Biến đổi khí hậu: Những vùng đa dạng sinh học trọng điểm đứng trước nguy cơ khó cứu vãn
Nếu các quốc gia không nâng đáng kể mức cam kết cắt giảm khí thải carbon được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, những hệ sinh thái động thực vật đa dạng nhất của thế giới sẽ bị tình trạng biến đổi khí hậu tàn phá đến mức không thể cứu vãn. Đây là cảnh báo mới được giới khoa học đưa ra ngày 8/4.
Báo cáo tổng hợp và phân tích 8.000 công trình đánh giá nguy cơ với các loài sinh vật cho thấy nếu nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng 3 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp, gần 300 vùng đa dạng sinh học trên đất và trên biển có nguy cơ xảy ra tuyệt chủng.
Đến nay, nhiệt độ Trái Đất đã tăng 1 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã tập hợp các quốc gia trên thế giới cam kết hành động để kiềm chế mức nhiệt tăng dưới 2 độ C, và tốt nhất là dưới 1,5 độ C. Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia nghiêm túc thực hiện và đảm bảo hoàn thành các mức cam kết cắt giảm carbon đã đưa ra trong hiệp định thì nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ tăng hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ 21 hoặc sớm hơn. Ngày càng nhiều nhà khoa học thừa nhận rằng thế giới khó có thể đạt mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C.
Cũng theo báo cáo đăng trên tạp chí Biological Conservation, khi Trái Đất ấm lên, các loài sinh vật đặc trưng vùng miền sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Theo đó, từ loài báo tuyết trên dãy Himalaya và cá heo chuột ở vùng Vịnh California đến loài vượn cáo Madagascar và voi rừng Trung Phi, rất nhiều giống loài được yêu mến trên thế giới sẽ tiến dần tới ngưỡng tuyệt chủng, nếu loài người không giảm mạnh lượng khí thải CO2 và methan ra bầu khí quyển. Các sinh vật đặc trưng vùng miền trên cạn ở những khu đa dạng sinh học đối mặt với nguy cơ do biến đổi khí hậu cao gấp 3 lần so với những quần thể thực vật và động vật phổ biến ở nhiều nơi và cao gấp 10 so với các loài sinh vật xâm lấn (loài du nhập).
Những vùng có mật độ sinh vật hoang dã càng cao thì càng chịu nhiều nguy cơ hơn. Ở những vùng đồi núi, 84% các loài động, thực vật đặc trưng vùng miền sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng khi nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C. Trong khi đó, ở các quần đảo, những nơi đang ghi nhận ngày càng nhiều loài sinh vật du nhập, 100% các sinh vật bản địa sẽ tuyệt chủng. Các loài sinh vật biển ở vùng Địa Trung Hải chịu nguy cơ đặc biệt cao vì những loài này sống trong một vùng biển khép kín. Về mặt bản chất, các nhà khoa học giải thích nguyên nhân của tình trạng này là vì những sinh vật này không thể di chuyển và thích nghi với những môi trường khác
Nhìn chung, hơn 90% các loài sinh vật đặc trưng vùng miền sống trên cạn và 95% các loài sinh vật đặc trưng dưới biển sẽ chịu tác động bất lợi nếu Trái Đất ấm lên 2 độ C. Ở các cánh rừng nhiệt đới, 2/3 các loài sinh vật có thể sẽ bị diệt vong vì biến đổi khí hậu. Điều này có thể làm thay đổi tư duy bảo tồn động vật hoang dã. Tới nay, mối đe dọa lớn nhất là môi sinh của các loài sinh vật suy giảm do con người mở rộng các khu đô thị, hoạt động khai mỏ và nông nghiệp, săn bắn trái phép. Vì vậy, hiện nay cách mà nhiều tổ chức đang theo đuổi để bảo vệ các loài động vật là thiết lập những vùng bảo tồn, đặc biệt là xung quanh các vùng đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, theo như báo cáo trên thì khi Trái Đất ấm lên, những khu bảo tồn này có thể sẽ trở nên phản tác dụng vì nguy cơ tuyệt chủng của các sinh vật ở đây lại cao hơn. Ngay kể cả khi những tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu chưa thực sự rõ ràng thì trên Trái Đất cũng đã xảy ra những đợt tuyệt chủng hàng loạt trong đó nhiều loài sinh vật biến mất. Trong 500 triệu năm qua, Trái Đất đã trải qua 5 đợt tuyệt chủng hàng loạt./.
Theo TTXVN