Trong bài phân tích đăng trên tờ Sydney Moring Herald, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz, nhận định năm 2015, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố kế hoạch chiến lược 10 năm “Made in China 2025”, chính ông cũng đã đặt nền móng cho cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, nhằm thống trị cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.
Các kế hoạch do Trung Quốc công bố đã tạo ra hồi chuông cảnh báo tại Mỹ, vì đây là lần đầu tiên cường quốc lớn thứ hai thế giới xác nhận công khai phạm vi tham vọng và nêu chi tiết các chiến lược để đạt được những tham vọng đó.
* Cạnh tranh Mỹ-Trung
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ nỗ lực nhằm làm giảm bớt thâm hụt thương mại giữa hai bên của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau đó, mục tiêu đã dần chuyển thành nỗ lực ngăn chặn những tham vọng do công nghệ thúc đẩy.
Mỹ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu công nghệ nhạy cảm và tung ra các lệnh trừng phạt đối với những công ty và cá nhân Trung Quốc. “Phe chống Trung Quốc” trong chính quyền của cựu Tổng thống Trump đã nắm bắt cơ hội do cuộc chiến thương mại của ông Trump mang lại để mở rộng xung đột ra ngoài phạm vi thương mại, kỳ vọng các biện pháp này sẽ làm “trật đường ray” kế hoạch của Trung Quốc.
Phản ứng của Mỹ khiến Trung Quốc nhận ra rằng bằng cách minh bạch hóa tham vọng của mình, nước này đã mạo hiểm với khả năng hiện thực hóa tham vọng đó. Tiêu đề “Made in China” sau đó đã biến mất hoàn toàn khỏi các tuyên bố chính sách của Trung Quốc, thậm chí ngay cả khi nội dung của các chính sách này vẫn được giữ nguyên và tính cấp bách của chúng ngày càng được nâng cao.
* Mục tiêu thống trị công nghệ của Trung Quốc
Các chính sách của Trung Quốc tập trung cao độ vào công nghệ và được củng cố bởi các mục tiêu cụ thể, khắt khe, bao gồm cả các khoản trợ cấp lớn, cùng một tuyên bố rõ ràng về ý định.
Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để nâng cấp đáng kể cơ sở sản xuất của nước này. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có kế hoạch “đi tắt đón đầu” để thống trị công nghệ của thế kỷ XXI, nhằm mang lại quyền lực kinh tế và bá chủ cho Trung Quốc, giống như cách mà cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên đã đưa nước Anh lên vị thế cường quốc toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai cho phép Mỹ thay thế Anh giữ vị trí tiên phong.
Một số lĩnh vực công nghệ được nhắm mục tiêu rõ ràng bởi kế hoạch “Made in China 2025” bao gồm xe điện, công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ tiếp theo, máy học (machine learner), trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ thuật hàng không vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ sinh học và khoa học nông nghiệp.
Trung Quốc muốn thống trị các thị trường toàn cầu sẽ nổi lên khi nền kinh tế mới của thế kỷ 21 phát triển, nhờ sự đóng góp của dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, máy tính lượng tử, mạng 5G và 6G, AI và robot thông minh.
Để hỗ trợ cho mục tiêu đó, đã có những động lực rất lớn như trợ cấp tài chính từ nhà nước và chính quyền địa phương, cùng với việc cho phép tiếp cận thông thường đối với nguồn lực đất đai giá rẻ, giảm thuế và “thông tin tình báo” do nhà nước bảo trợ từ các nguồn chuyển giao công nghệ cưỡng bức và gián điệp công nghiệp.
Tính chất mới lạ của công nghệ đã tạo cơ hội cho Trung Quốc thu thập các hệ thống và sản phẩm kế thừa, vượt qua Mỹ và các nền kinh tế phương Tây, đồng thời phối kết hợp giữa các ứng dụng công nghiệp và quân sự để từ một vài trong sự đổi mới sáng tạo đó tìm kiếm khả năng mang lại vị thế quân sự tối cao cho Trung Quốc.
* Phản ứng của Mỹ
Những phản ứng rời rạc ban đầu của Mỹ đã dần phát triển thành một bộ chính sách có mục tiêu, phức tạp và tốn kém hơn. Bộ chính sách này bắt đầu được chính quyền của đương kim Tổng thống Joe Biden triển khai trong năm nay. Tuy nhiên, đối tượng mà chính sách tập trung đến là Mỹ, nhiều hơn là Trung Quốc.
Cuối tháng trước, trong một dự luật nhắm thẳng vào cuộc cạnh tranh giữa hai bên, Quốc hội Mỹ đã đề xuất một khoản chi trị giá 250 tỷ USD để ưu đãi cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn và dành cho công tác nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như AI, mạng viễn thông không dây 5G, máy tính lượng tử, công nghệ sinh học và robotic. Các lĩnh vực này, về cơ bản, tương đồng với kế hoạch của Trung Quốc. Trước đó, Tổng thống Biden cũng đã công bố kế hoạch chi hơn 170 tỷ USD cho mạng lưới sạc pin của xe điện.
Lực đẩy phản ứng của Mỹ, với sự ủng hộ mạng mẽ của cả lưỡng Đảng, đã đưa chính phủ nước này đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong các ngành công nghiệp chiến lược so với trước đây. Nhưng bất kể là lớn đến đâu, vai trò của Nhà Trắng vẫn không phải là trọng tâm của các ngành sản xuất, giống như trong các chương trình của Trung Quốc.
Vị thế kinh tế tối cao mà Mỹ đang sở hữu, được xây dựng dựa trên sự khéo léo và đổi mới của các cá nhân và khu vực doanh nghiệp, cũng như thông qua quá trình nghiên cứu và phát triển mang tính đột phá.
Mặc dù sẽ có một số trợ cấp dành cho cơ sở hạ tầng của xe điện và sản xuất chất bán dẫn, nhưng Nhà Trắng cũng nhấn mạnh vào việc khuyến khích nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả những nghiên cứu thuần túy đã thúc đẩy những đột phá lớn trong quá khứ.
Điều này khiến cho cuộc “tỉ thí” với Trung Quốc phần lớn trở thành một trong những mô hình về kinh tế, chính trị và văn hóa. Trong đó, mô hình trung tâm và chuyên chế của Trung Quốc mang lại một số ưu thế và nhược điểm.
* Mô hình trung tâm nhà nước của Trung Quốc
Công tác chỉ đạo trung tâm do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp xe điện, từ con số 0 đến những thành tựu vượt bậc như hiện nay. Ước tính Bắc Kinh và các chính quyền địa phương đã hỗ trợ hơn 133 tỷ USD cho ngành công nghiệp xe điện nội địa.
Xe điện được coi là một công nghệ tiên tiến vì chúng tích hợp nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, máy học, mạng không dây 5G và pin.
Tuy nhiên, việc gần đây Trung Quốc đã rút bớt quy mô tài trợ nhà nước cho lĩnh vực này cho thấy rằng mặc dù Trung Quốc có thể nhanh chóng đưa ngành công nghiệp xe điện vươn lên vị trí dẫn đầu ngành sản xuất toàn cầu, nhưng các nhà sản xuất của Trung Quốc chưa có khả năng đạt được sự tinh tế hay đủ hấp dẫn người dùng như các đối thủ cạnh tranh phương Tây, giống Tesla hay GM.
Các hãng sản xuất xe điện Trung Quốc (cũng như Tesla, GM hay một số hãng xe điện khác) có khả năng bán được nhiều chiếc xe tại thị trường trong nước, nhưng tham vọng thống trị thị trường toàn cầu vẫn còn rất xa vời và phần lớn nguồn vốn nhà nước rót vào lĩnh vực này, tương tự như những gì xảy ra ở các doanh nghiệp nhà nước hoặc tại các doanh nghiệp tư nhân do nhà nước chỉ đạo của Trung Quốc, đã bị lãng phí.
* “Mỏ vàng” chất bán dẫn
Một lĩnh vực mà cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn thống trị là hoạt động sản xuất chất bán dẫn, bộ phận thiết yếu trong hầu hết các công nghệ tiên tiến (và thậm chí là cả các công nghệ không quá tiên tiến).
Hiện tại thế giới đang phải chịu một sự thiếu hụt ngắn hạn chất bán dẫn. Sự thiếu hụt này đã trở nên trầm trọng hơn, ban đầu là do tác động của đại dịch đối với nhu cầu thiết bị điện tử và sau đó là do tốc độ phục hồi kinh tế trên khắp các quốc gia toàn cầu.
Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại hơn đối với các cường quốc chính là cấu trúc của ngành công nghiệp. Trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất của chất bán dẫn, nước này chiếm gần một nửa thị phần hoạt động sản xuất trên toàn cầu, chi phối cả về thiết kế chất bán dẫn lẫn thiết kế của công cụ sản xuất ra chất bán dẫn đó, nhưng Mỹ lại không thực sự tự sản xuất nhiều.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 350 tỷ USD chip điện tử các loại, phần lớn trong số đó được sản xuất ngay tại Trung Quốc. Nhưng vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và ở một mức độ thấp hơn là Hàn Quốc mới là những bên thống trị thị trường chất bán dẫn và liên tục thúc đẩy quy trình sản xuất chip mới, đạt độ tiên tiến vượt qua khả năng của Trung Quốc.
Tổng thống Biden muốn đẩy mạnh hoạt động sản xuất chip nội địa, đồng thời với việc tăng cường nghiên cứu và phát triển, để duy trì vị thế dẫn đầu về chất lượng, thay vì cạnh tranh về số lượng với Trung Quốc.
Lợi thế lớn về số lượng của Trung Quốc được thể hiện trong lĩnh vực AI và một số công nghệ khác, chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt, nhờ vào quy mô dân số và sự sẵn sàng của nhà nước trong việc nhắm tới kết quả và bỏ qua quyền tự do cá nhân. Điều này khác biệt với các quốc gia phương Tây và đem lại lợi thế cho Trung Quốc, giúp quốc gia này có sự đa dạng hơn Mỹ trong lĩnh vực AI và máy học dựa trên cơ sở dữ liệu lớn.
Ngược lại, Mỹ có thể thu hút được những người giỏi và sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới, đến làm việc tại các trung tâm nghiên cứu và học thuật lâu đời hàng đầu. Điều thú vị là sự cạnh tranh giữa hai cường quốc lại không diễn ra trên mảng công nghệ truyền thông xã hội.
* Cuộc cạnh tranh công nghệ không bao gồm truyền thông xã hội
“Bức tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc đã ngăn chặn những “gã khổng lồ” truyền thông xã hội của Mỹ tiếp cận với người dân sở tại. Trong khi đó, tại Mỹ, ngoại trừ những lo lắng liên quan tới quyền riêng tư dữ liệu, dẫn đến nỗ lực không thành công của chính quyền cựu Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh của TikTok (mạng truyền thông xã hội của Trung Quốc) ở Mỹ hoặc buộc công ty này phải bán lại quyền hoạt động của mình cho một công ty Mỹ, thì hầu như cường quốc lớn nhất thế giới không quan tâm nhiều lắm về sự phổ biến của một số ứng dụng Trung Quốc tại nước này.
Sự khác biệt đó, trong phản ứng đối với sự phát triển của các nền tảng truyền thông xã hội lớn, phù hợp với bản chất của cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đều hướng tới nỗ lực giành được lợi ích lớn nhất có thể mang lại.
Ý nghĩa của việc chiến thắng hay thất bại là rất sâu sắc. Các hệ thống chính trị và kinh tế tham gia vào cuộc chạy đua thống trị công nghệ sẽ định hình thế kỷ này. Rõ ràng phải đến khi chiến lược “Made in China 2025” ra mắt, người Mỹ mới nhận ra điều gì đang bị đe dọa và ứng phó với mối đe dọa đó một cách khá muộn màng./.
Theo TTXVN