Chú trọng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất y tế, trường học để chăm sóc trẻ tốt hơn.
(Nikkei Asia 8/7): Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cả Trung Quốc và Mỹ gần đây đều công bố tốc độ tăng dân số chậm nhất kể từ đầu những năm 1960 và 1900. Dẫn đầu xu hướng suy giảm dân số là Nhật Bản, với dân số bắt đầu giảm từ năm 2008.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản năm 2019 ở mức 1,36, thấp hơn nhiều so với mức 2,07 cần thiết để duy trì dân số hiện tại là 126 triệu người. Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, chỉ có 850.000 em bé chào đời.
Trong bối cảnh đại dịch, mức sinh tại Nhật Bản trong năm nay dự kiến giảm xuống dưới mốc 800.000 trẻ. Với mức sinh giảm hơn 8%, đây sẽ là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1966 (giảm 25%). Do tỷ lệ sinh thấp hơn và tuổi thọ trung bình tăng lên, những người trên 65 tuổi chiếm khoảng 28,7% dân số, khiến Nhật Bản trở thành nước có dân số già nhất trên thế giới.
Với tình trạng số dân trong độ tuổi lao động thu hẹp, Nhật Bản liệu sẽ chứng kiến vòng xoáy kinh tế đi xuống? Nếu dân số tăng đồng nghĩa với sự thịnh vượng của nền kinh tế, như một số phân tích thông thường, dường như một tương lai ảm đạm đã được định sẵn cho Nhật Bản. Đất nước "Mặt Trời mọc" thường được coi là một ví dụ cảnh báo cho những chính sách có nguy cơ khiến dân số và triển vọng kinh tế suy giảm.
Để đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm, các chính phủ thường tập trung vào việc khuyến khích và hỗ trợ các cặp vợ chồng muốn có con. Nhưng cho đến nay, các nước phát triển đã không thành công khi sử dụng những chính sách này để đảo ngược tình trạng giảm tỷ lệ sinh. Những nước đã thành công khi giảm tỷ lệ sinh lại là nhờ dòng người di cư, ví dụ như Đức.
Trước đây, ở Nhật Bản, một cặp vợ chồng có từ ba đến bốn con. Vào năm 1957, mỗi gia đình có trung bình 3,6 con. Mức đỉnh này đã không bao giờ đạt được nữa, đặc biệt là khi phụ nữ có trình độ học vấn cao ngày nay thường dành thời gian tập trung cho sự nghiệp hơn. Tuy nhiên, ít con hơn đồng nghĩa với việc những đứa trẻ được cha mẹ quan tâm nhiều hơn.
Trên thực tế, Chính phủ Nhật Bản đã từng đưa ra chính sách giới hạn việc tăng dân số, với Hội nghị Dân số Nhật Bản đầu tiên vào năm 1974 khuyến nghị mỗi cặp vợ chồng sinh nhiều nhất là hai con.
Hội nghị nêu rõ hạn chế của mô hình tăng trưởng gắn với dân số tăng, khuyến nghị người dân đề cao mặt tinh thần chứ không phải vật chất, hạnh phúc khi đã đạt được mức sống có thể chấp nhận được. Nửa thế kỷ sau, nhiều nhà kinh tế vẫn bị mắc kẹt trong mô hình định hướng tăng trưởng nhưng không có giải pháp thay thế.
Mối quan ngại lớn nhất là việc dân số giảm đồng nghĩa với việc ít lao động trẻ hơn, và từ đó hệ thống an sinh xã hội khó có thể hỗ trợ cho những người lớn tuổi khi họ nghỉ hưu.
Do đó, trước tiên, Nhật Bản cần thay đổi cách làm việc. Những đối tượng thường ít được quan tâm khi tuyển dụng, như phụ nữ có học vấn cao, người về hưu, người khuyết tật, nên được tạo điều kiện tham gia vào lực lượng lao động. Trong bối cảnh xu hướng số hóa và tự động hóa ngày càng tăng, họ có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Các công ty như NGK Insulators, một nhà sản xuất gốm sứ với doanh thu 450 tỷ yen (4,2 tỷ USD), đã bắt đầu trả lương và trợ cấp đầy đủ cho các nhân viên trên 60 tuổi kể từ năm 2017. Những sáng kiến như vậy góp phần duy trì lực lượng lao động và mang lại cơ hội tiếp tục làm việc cho những người lớn tuổi mong muốn đóng góp tích cực cho xã hội.
Nếu sự thay đổi nhân khẩu học có thể thúc đẩy cải cách trong môi trường việc làm, thì cũng có thể góp phần khuyến khích sự thay đổi trong các hộ gia đình. Một trong những vấn đề lớn mà dân số già của Nhật Bản gặp phải là họ thường xuyên bị cô lập. Cứ một trong bốn hộ gia đình Nhật Bản thì có một người trên 65 tuổi, nếu mức độ gắn kết xã hội của họ càng cao thì thể chất và tinh thần của họ sẽ càng tốt hơn.
Một cộng đồng được kết nối rộng rãi với sự tham gia của các thế hệ khác nhau sẽ khuyến khích người cao tuổi hòa nhập và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Về lâu dài, xu hướng này có thể thách thức mô hình gia đình hiện đại ở Nhật Bản, từ một gia đình hạt nhân (gia đình hai thế hệ) sang gia đình nhiều thế hệ hơn.
Mô hình các gia đình nhiều thế hệ, hoặc người cao tuổi tham gia vào hoạt động xã hội, dễ phát triển ở các ngoại ô hay địa phương hơn là các đại đô thị như Tokyo. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát đã khiến mọi người có xu hướng rời xa môi trường đô thị đông đúc.
Năm ngoái, Nhật Bản chứng kiến dòng chảy những người dân rời Tokyo lớn nhất kể từ năm 2014, tăng 5% so với năm 2019. Những thay đổi này về cơ bản xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy. Mặc dù nguồn thu nhập vẫn là một động lực quan trọng, nhưng đây không phải là động lực duy nhất ảnh hưởng đến các lựa chọn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, câu hỏi về sự tồn tại vẫn còn đó. Nhật Bản sẽ cần tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa việc thu hẹp dân số và cải thiện phúc lợi toàn diện. Về lâu dài, những thay đổi trong môi trường việc làm theo hướng linh hoạt hơn có thể khuyến khích các cặp vợ chồng có con. Bên cạnh đó, các gia đình nhiều thế hệ, cộng đồng có sự tương trợ lẫn nhau, sẽ giúp các hộ gia đình giảm bớt nỗi lo trẻ em sinh ra không được chăm sóc đầy đủ. Có nhiều lựa chọn dành cho Nhật Bản. Thay vì chỉ tìm cách đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm, Nhật Bản có thể điều chỉnh các chính sách để tập trung duy trì chất lượng cuộc sống của người dân hiện nay./.
Mai Ly (TTXVN)