Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngày 17/2, trang web asiaperspective.net của hãng tư vấn quản lý độc lập Asia Perspective (Mỹ) đăng báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, trong đó nhận định nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý 4/2020 nhờ phục hồi trong ngành chế tạo sản xuất.
Ngành chế tạo sản xuất tăng trưởng mạnh.
Theo báo cáo, ngành chế tạo sản xuất tăng trưởng mạnh đã giúp GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 4,48% trong quý 4/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó, tăng trưởng GDP cả năm đạt mức 2,91%. Đây là thành tựu kinh tế đáng chú ý trong một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, từ tháng 10 – 12/2020, GDP của Việt Nam tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng nhanh so với quý 3 ở mức 2,69% (so với cùng kỳ năm trước).
GDP năm 2020 tăng 2,91%, mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua, nhưng cũng giúp Việt Nam trở thành nước duy nhất ở châu Á ngoài Trung Quốc đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Tăng trưởng kinh tế trong quý 4 chủ yếu được thúc đẩy nhờ ngành chế tạo sản xuất, tăng 8,63% so với năm 2020.
Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hiệu quả ở Việt Nam và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, ngành chế tạo sản xuất của Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,82% trong năm 2020, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, giá trị gia tăng của lĩnh vực công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý 4 tăng 13,3% (so với cùng kỳ năm ngoái) và đạt 78,9 tỷ USD. Nhập khẩu tăng 15,7% (so với cùng kỳ năm ngoái), đạt 76,4 tỷ USD. Trong năm 2020, xuất khẩu tăng 6,5% và nhập khẩu tăng 3,6% với thặng dư thương mại 19,1 tỷ USD, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016.
Niềm tin người tiêu dùng phục hồi
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam ở mức 121 vào quý 4/2020, tăng so với mức 117 của quý 2. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả đã đảm bảo mức tăng trưởng cho lĩnh vực tiêu dùng trong nước cũng như ngành du lịch nội địa. Do đó, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng trong nước quý 4 đạt xấp xỉ 60,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với quý 3/2020 và 8,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam ký FTA với Vương quốc Anh
Hiệp định thương mại tự do Anh - Việt (UKVFTA) được ký ngày 29/12/2020 và có hiệu lực từ ngày 31/12/2020. UKVFTA kế thừa các cam kết từ EVFTA, nhưng có những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo tuân thủ khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sang Anh lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan, với giá trị thương mại song phương đạt 6,7 tỷ USD trong năm 2019. Trong giai đoạn 2012 - 2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1% mỗi năm.
Giá trị xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Vương quốc Anh trong giai đoạn 2012-2019
Vương quốc Anh và Việt Nam đã đàm phán hiệp định này từ tháng 8/2018. Do EVFTA không áp dụng cho Vương quốc Anh nên UKVFTA đã có hiệu lực ngay ngày sau đó. Chỉ hai ngày sau khi ký kết hiệp định, hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và 65% hàng hóa từ Vương quốc Anh được giảm thuế, trong đó nhiều mặt hàng được áp thuế suất 0%. Sau 6 năm, hơn 99% hàng hóa trao đổi giữa hai nước sẽ được miễn tất cả các loại thuế nhập khẩu.
Dù UKVFTA có cùng cam kết giảm thuế nhập khẩu như EVFTA, nhưng có một số điều khoản mới về hạn ngạch thuế quan và quy tắc xuất xứ. So với EU, hạn ngạch thuế quan của Anh đối với 12 sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, ethanol và tinh bột biến tính có khác biệt để phù hợp với tình hình thương mại của hai bên. Ngoài ra, do tầm quan trọng của ngành gạo trong nền kinh tế Việt Nam nên các nước sẽ bắt đầu rà soát hạn ngạch thuế quan đối với gạo Việt Nam sau ngày UKVFTA có hiệu lực.
Khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, việc phân loại hàng xuất khẩu của Vương quốc Anh được thay đổi từ “xuất xứ từ EU” thành “xuất xứ từ Vương quốc Anh”. Do vậy, việc định nghĩa và quản lý “sản phẩm có xuất xứ” trong EVFTA đã được thay thế bằng hình thức mới trong UKVFTA. Việc này lý giải quy trình làm việc hoặc chế biến bắt buộc của sản phẩm. Dự đoán tác động tiềm tàng của UKVFTA đối với xuất khẩu của Việt Nam, chính phủ Việt Nam tập trung vào 5 ngành hàng chính:
• Hàng may mặc: Đây là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh với mức tăng trưởng ổn định 5 - 6% mỗi năm. Trong khi xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc sang Anh đang giảm thì FTA sẽ mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh so với các nhà cung cấp mới nổi khác như Bangladesh, Campuchia và Pakistan.
• Giày dép: Nằm trong số các nhà xuất khẩu hàng đầu vào Anh, các sản phẩm giày dép của Việt Nam chịu mức thuế nhập khẩu cao thứ 2 trước khi có FTA.
• Gạo: Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh tăng 376% trong năm 2019 so với năm 2018 và hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh sau khi có FTA.
• Gỗ và sản phẩm từ gỗ: Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 6 vào Vương quốc Anh, chiếm 3,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
• Thủy sản: FTA giảm thuế và đưa ra các cam kết minh bạch trong việc đảm bảo chất lượng cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng trong quý 4/2020
FDI vào Việt Nam tăng 1% (so với cùng kỳ năm ngoái) trong quý 4/2020. Tuy nhiên, tổng vốn FDI hàng năm giảm 2% so với năm 2019. Trong khi Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore là các nhà đầu tư lớn nhất trong năm 2019 thì Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2020, cùng với Singapore và Hàn Quốc. Ngành chế tạo sản xuất vẫn là ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư, chiếm 47,7% vốn FDI đăng ký mới vào năm 2020.
Do căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều tập đoàn quốc tế đã tìm kiếm nơi thay thế để đa dạng hóa nguồn cung và Việt Nam dường như là một lựa chọn hấp dẫn. Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI vào ngành chế tạo sản xuất, đặc biệt là điện tử. Ví dụ, tháng 11/2020, đối tác sản xuất của Apple Foxconn đã thông báo dịch chuyển một số dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021./.
Theo TTXVN