Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Bối cảnh địa chính trị mới của môi trường kinh doanh toàn cầu

Ngày phát hành: 11/06/2021 Lượt xem 1157

Theo The Economist (Anh), bản đồ địa chính trị của hoạt động kinh doanh toàn cầu trong nhiều năm qua đã thay đổi rõ rệt, với Trung Quốc và Mỹ hiện đang thống trị các công ty lớn nhất so với phần còn lại của thế giới.

 Châu Âu từng là niềm hy vọng


20 năm trước, giá cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Amazon, khi đó là một công ty khởi nghiệp, đã giảm 71% trong vòng 12 tháng. Đây là một phần của sự cố "dotcom", làm tổn thương sự kiêu ngạo của Thung lũng Silicon. Sau đó, cùng với vụ gian lận 14 tỷ USD tại Enron, niềm tin vào các doanh nghiệp Mỹ đã bị sụt giảm. 

Trong khi đó, Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tư nhân hóa những công ty quốc doanh đang cố gắng duy trì hoạt động và có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tạo ra một nền văn hóa khởi nghiệp. Thay vào đó, hy vọng tươi sáng được dồn về châu Âu, nơi một loại tiền tệ chung mới hứa hẹn sẽ thúc đẩy một thị trường tích hợp thân thiện với doanh nghiệp khổng lồ.

Sự hủy diệt mang tính sáng tạo (thuật ngữ dùng để chỉ việc dỡ bỏ các hoạt động thường lệ đã tồn tại từ lâu để mở đường cho sự đổi mới, với hàm ý đổi mới) thường khiến các dự đoán trở nên lỗi thời. Nhưng ngay cả theo những tiêu chuẩn này, thế giới kinh doanh sau đại dịch cũng khác biệt đáng kể so với những gì bạn có thể mong đợi hai thập kỷ trước. 

Các công ty công nghệ chiếm 1/4 thị trường chứng khoán toàn cầu và sự pha trộn địa lý đã trở nên chênh lệch đáng kể. Các công ty Mỹ và Trung Quốc ngày càng đi lên, chiếm 76 trong số 100 công ty giá trị nhất thế giới, trong khi châu Âu đã giảm từ 41 công ty năm 2000, xuống chỉ còn 15 công ty như hiện nay.

Sự mất cân bằng này phần lớn phản ánh kỹ năng của Mỹ và Trung Quốc và sự tự mãn ở châu Âu cùng các nơi khác. Điều này đặt ra hai câu hỏi lớn rằng tại sao xu hướng này lại xuất hiện? Và xu hướng có thể kéo dài hay không?

Bản thân những công ty lớn chưa chắc đã tốt hơn những công ty nhỏ. Vị thế của Japan Inc tăng vọt trong những năm 1980 nhưng đã sụp đổ. Các công ty lớn có thể là dấu hiệu của thành công, nhưng cũng là dấu hiệu của sự lười biếng. Saudi Aramco, công ty có giá trị lớn thứ hai thế giới, phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch. 

Mặc dù vậy, các công ty khổng lồ là một dấu hiệu cho thấy một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, trong đó các công ty lớn tận hưởng sự hiệu quả được tạo ra và liên tục bị cuốn vào các cuộc cạnh tranh. Đó là bí quyết để nâng cao mức sống lâu dài.

Một cách để nắm bắt sự thống trị của Mỹ và Trung Quốc là so sánh tỷ trọng sản lượng thế giới với tỷ trọng hoạt động kinh doanh của từng nước (được định nghĩa là tỷ lệ trung bình của tỷ trọng vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu, tiền thu được từ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, vốn đầu tư mạo hiểm, “kỳ lân” - các công ty khởi nghiệp tư nhân lớn và 100 công ty lớn nhất thế giới). Theo thước đo này, Mỹ chiếm 24% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nhưng 48% trong số đó là từ hoạt động kinh doanh. Trung Quốc chiếm 18% GDP và 20% là kinh doanh. Các quốc gia khác, với 77% dân số thế giới, tụt xa so với các con số này.

Một phần của lời giải thích là cơ hội bị lãng phí ở châu Âu. Can thiệp chính trị và cuộc khủng hoảng nợ giai đoạn 2010-2012 đã làm đình trệ quá trình hội nhập kinh tế của lục địa này. Các công ty ở đó phần lớn không lường trước được sự chuyển dịch sang nền kinh tế vô hình. Châu Âu không có công ty khởi nghiệp nào có thể cạnh tranh với Amazon hay Google. Trong khi đó, các quốc gia khác cũng gặp khó khăn. Một thập kỷ trước, Brazil, Mexico và Ấn Độ đã sẵn sàng tạo ra một nhóm lớn các công ty toàn cầu. Dù vậy, chỉ có một số ít thành công.

Giờ đây, có thể nói rằng chỉ có Mỹ và Trung Quốc mới có thể điều khiển cái gọi là "quá trình hủy diệt mang tính sáng tạo". Trong số 19 công ty được thành lập trong 25 năm qua và hiện có giá trị hơn 100 tỷ USD, có đến 9 công ty ở Mỹ và 8 công ty ở Trung Quốc, trong khi châu Âu không có công ty nào. 

 Sự thống trị không bền vững


Đại dịch đã chứng kiến sự bùng nổ năng lượng ở Mỹ, Trung Quốc và sự bùng nổ trong hoạt động gây quỹ. Các công ty của Mỹ và Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực công nghệ mới như công nghệ tài chính và ô tô điện.

Công thức kỳ diệu này có nhiều thành phần. Thị trường nội địa rộng lớn giúp các công ty đạt được quy mô một cách nhanh chóng; thị trường vốn sâu rộng, mạng lưới các nhà đầu tư mạo hiểm và các trường đại học hàng đầu giữ cho hệ thống khởi nghiệp luôn đầy đủ; có một nền văn hóa đề cao các doanh nhân. Các “ông trùm” của Trung Quốc tự hào về đạo đức làm việc “996” của họ: 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần. "Ông chủ" của Tesla, Elon Musk, ngủ trên sàn nhà máy. Trên tất cả, chính trị ủng hộ sự hủy diệt mang tính sáng tạo. 

Mặc dù vậy, xu hướng xói mòn gần đây của sự đồng thuận chính trị ở cả hai nước là một trong những lý do khiến sự thống trị này có thể tỏ ra không bền vững. Người Mỹ đang lo lắng về sự suy giảm quốc gia, cũng như mức lương thấp và tình trạng độc quyền (khoảng 1/4 số doanh nghiệp niêm yết S&P 500 cần được giám sát chống độc quyền, theo ước tính vào năm 2018).

The Economist (Anh) ủng hộ mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden là thúc đẩy cạnh tranh và mở rộng mạng lưới an toàn xã hội để bảo vệ người lao động bị tổn thương do gián đoạn. Tuy nhiên, vấn đề là Mỹ tiếp tục hướng tới chủ nghĩa bảo hộ, chính sách công nghiệp và cánh tả, các loại thuế trừng phạt đối với vốn, điều này làm giảm uy lực kinh doanh của nước này.

Mỹ và Trung Quốc càng can thiệp nhiều hơn, thì phần còn lại của thế giới càng phải lo lắng về sự mất cân bằng địa lý của kinh doanh toàn cầu. Về lý thuyết, quốc tịch của các công ty tìm kiếm lợi nhuận không quan trọng, miễn là họ bán được sản phẩm cạnh tranh và tạo ra việc làm. Tuy nhiên, nếu các công ty bị các chính phủ trong nước tác động, thì phép tính sẽ thay đổi. Khi toàn cầu hóa chững lại, hàng loạt các rào cản xuất hiện như việc đặt ra các quy tắc kỹ thuật số và nộp thuế.
Để khẳng định chủ quyền của mình, Ấn Độ đã cấm các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc và gây khó khăn cho các công ty thương mại điện tử của Mỹ. Điều này làm mất đi sự đổi mới toàn cầu của người tiêu dùng địa phương và tạo ra các rào cản khiến các công ty địa phương càng khó đạt được quy mô.

Sẽ là một thảm kịch nếu chỉ có hai quốc gia trên thế giới chứng minh được khả năng duy trì một quá trình hủy diệt mang tính sáng tạo trên quy mô lớn. Nhưng tác động sẽ còn lớn hơn nếu họ quay lưng lại với khái niệm này, khiến những nơi khác thừa nhận thất bại và dựng lên các chướng ngại vật. Thước đo thành công tốt nhất sẽ là trong 20 năm tới, khi danh sách các công ty lớn nhất thế giới có lẽ sẽ khác hẳn so với danh sách hiện nay./.
 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết