Mùa hè năm 1956, tại hội nghị Dartmouth, lần đầu tiên, giới khoa học và công chúng biết đến và thừa nhận thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo”, như một lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng của khoa học hiện đại. Sau 65 năm, trí tuệ nhân tạo đã hiện diện ở mọi mặt đời sống, đảm nhiệm những công việc mà trước đây, chúng ta khó tưởng tượng nổi.
* Những bước tiến nhanh
Khi chiếc máy tính cơ học đầu tiên được Blaise Pascal chế tạo vào năm 1642, nhiều nhà khoa học tin rằng, chúng có thể được lập trình để tự thực hiện các lệnh có sẵn. Gần 400 năm sau, thực tế đã tiến xa hơn rất nhiều những dự đoán ban đầu.
Những năm 40 của thế kỷ 20, chiếc máy tính lập trình ra đời đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học thảo luận một cách nghiêm túc về tính khả thi của một “bộ não điện tử”, hay một cỗ máy có khả năng tư duy như con người.
Ban đầu, người ta gọi nó với nhiều cách khác nhau, như cỗ máy tư duy, lý thuyết tự động, hay hệ thống xử lý thông tin phức tạp. Năm 1955, nhà khoa học John McCarthy, làm việc tại Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ, đã dùng thuật ngữ “Trí tuệ nhân tạo” (artificial intelligence - viết tắt là AI) để gọi tên nó. Cái tên này đảm bảo trung lập với tất cả các khái niệm trước đó và phân biệt được với những lĩnh vực khác đã được thừa nhận. John McCarthy cũng đề xuất tổ chức một cuộc thảo luận giữa các nhà khoa học để làm rõ và phát triển những ý tưởng cụ thể về lĩnh vực này.
Mùa hè năm 1956, cuộc hội thảo đầu tiên đề cập trực tiếp đến “Trí tuệ nhân tạo” đã được tổ chức trong khuôn viên trường Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ, được coi là sự kiện ra đời của ngành trí tuệ nhân tạo. Từ Dartmouth, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đã được thành lập như một ngành học thuật độc lập của khoa học.
Kể từ đó, các tiến bộ trong nghiên cứu, lập trình máy tính có những bước tiến nhanh đáng kể. Trong thập niên 60 và 70, chương trình toán học sử dụng cơ sở tri thức - lần đầu tiên được ứng dụng thành công trên máy tính; ngôn ngữ lập trình Prolog ra đời; chiếc xe đầu tiên được máy tính điều khiển có thể tự đông vượt chướng ngại vật, và “Hệ chuyên gia” đầu tiên, sử dụng các quy luật để suy diễn và chẩn đoán bệnh trong y học, đều được giới thiệu trong giai đoạn này. Sang thập niên 80, mạng neural (nơ-ron) đã được sử dụng rộng rãi với thuật toán truyền ngược. Những năm 90 đánh dấu các thành tựu chính trong nhiều lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo, được thể hiện trong nhiều ứng dụng đa dạng. Nổi tiếng nhất là Deep Blue, chiếc máy tính chơi cờ vua đã thắng đại kiện tướng Garry Kasparov trong trận đấu 6 ván nổi tiếng vào năm 1997. Thành công của Deep Blue cũng là khởi đầu của thời đại máy tính thống trị cờ vua, khi con người khó có khả năng đánh bại máy tính trong trò chơi trí tuệ này.
* Trợ lý đắc lực cho con người
Khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình, trí tuệ nhân tạo liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc. Chúng được thiết kế để mô phỏng suy nghĩ của con người trong các tình huống, giúp máy tính có được những phản ứng giống con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi…
Những ưu việt này khiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở nên quen thuộc và phổ biến, giúp ích rất nhiều cho con người trong cuộc sống. AI đã giải quyết được nhiều vấn đề rất phức tạp và được sử dụng trong toàn bộ lĩnh vực công nghệ, như khai thác dữ liệu, robot công nghiệp, hậu cần, nhận dạng giọng nói, vân vân… Chúng hiện diện ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực của đời sống, trở thành trợ lý đắc lực cho con người.
Tương lai phát triển của trí tuệ nhân tạo hầu như không có giới hạn. Tuy nhiên, nhiều người e ngại rằng, đó chính là mối đe dọa tiềm ẩn đối với con người. Một nhà khoa học đã đưa ví dụ, một AI được lập trình để giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu sẽ xác định rằng con người là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ấy, và sẽ sử dụng toàn bộ kho công cụ robot của nó để loại bỏ mối đe dọa này. Trên thực tế, tác động đầu tiên của trí tuệ nhân tạo mà chúng ta dễ dàng nhận thấy chính là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khi AI có khả năng thay thế con người trong các công việc khác nhau.
Nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking từng cảnh báo “Trí tuệ nhân tạo có thể là dấu chấm hết cho nhân loại, khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất”. Bill Joy, người đồng sáng lập và Giám đốc khoa học của Sun Microsystems thì e ngại, khi AI trở nên hoàn thiện và thông minh hơn, loài người sẽ bị lệ thuộc, nghe theo những quyết định của máy móc, vì đơn giản là các cỗ máy luôn đưa ra quyết định chính xác hơn con người."
Dĩ nhiên, đó vẫn là câu chuyện của tương lai. Và hiện tại, chúng ta vẫn có đủ thời gian để hoàn thiện những bộ não nhân tạo, vừa giúp ích cho cuộc sống, vừa vận hành an toàn trong sự kiểm soát của con người./.
Theo TTXVN