Cuộc khủng hoảng COVID-19 phơi bày những nghịch lý tại Ấn Độ
TTXVN (New Delhi 3/5): Làn sóng COVID-19 thứ hai đã tàn phá dữ dội Ấn Độ. Cả đất nước chìm trong bầu không khí tang thương và tuyệt vọng. Sức ép từ đại dịch đang đe dọa làm sụp đổ hệ thống y tế quốc gia và gây ra những thảm kịch kinh hoàng. Nhưng khủng hoảng càng sâu sắc, càng làm nổi bật sự tương phản giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội Ấn Độ. Virus SARS-CoV-2 tấn công không từ một ai, nhưng tác động của nó đối với người nghèo thảm khốc hơn rất nhiều.
Khi đa số người dân Ấn Độ, đặc biệt là những người nghèo phải chật vật tìm cách tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản trong làn sóng lây nhiễm mới, nhiều gia đình giàu có đã tìm cách ra nước ngoài lánh nạn. Tin tức truyền thông cho hay, giới nhà giàu Ấn Độ đang trả hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD để đặt máy bay tư nhân tới những nơi bình yên hơn ở châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ Dương.
Không chỉ những người siêu giàu, mà cả những gia đình có đủ khả năng chi trả cho những dịch vụ đắt đỏ như vậy cũng tìm cách rời khỏi đất nước vốn đang quay cuồng trong khủng hoảng. Hầu hết những gia đình này đang chi ít nhất 1,5 triệu rupee (hơn 20.000 USD) để đặt máy bay tư nhân đi ra nước ngoài.
Trong khi giới siêu giàu Ấn Độ có thể tránh xa cuộc khủng hoảng y tế ngày càng trầm trọng, phần lớn dân số - kể cả các gia đình trung lưu và trung lưu mức cao - buộc phải chống chọi với dịch bệnh bằng nguồn lực hạn chế của mình. Ở một đất nước có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người chưa đến 2.000 USD/năm, việc chi 20.000 USD cho một tấm vé máy bay là giấc mơ xa vời của đại đa số người dân.
Hãy tạm gác việc mua vé máy bay, khi phần lớn người Ấn Độ đang phải vật lộn để tiếp cận với các dịch vụ y tế đang oằn mình vì dịch bệnh. Nếu làn sóng đầu tiên của đại dịch làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ, thì làn sóng thứ hai đã phơi bày đầy đủ hiện trạng đó.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Oxfam, khi COVID-19 tấn công Ấn Độ năm ngoái, đại dịch đã khiến các gia đình nghèo nhất lâm vào cảnh kiệt quệ tài chính, trong khi các tỷ phú hàng đầu đã giàu hơn 35%. Một báo cáo của nhóm này cho biết 100 tỷ phú Ấn Độ đã chứng kiến tài sản của họ tăng gần 13.000 tỷ rupee (175 tỷ USD) kể từ tháng Ba năm ngoái. Con số này đủ để cung cấp cho 138 triệu người nghèo nhất ở Ấn Độ, mỗi người một tấm séc trị giá 94.000 rupee (hơn 1.200 USD).
Ngược lại, những người lao động kiếm ăn theo ngày và người lao động di cư đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt năm ngoái được áp đặt chỉ vài giờ sau khi ban bố.
Một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 1/2020 cho thấy 1% người giàu nhất Ấn Độ sở hữu số tài sản lớn hơn gấp 4 lần tổng tài sản của 70% dân số nghèo nhất nước này (tương đương 953 triệu người).
Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi Ấn Độ chịu tác động nặng nề do lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng bắt đầu từ cuối tháng 3/2020. Một báo cáo của Pew Research năm 2021 ước tính dân số nghèo của Ấn Độ đã tăng gấp đôi từ 60 triệu lên 134 triệu sau đợt đại dịch đầu tiên.
Trong khi tác động kinh tế của làn sóng thứ hai vẫn chưa rõ ràng, sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng là một lý do khiến người nghèo ở Ấn Độ khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Rõ ràng chỉ một phần nhỏ dân số Ấn Độ có thể được điều trị trong làn sóng COVID-19 thứ hai đang hoành hành, trong khi hàng nghìn gia đình phải vật lộn để tìm kiếm giường bệnh, bình oxy và thuốc men cho người thân của mình.
Kể cả những người có đủ tài chính để mua các loại thuốc men quan trọng, oxy và giường bệnh cũng hết sức khan hiếm trong khủng hoảng. Bấn loạn và tuyệt vọng, nhiều gia đình đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ trên mạng xã hội. Một số may mắn thành công, nhưng hầu hết các lời khẩn cầu đều vô ích.
Do chỉ một phần nhỏ dân số ở Ấn Độ có phương tiện để kêu gọi sự giúp đỡ trên các mạng truyền thông xã hội, chắc chắn mức độ tàn phá thực sự của đại dịch, đặc biệt đối với người nghèo, đã không được phản ánh đầy đủ.
Theo Oxfam, không chỉ trong đại dịch COVID-19, hệ thống y tế cộng đồng yếu kém của Ấn Độ vốn đã là một thảm họa đối với người nghèo. Điều khiến tác động của làn sóng lây nhiễm thứ hai đối với người nghèo trở nên tồi tệ hơn là việc thiếu các kênh chính thức của chính phủ để cung cấp sự hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp – dù là nhập viện hay mua sắm thuốc men và oxy.
Điều này dẫn đến tình trạng mua bán tràn lan các loại dược phẩm thiết yếu và oxy trên thị trường tự do với giá “trên trời”, khiến các gia đình nghèo chỉ còn biết “cắn răng” cầu mong cho điều kỳ diệu xảy ra.
Một trở ngại khác mà các gia đình nghèo đang phải đối mặt là thiếu các phúc lợi về y tế. Hầu hết những người thuộc tầng lớp làm công ăn lương đều có khả năng tiếp cận với bảo hiểm y tế. Nhưng những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có bảo hiểm y tế, chiếm tới 80% lực lượng lao động của Ấn Độ. Không có các phương tiện như bảo hiểm y tế, các gia đình nghèo không có đủ tài chính để trang trải dịch vụ tại các bệnh viện tư. Hy vọng duy nhất của họ là được điều trị tại các bệnh viện công.
Nhưng những cơ sở như vậy đã rơi vào tình trạng quá tải trong làn sóng COVID-19 thứ hai do thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp. Thực tế này không gây bất ngờ bởi Ấn Độ là một trong những nước có mức chi cho y tế công thấp nhất thế giới, chưa đến 1,3% GDP. Con số này của Brazil là 9,5% GDP, Bangladesh và Pakistan là 3% GDP.
Sự hỗn loạn trong làn sóng COVID-19 thứ hai cho thấy Ấn Độ cần phải chi nhiều hơn để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng yếu kém của mình. Nước này cũng cần thực hiện các biện pháp để cung cấp dịch vụ an ninh xã hội và y tế tốt hơn cho các hộ gia đình nghèo, những người đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều vào thời điểm hiện tại./.
Theo TTXVN