Một con virus chỉ có thể nhìn được bằng các loại kính hiển vi mạnh mẽ nhất và một con tàu container khổng lồ bị mắc kẹt giữa kênh đào Suez, một cảnh tượng có thể nhìn thấy cả từ không gian vũ trụ, đã cho thấy hệ thống thương mại toàn cầu theo kiểu "just-in-time" có thể mong manh đến mức nào.
Just In Time (JIT) là một khái niệm trong sản xuất hiện đại. Tóm lược ngắn gọn nhất của JIT là: “Đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết”. Ở mô hình này, các doanh nghiệp không còn dự trữ lượng nguyên vật liệu lớn với chi phí khổng lồ, mà thay vào đó sẽ phụ thuộc vào việc vận chuyển thường xuyên, thậm chí là với tần suất hàng ngày, những thứ mà họ cần. "Gã khổng lồ" sản xuất ô tô của Nhật Bản Toyota Motor đã xây dựng hệ thống logistics theo kiểu just-in-time này để cắt giảm các chi phí trong chuỗi cung ứng, và mô hình này đã được cả thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, JIT có một điểm yếu lớn, đó là chỉ cần một cầu nối bị đứt gãy thì toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ nhanh chóng đi vào bế tắc. Đó là những gì đã diễn ra khi siêu tàu container Ever Given khổng lồ mắc kẹt giữ kênh đào Suez, khiến một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất của thế giới bị tê liệt suốt một tuần cho đến khi được khai thông vào ngày 29/3. Đây là con đường tắt để vận chuyển mọi loại hàng hóa giữa châu Á và châu Âu, và việc chuyển hướng vòng qua phía nam châu Phi sẽ khiến thời gian vận chuyển dài thêm tám ngày.
Trước đó, dịch COVID-19 cũng đã khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ về chuỗi cung ứng của mình khi mà cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này đã gây ra một sự gián đoạn nghiêm trọng, đặc biệt là vào đầu năm 2020. Hoạt động sản xuất ô tô đã bị gián đoạn trên toàn thế giới do tình trạng thiếu hụt các sản phẩm bán dẫn, khi dịch bệnh đã khiến nhu cầu đối với các loại vi mạch được sử dụng trong các sản phẩm điện tử tiêu dùng.
Không dừng lại ở đó, một trận hỏa hoạn mới xảy ra trong tháng này tại một nhà máy của nhà sản xuất chip Nhật Bản Renesas còn có nguy cơ khiến tình trạng thiếu hụt này trầm trọng hơn, khi công ty này cho biết sẽ phải mất 3-4 tháng mới có thể phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao “sức đề kháng” của mình bằng cách có nhiều hơn một nhà cung cấp, và đưa chuỗi cung ứng của mình về gần cơ sở sản xuất hơn để có thể giảm thiểu tác động của tình trạng phong tỏa và các lệnh giới hạn được ban hành để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trước đó, chính phủ các nước đã rút ra bài học từ tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế, khi hoạt động sản xuất các mặt hàng này phần lớn đã được chuyển ra nước ngoài, chủ yếu là ở Trung Quốc và châu Á nhằm tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ ở đó. Tuy nhiên, cái giá phải trả khi khủng hoảng nổ ra còn cao hơn cả số vốn tiết kiệm được, khi hệ thống bệnh viện phải vật lộn để có được các thiết bị cơ bản và trang phục bảo hộ.
Những diễn biến của dịch bệnh có thể gây thêm áp lực lên mạng lưới vận chuyển toàn cầu, khi người tiêu dùng buộc phải ở nhà đã khiến nhu cầu sử dụng mạng Internet bùng nổ. Và khi các lệnh giới hạn được nới lỏng, như ở Anh và Mỹ nhờ hoạt động tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đẩy mạnh, một làn sóng các nhu cầu mới hậu COVID-19 có thể sẽ là một pháp thử nữa đối với hệ thống thương mại toàn cầu./.
Theo TTXVN