Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Giải pháp nhằm "xoa dịu" những điểm nóng về "ô nhiễm trắng" của thế giới

Ngày phát hành: 31/03/2021 Lượt xem 1571

 

Trong những năm qua, việc sử dụng nhựa đã "ăn sâu" vào cuộc sống hàng ngày của nhân loại. Ở khắp nơi, từ những chiếc túi đựng hàng tạp hóa, những chai nước hay bọc bánh mì sandwich, nhựa vẫn là thành phần không thể thiếu.

Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng đang diễn biến ngày một nghiêm trọng trên toàn cầu, cho thấy công cuộc tìm kiếm sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày của con người đã đi quá xa và nhân loại đang sử dụng nhựa một cách không hiệu quả, làm lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá và gây hại cho môi trường.

 

* Những điểm nóng về ô nhiễm nhựa

Việc tiêu thụ quá nhiều nhựa, đi kèm với khả năng quản lý chất thải nhựa yếu kém, đang trở thành mối đe dọa lớn, khiến các bãi đất tràn ngập rác thải, làm tắc nghẽn dòng chảy ở các sông và đe dọa hệ sinh thái biển. Điều này đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực quan trọng của các nền kinh tế, trong đó có du lịch, vận tải biển và thủy sản.

Khu vực Đông Nam Á đã nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm nhựa do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ. Đây là tầng lớp tiêu dùng có tốc độ sử dụng các sản phẩm nhựa và bao bì ngày càng tăng do tính tiện lợi và linh hoạt. Tuy nhiên, do nền tảng hạ tầng quản lý chất thải ở địa phương vẫn chưa theo kịp nên đã dẫn đến tình trạng một lượng lớn chất thải đang được xử lý không đúng cách. Thêm vào đó, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã làm tình hình trầm trọng hơn do xu hướng tiêu thụ khẩu trang, chai dung dịch vệ sinh và bao bì giao hàng trực tuyến ngày càng tăng.

Ở Thái Lan, Philippines và Malaysia, có đến hơn 75% giá trị vật chất của nhựa đáng lẽ có thể tái chế bị mất đi - tương đương 6 tỷ USD mỗi năm. Tình trạng này xảy ra khi nhựa sử dụng một lần bị loại bỏ thay vì được thu hồi và tái chế, theo một loạt nghiên cứu mang tính bước ngoặt của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG).

Ở những quốc gia này, tỷ lệ nhựa có thể tái chế được thu hồi và tái chế lại chỉ chiếm khoảng 18-28%, gây ra tình trạng rác thải bao bì nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bãi biển và ven đường, mà giá trị đối với các nền kinh tế cũng bị mất đi. Theo các chuyên gia, điều này cần phải thay đổi, bằng cách chuyển đổi hình thức sử dụng và xử lý nhựa. Ngoài ra, các quốc gia này cũng cần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tìm cách thiết kế những sản phẩm không tạo ra chất thải hoặc có thể được tái sử dụng và tái chế.

 

 

Ở Thái Lan, Philippines và Malaysia, các chính phủ, tập đoàn và cộng đồng đang cùng phát triển các chiến lược và thực hiện nhiều hành động để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa. Ngoài ra, các chính phủ cũng đã chuẩn bị lộ trình kinh tế tuần hoàn để ưu tiên các chính sách và đầu tư liên quan đến nhựa trong một số lĩnh vực và địa điểm ưu tiên. Trong khi đó, các thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đã cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bao bì nhựa có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy 100%.

Hình thức hợp tác có thể là khu vực nhà nước và tư nhân cùng thiết kế lại các ưu tiên, xem xét lại các phương pháp tiếp cận và thay đổi tư duy theo hướng coi nhựa là một nguồn tài nguyên có giá trị và cơ hội kinh doanh thay vì chất thải. Những hình thức này bao gồm các nền tảng công-tư như Đối tác Công-Tư Thái Lan về Quản lý Nhựa và Chất thải, Liên minh Nhựa Bền vững Malaysia và Liên minh Tái chế và Bền vững Vật liệu Philippines.

 

 

* Vai trò quan trọng của khu vực tư nhân

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều việc cần làm để đẩy lùi ô nhiễm trắng. Các nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho thấy những mô hình như tái sử dụng nhựa của Thái Lan, Philippines và Malaysia đang ở giai đoạn sơ khai và hiện không đủ khả năng mở rộng để phù hợp với tốc độ lan rộng của vấn đề rác thải nhựa. Ngoài ra, việc sử dụng những nguyên liệu thay thế (dựa trên năng lượng tái tạo) thay vì các nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa được hỗ trợ bởi các tiêu chuẩn hoặc nền tảng hạ tầng địa phương. Trong khi đó, thực tế lại đang tồn tại nhiều yếu tố hạn chế sự tham gia của khu vực tư nhân, bất chấp những cơ hội kinh tế to lớn.

Việc đầu tư vào các nền tảng hạ tầng thu gom và tái chế rác tại địa phương để chuyển chất thải nhựa ra khỏi những bãi chôn lấp, khu vực đốt lộ thiên và các bãi biển đang là điều cấp bách. Thông thường, các quốc gia nhập khẩu phế liệu nhựa sau đó xuất khẩu nhựa tái chế để đáp ứng nhu cầu ở nước ngoài. Các thị trường mới nổi như Philippines là nhà xuất khẩu ròng phế liệu nhựa vì họ thiếu năng lực tái chế trong nước. Đây là lĩnh vực mà khu vực công và tư nhân có thể cùng tham gia.

Các chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các tiêu chuẩn và chính sách nhằm tăng cường nhu cầu tái chế nhựa, tạo sân chơi cho các công ty toàn cầu và trong nước đồng thời giúp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa. Để hướng tới mục tiêu này, Nhóm Ngân hàng Thế giới đang thúc đẩy sáng kiến "đầu tư thông minh vào nhựa" bằng cách phát triển các công cụ kinh tế sáng tạo, tạo cơ chế khuyến khích và xác định các khoản đầu tư trên những lĩnh vực kinh tế chính có khả năng giúp giảm thiểu chất thải nhựa.

Các lựa chọn chính sách bao gồm khuyến khích các nhà sản xuất và nhập khẩu hàng nhựa chủ động xử lý rác thải nhựa và các công cụ kinh tế, bao gồm thuế, để giúp loại bỏ các mặt hàng nhựa không cần thiết. Trong bối cảnh này, các chính sách, tiêu chuẩn và hướng dẫn phải được thực hiện hài hòa thông qua các hành động cụ thể sao cho phù hợp với các chương trình nghị sự quốc gia.

Để tạo ra một môi trường thuận lợi cho những cơ chế này hoạt động, điều đặc biệt quan trọng là chính phủ phải xây dựng và thực hiện khung tiêu chuẩn về hàm lượng nhựa tái chế cho các sản phẩm tiêu dùng chính. Điều này có thể tạo ra sự khác biệt giữa việc sử dụng nhựa tái chế và nhựa nguyên sinh, đồng thời tạo ra nhu cầu thị trường địa phương đối với các sản phẩm nhựa tái chế.

Trong cuộc chiến nhằm chống lại thách thức về rác thải nhựa, khu vực tư nhân cần là một đối tác quan trọng, trong đó bao gồm những khoản đầu tư nhằm đổi mới vật liệu, công nghệ và tài chính hàng đầu, đóng góp vào giáo dục, đồng thời tăng cường các nỗ lực làm sạch. Liên quan đến vấn đề này, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã phát triển một khuôn khổ để tạo ra một "loại hình tài sản" mới gồm các khoản vay và trái phiếu xanh để huy động vốn giải quyết ô nhiễm nhựa ở biển.

Có thể nói, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, khu vực tư nhân cần đẩy mạnh các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường và các mô hình kinh doanh sáng tạo để hỗ trợ việc tái sử dụng và tái chế nhựa. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư định hướng các khoản đầu tư sao cho phù hợp với lợi ích của chính phủ và tạo ra giá trị từ nhựa đã qua sử dụng, và quan trọng nhất là mở đường cho một tương lai bền vững hơn./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết