Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Philippines đúc kết “công thức” chống COVID-19 của Việt Nam

Ngày phát hành: 23/03/2021 Lượt xem 1210


Trang The Manila Times của Philippines ngày 23/3 đăng bài so sánh quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19 của Philippines và Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã tạo nên một “công thức” chống dịch hiệu quả.  Nội dung bài viết như sau:
“Công thức” Việt Nam
Các biện pháp Việt Nam sử dụng để ứng phó với đại dịch COVID-19 dựa trên kinh nghiệm xử lý dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003. Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Trung Quốc báo cáo sự xuất hiện của ca nhiễm SARS và là quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố hết dịch chỉ sau vài tháng.
Philippines cũng đạt được thành tích tương tự trong công tác chống SARS, song không như Việt Nam, họ đã nhanh chóng quên đi những kinh nghiệm đúc rút từ thời điểm đó.
Về cơ bản, “công thức” chống dịch của Việt Nam có 4 khía cạnh:
Thứ nhất, ngay khi nhận thấy nguy cơ dịch sắp ập đến, chính phủ đã hỗ trợ đáng kể công tác nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị và thiết bị y tế tự sản xuất. Nghiên cứu về vaccine được triển khai ngay khi có đủ mẫu vật liệu và ngành dược Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu không dưới 4 loại bộ xét nghiệm COVID-19. Những bộ kit xét nghiệm này được xuất khẩu vào đầu tháng 4/2020 và vào đầu tháng 3/2021, Việt Nam đã bắt đầu tung ra vaccine tự sản xuất. Theo dữ liệu hiện có, vaccine của Việt Nam có hiệu quả tương đương vaccine của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ nếu không muốn nói là tốt hơn.
Thứ hai, Việt Nam áp dụng chiến lược đóng cửa biên giới trong thời gian ngắn, hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, lập tức phong tỏa toàn bộ các khu vực phát hiện ca bệnh. Việc phong tỏa tương đối khắc nghiệt, song điều này có thể chấp nhận được (và hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế) vì phong tỏa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chỉ kéo dài khi cần thiết. Chính phủ cũng “hào phóng” chi  cho các khoản hỗ trợ xã hội, thậm chí giao thực phẩm đến tận nhà cho người dân.
Thứ ba, nhận thấy một hệ thống truy vết nguồn bệnh  hiệu quả là thành phần quan trọng nhất của “công thức” chống dịch, Việt Nam đã lập tức xây dựng và triển khai một hệ thống truy tìm liên lạc tập trung, chính xác và triệt để. Địa chỉ liên hệ của bất kỳ người nào có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 được truy tìm theo 3 cấp độ và tất cả những người đó đều được kiểm tra ngay lập tức.
Thứ tư, chính quyền cũng tiến hành cách ly đúng nghĩa những trường hợp nhiễm bệnh, bất kể tình trạng nặng hay nhẹ. Những trường hợp này ngay lập tức được cách ly để theo dõi và điều trị tại các cơ sở của chính phủ. Những đối tượng F1 cũng được yêu cầu cách ly.
Dù Việt Nam vẫn hạn chế nhập cảnh, song ở trong nước, các hoạt động kinh tế và đi lại của người dân vẫn diễn ra bình thường. Chính phủ Việt Nam thậm chí tiến hành chiến dịch tiếp thị tích cực để quảng bá du lịch trong nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Dù có những quan điểm cho rằng Việt Nam có thể thực hiện “công thức” chống dịch trên vì có một nhà nước tập trung, độc đảng, song lập luận đó cũng “ngớ ngẩn” như bất kỳ lập luận nào khác. Lực lượng đặc nhiệm liên ngành về các bệnh truyền nhiễm mới nổi (IATF- EID) của chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có cơ cấu tổ chức rất giống và gần như có quyền hạn như chính phủ Việt Nam. Trong mọi trường hợp, “dân chủ” đã được chứng minh không phải là trở ngại đối với việc triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả. Sự thành công của Đài Loan, nơi chính trị cũng hỗn loạn như ở Philippines, là một minh chứng./.

 

PV.Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết