Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

10 năm cải cách hành chính: góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Ngày phát hành: 18/03/2021 Lượt xem 1459

 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, CCHC đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, quá trình CCHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi có những giải pháp tích cực hơn nữa để đem lại những chuyển biến lớn hơn trong giai đoạn 2021-2030.

 

* Đạt nhiều kết quả quan trọng
  Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định CCHC là một trong những khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2011-2020. Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Theo Báo cáo của Chính phủ, quá trình thực hiện CCHC thời gian qua gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Theo đó, sau khi Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch CCHC mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch CCHC một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành CCHC, tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Các thể chế, văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm của việc đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính.

 


Qua 10 năm thực hiện, CCHC đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là cải cách thủ tục hành chính và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
- Về cải cách thủ tục hành chính
Được xác định là một khâu trọng tâm, đột phá, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch tại các địa phương đã tiến hành cấp số định danh cá nhân cho hơn 1,39 triệu trường hợp đăng ký khai sinh; từ năm 2012 đến nay Bộ Công an đã cấp được 15 triệu thẻ Căn cước công dân.
Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã được triển khai ở các địa phương với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đạt được những kết quả tích cực. Năm 2019, cả nước có hơn 14,5 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức, tạo tiền đề thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
  Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, công tác cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử đã đạt được kết quả quan trọng, có những chuyển biến mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV.
  - Về tổ chức và bộ máy
Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là một trong những lĩnh vực để lại dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2016-2020.
Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước, bổ khuyết những thiếu sót thể chế về tổ chức và bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ.
  Đến nay, tại các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), giảm 12 vụ và tương đương. Tại các tỉnh, thành phố, giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
   Vào thời điểm 29/2/2020, số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành là 1.045 đơn vị, giảm 44 đơn vị so với năm 2017 và giảm 53 đơn vị so với năm 2015; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các địa phương là 49.445 đơn vị, giảm 4.670 đơn vị so với năm 2017 và giảm 6.189 đơn vị so với năm 2015. Tính đến 29/2/2020, kết quả sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ ngành, địa phương trong cả nước đã giảm 11% so với năm 2015. So với mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là: đến năm 2021 tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, thì các địa phương đã đạt mục tiêu; còn các bộ, ngành mới giảm 5,19% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.
Tính đến 31/3/2020, các bộ, ngành Trung ương giảm 10.284 biên chế và các địa phương giảm 13.612 biên chế so với số giao năm 2015.
  Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đã được thực hiện đúng theo các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đã được phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ bản đảm bảo tinh gọn; hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng cao, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương được tăng cường.
Kết quả của CCHC đã tác động trực tiếp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đánh giá gần nhất của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá thăng hạng cả ở chỉ số Môi trường kinh doanh và chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0. Chỉ số Môi trường kinh doanh từ vị trí 90/190 quốc gia năm 2016 lên vị trí 70/190 vào năm 2020. Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 tăng 10 bậc từ vị trí 77/140 quốc gia và nền kinh tế năm 2018 lên vị trí 67 vào năm 2019, là mức tăng cao nhất trên thế giới trong năm qua (năm 2020 không đánh giá xếp hạng do đại dịch COVID-19).

* Khắc phục hạn chế, đưa CCHC đi vào chiều sâu
Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực CCHC, song Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, cải cách thể chế vẫn còn những bất cập. Tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao; một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn.
Cải cách TTHC vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Tính liên thông trong cải cách TTHC chưa cao. Chưa triển khai đầy đủ, thống nhất việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng giải quyết TTHC... Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Việc sắp xếp tổ chức chưa gắn kết với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước còn hạn chế...
Đáng lưu ý, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa làm hết trách nhiệm, còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; cải cách tài chính công còn nhiều hạn chế. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ. Hiệu quả cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 cho người dân, tổ chức còn thấp...
  Trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện CCHC, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã xây dựng một chương trình tổng thể CCHC mới cho giai đoạn 2021-2030.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, giai đoạn 10 năm trước (2011-2020), CCHC đi từ tổng thể, bao gồm cả 6 nội dung, từ xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, tài chính công, nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức và Chính phủ điện tử. Sang giai đoạn này, chiến lược CCHC đi vào chiều sâu trong từng lĩnh vực cụ thể, như: hải quan, hành chính công, lĩnh vực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp… mục tiêu cuối cùng hướng tới là xây dựng Chính phủ số, kinh tế số. Đây là điểm mới của giai đoạn 2021-2030 và sẽ có những chuyển biến lớn về Chính phủ điện tử.
  Cùng với đó, sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Những kết quả đạt được trong thực hiện các nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính 2 năm qua mới chỉ là bước đầu và thời gian tới cần tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 10 năm tới sẽ tập trung vào vấn đề tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết