Chuyên trang Vietnam Briefing của hãng tư vấn đầu tư nước ngoài Dezan Shira & Associates ngày 13/5 đăng bài phân tích xu hướng gia tăng đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam và lý do Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” về đầu tư ở Đông Nam Á.
Ý nghĩa và lợi thế của EVFTA
Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa các thị trường EU và Việt Nam. Các sản phẩm nước ngoài có thể được hưởng lợi thế về thuế quan do việc bãi bỏ thuế nhập khẩu và điều này sẽ tạo sự cạnh tranh đáng kể đối với các sản phẩm trong nước.
VinFast là nhà sản xuất ô tô nội địa chính thức đầu tiên của Việt Nam. Trong vòng 5 năm tới, VinFast đặt mục tiêu sản xuất khoảng 250.000 ô tô mỗi năm, chiếm 92% tổng số ô tô bán ra tại Việt Nam vào năm 2020. Việc miễn trừ các rào cản hải quan sẽ có lợi cho kế hoạch này, đồng thời tạo sự cạnh tranh mới trên thị trường ô tô EU.
Các công ty EU thường xuyên buôn bán với Việt Nam có thể tìm hiểu liệu sản phẩm của họ có được hưởng lợi từ việc miễn thuế hay không và khi nào sản phẩm của họ có thể được hưởng lợi từ việc miễn thuế bằng cách kiểm tra mã thuế liên quan trong các tài liệu của Ủy ban Thương mại Châu Âu.
Trong báo cáo về nền tảng nghiên cứu và tư vấn chỉ ra rằng EVFTA cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn đối với các hoạt động mua sắm công ở Việt Nam. Các công ty EU có thể tham gia vào các dự án công và dự án PPP dễ dàng hơn khi hiệp định có hiệu lực, để lại dấu ấn của họ tại Việt Nam.
Việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), trong đó EU và Việt Nam quyết định tạo thuận lợi về môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp hai bên (bao gồm cả việc tăng cường khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là sở hữu trí tuệ), tạo thuận lợi hơn cho các công ty EU đầu tư vào lĩnh vực bị hạn chế trước đây. Ví dụ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong các ngân hàng thương mại đã tăng từ 30% lên 49%.
Ngoài ra, các công ty EU có thể hưởng lợi từ các điều khoản phi kinh tế của EVFTA, như việc đảm bảo tiêu chuẩn về nhân quyền và môi trường. EVFTA góp phần thúc đẩy các giá trị dân chủ ở Việt Nam và do đó khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU.
Hiện Anh, Italy và Đức là 3 ba thành viên chính của EU có mức đầu tư đáng kể và quan hệ thương mại ngày càng bền chặt với Việt Nam.
Anh
Ngày 29/12/2020, Anh và Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do song phương Anh-Việt Nam (UKVFTA) khi Anh rút khỏi EU. Thỏa thuận sẽ xóa bỏ hầu như tất cả các loại thuế quan giữa hai nước. Đại sứ quán Anh tại Việt Nam dự báo Việt Nam sẽ tiết kiệm được 151 triệu USD tiền thuế quan từ thỏa thuận này trong khi Anh tiết kiệm được khoảng 36 triệu USD.
Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai ở Đông Nam Á sang Anh, sau Thái Lan, với kim ngạch thương mại song phương đạt 6,7 tỷ USD trong năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Anh là điện thoại di động, hàng may mặc và thủy sản. Anh cũng đang hướng tới Việt Nam với các hàng hóa và dịch vụ như giáo dục, năng lượng tái tạo, công nghệ, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe. Trên thực tế, đây là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam.
Italy
Kể từ năm 2013, khi quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập giữa hai nước, thương mại song phương giữa Italy và Việt Nam và các khoản đầu tư đã có sự gia tăng đáng kể. Trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italy đạt 914,4 triệu USD, trong khi nhập khẩu đạt 505 triệu USD.
Italy có các ngành công nghiệp chuyên môn hóa cao như dệt may, thực phẩm, máy móc, kính mắt, ... đồng thời là cường quốc kinh tế thứ ba ở Châu Âu. Ngoài ra, Italy đứng thứ 9 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Phần lớn vốn đầu tư vào Việt Nam thuộc sở hữu hoàn toàn của các công ty Italy. Hầu hết các công ty Italy tại Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, vận tải, máy móc và thực phẩm.
Đức
Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, với kim ngạch thương mại hàng hóa song phương tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua. Tính đến cuối năm 2020, có hơn 350 công ty Đức có mặt tại thị trường Việt Nam, trong đó 60 doanh nghiệp đã thành lập cơ sở sản xuất trong nước.
Tính đến hết tháng 11/2020, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 9,08 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,05 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là điều đáng khích lệ trong bối cảnh đại dịch khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh trên toàn cầu. Tính đến hết tháng 11/2020, Đức có 378 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD, đứng thứ 17 trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Các dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, dịch vụ kỹ thuật, thông tin và truyền thông, ngân hàng và bảo hiểm. Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã đầu tư vào Việt Nam như Daimler-Chrysler, B. Braun, Messer, Siemens, Schaeffler và Bosch. Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô đặc biệt hấp dẫn với thế mạnh của Đức. Các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức đã được hưởng lợi từ những cơ hội đáng kể do các điều khoản ưu đãi trong EVFTA.
Các nhà đầu tư EU tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam
Khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh quý 1/2021 do Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) công bố cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam. Theo EuroCham, hiệu quả hoạt động trong quý 2 dự đoán sẽ tiếp tục cải thiện.
Có thể nói, ngoài những hạn chế về du lịch quốc tế thì hoạt động kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn bình thường. Chỉ số BCI đạt 73,9 điểm trong quý 1/2021 - mức cao nhất kể từ quý 3/2019. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận thấy lợi ích của EVFTA, với hơn 60% được hưởng lợi từ hiệp định. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng “thủ tục hành chính” là thách thức lớn nhất để tận dụng lợi thế của EVFTA.
Theo tạp chí ScandAsia, tăng trưởng kinh tế cao và cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Bắc Âu xem xét đầu tư vào Việt Nam. Xuất khẩu của Thụy Điển sang Việt Nam tăng gần 6% trong năm 2020 bất chấp đại dịch.
Những điểm đáng lưu ý
Những con số trên nhấn mạnh tiềm năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, vốn không bị suy giảm do áp lực ngày càng tăng của “người anh cả” Trung Quốc. EVFTA có nghĩa là thuế quan được miễn giảm và các mối quan hệ thương mại và kinh doanh được làm sâu sắc hơn. Đây là cơ hội lớn cho các công ty EU. Hiệp định mở ra khả năng tiếp cận nhiều với một thị trường mới nổi gần 100 triệu dân, trong đó có khoảng 55 triệu công nhân. Ngoài ra, hiệp định còn mở ra cơ hội đối tác, đối thoại, hợp tác và tạo mối quan hệ bền chặt hơn với khu vực Đông Nam Á./.
Theo TTXVN