Đa dạng sinh học và hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Thế nhưng, chưa bao giờ sự đa dạng sinh học trên toàn cầu bị suy thoái với tốc độ nghiêm trọng như hiện nay. Trong bối cảnh cuộc sống tại nhiều nơi vẫn đang bị đình trệ vì đại dịch COVID-19, mối đe dọa gây ra bởi tình trạng mất đa dạng sinh học vẫn không ngừng lại, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng để bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Đa dạng sinh học đang suy thoái nghiêm trọng
Đa dạng sinh học là một thuật ngữ khái quát để chỉ các giống loài khác nhau trong tự nhiên, bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, các hệ sinh thái và các quá trình sinh thái mà các loài trên là một bộ phận trong đó. Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gien vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu khác... Đánh mất đa dạng sinh học sẽ tạo ra mối đe dọa đến tất cả mọi mặt của sự sống, bao gồm cả sức khỏe của nhân loại. Khoa học đã chứng minh rằng mất đa dạng sinh học có thể thúc đẩy bệnh truyền từ động vật sang người, mặt khác nếu chúng ta giữ nguyên đa dạng sinh học, nó sẽ cung cấp các công cụ tuyệt vời để chống lại đại dịch như những bệnh do virus corona gây ra.
Tuy nhiên, giới khoa học cảnh báo đa dạng sinh học trên toàn cầu đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho rằng trái đất đang trải qua thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ 6 mà thủ phạm không ai khác chính là con người. Tuyệt chủng là quy luật tất yếu của tự nhiên nhưng tốc độ tuyệt chủng của các loài động vật, thực vật hiện nay cao hơn so với mức trung bình từ 100-1.000%. IUCN thống kê, từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu héc-ta rừng bị mất do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Ngoài ra, hơn 1 triệu loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, 75% diện tích mặt đất và 66% diện tích đại dương bị thay đổi đáng kể.
Nhiều năm nay, đa dạng sinh học đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, có 5 nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học do hoạt động của con người gây ra, đó là: Thay đổi nhu cầu sử dụng đất; Khai thác quá mức động vật, thực vật hoang dã; Biến đổi khí hậu; Ô nhiễm môi trường; Sinh vật ngoại lai xâm hại. Dịch COVID-19 bùng phát được coi như một “cơn giận dữ” của thiên nhiên để lấy lại sự cân bằng. Tuy nhiên, thực tế không phải từ khi có dịch COVID-19, mà ngay từ khi có những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt nguồn từ động vật hoang dã như: Ebola, sốt xuất huyết do virus Marburg hay Hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS liên tục bùng phát…, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học đã trở nên cấp bách. Ngoài ra, vẫn còn các mối đe dọa khác đến đa dạng sinh học như cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ khiến lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng nhanh chóng trở lại mức trước khi dịch bệnh xuất hiện; tình trạng cháy rừng, lũ lụt, mưa bão vẫn ngày càng nghiêm trọng.
Theo Báo cáo Triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu (GBO) lần thứ 5 được Liên hợp quốc công bố vào giữa tháng 9/2020, nhân loại đã “bỏ lỡ” tất cả các Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi năm 2010 để bảo tồn thiên nhiên và cứu đa dạng sinh học của trái đất. Dù vậy, báo cáo cũng nêu ra một số tiến bộ đã đạt được như: Tỷ lệ phá rừng đã giảm khoảng 1/3 so với thập kỷ trước, các khu bảo tồn tăng từ 10% lên 15% trên đất liền và từ 3% lên ít nhất 7% dưới đại dương trong 20 năm qua. Bởi vậy con người vẫn còn thời gian để ngăn chặn và thậm chí đảo ngược việc mất mát đa dạng sinh học, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ.
* Thế giới cần chung tay vì đa dạng sinh học
Thực trạng đa dạng sinh học bị suy thoái nghiêm trọng đang đặt ra yêu cầu cấp bách cho các quốc gia đều phải có trách nhiệm đối với vấn đề này. Liên hợp quốc kêu gọi áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên nhằm đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Tiếp theo chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2020 kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 là “Chúng ta là một phần của giải pháp # Vì thiên nhiên” nhấn mạnh để sống hài hòa với thiên nhiên, để bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên có rất nhiều giải pháp và con người là một mảnh ghép quan trọng trong các giải pháp này. Năm nay, do đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra phức tạp trên thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2021 được kỷ niệm thông qua các chiến dịch trực tuyến.
Các giải pháp của con người dựa vào thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt, cũng như hệ sinh thái biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Công ước đa dạng sinh học cũng nhấn mạnh, con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên.
Các giải pháp dựa trên thiên nhiên là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các phương pháp tiếp cận hiện đại đối với các vấn đề môi trường, như lũ lụt, khan hiếm nước hoặc xói mòn đất, bằng cách khai thác vốn tự nhiên. Trong khi phương pháp truyền thống trong phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng là “xám” thì các giải pháp dựa vào tự nhiên bao gồm cơ sở hạ tầng hoàn toàn tự nhiên là “xanh” hoặc kết hợp, chính là các cơ sở hạ tầng dựa vào thiên nhiên.
Các giải pháp dựa trên thiên nhiên giải phóng việc xây dựng các công trình biển, hồ chứa, đập và hệ thống thoát nước mà cách tiếp cận cơ sở hạ tầng “xám” sẽ gặp phải một số rủi ro về biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể bao gồm khôi phục và bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp tiêu tán năng lượng sóng; thảm thực vật để giảm nguy cơ sạt lở và tạo ra các vành đai xanh để giúp bổ sung nước ngầm ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Một số hành động khuyến cáo cho việc áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên chính là tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết đồng thời mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và suy thoái đất; cân nhắc vấn đề đa dạng sinh học trong phát triển các ngành kinh tế.
Từ lời nói đến hành động là chặng đường dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào chính vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn nhân loại. Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và tương lai bền vững. Đây là thời điểm để tất cả các quốc gia trên thế giới phải kết nối hành động, ngăn chặn tốc độ suy thoái, phục hồi đa đạng sinh học./.
Theo TTXVN