một số biến thể đáng quan tâm khác. Trong đó, biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh hiện đã được ghi nhận ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; biến thể Beta lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi cũng đã lây lan đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; biến thể Gamma lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil đã được báo cáo ở 78 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về xu hướng, các biến thể này đang nhanh chóng lây lan trên diện rộng. Chúng không những dễ lây hơn các loại virus thông thường mà nồng độ virus trong không khí người bệnh hít thở cũng cao hơn, điều này khiến phạm vi lây lan rộng hơn và tính nguy hiểm tăng lên. Các biến thể này có cả những điểm tương đồng lẫn điểm khác biệt, mang lại những thách thức mới đối với việc xét nghiệm, phát hiện và chẩn đoán virus, cũng như hiệu quả của vaccine và công tác phòng dịch, điều trị.
Các chuyên gia hầu như nhất trí rằng nếu virus SARS-CoV-2 không nhanh chóng bị tiêu diệt và công tác tiêm chủng ở một số quốc gia còn chậm trễ, thì dịch bệnh sẽ tiếp tục hoành hành trên toàn cầu và các biến thể của virus sẽ tiếp tục xuất hiện, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người. Trên thực tế, thế giới hiện đã ở thế bị động trong việc đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2.

 


    Mối đe dọa từ các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Gần đây, thị trường chứng khoán châu Âu đã có ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2021, chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ đầu năm khi mất hơn 700 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,6%. Giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới cũng giảm. Để tránh rủi ro, các nhà đầu tư đã chuyển sang mua trái phiếu chính phủ. Sự lây lan của biến thể Delta đã làm gia tăng lo ngại của thị trường đối với sự phục hồi, tăng trưởng và đầu tư của nền kinh tế thế giới.
Hai là, làn sóng dịch COVID-19 liên tục tái bùng phát và ngày càng nghiêm trọng hơn, gây ra những tác động lớn mới. Xem xét từ bản đồ tình hình dịch COVID-19 và xu hướng thay đổi của số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới gần đây, có thể thấy tình hình dịch bệnh đang rất tồi tệ, những quốc gia và khu vực từng có thời điểm số ca mắc giảm mạnh thì giờ đây lại tiếp tục tăng vọt.
    Gần đây, việc Mỹ gia hạn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã làm lộ rõ tình trạng nghiêm trọng của dịch bệnh ở nước này. Trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ đã tăng gấp gần 3 lần trong 3 tuần gần đây, hiện tại có ít nhất 44 trong tổng số 50 bang trên toàn nước Mỹ đều có các ca mắc mới.
    Tình hình dịch COVID-19 ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, khu vực Nam Á như Ấn Độ, khu vực phía Nam châu Phi như Nam Phi, khu vực Bắc Phi như Tunisia, Ai Cập, khu vực Bắc Âu như Anh, khu vực Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, khu vực Trung Âu và Đông Âu như Nga, Ba Lan, Ukraine đều đang diễn biến hết sức phức tạp. Thậm chí, một số nước còn mất đi niềm tin chống dịch bệnh và buộc phải chuyển sang ứng phó tiêu cực với cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Vấn đề chung của những quốc gia này trong cuộc chiến chống dịch là không thể chống chịu được việc tiếp tục phong tỏa kinh tế và đời sống của người dân trên quy mô lớn, tuy nhiên việc tái khởi động các hoạt động kinh tế và dỡ bỏ phong tỏa lại khiến dịch COVID-19 mất kiểm soát, số ca mắc mới tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng lớn hơn về chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống của người dân.
     Số liệu thống kê do Reuters công bố ngày 18/7 cho thấy virus SARS-CoV-2 hiện vẫn đang lây lan nghiêm trọng ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến sáng ngày 22/7, số ca mắc COVID-19 đã lên tới hơn 191 triệu người, với hơn 4,1 triệu ca tử vong. Một số phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng số ca mắc thực tế còn cao hơn nhiều so với con số mà các nước báo cáo và Đại học Johns Hopskins (Mỹ) đã thống kê, số ca mắc thực tế của một số nước có thể cao gấp từ 10-30 lần so với báo cáo chính thức, có nơi thậm chí còn lên đến 80 lần.
    Gần đây, nhiều quốc gia bắt đầu ứng phó với làn sóng tái bùng phát COVID-19. Do gặp phải biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và nhà cầm quyền mạo hiểm mở cửa trở lại, nên số ca mắc COVID-19 ở Anh tiếp tục tăng lên, chỉ trong ngày 16/7 đã tăng thêm 54.674 ca, cao hơn 51.870 ca trong ngày 15/7, đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong 6 tháng qua. Anh là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, đến nay đã có hơn 128.500 người tử vong vì dịch bệnh này.
    Nếu một số quốc gia giàu có và phát triển còn có thể chống đỡ được cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, thì nhiều nước nghèo và lạc hậu đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số tổ chức kinh tế quốc tế và tài chính Phố Wall đã công bố dự báo tăng trưởng lạc quan đối với kinh tế thế giới, nhưng tình hình thực tế còn tồi tệ hơn nhiều so với báo cáo mà họ công bố. Những báo cáo này phần lớn là nhằm khôi phục lòng tin của thị trường và niềm tin đầu tư của doanh nghiệp, nhưng kết quả thường không chính xác.
    Ba là, việc tiêm chủng trên diện rộng gặp trở ngại, khiến số lượng người được tiêm chủng không tăng lên. Tình hình tiêm vaccine trên thế giới hiện nay được phân hóa thành hai cực nghiêm trọng: Một mặt, các nước phát triển mua tích trữ lượng lớn vaccine, do vấp phải sự phản đối của người dân nên số vaccine này bị quá hạn sử dụng và không thể tiêm được; mặt khác, nhiều nước nghèo và lạc hậu vẫn không thể kịp thời có được lượng lớn vaccine, Mỹ và các nước phương Tây khác nhiều lần tuyên bố sẽ viện trợ, nhưng trên thực tế thì không có hành động gì. Vaccine mà họ cung cấp chỉ như “muối bỏ bể”. Các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển có nguồn lực tài chính hạn chế, dân số đông, chỉ dựa vào vaccine do bên ngoài viện trợ thì còn lâu mới có thể đáp ứng được nhu cầu của dân số thực tế. Ngoài ra, việc sản xuất vaccine chất lượng cao trên thế giới không thể đáp ứng được nhu cầu vaccine quá lớn, trong khi virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện các biến thể khiến hiệu quả của vaccine xuất hiện ngày càng nhiều tranh cãi.


Thông tin giả là một thảm họa lớn
    Những thông tin giả liên quan đến vaccine là một thảm họa lớn ngăn cản nhiều nước thúc đẩy một cách hiệu quả quá trình tiêm chủng và chống dịch. Ngoài một số nước phát triển phương Tây, một số quốc gia lạc hậu cũng liên tục lan truyền tin giả trên mạng xã hội, tuyên truyền thông tin vaccine không có hiệu quả, thậm chí còn lan truyền thông tin vaccine có hại, điều này gây ra những định hướng sai lầm nghiêm trọng cho xã hội và người dân.
    Gần đây, thống kê của Mỹ cho thấy hơn 97% bệnh nhân phải nằm viện vì mắc COVID-19 do chưa tiêm chủng. 99% số người tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Mỹ cũng đều là những người chưa từng tiêm chủng. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine của Mỹ trong thời gian gần đây trên thực tế đã bị đình trệ, kế hoạch tiêm chủng cho 70% người dân Mỹ trước ngày quốc khánh 4/7 mà Tổng thống Biden từng cam kết cũng chưa thể trở thành hiện thực.
    Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đến nay Mỹ mới tiêm chủng được cho chưa đến 50% dân số, và hầu hết những người chưa tiêm chủng cơ bản đều không muốn tiêm chủng. Gần đây, Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế cấp cao của Tổng thống Joe Biden, cảnh báo rằng nếu những người không tiêm chủng kiên quyết giữ vững quan điểm của họ thì dịch COVID-19 ở Mỹ có thể vẫn sẽ âm ỉ trong thời gian tương đối dài.
    Chính quyền Biden đã tăng cường kiểm soát những tin giả liên quan đến vaccine, các nhà chức trách chỉ trích mạng xã hội hàng đầu của Mỹ là Facebook chưa làm đủ mạnh để ngăn chặn tin giả lan truyền trên nền tảng này. Ngày 16/7, Biden công khai chỉ trích Facebook đang sử dụng những tin giả để giết người, nhưng sau đó thu hồi lại những bình luận này. Chính phủ Mỹ cho rằng hiện có khoảng hơn 10 người có nhiều lượt theo dõi trên Facebook và các mạng xã hội khác ở Mỹ là những người lan truyền nhiều tin giả chống vaccine. Tuy nhiên, Facebook bác bỏ chỉ trích của Chính phủ Mỹ, người phát ngôn của tập đoàn này đáp trả rằng Nhà Trắng đang tìm “bia đỡ đạn”, bởi họ chưa thể thực hiện được mục tiêu tiêm chủng .
    Dân số Indonesia đứng thứ 4 thế giới, cùng với sự lây lan của của biến thể Delta, quốc gia này đang trở thành tâm điểm mới của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 ở châu Á. Gần đây, quốc đảo này công bố hàng nghìn ca mắc mới và hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Thiết bị y tế thiếu hụt nghiêm trọng, máy xúc liên tục đào đất ở nghĩa trang, hàng triệu người nghèo khổ hiện đang bị đe dọa về tính mạng và gặp rất nhiều khó khăn.


 Liệu vaccine hiện nay có thể ứng phó hiệu quả đối với các biến thể virus hay không?
     Tin giả khiến tỷ lệ tiêm vaccine của Ấn Độ đạt mức chưa tới 6%. Theo CNN, trong mấy tháng qua, ứng dụng WhatsApp của Mỹ luôn lan truyền tin giả về việc điều trị COVID-19 không hiệu quả. Những tin giả về vaccine đang lan truyền trên mạng xã hội khiến một số người không muốn tiêm chủng, bởi họ lo ngại vaccine có hại cho sức khỏe hoặc gây chết người. Do các tin giả này, nhiều người Indonesia vẫn không có cách nhìn nhận nghiêm túc về dịch COVID-19, ngay cả khi số ca mắc COVID-19 xung quanh họ liên tục tăng lên. Các nhà quan sát cảnh báo quốc gia này có thể vẫn chưa đạt đỉnh dịch.
     Liệu vaccine phòng COVID-19 hiện có thể ứng phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Delta hay không vẫn còn là vấn đề lớn mà thế giới hiện đang tranh cãi. Mặc dù nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi, nhưng đa số các chuyên gia y tế hàng đầu cho rằng vaccine hiện có vẫn hiệu quả, mấu chốt là phải gấp rút mở rộng tiêm chủng, nếu không thể nhanh chóng làm được điều này thì vaccine hiện có sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu hiệu quả.
    Dịch COVID-19 đang thử thách mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và thể chế nhà nước khác nhau, thực tế đã và sẽ tiếp tục đưa ra câu trả lời./.



(Trang mạng Phương Đông, Trung Quốc, ngày 22/7/2021)

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết