Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Xu hướng tuyển dụng trên thế giới sau đại dịch COVID-19

Ngày phát hành: 08/07/2021 Lượt xem 1022

 Theo dự đoán của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI), xu hướng phát triển của các ngành nghề sau đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới xu hướng tuyển dụng tại một số thị trường lớn trên thế giới. Những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và phương pháp hoạt động của doanh nghiệp cũng góp phần tác động tới nhiều nhóm công việc khác nhau.

Ngành y tế, khoa học, vận tải cần nhân lực
 Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất. Các thiết bị máy móc, dây chuyền tự động có thể giúp đảm bảo giãn cách giữa công nhân viên trong môi trường sản xuất hoặc tại điểm bán hàng. Tại nhiều quốc gia, các nền tảng dịch vụ số và thương mại điện tử cũng mang lại sự tiện lợi cho người dân. Thay vì phải di chuyển nhiều, người tiêu dùng nay đã có thể tiếp cận những trang giao dịch, mua bán trực tuyếnvà dịch vụ công ngay trên thiết bị điện tử cá nhân.
Nhờ sự phát triển của các nền tảng tự động hoá và công nghệ thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) có thể sẽ tăng mạnh trong tương lai. Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, chính phủ và doanh nghiệp cần nguồn lao động trình độ cao để có thể tiếp tục duy trì, triển khai những nền tảng công nghệ tiên tiến.
Theo cơ quan Dịch vụ Việc làm của Liên minh châu Âu (EURES), sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến những thành tựu và sự phát triển trong lĩnh vực khoa học, y tế và môi trường nhận được nhiều sự chú ý trên toàn cầu. Sau đại dịch, các ngành kỹ thuật y sinh, hoá học, sinh học hay phân tích dữ liệu sẽ tiếp tục mang lại giải pháp đổi mới và sáng tạo cho cuộc sống hiện đại.
 Trong quá trình phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, vai trò của ngành y tế đối với sức khoẻ cộng đồng liên tục được nhấn mạnh. EURES cho rằng xu hướng tập trung phát triển y tế trên toàn cầu sau đại dịch sẽ đẩy mạnh việc đào tạo các chuyên ngành như y sĩ, dược sĩ, dịch tễ học. Các cơ quan dịch vụ y tế đã áp dụng những nền tảng tự động hoá và công nghệ trực tuyến trong hoạt động sản xuất thuốc, vaccine hay chẩn đoán bệnh. Từ tháng 4 đến tháng 10/2020, số lượt khám bệnh trực tuyến qua nền tảng của công ty Practo (Ấn Độ) đã tăng hơn 10 lần. Để vận hành những công nghệ này, ngành y tế sẽ cần thêm nguồn nhân lực trình độ cao với các kỹ năng khoa học, kỹ thuật.
Trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng già đi, các ngành nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ càng có nhiều cơ hội phát triển, dẫn đến cần sự gia tăng về nhân lực để đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi.
Sau đại dịch, người tiêu dùng tại một số thị trường lớn vẫn sẽ tiếp tục tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và các dịch vụ giao hàng nhanh. So với các mô hình bán lẻ truyền thống, những dịch vụ này có thể mang lại sự tiện lợi cho người dùng. Theo MGI, sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã tạo ra nhu cầu nhân lực cho các ngành vận tải, lưu trữ hàng hoá và quản lý chuỗi cung ứng. Khi hình thức làm việc tự do, bán thời giantrở nên phổ biến tại nhiều quốc gia, ngành vận tải hàng hoá có thể thu hút và duy trì nguồn lao động tự do qua các dịch vụ “trung gian”.
Để tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội trong thời dịch, người lao động phải làm việc từ xa qua Internet. Để đảm bảo hoạt động, nhiều công ty lớn cần tăng nguồn nhân lực cho bộ phận quản trị hệ thống mạng và cơ sở dữ liệu. Theo EURES, những ngành nghề trong lĩnh vực giao tiếp kỹ thuật số cũng có thể tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tương tác trực tuyến của các cá nhân và tổ chức.

Lao động thủ công và ngành dịch vụ bị cắt giảm

  Dựa trên mô hình dự báo của MGI, xu hướng phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế như tự động hoá hay chuyển đổi số sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới ngành dịch vụ và nhóm lao động chân tay.
 Ngành dịch vụ ẩm thực có thể sẽ giảm nhu cầu tuyển dụng nhân lực do những thay đổi trong phương pháp hoạt động. Vì nhu cầu ăn uống trực tiếp của người lao động và khách du lịch suy giảm sau đại dịch COVID-19 nên nhiều chuỗi nhà hàng đã đóng cửa một số cơ sở tại các thành phố lớn. Hơn nữa, sự phổ biến của những dây chuyền chế biến và đóng gói thực phẩm cũng khiến một số nhà hàng bắt đầu giãn cách và cắt giảm nhân sự. Ví dụ, chuỗi nhà hàng bánh kẹp White Castle (Mỹ) đã tiến hành thử nghiệm hệ thống “Flippy” - một loại robot có khả năng nướng thịt và chiên đồ ăn.
 Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử và ngành giao hàng trong thời kỳ dịch bệnh, mô hình cửa hàng truyền thống sẽ khó có cơ hội quay trở lại thị trường. Tại Mỹ, các công ty lớn như Macy’s (bách hoá) và Gap (may mặc) đang lên kế hoạch đóng hàng trăm cơ sở kinh doanh. Việc đóng cửa hàng loạt của các nhà bán lẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành bán lẻ và các nhóm nghề liên quan. Thói quen mua sắm qua mạng của người tiêu dùng sẽ làm giảm nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng trực tiếp, nhân viên thu ngân hay những đại lý kinh doanh.Số lượng nhân viên chăm sóc, hỗ trợ khách hàng trực tiếp cũng sẽ bị cắt giảm do những công việc này có thể được thực hiện qua các kênh trực tuyến.
Tại các thị trường lớn, xu hướng tự động hoá đã khiến nhiều lao động thủ công mất việc làm. Nhiều nhà sản xuất sử dụng máy móc để hoàn thành các công việc thủ công nhằm hạn chế số nhân công làm việc trực tiếp. Trong khi đó, những robot hiện đại nay đã có thể đảm nhận công việc vệ sinh, khử khuẩn trong các cơ sở y tế hay khách sạn.
Xu hướng làm việc từ xa cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhóm công việc khác. Khi một số doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm diện tích văn phòng để áp dụng các phương pháp làm việc trực tuyến thì nhu cầu thuê nhân viên lễ tân, bảo vệ, tạp vụ sẽ suy giảm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyến du lịch kết hợp với công việc có thể sẽ được thay thế bởi các cuộc đối thoại trực tuyến giữa cá nhân và doanh nghiệp. Do mất đi nguồn khách hàng lớn, ngành hàng không, khách sạn và dịch vụ du lịch cũng sẽ giảm bớt nhân công và nhu cầu tuyển dụng./.

 

Theo TTXVN

 

 


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết