Báo Mỹ: Cách kiểm soát dịch của Việt Nam đáng được ghi nhận hơn nữa
Trang Business Insider của Mỹ ngày 20/2 đăng bài ca ngợi thành tích chống dịch COVID-19 của Việt Nam, trong đó dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng cách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đáng được ghi nhận hơn nữa.
Người dân đeo khẩu trang đi qua biểu ngữ kêu gọi cộng đồng chung sức phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội.
Ảnh: Getty Images.
Theo tờ báo, trong suốt đại dịch, mỗi quốc gia có các cách ứng phó khác nhau: New Zealand đã nhanh chóng hạn chế đi lại đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục; Australia có quy định chặt chẽ hơn so với hầu hết các nước khác khi chỉ cho phép người dân đi lại trong phạm vi khoảng 5 km từ nhà riêng của họ…Viện Lowy của Australia vừa công bố bảng xếp hạng về hiệu quả chống dịch của các nước, cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ , chỉ sau New Zealand. Mỹ xếp hạng 94.
Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm “nóng” vì vị trí địa lý và dân số. Tuy nhiên, bằng việc sử dụng mô hình chi phí thấp và thực hiện các biện pháp an toàn cơ bản (như rửa tay và đeo khẩu trang), Việt Nam có thể kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong vòng vài tháng. Không có nước nào có cùng quy mô hoặc dân số như vậy lại kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 giống như Việt Nam. Dù có chung đường biên giới với quốc gia khởi phát đại dịch COVID-19, nhưng câu chuyện thành công của Việt Nam là một điều đáng tự hào.
Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam có cách phản ứng chống đại dịch COVID-19 tốt hơn New Zealand, v vì hệ thống chính quyền nên câu chuyện thành công của Việt Nam có phần bị định kiến sai lệch: “Có nhiều hoài nghi cho rằng chính phủ không chia sẻ dữ liệu, nhưng điều đó không đúng. Dữ liệu được ghi lại theo thời gian thực và không có sự ép buộc nào trong các biện pháp được thực hiện ở đây”.
Kamal Malhotra cho rằng có 3 yếu tố mang lại thành công chống dịch cho Việt Nam gồm: truy vết nguồn lây, triển khai xét nghiệm và đưa ra thông điệp hướng dẫn rõ ràng. Thay vì xét nghiệm toàn dân, Việt Nam chỉ xét nghiệm những người từng tiếp xúc với nguồn lây. Biên giới cũng đóng cửa và bất kỳ ai nhập cảnh sẽ phải cách ly tập trung tại các cơ sở của chính phủ và hoàn toàn miễn phí.
Người dân Việt Nam đang học cách sống trong điều kiện “bình thường mới”, nhưng vẫn được khuyến nghị giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Các nước đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 đều có chiến lược nghiêm ngặt.
Trong bản báo cáo trình lên LHQ, ông Malhotra khen ngợi việc thay vì phong tỏa đất nước, Thủ tướng Việt Nam đã lệnh thực hiện giãn cách xã hội quy mô quốc gia: “Chính phủ đã áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng để loại bỏ virus. Các biện pháp cơ bản đã được thực hiện, nhưng không dễ dàng. Khi người dân tin tưởng chính phủ, người dân sẽ làm theo những gì chính phủ nói”.
Trả lời trang mạng Insider, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng các nước đã hạn chế thành công dịch bệnh COVID-19 đều có phương thức rõ ràng: Vạch ra một kế hoạch thống nhất với thông điệp nhất quán, kêu gọi người dân đeo khẩu trang và triển khai xét nghiệm diện rộng và truy tìm dấu vết. Các nước không kiềm chế được dịch bệnh COVID-19 đang thiếu ít nhất một trong những yếu tố trên./.
Nguyễn Thị Thu Hằng (TTXVN)