Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Cách thức Biden hàn gắn nước Mỹ

Ngày phát hành: 08/01/2021 Lượt xem 1475


Người dân Mỹ phải cố gắng tìm hiểu về nhau một lần nữa.
Tháng 11/2020, người dân Mỹ đã bầu Joe Biden làm tổng thống mới của mình, và nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm khi biết kết quả bầu cử. Tuy nhiên, sự vui mừng này có thể là quá sớm. Người Mỹ có một tổng thống mới chứ không phải một đất nước mới. Nước Mỹ vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc với hơn 74 triệu người, tương đương 47% cử tri, bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Khi bài viết này được đăng tải, Donald Trump vẫn chưa thừa nhận thua cuộc và tuyên bố có gian lận trong bầu cử. Mặc dù các tòa án cho rằng tuyên bố này không có căn cứ, song có tới hơn 1/3 cử tri Mỹ và 70%-80% những người đã bỏ phiếu cho Trump đồng tình với tuyên bố đó. Việc Trump từ chối chấp nhận tính hợp pháp của kết quả bầu cử sẽ làm suy yếu nỗ lực của Biden trong việc củng cố sự ủng hộ mà ông cần có để điều hành đất nước một cách thành công. 
Tại sao nước Mỹ lại bị chia rẽ như vậy? Nếu người Mỹ và các nhà lãnh đạo của họ không giải quyết được vấn đề này thì nền dân chủ tự do của nước Mỹ vẫn sẽ bị đe dọa và sức mạnh mềm của nước Mỹ sẽ bị suy giảm, ngay cả khi các mối đe dọa toàn cầu và các chính phủ độc tài hoặc dân túy ở những nơi khác phát triển. 
Việc các cử tri trung thành của Trump không chấp nhận thất bại của ông trong cuộc bầu cử là biểu hiện mới nhất của một nền chính trị bản sắc được thúc đẩy bởi yếu tố văn hóa và kinh tế. Thành viên của hai chính đảng ở Mỹ đang phân chia thành các nhóm khác nhau dựa trên các dấu hiệu nhận diện thay vì các ưu tiên chính sách của họ. Cac đảng viên Cộng hòa có xu hướng sùng đạo, sống ở vùng nông thôn, sinh ra tại Mỹ, cao tuổi, là nam giới và có trình độ giáo dục thấp. Phần lớn họ là người da trắng và thuộc tầng lớp lao động. Các đảng viên Dân chủ thì ngược lại. Số lượng cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa có thể giảm khi dân số già đi và người da màu dần trở thành đa số. Tuy nhiên, các thể chế chính trị ở Mỹ, bao gồm cả Đại cử tri đoàn và Thượng viện, đều nghiêng về các khối cử tri ở nông thôn và các bang nhỏ của đảng Cộng hòa.
Do việc phân chia đảng phái chủ yếu dựa vào các giá trị sâu sắc nhất, hay bản sắc, của các thành viên chứ không phải quan điểm chính trị của họ như trước đây, nên đảng còn lại không chỉ là phe đối lập mà còn là kẻ thù; và hoạt động chính trị không còn là để tìm kiếm các thỏa hiệp nhằm giải quyết các vấn đề chung mà là để giành chiến thắng trong cuộc chiến cho phe của mình.


Một cuộc khủng hoảng bản sắc
Nhiều cử tri Mỹ hiện nay chịu sự chi phối của các giá trị văn hóa thể hiện đặc điểm của xã hội mà họ muốn sống và nhóm người mà họ tin là họ thuộc về, hơn là các lợi ích kinh tế cá nhân và các ưu tiên chính sách. Theo kết quả ban đầu của các cuộc thăm dò cử tri sau khi bỏ phiếu, các vấn đề như phân biệt chủng tộc, nạo phá thai, tội phạm và xử lý đại dịch COVID-19 đã trở nên đặc biệt nổi bật trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, và tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu theo thu nhập nhỏ hơn tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu theo các vấn đề văn hóa. Hơn nữa, các hoạt động chính trị tại Mỹ hiện nay có sự gần gũi hoặc đan xen với tôn giáo. Khoảng một nửa số thành viên của đảng Cộng hòa tin rằng Chúa đã chọn Trump là người cứu đất nước khỏi chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa phe phái kiểu mới này thường thiên về cảm tính hơn là lý tính. Trong cuốn sách “Tại sao nước Mỹ bị phân cực”, nhà báo Ezra Klein đã viết: “Bản sắc một khi đã được chấp nhận sẽ khó bị thay đổi hơn so với quan điểm. Việc từ bỏ bản sắc đã gắn kết bạn với một cộng đồng mà bạn quan tâm sẽ khiến bạn phải chịu tốn kém và đau đớn, và tâm trí bạn sẽ tìm đủ mọi cách để tránh phải từ bỏ nó".
Vậy bằng cách nào nước Mỹ lại tự tách mình thành các cộng đồng mà bản thân họ cảm thấy khác biệt và thù địch nhau như vậy? Sẽ không thể làm rõ vấn đề này nếu không đề cập đến việc người dân nước này đã mất niềm tin vào các phương tiện truyền thông chính thống và những phát ngôn dựa trên thực tế. Các phương tiện truyền thông xã hội và truyền hình cáp đã tạo ra một loạt thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu cho phép mỗi người xây dựng luồng thông tin riêng để xác nhận quan điểm trước đó của họ.
Những người ủng hộ đảng Cộng hòa thường có xu hướng thích xem kênh truyền hình Fox News. Nhưng liệu Fox News có giúp đảng Cộng hòa nhận được thêm nhiều phiếu bầu hơn không? Câu trả lời là "có". Một nghiên cứu đáng chú ý của một số học giả đã phát hiện ra rằng ngay cả sau khi trừ đi số người tự chọn xem kênh Fox News, thì “hiệu ứng Fox News” vẫn đủ lớn để xoay chuyển kết quả một cuộc bầu cử. Nếu "dòng tiền bí ẩn" (các khoản tiền chi cho vận động tranh cử nhưng không được công khai) và tần suất ngày càng tăng của các bản tin trên truyền hình cáp khuếch đại hơn nữa hiệu ứng này, thì việc kiểm soát các phương tiện truyền thông có thể quyết định kết quả các cuộc bầu cử. Đã có bằng chứng cho thấy các phương tiện truyền thông tin tức là nguyên nhân gây ra phần lớn sự phân cực ngày càng tăng của công chúng Mỹ. 
Những chia rẽ về chính trị và văn hóa mà các phương tiện truyền thông khai thác và tạo ra không bắt đầu từ Trump hay Fox News. Thay vào đó, chúng phần nào phát sinh từ nền chính trị có sự đan xen của các yếu tố chủng tộc, giai cấp và tình trạng nhập cư ở Mỹ. Trump đã lợi dụng và sau đó làm gia tăng sự phẫn nộ xoay quanh vấn đề chủng tộc của các cộng đồng người da trắng thuộc tầng lớp lao động đang bị mất việc và đang làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử năm 2016, nhà xã hội học Arlie Hochschild đã sớm nhận thấy rằng những người tham gia các cuộc thăm dò xã hội thuộc tầng lớp lao động da trắng ở bang Louisiana đã thể hiện thái độ phẫn nộ đối với những người nhập cư và các cộng đồng thiểu số mà họ cho là đã giành mất việc làm và các đặc quyền khác của họ. Trong năm 2016, hầu hết các thành viên của đảng Cộng hòa (chủ yếu là người da trắng) đều đồng ý với tuyên bố rằng: “Những người như tôi bị yêu cầu phải hy sinh quá nhiều để mang lại lợi ích cho những người thuộc chủng tộc khác”.
Sức hấp dẫn của Trump được cho là xuất phát chủ yếu từ việc ông ấy sẵn sàng coi thường giới tinh hoa nước Mỹ. Mặc dù giàu có song Trump chưa bao giờ là người tế nhị, và ông ấy chắc chắn cũng không phải là người chuẩn chỉnh về mặt chính trị. Phần nhiều trong số cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông là người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và có thành kiến với phụ nữ. Tuy nhiên, họ bỏ phiếu cho ông vì tin rằng người da đen và phụ nữ cùng những người ủng hộ quan điểm tự do của họ đang đòi hỏi những đặc quyền mà họ không được hưởng, hơn là vì sự ác cảm đối với những nhóm người này. Người dân ở các khu vực kinh tế suy thoái muốn có việc làm chứ không phải là các khoản bố thí. Họ nghĩ rằng chính phủ đã mục nát hoặc đang làm trò hề. Thậm chí nhiều phụ nữ cũng ủng hộ vai trò truyền thống của mỗi giới và đau buồn khi chứng kiến việc những người đàn ông mất đi công việc từng mang lại cho họ phẩm giá và thu nhập đủ để nuôi gia đình.
Từng động thái thù địch của mỗi bên, cho dù là phe tự do hay phe bảo thủ, đều tạo ra phản ứng dữ dội ở bên còn lại. Và do đó, Trump và các đồng minh của ông đã làm chất xúc tác gây ra phản ứng từ phe cánh tả - một phản ứng đã làm tăng mạnh tỷ lệ người Mỹ tin rằng tình trạng phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc và giới tính là một vấn đề lớn. Các phong trào Mạng sống của người da đen cũng đáng giá và #MeToo chỉ là hai biểu hiện của phản ứng này. Khó có thể giải thích sự chuyển biến này nếu chỉ dựa trên sự thay đổi về hoàn cảnh khách quan của con người bởi các nhóm bị thiệt thòi trước đây như người da đen, phụ nữ và những người đồng tính đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, nội dung các phát ngôn trên phạm vi toàn quốc đã thể hiện thái độ giận giữ và cố chấp hơn. Sự leo thang căng thẳng này có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. 
Việc nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và các nước tiên tiến khác, đang nghiêng về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bản địa bài ngoại về mặt địa lý bắt nguồn từ các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của quá trình phi công nghiệp hóa. Tình trạng mất việc làm, sự trì trệ về lương và các tác động đi kèm đối với cơ cấu xã hội rõ ràng đóng một vai trò nhất định. Mặc dù vậy, các phân tích kinh tế thuần túy không đủ để thâu tóm toàn bộ câu chuyện. Người ta không thể dựa vào các khái niệm kinh tế thuần túy để lý giải sự cần thiết phải chính trị hóa việc đeo khẩu trang, mối lo ngại ngày càng tăng về việc con cái của một người có thể kết hôn với một người nào đó thuộc đảng đối lập, những khác biệt lớn giữa hai đảng về quan điểm đối với vấn đề chủng tộc hay sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng Tin lành Phúc âm đối với Trump. Như các nhà khoa học chính trị John Sides, Michael Tesler và Lynn Vavreck đã viết: “Sự chia rẽ ngày càng tăng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đe dọa khiến xung đột chính trị ngày càng liên quan nhiều đến những đặc điểm giúp nhận diện người Mỹ hơn là những việc mà chính phủ nên làm… Đây là cuộc khủng hoảng bản sắc của người Mỹ, và nó đang trở nên tồi tệ hơn”.

 

Tìm tiếng nói chung
Sẽ khó có thể hàn gắn sự chia rẽ của nước Mỹ. Trong cuốn sách “Những người Mỹ bị lãng quên”, tác giả đã đề xuất một chương trình nghị sự toàn diện nhằm giải quyết tình trạng chia rẽ về kinh tế. Nghị trình này tập trung vào phẩm giá của công việc và kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào việc bồi dưỡng kỹ năng, tạo việc làm, tăng lương và phúc lợi. Tác giả đề xuất đưa ra các ưu đãi thuế đối với khu vực tư nhân để đào tạo và chia sẻ lợi nhuận với người lao động. Ngoài ra, hiện nay tác giả còn tin rằng nước Mỹ có thể cần phải áp dụng một chính sách công nghiệp rõ ràng hơn bên cạnh các chiến lược ở cấp cơ sở để hồi sinh các thị trấn nhỏ và cộng đồng nông thôn. Tác giả cũng tin rằng nền tảng văn hóa gây ra sự chia rẽ ở Mỹ quan trọng hơn những gì tác giả từng biết trước đó. Để giải quyết vấn đề này, ngoài một chương trình nghị sự về kinh tế, nước Mỹ cũng cần có những nỗ lực mới nhằm thiết lập lại sự tôn trọng đối với sự thật và bồi đắp sự coi trọng lẫn nhau giữa các nhóm chính trị và xã hội. 
Việc tăng cường khả năng tôn trọng sự thật sẽ đòi hỏi phải trang bị thêm cho người dân kiến thức về truyền thông, đầu tư tài chính nhiều hơn cho hệ thống truyền thông công cộng và áp đặt quy định đối với các phương tiện truyền thông xã hội như đối với các dịch vụ công cộng để hạn chế tình trạng lan truyền thông tin sai lệch. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự thật không phải lúc nào cũng chiến thắng nếu chúng xung đột với những đức tin vốn siết chặt sợi dây kết nối của một người với gia đình và những người bạn thân thiết. Thông điệp khuyến khích người dân đeo khẩu trang từ các cơ quan có thẩm quyền đã xuất hiện ngập tràn trên các phương tiện truyền thông, song vẫn còn nhiều người không tuân thủ. Vaccine phòng các bệnh sởi, cúm, hoặc virus corona chủng mới đã được chứng minh là an toàn và có hiệu quả cao, tuy nhiên một bộ phận lớn người dân vẫn không sẵn sàng tiêm phòng và con số này tiếp tục có xu hướng gia tăng. Việc sử dụng sự thật để chấn chỉnh lại các thuyết âm mưu thường chỉ khiến số lượng người theo dõi tăng lên nhiều hơn. Vì những lý do đó, việc giải quyết tình trạng chia rẽ trong xã hội Mỹ sẽ đòi hỏi phải cải thiện mối quan hệ giữa các nhóm với nhau, đồng thời giải thích để người dân hiểu được sự thật. Nói một cách đơn giản là các cộng đồng người Mỹ khác nhau cần tìm cách để hiểu nhau hơn.
Tại sao mối liên hệ giữa các cộng đồng lại quan trọng như vậy? Trong một thí nghiệm nổi tiếng từ những năm 1950, các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng khi một nhóm nam sinh được xếp ngẫu nhiên vào hai nhóm và sau đó tách ra, thì sự thù địch giữa hai nhóm đã leo thang đến mức nguy hiểm. Ngược lại, khi những người trong một nhóm dành thời gian tiếp xúc với những người ngoài nhóm, thái độ khó chịu hoặc không tin tưởng sẽ giảm đi. Như các nhà tâm lý học xã hội Thomas F. Pettigrew và Linda R. Tropp đã phát hiện ra trong cuộc khảo sát mang tính bước ngoặt dựa trên 515 nghiên cứu thực nghiệm, sự thành kiến và ngờ vực sẽ giảm đi đáng kể khi các nhóm quen biết lẫn nhau. Tham gia phục vụ trong quân đội là một ví dụ điển hình: mối quan hệ trung thành và tình bạn bền chặt vẫn được hình thành ngay cả giữa những người lính hầu như không có điểm chung với nhau sau khi họ cùng nhau chiến đấu trên chiến trường. Tương tự, các cộng đồng hầu như không có người nhập cư là những nhóm dễ có thái độ bài người nhập cư nhất, chẳng hạn như những cộng đồng đã giúp Trump lên nắm quyền ở Mỹ và bỏ phiếu đưa Vương quốc Anh ra khỏi EU (Brexit). Khi càng ít hiểu biết về nhau, người ta càng có khả năng giữ định kiến về nhau.
Việc tham gia nghĩa vụ quân sự là một cách đầy hứa hẹn có thể giúp tăng cường kết nối giữa các nhóm và củng cố mối quan hệ giữa người Mỹ với nhau. Công việc chung hướng tới những mục tiêu chung có thể giúp người Mỹ "xây dựng những cây cầu thay vì những bức tường", từ đó hạn chế chủ nghĩa phe phái và chia rẽ xã hội. Chính phủ liên bang nên yêu cầu tất cả những người Mỹ trẻ tuổi phục vụ 1 năm trong quân đội, có thể là quân nhân hay nhân viên dân sự. Đổi lại, họ sẽ nhận được một khoản trợ cấp nhất định và 2 năm học đại học hoặc đào tạo nghề miễn phí. Richard Reeves và tác giả bài viết gọi đề xuất này là “học bổng cho những người tham gia nghĩa vụ”. Những người đã từng ở trong quân ngũ sẽ được nhắc nhở rằng việc trở thành một người Mỹ bao gồm cả quyền lợi và trách nhiệm. Tác giả cũng đã đề xuất một chương trình giao lưu trao đổi, trong đó khuyến khích các gia đình Mỹ tiếp nhận một thanh niên từ một cộng đồng khác trong năm họ phục vụ trong quân ngũ.
Mặc dù người Mỹ cần phải biết những người dân cùng quốc gia của họ có chính trị, chủng tộc, giới tính hoặc các đặc điểm khác với họ, nhưng chủ nghĩa hiện thực đều là điểm chung. Nước Mỹ rất rộng lớn và đa dạng, và đương nhiên mọi người sẽ quan tâm nhiều nhất đến những người từ các nhóm hoặc cộng đồng của họ. Tuy nhiên, hầu hết việc hoạch định chính sách lại diễn ra ở Washington xa xôi, trong một chính phủ liên bang đang rất mất dần uy tín. Tỷ lệ người trưởng thành nói rằng họ tin tưởng vào chính phủ liên bang hiện giảm xuống còn khoảng 17%. Niềm tin vào rất nhiều thể chế chính trị đã suy giảm, nhưng nhiều nhất là đối với Quốc hội Mỹ. Sự nghi ngờ này không phải là điều đáng ngạc nhiên. Thế bế tắc chính trị đã cản trở hoạt động của cơ quan lập pháp, khiến vô số vấn đề chưa được giải quyết - đặc biệt là nhu cầu của những người sống ở khu vực trung tâm của nước Mỹ bị mất việc làm và cảm giác về phẩm giá của họ.
Ngay khi người Mỹ mất niềm tin vào chính phủ, họ cũng ngày càng xa lánh các cộng đồng của mình. Họ ít tham gia các tổ chức cộng đồng và tôn giáo hơn so với trước đây. Mối quan hệ của họ với gia đình họ trở nên yếu hơn và họ hầu như không đặt niềm tin vào người khác. Những xu hướng này có liên quan đến sự ủng hộ chủ nghĩa dân túy: trong số 10 hạt có xếp hạng thấp nhất về vốn liếng xã hội và mạng lưới các mối quan hệ duy trì cộng đồng theo tiêu chí của Ủy ban Kinh tế hỗn hợp, Trump đã giành thắng lợi tại 8 hạt. Khi mối quan hệ thân thiết giữa người với người yếu đi và triển vọng kinh tế của họ trở nên mờ mịt, thì người ta sẽ có xu hướng tìm kiếm thứ gì đó để lấp đầy khoảng trống. Như Thượng nghị sĩ Ben Sasse (đảng Cộng hòa, bang Nebraska) đã viết: “Khi thiếu vắng những mối quan hệ gắn bó có ý nghĩa, người ta sẽ tìm thấy một mối quan hệ lệch lạc, ít nhất là trong việc tìm ra một kẻ thù chung”.
Khi người dân Mỹ đang rất cần một ý thức mạnh mẽ hơn về sự kết nối và mục đích, và khi chính phủ ở Washington tiếp tục bị chia rẽ trong tương lai gần, đã đến lúc trả lại quyền ra quyết định nhiều hơn cho các chính quyền địa phương, để "người Mỹ tự giải quyết vấn đề của mình" theo đúng nghĩa đen. Tất nhiên, một số chính sách chỉ có thể được thực hiện ở cấp liên bang, điển hình là chính sách quốc phòng và đối ngoại, cùng với các lĩnh vực khác - trong đó có hệ thống bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nhiều trách nhiệm khác của chính quyền - như giáo dục, đào tạo nghề, nhà ở, giao thông vận tải và phát triển cộng đồng - tốt hơn nên được giao xuống cho chính quyền các bang và địa phương, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận. Quản trị ở cấp địa phương sẽ giúp các cộng đồng Mỹ xây dựng lại các mối quan hệ tin cậy mang lại cảm giác thân thuộc và củng cố các chuẩn mực xã hội, chẳng hạn như trung thực, hợp tác và tôn trọng người khác.
Đã đến lúc phải xem xét loại bỏ nhiều chương trình liên bang, đặc biệt là những chương trình có quy mô nhỏ và có quá nhiều quy định, đồng thời thay thế chúng bằng một khoản đầu tư lớn vào các hoạt động chung đó ở cấp bang và địa phương, phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của từng địa phương. Chính phủ liên bang có thể chi trả cho những khoản này thông qua hình thức chia sẻ tổng thu nhập quốc gia vốn tồn tại từ năm 1972 đến năm 1986 - một hệ thống cũng làm giảm tình trạng bất bình đẳng ở cấp cơ sở bằng cách ưu tiên đầu tư cho các bang và cộng đồng nghèo hơn. Washington có thể đồng thời củng cố các tổ chức phi chính phủ bằng cách miễn thu thuế đối với hoạt động từ thiện.
Trong quá trình đi khắp nước Mỹ từ năm 2012 đến 2017, nhóm tác giả Deborah và James Fallows đã phát hiện ra rằng các thành phố và thị trấn hoạt động tốt nhất là những nơi đưa được người dân xích lại gần nhau để giải quyết các vấn đề thực tế, không chịu ảnh hưởng bởi hoạt động chính trị đảng phái. Các “thành phố tự quản” như vậy có ban lãnh đạo địa phương vững mạnh và thường dựa vào các quan hệ đối tác công-tư để hoàn thành công việc. Nhà sử học kiêm nhà văn người Pháp Alexis de Tocqueville đã tạo ra cụm từ “thói quen của trái tim” để mô tả sự hợp tác mà ông nhận thấy trong các nhóm nhỏ, điều ông tin là nguồn gốc của mô hình quản trị dân chủ. Những thói quen như vậy đòi hỏi mọi người phải làm việc trực tiếp cùng nhau, ở nơi họ có thể gặp gỡ và quen biết nhau.
Joe Biden có một nhiệm vụ trọng đại phía trước - giữ lời hứa trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ. Vị tổng thống đắc cử này đã rất khôn khéo khi làm ngơ trước các đề nghị của phe cực tả về việc leo thang cuộc chiến văn hóa. Thay vào đó, ông nói chuyện một cách đồng cảm với giới công nhân lao động, với những cử tri lớn tuổi và những người có quan điểm truyền thống về mặt văn hóa, và với những người phụ nữ sống ở khu vực ngoại ô lo sợ bạo lực đường phố và những thay đổi quá lớn. Ông đã tuyên bố không cắt giảm ngân sách của lực lượng cảnh sát, xã hội hóa chăm sóc y tế hay tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu. Rõ ràng là ông muốn đoàn kết đất nước. Đây có thể là một trong những công việc khó nhất song cũng là công việc cần thiết nhất mà một tổng thống Mỹ phải thực hiện. Biden có thể bắt đầu bằng cách nói những lời chân thực, bằng cách chìa tay ra với những người bị bỏ lại phía sau bất kể quan điểm chính trị của họ là gì, bằng cách đề cao các nỗ lực của địa phương và các nhà lãnh đạo địa phương, và bằng cách buộc chúng ta phải có thái độ tôn trọng hơn đối với những người có quan điểm bất đồng với mình. Biden phải làm được tất cả những điều đó thì mới có thể thắp sáng lại được linh hồn của nước Mỹ./. 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết