Nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam và vai trò của doanh nghiệp
Trang web của tổ chức Business for Social Responsibity (Kinh doanh vì trách nhiệm xã hội – BSR) vừa đăng bài lưu ý, tất cả các công ty có hoạt động kinh doanh hoặc chuỗi cung ứng tại Việt Nam cần nhận thức được rằng Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng khả năng chống chịu trước những rủi ro từ môi trường.
Theo BSR, chỉ trong tháng 10/2020, hai cơn bão lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng ở Việt Nam. Theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu (GCRI) 2020, Việt Nam là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt trong 2 thập kỷ qua.
Biến đổi khí hậu cũng gây tác động tài chính nặng nề. Những gián đoạn về cơ sở hạ tầng do biến đổi khí hậu khiến các doanh nghiệp ở Việt Nam thiệt hại trung bình 280 triệu USD/năm.
Lượng mưa lớn có thể dẫn đến lũ lụt và lở đất, khiến đường sá và sân bay bị cô lập, làm hư hại hoặc phá hủy các cơ sở của doanh nghiệp. Những cơn bão lớn như bão Damrey năm 2017 khiến Việt Nam thiệt hại kinh tế ước tính 1 tỷ USD. Năm 2020, sự gián đoạn kinh doanh do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp địa phương do thiếu nhân lực, nguồn cung nguyên liệu đầu vào khan hiếm hoặc hư hỏng cơ sở vật chất.
Các dự báo về khí hậu cho thấy, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khốc liệt hơn. Đến năm 2030, các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh có khả năng phải đối mặt với các đợt nắng nóng khắc nghiệt, làm giảm năng suất lao động trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, xây dựng đến logistics (kho vận).
Hà Nội có thể hứng chịu lượng mưa lớn hơn, gây sức ép lên hệ thống nước thải đô thị và khiến triều cường ảnh hưởng đến sự phát triển ven biển. Tác động của hiện tượng này là rất lớn, từ việc gia tăng địch họa làm hạn chế năng suất cây trồng đến việc làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch bệnh, gây khó khăn kinh tế hơn nữa cho các cộng đồng có nguy cơ.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp có thể xây dựng khả năng chống chịu: dự đoán, hấp thụ, thích ứng và phục hồi từ các tác động liên quan. Để làm được điều này, các công ty cần tìm hiểu hệ thống môi trường kinh doanh có thể thay đổi ở đâu và như thế nào trong tương lai. Quy trình thường được sử dụng là “phân tích tình huống”. Công cụ này cho phép các công ty thực hiện chiến lược kiểm tra và đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cho một loạt kết quả tiềm tàng.
Đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, BSR đã xây dựng 3 kịch bản mô tả môi trường kinh doanh hợp lý trong tương lai vào năm 2030, khác biệt về mức độ khắc nghiệt của khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội. Các tác động vật lý từ biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi và có thể thay đổi theo các kịch bản khác nhau. Trên hết, sẽ có các tác động liên kết từ quá trình chuyển đổi tiềm năng sang nền kinh tế các-bon thấp cũng như các phát triển kinh tế-xã hội. Ba tình huống này chỉ ra các tương lai khác nhau:
• Việt Nam và cộng đồng toàn cầu phần lớn đã chuyển đổi sang các nền kinh tế ít phát thải cácbon, song xã hội sẽ phát triển chậm lại và sự bất bình đẳng lớn hơn ở khu vực đô thị.
• Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề tranh cãi trên toàn cầu và cộng đồng quốc tế tập trung vào phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam có sự tiến bộ tương đối hạn chế.
• Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, làm xấu đi mối quan hệ giữa các quốc gia, khiến nhiều quốc gia như Việt Nam tập trung vào vấn đề an ninh năng lượng thông qua các chính sách khai thác tài nguyên và bảo vệ.
Các kịch bản khí hậu giúp gì cho doanh nghiệp?
Ba kịch bản này không phải là những dự đoán về tương lai vào năm 2030. Thay vào đó, đây là những công cụ có thể được sử dụng để chỉ ra những bất ổn lớn trong tương lai, thách thức các giả định và xác định các “điểm mù” liên quan đến sự thay đổi mang tính đột phá.
Doanh nghiệp có thể nhận thấy tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng ngập lụt và xem xét các điểm mù do sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm ở những vùng có khí hậu ấm hơn. Sau hơn 1 năm diễn ra sự kiện “thiên nga đen” là COVID-19, các công ty buộc phải tổ chức các cuộc thảo luận để chuẩn bị sẵn sàng cho những “cú sốc”.
Từ đây, doanh nghiệp có thể tận dụng một loạt biện pháp can thiệp rủi ro để giải quyết các tác động từ biến đổi khí hậu và tìm cơ hội mới cho tăng trưởng kinh doanh — từ việc cung cấp đào tạo và nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người lao động đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu
Không thể phủ nhận rằng biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát của Quỹ châu Á được thực hiện vào tháng 8/2020 với 10.000 doanh nghiệp trên cả nước, hầu hết các công ty đều tương đối lạc quan về cơ hội trong bối cảnh ngày càng có nhiều rủi ro về thiên tai và biến đổi khí hậu. Họ nhìn thấy cơ hội để tái cơ cấu, đại tu phương thức sản xuất và tạo thị trường mới cho các sản phẩm-dịch vụ. Họ sẵn sàng đầu tư vào công tác tuân thủ môi trường, chất lượng lao động và giáo dục nghề cho lực lượng lao động. Tích cực nâng cao khả năng chống chịu khí hậu sẽ giúp doanh nghiệp ứng phó với những thách thức phức tạp của biến đổi khí hậu.
Theo TTXVN