Việt Nam đóng vai trò quốc tế quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu
Tại New Delhi, trang mạng của Quỹ Quốc tế Vivekananda (VIF) ngày 30/1 đăng bài viết của ông Brig Vinod Anand, nghiên cứu viên cao cấp tại VIF đánh giá những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời nhận định quan hệ Việt-Ấn sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh dưới thời ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài viết cho biết Đại hội XIII sẽ quyết định ban lãnh đạo mới của đất nước, xây dựng lộ trình tương lai để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và phát triển quan hệ với các quốc gia và các tổ chức đa phương. Trong bối cảnh đó cần nhìn lại những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như các lĩnh vực khác.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công hiện tại của Việt Nam là việc tiến hành công cuộc Đổi mới vào năm 1986, dẫn đến sự thay đổi kịch bản kinh tế ở Việt Nam. Từ chỗ tổng kim ngạch thương mại chỉ xấp xỉ 3 tỷ USD vào năm 1986 với mức thâm hụt lên tới 1,5 tỷ USD, trao đổi thương mại của Việt Nam đã tăng lên hơn 517 tỷ USD (tức là hơn 172 lần) với thặng dư 11 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2018 đã tăng gấp 2,7 lần so với năm 2002. GDP bình quân đầu người năm 2019 là 2.700 USD. Đây là một thành tựu to lớn, đưa một phần rất lớn dân số (45 triệu người) thoát khỏi đói nghèo. Rõ ràng, một thành công như vậy sẽ không thể có được nếu không có các chính sách kinh tế tốt hoặc thiếu sự chỉ đạo và điều hành chính trị của ban lãnh đạo Đảng.
Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2016-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra, dù quỹ đạo phát triển kinh tế tích cực đã bị gián đoạn do COVID-19. Năm 2020, nền kinh tế vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương và Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng GDP cao nhất. Việt Nam được dự báo sẽ đạt trở lại tốc độ tăng trưởng 6,8-7% vào năm 2021 và tốc độ này dự kiến sẽ được duy trì trong những năm tới. Mức tăng trưởng này cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này phản ánh một thực tế rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã có thể vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức trên con đường phát triển đến ngày nay.
Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam không chỉ chủ trì thành công nhiều hội nghị ASEAN mà còn đóng vai trò điều phối ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng nhằm ngăn chặn tác động của đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Một thành tựu đáng chú ý khác là việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng trong vài năm qua và năm nay, Việt Nam cũng sẽ đặt mục tiêu đưa ra các vấn đề liên quan đến khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương khi nước này tiếp tục đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Như vậy, Việt Nam sẽ có thể đóng một vai trò quốc tế quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu.
Về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam, bài viết cho rằng chưa bao giờ mối quan hệ này bền chặt đến vậy, với việc hai nước vừa tổ chức hội nghị cấp cao vào tháng 12/2020. Tại hội nghị này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký “Tầm nhìn chung vì Hòa bình, Thịnh vượng và Con người” nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương.
Bài viết nhấn mạnh các nhận thức về chiến lược và an ninh của hai quốc gia phù hợp với nhau, trong đó có vấn đề xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ, trong đó có việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ấn Độ đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương như ASEAN và LHQ, đồng thời phối hợp với Việt Nam tại các diễn đàn này. Đều là các ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trong năm 2021, Ấn Độ và Việt Nam sẽ có cơ hội tốt nhất để thúc đẩy tầm nhìn chung về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Bài viết khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác với ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội XIII. Mối quan hệ giữa hai nước được kỳ vọng sẽ ngày càng đi vào thực chất và mở rộng cả về quy mô lẫn phạm vi trong những năm tới.
Việt Nam luôn giữ vững định hướng phát triển
Chuyên gia ngành quan hệ quốc tế người Indonesia, bà Dinna Prapto Raharja cho rằng đến nay, Việt Nam đang làm tốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bất chấp những sức ép trong quá trình phát triển kinh tế.Phó Giáo sư Raharja thuộc Đại học Binus của Indonesia nhấn mạnh sức ép là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển kinh tế.
Theo bà Dinna, Việt Nam là quốc gia vẫn giữ vững được định hướng phát triển của mình, đồng thời hưởng lợi kinh tế từ mối quan hệ các nước như Mỹ và các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Bà Dinna đánh giá rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế và trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, dù thấp hơn so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, Việt Nam cũng tổ chức thành công hàng chục cuộc họp cấp cao thông qua các nền tảng trực tuyến, cho thấy ASEAN thực sự có thể thích ứng với tình hình khó khăn và vẫn thực hiện được các cuộc đối thoại, thể hiện các lợi ích thống nhất và cách tiếp cận khu vực trong thời kỳ dịch bệnh trên.
Bà Dinna cho rằng trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, một trong những thành tựu mà ASEAN đã đạt được dưới sự dẫn dắt của Việt Nam là hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này thực sự giúp tiết kiệm năng lượng và thời gian cho các quốc gia thành viên ASEAN trong việc đàm phán các thỏa thuận đa phương với nhiều vấn đề lớn như thương mại, quy tắc xuất xứ, hải quan, tiêu chuẩn, các biện pháp phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp… Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Dinna, vẫn có những điều mang tính cấu trúc cần được cải thiện, theo đó ASEAN vẫn còn nhiều thách thức trong trụ cột an ninh - chính trị do các quốc gia thành viên vẫn có xu hướng ưu tiên cho trụ cột kinh tế.
Đánh giá về mối quan hệ đối tác chiến lược Indonesia-Việt Nam, bà Dinna nêu rõ mối quan hệ song phương này đang “rất bền chặt”, cần được nâng lên cấp độ tiếp theo nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho cả hai quốc gia thông qua thúc đẩy hợp tác chống đói nghèo và bất bình đẳng, chống đánh bắt cá trái phép và các tội phạm liên quan khác, hoặc nhằm giúp ASEAN phản ứng nhanh hơn.
Tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện thành công chính sách đối ngoại
Nhân dịp Đại hội XIII của Đảng, phóng viên TTXVN tại LB Nga đã phỏng vấn Tiến sĩ Chính trị Evgeny Vlasov, quyền Hiệu phó phụ trách Hợp tác quốc tế trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (DVFU), nhà Việt Nam học, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam về chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đề cập tới những thách thức về đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, Tiến sĩ Evgeny Vlasov nêu rõ Việt Nam đang ở trong một khu vực địa-chính trị rất phức tạp, ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, theo ông, việc xử lý hài hòa quan hệ với những đối tác mạnh trong không gian này sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia Nga tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện thành công chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và duy trì quan hệ tốt đẹp không chỉ với các nước láng giềng, mà với cả các đối tác khác. Ông cũng tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một đầu tàu phát triển và đổi mới, song cũng không ngừng hun đúc truyền thống cho những thế hệ sau. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển đối thoại với các đối tác nước ngoài, Việt Nam cần nỗ lực để giữ gìn đặc trưng nền văn hóa của mình.
Dự báo về chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, Tiến sĩ Evgeny Vlasov khẳng định ngay thời điểm này, Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong không gian hợp tác quốc tế. Những dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN và những dóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm qua là minh chứng cho chính sách đối ngoại hiệu quả của Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thuật đa dạng hóa quan hệ với các đối tác nước ngoài, không chỉ với các nước láng giềng trong khu vực mà còn với các nước chủ chốt như Nga hoặc sẽ phát triển mạnh mẽ quan hệ với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Theo ông Vlasov, dựa trên mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có thể thấy điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ cần xây dựng quan hệ kinh tế một cách phù hợp và hiệu quả ở cả trong nước và với nước ngoài, trước hết là với các đối tác phương Tây, mở cửa biên giới cho đầu tư nước ngoài. Mặc dù số lượng đối tác rất lớn, nhưng với việc Đảng Cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đất nước hài hòa và nâng cao phúc lợi cho người dân, ông Vlasov tin rằng Việt Nam sẽ thực hiện thành công chính sách đối ngoại của mình.
Đề cao tầm nhìn phát triển năm 2045 của Việt Nam
Trang mạng của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ngày 29/1 đã đăng tải bài bình luận của tác giả Yang Razali Kassim (biên tập viên cao cấp tại RSIS) về Đại hội Đảng lần thứ XIII của Việt Nam.
Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan trọng. Đây là sự kiện quan trọng trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu có sự chuyển giao lãnh đạo để hiện thực hóa mục tiêu mới là vào năm 2045 trở thành một “nền kinh tế phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đối với những mục tiêu chiến lược mà đại hội vạch ra, theo ông Yang, quan trọng nhất chính là tầm nhìn 2045 đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển và đây sẽ là sứ mệnh mà ban lãnh đạo mới ở Việt Nam sẽ gánh vác sau Đại hội.
Tác giả nêu rõ dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã giữ vững sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Theo ông Yang, mục tiêu chính của Đảng Cộng sản Việt Nam là đưa đất nước trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này sẽ phụ thuộc nhiều vào cách Việt Nam xoay sở để cân bằng giữa cải cách sau đại dịch COVID-19 và sự ổn định.
Cũng theo ông Yang, Việt Nam đã là một trong số ít quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững bất chấp đại dịch COVID-19. Vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đưa ra định hướng quốc gia, có tính đến những thay đổi chiến lược ở quốc gia, khu vực xung quanh và trên toàn cầu. Đáng chú ý, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh trong quá trình Đổi mới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua đó giúp Việt Nam phát triển ổn định bất chấp đại dịch COVID-19.
Ông Yang đánh giá Việt Nam đã nâng cao vị thế của mình và đóng vai trò mang tính xây dựng trên trường quốc tế khi theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình và là bạn của tất cả các nước.
Đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam, tác giả bài viết cho rằng kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á. Khi tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm ngoái, ASEAN đã tái khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở của các quyền và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Cũng trong năm ngoái, trong khuôn khổ ASEAN do Việt Nam dẫn dắt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
RCEP là một bước đột phá cho quá trình theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cũng đã ký kết các FTA khác như FTA Liên minh châu Âu -Việt Nam (EVFTA) và FTA Anh-Việt (UKVFTA), qua đó tạo động lực mới cho quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Cũng trong năm 2020, Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Vai trò tích cực của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa thị trường và mở rộng đối tác , thu hút các nguồn lực cho phát triển và hoàn thành mục tiêu phục hồi nhanh và bền vững sau đại dịch COVID-19. Việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN năm ngoái và tư cách ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ đã giúp Việt Nam nâng cao tầm ảnh hưởng và vị thế của mình trên trường quốc tế và khu vực.
Đại hội Đảng của Việt Nam đóng góp quý báu cho lịch sử dân tộc và chủ nghĩa xã hội quốc tế
Kể từ Đại hội lần I năm 1935 tới Đại hội lần XII năm 2016, tất cả các kỳ đại hội đã diễn ra của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn mang lại những đóng góp quý báu cho quá trình phát triển của dân tộc cũng như chủ nghĩa xã hội ở cấp độ quốc tế. Đây là nhận định của bà Nancy Coro Aguiar, Vụ trưởng Vụ châu Á – châu Đại Dương, Ban Đối ngoại, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Cuba nhân dịp Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, .
Nhà ngoại giao Cuba từng có 20 năm theo dõi và nghiên cứu Việt Nam cho rằng với các quyết sách qua các kỳ đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có dấu ấn bao trùm trong mỗi cột mốc của lịch sử cận đại đầy biến động của dân tộc, từ việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 năm tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”; cho tới việc đánh bại các đội quân xâm lược rất mạnh để giành lại độc lập, thống nhất cho đất nước hay bắt đầu công cuộc Đổi mới vào những năm 80 của thế kỷ trước, một bước ngoặt không hề dễ dàng và đầy can đảm, giúp Việt Nam cất cánh cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
Theo bà Nancy Coro, mỗi kỳ đại hội Đảng đều đề ra các mục tiêu phát triển toàn diện cho đất nước và hoàn thành được các mục tiêu này sau đó, từ việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước nghèo, biến Việt Nam trở thành nước công nghiệp hướng tới một quốc gia xã hội chủ nghĩa phát triển, một mục tiêu mà bà tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng năm 2030, hoặc vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, năm 2045.
Nhà ngoại giao từng có thời gian làm việc 4 năm tại Việt Nam nhấn mạnh điều quan trọng là Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu đó mà không bao giờ đánh mất chủ nghĩa Marx-Lenin cùng tư tưởng Hồ Chí Minh, chứng minh được sự nhất quán về tư tưởng và khẳng định các chính sách đúng đắn của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử đã đặt Việt Nam vào vị thế được tôn trọng và có ưu thế trên trường quốc tế, bảo vệ được tình đoàn kết, nền độc lập và chủ quyền của dân tộc bằng nỗ lực của chính mình, cho thấy năng lực và hiệu quả lãnh đạo vận mệnh của đất nước.
Trước những biến động phức tạp và trong tình hình thế giới hiện tại, bà Nancy Coro nhìn nhận một trong những thách thức lớn nhất đối với các Đảng Cộng sản và các lực lượng tiến bộ nói chung đang cầm quyền là khả năng cảm nhận chính xác được thời khắc lịch sử, để có thể biến những thách thức thành cơ hội. Để minh họa, nữ cán bộ của Đảng Cộng sản Cuba nhắc lại việc đại dịch COVID-19 đã tác động tới thế giới một cách thảm khốc và cũng đặt ra những thách thức khổng lồ. Theo bà, chưa bao giờ trong 30 năm qua, chủ nghĩa xã hội lại cho thấy tính ưu việt của mình như khi đương đầu với đại dịch.
Một thách thức khác với các chính đảng tiến bộ cầm quyền là duy trì sự đoàn kết giữa các lực lượng, mà lịch sử đã chứng minh, luôn là yếu tố tiên quyết dẫn tới thắng lợi. Để làm được điều đó, nhà nghiên cứu Cuba cho rằng Đảng Cộng sản phải không ngừng “gieo mầm được các ý tưởng và ý thức”, như câu nói của lãnh tụ cách mạng lịch sử Cuba Fidel Castro Ruz, hay nói cách khác, phải luôn gìn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, phát huy công tác quần chúng, đồng thời cần phải có năng lực tự chỉnh đốn để nâng cao sức hiệu triệu và uy tín trước xã hội.
Về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Cuba, “một biểu tượng của thời đại” như lời nhận xét của Tổng tư lệnh Fidel Castro, bà Nancy Coro cho rằng hai đảng Cộng sản của hai nước đóng vai trò cốt yếu trong việc duy trì sợi dây kết nối đặc biệt đó, qua những đối thoại chính trị thẳng thắn, cởi mở và minh bạch, sự trao đổi thường xuyên và sâu sắc những kinh nghiệm lý luận và thực hành trong nhiều lĩnh vực chính trị, khoa học xã hội, kinh tế, để làm giàu cho những dự án xã hội chủ nghĩa ở cả hai nước. Nhiều thế hệ Cuba và Việt Nam đã củng cố mối quan hệ về đảng ở mọi cấp độ, nhưng đáng kể nhất là ở cấp cao. Hoạt động trao đổi diễn ra thường xuyên giữa hai đảng, các tổ chức chính trị và quần chúng hai nước. Sự đồng điệu về lập trường trên trường quốc tế càng củng cố quan hệ hợp tác và cùng bảo vệ những nguyên tắc chung về chính trị quốc tế.
Một trong nhiều điểm trùng hợp lịch sử giữa Việt Nam và Cuba là Đại hội Đảng của mỗi nước thường diễn ra cùng năm. Bà Nancy Coro bày tỏ tin tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra và Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba vào tháng Tư tới, sẽ đánh dấu những cột mốc mới trong lịch sử của hai dân tộc và chắc chắn sẽ tiếp tục thắt chặt và củng cố hơn nữa mối quan hệ thủy chung, son sắt Việt Nam – Cuba vừa tròn 60 năm./.
(Tổng hợp) theo TTXVN