Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Các bài học rút ra từ "năm COVID-19"

Ngày phát hành: 31/03/2021 Lượt xem 2402


Theo tạp chí World Politics Review ngày 29/3, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu dịu lại, thế giới nên tự hỏi đã rút ra được bài học gì từ trải nghiệm “trừng phạt” này để có thể chuẩn bị tốt hơn khi các đại dịch tiếp theo có thể xảy ra. 
Mặc dù sẽ mất nhiều năm để tiếp thu những bài học của bệnh dịch, nhưng sau đây là bốn phân tích sâu sắc được rút ra trong năm đại dịch vừa qua để chuẩn bị cho việc đối phó toàn cầu với các dịch bệnh có thể xảy ra trong những năm tháng tới.

Về nhận thức
            
Bài học đầu tiên và dễ nhận thấy nhất đó là hành tinh đang mất cân bằng, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đại dịch COVID-19 rất nghiêm trọng, nhưng không phải là một bất ngờ. Trong nửa thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật hoặc virus có thể lây lan từ động vật sang vật chủ là người, bao gồm Ebola, SARS, cúm A H1N1, MERS-CoV và Zika… 

Sự xuất hiện của những căn bệnh này là hậu quả từ việc tấn công vào thế giới tự nhiên. Khi xâm phạm và làm suy thoái các hệ sinh thái, con người đã tiếp xúc với các loài động vật hoang dã và mầm bệnh của chúng. Theo tài liệu của Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, con người có thể bị nhiễm đến 850.000 trong số 1,7 triệu virus chưa được phát hiện. Do đó có lẽ sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi một loại virus mới, rất dễ lây lan xuất hiện và lợi dụng các liên kết giao thông toàn cầu để lây lan đến mọi quốc gia trên Trái Đất.
            
Đây sẽ không phải là lần cuối cùng xảy ra một dịch bệnh như vậy và thế giới sẽ phải tìm cách đối phó. Thời gian tồn tại của bệnh truyền nhiễm từ động vật đòi hỏi một cách tiếp cận phối hợp phản ánh mối liên hệ mật thiết giữa con người, động vật và sức khỏe môi trường - giống như chiến lược “Một Sức khỏe” mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã vạch ra. Để giảm mức độ phơi nhiễm của con người với các mầm bệnh mới, các quốc gia phải hợp tác để bảo vệ môi trường sống còn nguyên vẹn và các loài của chúng, hạn chế buôn bán trái phép động vật hoang dã, xác định các bệnh truyền nhiễm từ động vật có khả năng gây đại dịch, đồng thời mở rộng khả năng giám sát và dự báo để dự đoán, phát hiện ngay và nhanh chóng ngăn chặn ổ dịch.

            


Bài học thứ hai, đại dịch cho thấy hợp tác y tế toàn cầu còn bấp bênh. Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra một cách rõ ràng nhất là chủ nghĩa đa phương chính là những gì các quốc gia tạo nên nó. Kể từ cái gọi là dịch cúm Tây Ban Nha cách đây một thế kỷ, khi các quốc gia có rất ít lựa chọn ngoài việc tự chống đỡ, thế giới đã tạo ra một cơ sở hạ tầng mang tính thể chế cho sự hợp tác toàn cầu, bao gồm cả WHO. Tuy nhiên, những tháng đầu của đại dịch COVID-19 đã chứng kiến sự suy sụp gần như hoàn toàn trong chủ nghĩa đa phương. Các chính phủ đã thông qua các chính sách dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi hoặc, đặc biệt là trong trường hợp của Trung Quốc và Mỹ, để cho sự cạnh tranh địa chính trị và luận điệu gay gắt của họ lấn át các lợi ích chung đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu, làm tê liệt bất kỳ phản ứng tập thể nào trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thậm chí cả Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Gần đây hơn, chủ nghĩa dân tộc về vaccine đã nổi lên khi các quốc gia giàu có cũng như Liên minh châu Âu (EU) đã tích trữ nguồn cung vaccine trong nước, mà không màng đến các nước còn lại trên thế giới.
            
Thế giới không thể lặp lại hành vi như vậy, vì điều này chỉ làm trầm trọng thêm mức độ kéo dài và nghiêm trọng của đại dịch. Trong thời đại liên kết với nhau về mặt dịch tễ học, an ninh y tế là một lợi ích to lớn của cộng đồng toàn cầu. Các chính phủ không thể hy vọng tự bảo vệ công dân của mình bằng cách dựng lên các “Phòng tuyến Maginot” về y tế. Chủ nghĩa dân tộc vaccine sẽ tạo điều kiện cho các chủng loại virus đang lan truyền ở bên ngoài có thời gian để phát triển thành các dạng mới, độc hại hơn. Phương pháp “giải độc” hứa hẹn nhất cho xu hướng này chính là sáng kiến COVAX, một cơ chế toàn cầu để thu mua và phân phối công bằng vaccine phòng chống dịch COVID-19. Do đó, việc coi việc duy trì sáng kiến này một cách lâu dài và tài trợ ở mức độ tham vọng hơn nhiều để đạt được mục tiêu chống lại các đợt bùng phát trong tương lai là một ưu tiên sau đại dịch.  

 


Về sự hợp tác và cách thức vận hành
            
Bài học thứ ba là, WHO thiếu năng lực cũng như nguồn ngân sách. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những điểm yếu của WHO. Các quốc gia thành viên đã đổ dồn trách nhiệm cho WHO nhưng lại không thừa nhận các chức năng và đóng góp nguồn lực cho tổ chức này để thực hiện trách nhiệm đó, ngoài việc biến cơ quan này thành một “quả bóng chính trị”. WHO thường xuyên bị thiếu vốn, với ngân sách khiêm tốn khoảng 4,8 tỷ USD - tương đương ngân sách của một bệnh viện lớn ở Mỹ.

Trên giấy tờ, WHO có quyền hạn đáng kể theo Quy định Y tế Quốc tế của mình, một hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý, bắt buộc các quốc gia thành viên phải chia sẻ thông tin về đợt bùng phát mới một cách kịp thời và minh bạch; đồng thời thông báo cho WHO về các hạn chế đi lại và thương mại. Trên thực tế, nhiều chính phủ đã không tuân thủ các nghĩa vụ này trong năm qua và WHO đã bất đắc dĩ phải lên tiếng phản đối những chính phủ kiên quyết tìm cách bảo vệ chủ quyền của mình như Trung Quốc. Mặc dù WHO đã được đánh giá cao về vai trò kỹ thuật của mình trong thời kỳ đại dịch, nhưng tổ chức này cũng bị chỉ trích vì những sai lầm chính trị.
            
Sau sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, điều cấp thiết là phải tăng cường tính độc lập và hiệu quả của WHO. Để bắt đầu, các quốc gia thành viên cần đảm bảo tài trợ đầy đủ cho Chương trình Khẩn cấp của WHO vốn đang thiếu nguồn lực nghiêm trọng, cũng như tăng cường đóng góp tự nguyện và đánh giá các đóng góp cho tổ chức này. Ngoài ra, các quốc gia thành viên nên thành lập một hội nghị đánh giá thường kỳ đối với Quy định Y tế Quốc tế, tương tự như những gì được thực hiện trong các hiệp ước kiểm soát vũ khí, để củng cố những hiểu biết chung và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hiện hành.
            
Bài học cuối cùng, ngay cả những nước giàu có cũng có thể trở nên mong manh. Trong những năm gần đây, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã tập trung nhiều vào việc tăng cường năng lực của những nước đang phát triển để phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với bệnh truyền nhiễm, bao gồm thông qua các cơ chế như Chương trình nghị sự về An ninh Y tế Toàn cầu mà WHO đã giúp tạo ra vào năm 2014. Tiền đề đằng sau những những nỗ lực đó là hỗ trợ những quốc gia nghèo nàn và đặc biệt mong manh, chính là chỗ yếu kém của sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Năm vừa qua đã làm thay đổi giả định đó. Rất nhiều quốc gia giàu có đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, mặc dù có điểm cao trong các chỉ số hàng đầu về mức độ sẵn sàng cho sức khỏe cộng đồng, buộc họ phải thừa nhận những thiếu sót của mình.
            
Những hậu quả này đặc biệt nặng nề đối với nước Mỹ - quốc gia có số người tử vong vì dịch COVID-19 nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, khoảng 544.000 người tính đến ngày 23/3, bất chấp niềm tự hào sở hữu các cơ sở y tế và công nghệ hiện đại. Để khắc phục sự mong manh tiềm ẩn đó, Mỹ phải có những nỗ lực hết mình và cần phải củng cố tuyến đầu của hệ thống chăm sóc sức khỏe; xác định và bảo vệ các quần thể và cộng đồng có nguy cơ rủi ro; làm rõ trách nhiệm đối phó với đại dịch giữa chính quyền liên bang với chính quyền các tiểu bang và địa phương; xây dựng chiến lược quốc gia về xét nghiệm và truy tìm tiếp xúc; và duy trì các kho dự trữ có nguồn lực tốt và chuỗi cung ứng đa dạng các vật tư y tế quan trọng.
            
Đại dịch đã đem tới cho chúng ta nhiều bài học khắc nghiệt. Trong đó quan trọng nhất là dịch tễ học và sinh thái học gắn liền với nhau; theo đó sức khỏe cộng đồng toàn cầu không thể "miễn dịch" khỏi các yếu tố địa chính trị, và nếu các quốc gia chỉ bảo vệ chủ quyền của họ trước các tổ chức toàn cầu thì ngay cả những quốc gia rõ ràng là mạnh nhất cũng có thể thất bại./. 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết