Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Cạnh tranh công nghệ ở Việt Nam đang trở nên mạnh hơn

Ngày phát hành: 23/04/2021 Lượt xem 3236


Trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và thị trường nói nhiều tới chủ đề Việt Nam đang trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của nhiều “ông lớn” công nghệ.


Qualcomm chọn Việt Nam là nơi đặt trung tâm R&D đầu tiên ở Đông Nam Á
 Samsung xây dựng trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD, trong khi Qualcomm chọn Việt Nam là nơi đặt trung tâm R&D đầu tiên ở Đông Nam Á. Vậy sự kiện này có ý nghĩa như thế nào và nói lên điều gì? Trả lời phỏng vấn của Sputnik, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cho biết: Trong bất cứ một doanh nghiệp hiện đại nào cũng đều có một bộ phận R&D chuyên nghiệp (“Profesional R&D”) hoạt động trên 4 lĩnh vực chủ yếu gồm:


 1- Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (Product R&D): bao gồm sáng tạo ra sản phẩm mới, đồng thời cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có; đổi mới, tích hợp công năng cho sản phẩm hoặc chuyên môn hóa sâu các sản phẩm tùy theo nhu cầu của thị trường. Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì R&D có nhiệm vụ tập trung vào việc cho ra đời những dịch vụ mới, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc thường xuyên đổi mới sản phẩm, tích hợp các công năng mới cho sản phẩm hoặc phát triển các sản phẩm chuyên môn hóa sâu, có chất lượng cao là rất quan trọng.


 2- Nghiên cứu và phát triển mẫu mã, bao bì (Packaging R&D): Trong sản xuất kinh doanh thì mẫu mã, bao bì là điều rất quan trọng nhằm tạo ra ấn tượng cho người tiêu dùng, đồng thời là một thành tố bảo đảm chất lượng của hàng hóa, sản phẩm. Vì vậy, R&D trên lĩnh vực này có nhiệm vụ đổi mới chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, cách thức trang trí, in ấn bao bì… để đáp ứng được thị hiếu của nhóm khách hàng mục tiêu. Chức năng này của R&D rất quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng là nhu yếu phẩm thông thường mà còn đối với các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng các sản phẩm công nghệ cao trong thời đại công nghệ 4.0.


 3- Nghiên cứu và phát triển công nghệ (Technology R&D): Đây là yêu cầu tất yếu của sự phát triển công nghệ ở bất kỳ doanh nghiệp nào trong thời đại công nghệ 4.0. Bộ phận R&D về công nghệ chịu trách nhiệm nghiên cứu - cải tiến công nghệ sản xuất - chế biến cũ hoặc cho ra đời công nghệ mới để tạo ra sản phẩm chất lượng với giá thành tối ưu. Bộ phận Technology R&D còn tổ chức các hoạt động trao đổi, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ, thậm chí thực hiện cả các hoạt động “tình báo công nghệ” để nghiên cứu công nghệ của đối thủ nhằm học hỏi để cải tiến hoặc phát triển công nghệ mới cho mình.


 4- Nghiên cứu và phát triển quy trình (Process R&D): Đây là hoạt động nghiên cứu,  tìm kiếm các phương thức và biện pháp áp dụng quy trình tối ưu vào hoạt động sản xuất, chế biến, lắp ráp, vận hành; đảm bảo mang tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, trong đó, “Logistic R&D” có vai trò cực kỳ quan trong trong việc tiết kiệm nhân lực, nguyên liệu, năng lượng, tài chính và thời gian. Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì “Process R&D” tập trung vào việc đổi mới và cải tiến quy trình phục vụ…”


 Chuyên gia Hồng Long nói: “R&D có vai trò giống như một cơ quan tham mưu, nhưng không phải trong lĩnh vực quân sự mà là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. R&D cùng với các bộ phận khác như Chương trình kế hoạch (Program and Plan), Tiếp thị (Marketing), Quản lý (Management)… hình thành nên một “bộ tham mưu” hoàn chỉnh giúp chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư có tầm nhìn rộng lớn để vạch ra các chiến lược sản xuất kinh doanh trung hạn và dài hạn. Nói cách khác, đó là “bộ não của doanh nghiệp”.


 Chuyên gia Hồng Long nhấn mạnh: “Mặc dù có một số nhược điểm như chi phí tạo dựng ban đầu lớn và đòi hỏi đầu tư liên tục ở mức cao, chu kỳ ra đời của một sản phẩm R&D dài và cũng chứa đựng những rủi ro nhất định, nhưng không thể phủ nhận những ưu điểm vượt trội của R&D.
 Đó là tính hiệu quả bền vững của sản phẩm. Đó là bản quyền sáng chế, phát minh… Những điều này giúp cho doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh bền vững và tất nhiên là kèm theo lợi nhuận dài hạn. Đó là hiệu quả tiết kiệm chi phí sản xuất, là những quy trình sản xuất khoa học, linh hoạt, ít tốn kém, dễ thích ứng… Các nhà kinh tế học hiện đại cho rằng nếu đầu tư 1 USD cho R&D, chủ doanh nghiệp có thể thu về từ 8-10 USD từ sự tích hợp của “sản phẩm chất xám” mà R&D tạo ra trong các sản phẩm của doanh nghiệp.

 Cuối cùng, R&D giúp doanh nghiệp thu hút “chất xám”, nói đầy đủ là nguồn nhân lực trí tuệ bậc cao để phát triển sản xuất. Vấn đề còn lại tùy thuộc vào việc sử dụng họ sao cho có hiệu quả.


 Ở tầm kinh tế vĩ mô, R&D trong kinh doanh chính là một yếu tố cấu thành và có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. R&D có sự gắn bó mật thiết trong việc tạo ra những sản phẩm mới và những công nghệ sản xuất mới, có tác dụng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của quốc gia cũng như sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Ở tầm vi mô, R&D là bộ phận không thể thiếu trong mỗi công ty, doanh nghiệp do nó tập hợp những nhân lực tinh nhuệ nhất nhằm đem lại những luận cứ kinh tế-kỹ thuật xác đáng, phục vụ cho việc nâng cao hiệu suất kinh doanh.


 Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm chia sẻ: “Ngoài Samsung và Qualcomm, còn có nhiều công ty xuyên quốc gia lớn khác tuyên bố sẽ thiết lập các cơ sở R&D tại Việt Nam như LG (tại Đà Nẵng), Panasonic và Toshiba (tại TP Hồ Chí Minh)…”.
 PGS-TS Hoàng Giang nói: “Các trung tâm R&D của Qualcomm và Samsung tại Việt Nam đều là nơi nghiên cứu và phát triển lớn nhất của họ tại Đông Nam Á. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang dần trở thành ‘sân chơi’ của các công ty công nghệ lớn nước ngoài”.

 


 Việt Nam có đủ nhân lực công nghệ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu?
 Chúng ta nhận thấy rằng, ngày càng nhiều dự án R&D có mặt tại Việt Nam. Một câu hỏi được đặt ra ngay là liệu nhân lực chất lượng cao của Việt Nam có đáp ứng được nhu cầu hay không?
 Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nói: “Nguồn nhân lực chất lượng cao do Việt Nam đào tạo trong nước hiện nay hoàn toàn có đủ điều kiện để tham gia đội ngũ nhân viên R&D ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bằng chứng là đã có ngày càng nhiều lao động chất lượng cao ở Việt Nam được ‘xuất khẩu’ ra nước ngoài làm việc cũng như được tuyển chọn làm việc tại rất nhiều doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.


 PGS-TS Hoàng Giang cho biết: “Nghiên cứu thị trường Việt Nam những năm gần đây cho thấy, không chỉ Samsung mà còn nhiều doanh nghiệp công nghệ khác đã chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D. Mới đây nhất, Qualcomm đã công bố phòng thí nghiệm duy nhất của mình ở Đông Nam Á tại Hà Nội. Hiện nay, trung tâm có khoảng 50 kỹ sư, toàn bộ là chuyên gia người Việt Nam. Họ nghiên cứu phát triển sản phẩm cho toàn cầu, chứ không chỉ cho Việt Nam”.
 Chúng ta cũng có thể thấy, việc thiết lập các R&D còn là động lực để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học và học viện của Việt Nam bởi nó tạo ra môi trường cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
 Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận: “Các cơ sở giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có đủ điều kiện và năng lực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, do sự chênh lệch về thu nhập cũng như một vài ‘tệ lậu’ trong việc dùng người, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rơi vào thế yếu trong việc cạnh tranh nguồn nhân lực quý giá này với các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam”.


 Các doanh nghiệp công nghệ trong nước phải làm gì để đứng vững và phát triển?
 Các trung tâm R&D xuất hiện tại Việt Nam là điều tốt, nhưng cũng tạo ra môi trường cạnh tranh mạnh hơn và tạo thách thức cho các công ty công nghệ trong nước.
 Vậy các doanh nghiệp công nghệ trong nước cần phải làm gì trong cuộc cạnh tranh này để có thể đứng vững?
 Chuyên gia Hồng Long phân tích: “Việc các ‘ông lớn’ thiết lập các R&D tại Việt Nam cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các công ty nước ngoài trong điều kiện họ có tiềm lực lớn hơn, ‘trường vốn’ hơn để sẵn sàng trả lương cao hơn, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không khắc phục được những điểm yếu của mình, các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước sẽ rơi vào tình trạng ‘chảy máu chất xám’ ngay trên ‘sân nhà’”.
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nêu quan điểm: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thiết lập những cơ sở R&D của mình, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển trên cả 5 lĩnh vực gồm sản phẩm, công nghệ, quy trình, tiếp thị và đặc biệt quan trọng là đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho R&D”.


 Các chuyên gia còn cho rằng, trong một chiến lược dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam cần trở thành “khách hàng”, tích cực “đặt hàng” nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước. Thậm chí, có thể “đặt hàng” ngay từ khi bắt đầu quá trình đào tạo, có chính sách thu hút, tuyển lựa, đánh giá chính xác và trọng dụng nhân tài…
 Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nói: “Theo tôi, những biện pháp này sẽ sớm khắc phục tình trạng “tìm và vớt” nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước hiện nay. Vì vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam có đứng vững hay không trong cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển, phụ thuộc vào chính họ. Họ cần phải thay đổi nếp nghĩ, thói quen, mở rộng tầm nhìn và thay đổi chính sách, áp dụng những biện pháp phù hợp và thông minh hơn để cân bằng với sự cạnh tranh từ phía các doanh nghiệp FDI”.


 PGS-TS Hoàng Giang cho biết: “Một mặt, các công ty công nghệ trong nước phải cạnh tranh với các “ông lớn” giàu kinh nghiệm và tiềm năng tài chính. Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ FDI vừa là đối thủ vừa là đối tác của nhau. Có thể thấy rằng, nhiều sản phẩm công nghệ của Việt Nam, như smartphone VinSmart, camera AI của Bkav, thiết bị mạng VNPT, đều sử dụng các linh kiện của Qualcomm. Qualcomm nói rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của trung tâm R&D của họ tại Hà Nội là hỗ trợ các đối tác trong nước phát triển sản phẩm”./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết