(Theo Liên hợp buổi sáng) Quản trị toàn cầu cần nước lớn lãnh đạo, nhưng sức ảnh hưởng của Mỹ lại đang suy giảm đáng kể, trong khi Trung Quốc không đủ năng lực lấp đầy chổ trống. Trong bối cảnh này, vấn đề quản trị toàn cầu được dự báo sẽ đối diện với một giai đoạn thiếu hụt lãnh đạo .
Toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ khiến cho quản trị toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của con người. Sự việc xảy ra ở một quốc gia thường gây nên những ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia khác, thậm chí còn có thể dẫn đến biến động toàn cầu. Cho dù là ngăn chặn đại dịch COVID-19 hay bảo vệ an ninh sinh thái, an ninh mạng, an ninh tài chính, hợp tác chặt chẽ trên bình diện quốc tế đóng vai trò rất quan trọng. Việc giải quyết vấn đề di dân, biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên tái tạo đều cần cộng đồng quốc tế áp dụng hành động tập thể.
Tuy nhiên, do không hiện diện một “chính phủ thế giới”, nên quản trị toàn cầu đến nay chỉ có thể dựa vào hợp tác của gần 200 quốc gia. Chính phủ các nước tự nguyện gia nhập các tổ chức quốc tế, ký kết các điều ước quốc tế, đồng thời chấp nhận sự ràng buộc từ các quy tắc của tổ chức quốc tế và hiệp định quốc tế. Dù vậy, hiện nay mô hình hợp tác này đang đối diện với ba khó khăn lớn không thể né tránh, đó là vai trò hạn chế của các tổ chức quốc tế, mức độ sẵn sàng lãnh đạo quản trị toàn cầu của Mỹ suy giảm, cũng như mâu thuẫn giữa quản trị toàn cầu và chủ quyền quốc gia.
Vai trò hạn chế chế các tổ chức quốc tế
Chủ nghĩa đa phương nhấn mạnh tính không thể phân chia của lợi ích quốc gia, kiên trì nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử. Các tổ chức đa phương được xây dựng dựa trên những nguyên tắc này có ưu điểm bao trùm và bền vững, là khung quản trị toàn cầu lý tưởng.
Tuy nhiên, giữa lý tưởng và hiện thực có khoảng cách rất lớn. Do các quốc gia lớn nhỏ khác nhau, lợi ích đa dạng, sức ảnh hưởng của các nước đối với những vấn đề quốc tế và mức độ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu có sự chênh lệch rất lớn. Do đó, việc hình thành quyết sách tập thể hợp lý trong các tổ chức đa phương chắc chắn là vấn đề rất khó.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), 10 quốc gia có dân số đông nhất thế giới năm 2019 là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Pakistan, Brazil, Nigeria, Bangladesh, Nga và Mexico chiếm 57,7% tổng dân số thế giới, trong khi tổng dân số của 150 nước có dân số ít chỉ chiếm 8% dân số thế giới. Trong khi đó, 10 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới tính theo giá trị USD là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Anh, Pháp, Italia, Brazil và Canada có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 66,9% toàn cầu vào năm 2019, trong khi GDP của 150 nền kinh tế nhỏ gộp lại chưa đến 9% toàn cầu.
Nếu kiên trì nguyên tắc tất cả các quốc gia bình đẳng bất kể quy mô lớn hay nhỏ và đa số biểu quyết theo hình thưc một quốc gia một phiếu, thì các nước lớn luôn là thiểu số trong các tổ chức đang phương, và họ sẽ cảm thấy lợi ích của mình không được bảo đảm. Ngược lại, nếu tăng thêm quyền lực cho các nước lớn, tăng cường quyền lực của những nước này trong các quyết sách tập thể, thì các nước nhỏ lại lo ngại lợi ích của mình không được bảo đảm.
Theo số liệu của WB, 10 nước lớn thương mại hàng đầu thế giới về xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2019 tính theo giá trị USD, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore và Italia, có kim ngạch xuất khẩu chiếm 52% tổng xuất khẩu của thế giới. Tỷ trọng xuất khẩu của 20 nước tiếp theo là 29%, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của 133 nước khác trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chỉ chưa đến 18%.
Trong khi đó, đối với những nước nhỏ thương mại, tuy hoạt động xuất khẩu của họ là không quan trọng đối với thế giới, song điều này không có nghĩa là đối với nền kinh tế nội địa, xuất khẩu cũng không quan trọng. Mặc dù xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Djibouti chỉ chiếm 0,02% thế giới, nhưng lại đóng góp đến 149,2% GDP của nước này. Do đó, đối với Djibouti, thương mại xuất khẩu là huyết mạch kinh tế liên quan đến sự sống còn.
Trong một quốc gia, đôi khi có thể hy sinh lợi ích cục bộ để đổi lấy lợi ích tổng thể lớn hơn. Trong cộng đồng quốc tế, hy sinh lợi ích của một quốc gia để đổi lấy lợi ích của các quốc gia khác là vấn đề hoàn toàn không thể thực hiện dựa theo phương thức thương lượng hòa bình. Nếu quyết định của các tổ chức đa phương bất lợi cho mình, thì quốc gia có chủ quyền hoặc là sẽ lựa chọn không thực hiện, hoặc là sẽ rút khỏi tổ chức đa phương. Những hành vi rút lui như vậy của các nước không phải hiếm gặp.
Trên cơ sở đó, nhiều tổ chức quốc tế bao gồm WTO đều áp dụng chính sách đồng thuận. Điểm tích cực của cơ chế quyết sách tập thể này là bất cứ quốc gia thành viên nào cũng có thể thực hiện quyền phủ quyết, phủ quyết những chính sách không lợi cho mình. Điểm tiêu cực là quá nhiều người sở hữu quyền phủ quyết sẽ dẫn đến cái gọi là “bi kịch của những kẻ chống đối”, khiến cho các tổ chức đa phương trở thành tổ chức nói suông, không thể phát huy hiệu quả.
WTO cũng đã rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan như vậy trong vòng đàm phán Doha, giai đoạn 2001-2015 đã trải qua các cuộc đàm phán kéo dài 14 năm, nhưng sau cùng không đạt được bất cứ kết quả nào. Giáo sư Michael Heller của Đại học Columbia cho rằng đặc trưng chủ yếu của sự chống đối là phân tán và không dễ sử dụng quyền sở hữu tài sản, muốn giải quyết “bi kịch của những kẻ phản đối” thì phải cần tích hợp quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, muốn tích hợp quyền sở hữu tài sản trong các tổ chức quốc tế, quốc gia cần phải từ bỏ quyền phủ quyết, song một khi đã trao quyền phủ quyết thì hoàn toàn không có khả năng thu hồi.
Hiệu quả yếu kém và tiến triển cải cách chậm chạp của WTO đã khiến nhiều nước cảm thấy thất vọng và mất kiên nhẫn. Những nước này lần lượt làm lại từ đầu, thiết lập các tổ chức thương mại mang tính khu vực. Năm 2018, 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đến năm 2020, 15 nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Những vòng tròn nhỏ này thường được một số ít quốc gia khởi xướng, đều mong muốn có thêm nhiều quốc gia tham gia để mở rộng sức ảnh hưởng và hiệu quả.
Liên minh châu Âu (EU) từ 6 nước hạt nhân khi sáng lập đã mở rộng thành 27 nước hiện nay, trong khi ASEAN từ 5 nước ban đầu phát triển thành 10 nước, nhìn chung các tổ chức đa phương đều trải qua quá trình mở rộng từ nhỏ đến lớn.
Tuy nhiên, những tổ chức đa phương có càng nhiều nước tham gia, thì sự khác biệt càng lớn, rất khó để hình thành sự đồng thuận, EU và ASEAN sau khi mở rộng đều tồn tại những vấn đề tương tự như vậy. 16 nước ban đầu của RCEP chính là 10 nước ASEAN cộng thêm 6 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Ấn Độ. Bắt đầu từ năm 2013 đã trải qua 31 vòng đàm phán, sau cùng nếu không có sự rút lui của Ấn Độ, thì đàm phán đến năm 2020 cũng chưa chắc hoàn thành.
Các tổ chức đa phương rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Khi số lượng thành viên ít, việc đạt được sự đồng thuận là dễ dàng, tỷ lệ ra quyết sách tương đối cao song sức ảnh hưởng và hiệu quả đều hạn chế. Tuy nhiên, sau khi gia tăng các nước thành viên, phạm vi ảnh hưởng được mở rộng, nhưng cơ chế ra quyết sách lại ngày càng giống kẻ chống đối, hiệu quả sụt giảm, tác dụng hạn chế.
Mức độ sẵn sàng lãnh đạo quản trị toàn cầu của Mỹ suy giảm
Trên thực tế, tổ chức gần 200 nước thực hiện quản trị toàn cầu là vấn đề hết sức khó khăn, bởi vì tập thể này có quá nhiều thành viên. Giáo sư Mancur Olson của Đại học Maryland đã nhấn mạnh điều này trong tác phẩm “Logic của hành vi tập thể”, trong đó cho rằng hành động tập thể của nhóm đặc quyền là tương đối dễ thực hiện, bởi vì lợi ích đạt được từ hành động tập thể của các “thành viên lớn” cá biệt trong tập thể này nhiều hơn so với các thành viên khác, nên họ sẵn sàng đảm nhận phần lớn hoặc toàn bộ chi phí trong các hoạt động tập thể.
Chẳng hạn, Mỹ cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể mang lại lợi ích rất lớn cho an ninh của Mỹ ở phía Đông và phía Tây trong Chiến tranh Lạnh, do đó sẵn sàng gánh vác 70% chi tiêu quân sự của NATO. Các nước nhỏ khác như Luxembourg, Bỉ, Hungary, Đan Mạch, Na Uy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ… chỉ đóng góp chưa đến 1% chi phí quân sự của NATO.
Sự bất cân xứng về lợi ích của hành động tập thể dẫn đến sự bất cân xứng trong các khuyến khích đóng góp, xuất hiện tình trạng nhỏ “chèn ép” lớn trong hành động tập thể (các thành viên lớn gánh vác chi phí, các thành viên nhỏ "quá giang"). Học thuyết của Giáo sư Mancur Olson cho thấy quản trị toàn cầu cần phải có nước lớn lãnh đạo, sức mạnh lãnh đạo của nước lớn được biểu hiện cụ thể ở năng lực sẵn sàng gánh vác chi phí chính cho hành động tập thể của nhiều nước và thúc đẩy thực hiện các biện pháp thưởng phạt.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới, một thành viên lớn trong tập thể nhiều quốc gia, có lợi ích bao trùm rất mạnh, do đó những vấn đề có lợi đối với sự phát triển của kinh tế thế giới về cơ bản chính là có lợi đối với Mỹ. Hiện nay, các tổ chức quản trị toàn cầu về kinh tế thị trường tự do, bao gồm WB, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), WTO đều là những tổ chức được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Mỹ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, khi đó đã xuất hiện một siêu cường khác là Liên Xô, sử dụng một mô hình quản trị toàn cầu khác để dẫn dắt phe chủ nghĩa xã hội đối đầu với các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu.
Cùng với sự tan rã của Liên Xô và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh vào đầu thập niên 1990, địa vị lãnh đạo của của Mỹ đạt đến đỉnh điểm, trở thành siêu cường duy nhất thúc đẩy toàn cầu hóa, dẫn dắt quản trị toàn cầu, đồng thời cũng đã hình thành cái gọi là “hòa bình dưới sự quản trị của Mỹ”.
Mặc dù vậy, những năm gần đây, mức độ sẵn sàng lãnh đạo quản trị toàn cầu của Mỹ đã suy giảm đáng kể. Một mặt, cùng với sự phát triển tốc độ nhanh của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, tỷ trọng GDP toàn cầu của Mỹ từ mức 39,7% trong năm 1960 đã giảm xuống còn 24,4% vào năm 2019.
Ngoài ra, mức độ liên kết giữa tăng trưởng kinh tế thế giới với nền kinh tế Mỹ đã suy giảm, lợi ích bao trùm của Mỹ bị thu hẹp rõ ràng, điều này cũng khiến mức độ sẵn sàng trong việc khuyến khích và gánh vác chi phí cho các hành động tập thể của Mỹ giảm mạnh. Mặt khác, toàn cầu hóa đã mang lại những thay đổi lớn trong việc phân chia lợi ích, hình thành kẻ thắng và người thua mới ở Mỹ.
Cùng với mâu thuẫn về bất bình đẳng ngày càng trầm trọng, lực lượng chính trị phản đối toàn cầu hóa phát triển mạnh. Cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử Tổng thống với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đã thể hiện sự thay đổi này trong dư luận Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, ông Donald Trump đã rút khỏi các tổ chức và thỏa thuận quốc tế. Mỹ đã lần lượt rút khỏi các tổ chức và thỏa thuận quốc tế như Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước toàn cầu về vấn đề di dân của Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Bên cạnh đó, Mỹ còn ngăn cản các cơ quan giải quyết khiếu nại của WTO bổ nhiệm thẩm phán mới khiến cho các cơ quan này không thể hoạt động, thậm chí ông Donald Trump còn đe dọa rút khỏi WTO.
Sau khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền, mặc dù Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và WHO, đồng thời ông Joe Biden cũng chú trọng hơn đến việc xây dựng lại sức mạnh lãnh đạo của Mỹ trong khuôn khổ đa phương, nhưng Mỹ đã không còn là nước Mỹ của trước đây. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 cho thấy lực lượng chính trị ủng hộ ông Donald Trump là rất lớn. Cục diện chính trị lưỡng cực khiến cho tiếng nói của ông Joe Biden trên vũ đài quốc tế thiếu trọng lượng, đồng thời cộng đồng quốc tế cũng lo ngại một Tổng thống khác tương tự như ông Donald Trump sẽ xuất hiện ở Nhà Trắng trong một tương lai không xa.
Vai trò lớn nhưng chưa đủ của Trung Quốc trên trường thế giới
Trong thế giới hiện nay, Trung Quốc là một quốc gia khác có năng lực phát huy sức mạnh lãnh đạo trong quản trị toàn cầu. Trung Quốc là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, GDP năm 2019 của nước này chiếm 16,3% toàn cầu, đồng thời Trung Quốc cũng là quốc gia đông dân nhất và là cường quốc thương mại số một thế giới.
Những năm gần đây, Trung Quốc phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng quốc tế, khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), thúc đẩy sáng kiến hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" (BRI). Trung Quốc đã trở thành nước chủ nợ lớn nhất cung cấp các khoản vay song phương cho các nước thu nhập thấp. Tổng các khoản vay cung cấp cho các nước thu nhập thấp của nước này chiếm đến 63% tổng các khoản vay song phương chính thức vào năm 2019. Trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc cung cấp vaccine ưu đãi cho các nước tham gia BRI, đồng thời cũng tham gia vào sáng kiến hoãn thanh toán nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), hoãn nợ 2,1 tỷ USD, cho phép 23 nước thu nhập thấp có thể sử dụng nguồn vốn chuẩn bị để trả nợ phục vụ công tác phòng dịch khẩn cấp.
Tuy nhiên, khi thực hiện thỏa thuận ngừng tính lãi với các nước thu nhập thấp của G20, Trung Quốc cho rằng các khoản vay thuộc khuôn khổ dự án BRI, các khoản vay của ngân hàng phát triển quốc gia đều là những khoản vay thương mại, nên cần phải đưa ra ngoài thỏa thuận giảm nợ.
Đối với sáng kiến tái cấu trúc nợ đa phương của WB, IMF và G20, Trung Quốc chỉ sẵn sàng tham gia hoãn nợ một phần, lựa chọn chỉ thảo luận giảm nợ trong đàm phán song phương. Với tư cách là nước chủ nợ lớn nhất, lựa chọn này của Trung Quốc chắn chắn sẽ làm tăng thêm khó khăn cho việc tái cấu trúc nợ. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng có thể là xuất phát từ những cân nhắc lợi ích của Trung Quốc. Theo thống kê trong báo cáo được Rhodium Group công bố vào tháng 10/2020, khoảng 1/4 các khoản cho vay nước ngoài của Trung Quốc (94 tỷ USD) gặp khó khăn trong vấn đề hoàn trả. Với tư cách là “quốc gia đang phát triển lớn nhất” và nước chủ nợ lớn nhất của các quốc gia thu nhập thấp, Trung Quốc có thể không sẵn sàng gánh chịu tổn thất quá lớn trong đợt giảm nợ lần này.
Cùng với sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng các khoản cho vay nước ngoài của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại đáng kể so với 10 năm trước, đồng thời nước này cũng sẽ điều chỉnh hành vi cho vay trước đây. Cấu trúc BRI cơ bản cũng dừng lại ở các dự án hợp tác song phương và không hình thành một cơ chế quản trị toàn cầu đa phương. Nhìn chung, mọi người cho rằng, Trung Quốc sẽ không thể trở thành quốc gia lãnh đạo chịu chi phí chính trong quản trị toàn cầu, khuyến khích hợp tác quốc tế trong một thời gian tương đối dài.
Mâu thuẫn giữa quản trị toàn cầu và chủ quyền quốc gia
Do mở cửa thương mại và đầu tư có lợi ích rất lớn đối với phát triển kinh tế, phần lớn các nước đều sẵn sàng phục tùng quy tắc quản trị toàn cầu ở những mức độ khác nhau, thậm chí sẵn sàng sửa đổi pháp luật, thay đổi hành vi thương mại để hội nhập vào thị trường toàn cầu. Các quy tắc như phân loại hàng hóa tương đồng, tiêu chuẩn ngành nghề, trình tự thông quan… đều có lợi cho đầu tư thương mại và phần lớn các nước đều hài lòng chấp nhận. Ngoài ra, một số quy tắc có thể giải quyết sự thất bại tập thể trong tương tác giữa các quốc gia.
Chẳng hạn, cùng với tiến trình toàn cầu hóa, một số nước hạ thấp mức thuế doanh nghiệp thấp để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, các công ty xuyên quốc gia cũng sử dụng thủ thuật rút vốn để đe dọa, ép quốc gia sở tại giảm thuế, xuất hiện sự cạnh tranh tiêu cực giữa các quốc gia. Thuế suất trung bình của doanh nghiệp ở các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm từ 36,8% năm 1995 xuống còn 22,7% vào năm 2020. Điều này khiến chính phủ các nước xói mòn nguồn thu ngân sách, vô cùng khó khăn.
Trong bối cảnh đó, tháng 6/2021, Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được thỏa thuận ủng hộ thiết lập chế độ thuế công ty tối thiểu của toàn cầu ở mức 15%. Thỏa thuận này có lợi đối với hầu hết các nước nên được rất nhiều quốc gia chấp nhận. Có thể thấy rằng ngay cả chủ quyền quốc gia cơ bản nhất, lâu đời nhất đối với việc thu thuế cũng phải chịu sự ràng buộc của quản trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, còn có một số quy tắc có lợi lâu dài nhưng bất lợi trước mắt đối với quốc gia như tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…, cũng có thể được chấp nhận trong bối cảnh điều kiện chính trị trong nước cho phép. Khi Trung Quốc gia nhập WTO, nước này đã có quan điểm “dựa vào mở cửa để thúc ép cải cách”.
Đối với việc hạn chế chủ quyền quốc gia và can thiệp vào công việc nội bộ đất nước, mặc dù dường như khá thành công trên lĩnh vực kinh tế, nhưng cũng thường gặp phản ứng mạnh mẽ. Theo luận điểm của Giáo sư Dani Rodrik thuộc Đại học Harvard về việc hình thành bộ ba dân chủ, chủ quyền quốc gia, toàn cầu hóa, cốt lõi chính là mâu thuẫn giữa quản trị toàn cầu và chủ quyền quốc gia.
Một mặt, để tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, các nước đã nhượng bộ một phần chủ quyền thông qua việc sửa đổi pháp luật, chấp nhận sự ràng buộc của các hiệp định quốc tế. Mặt khác, tiến trình toàn cầu hóa sẽ gây ra những vấn đề xã hội, cử tri ở các nước dân chủ sẽ thông qua phiếu bầu để yêu cầu chính phủ kiểm soát sự ảnh hưởng của quản trị toàn cầu, sử dụng chủ quyền quốc gia để chống lại quy tắc quốc tế. Mức độ sẵn sàng lãnh đạo toàn cầu hóa của Mỹ suy giảm và Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đều là những ví dụ điển hình. Cử tri Anh cho rằng quá trình hội nhập châu Âu là lợi bất cập hại đối với họ, Anh đã nhượng bộ chủ quyền khá nhiều cho EU. Vậy nên họ thông qua trưng cầu dân ý rút khỏi EU, không tiếp tục chấp nhận những ràng buộc của tổ chức quản trị quốc tế này.
So với vấn đề kinh tế, quản trị toàn cầu trong các vấn đề khác càng khó đạt kết quả như mong muốn hơn và chịu sự phản ứng dữ dội của chủ quyền quốc gia một cách rõ ràng hơn. Trong xã hội hiện đại, mọi người không thể cho phép để xảy ra vấn đề ngược đãi và bạo lực trong gia đình, phần lớn các nước đều ban hành luật để can thiệp vào các vụ án bạo hành gia đình, bảo vệ người bị hại. Cộng đồng quốc tế cũng có quan điểm tương tự như vậy, từ năm 1948 đến năm 2006, hệ thống điều ước của Liên hợp quốc về bảo vệ nhân quyền dần phát triển hoàn thiện, tuy nhiên lại chịu sự hạn chế của chủ quyền quốc gia về phương diện thực thi.
Bất ổn chính trị xảy ra ở Myanmar vào tháng 2/2021 có thể chứng minh điểm này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đưa ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực để chống lại những người phản đối ôn hòa, bao gồm phụ nữ và trẻ em, bày tỏ quan ngại sâu sắc vấn đề chăm sóc y tế, xã hội dân sự, thành viên công đoàn, nhà báo… Ngày 18/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua quyết nghị, lên án hành vi bạo lực tại Myanmar và kêu gọi các nước ngừng cung cấp vũ khí cho phe quân đội Myanmar. Tuy nhiên, sự can thiệp của Liên hợp quốc cũng không mang lại hiệu quả thực chất, điều đó chứng minh quản trị toàn cầu vấp phải rất nhiều khó khăn trên phương diện bảo vệ nhân quyền. Do không có chính phủ thế giới, các tổ chức quản trị toàn cầu không thể né tránh chủ quyền quốc gia, nên những việc có thể làm được quả thực rất ít.
Mặc dù nhiều người ủng hộ chủ nghĩa đa phương, nhưng những “vòng tròn nhỏ” do một số ít quốc gia thành lập dường như ngày càng nhiều. Mặc dù không ít nước vẫn đang theo đuổi nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, nhưng nguyên tắc này đang chịu thách thức và trải nghiệm lớn hơn.
Mặc dù quản trị toàn cầu cần sự lãnh đạo của nước lớn, nhưng sức ảnh hưởng của Mỹ lại đang suy giảm đáng kể, trong khi Trung Quốc không đủ năng lực lấp đầy chỗ trống, do đó quản trị toàn cầu sẽ đối diện với một thời kỳ thiếu hụt lãnh đạo. Hiện nay, dù vẫn chưa tìm ra phương án giải quyết khả khi đối với những khó khăn lớn của quản trị toàn cầu, nhưng điều cốt lõi là thế giới cần phải đối diện với thách thức một cách nghiêm túc, có vấn đề cần phải nhận thức lại và tuyệt đối không né tránh./.
Theo TTXVN tại Hong Kong