Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Mỹ đã khép lại mâu thuẫn liên quan đến gói cứu trợ mới liên quan đến đại dịch COVID-19 trị giá khoảng 900 tỷ USD, mở đường cho việc văn kiện này được trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump để ký ban hành thành luật. Gói cứu trợ mới là niềm hy vọng của nền kinh tế Mỹ vốn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh mở rộng gói hỗ trợ thất nghiệp cho người dân bị
ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
* Vòng xoáy khủng hoảng kinh tế tồi tệ
Đại dịch COVID-19 đã đẩy nước Mỹ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930 của thế kỷ trước, chủ yếu do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội như đóng cửa tất cả các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Đại dịch hầu như đã xóa sạch những thành quả kinh tế ấn tượng mà Tổng thống Trump đạt được trong nhiệm kỳ này. Từ một nền kinh tế hưng thịnh với tốc độ tăng trưởng cao, tạo ra nhiều việc làm và tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong vòng 50 qua, nước Mỹ phải chứng kiến sự sụt giảm kỷ lục về tăng trưởng, chi tiêu người tiêu dùng giảm mạnh và số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao nhất từ trước tới nay. Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Trump cũng như quốc hội đã đưa ra hàng loạt gói cứu trợ COVID-19 trị giá hơn 3.000 tỷ USD. Nhờ gói cứu trợ COVID-19 này, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ kỷ lục trong quý III/2020. Trong ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2020, Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP của nước này đã phục hồi với tốc độ tăng trưởng 33,4%, được điều chỉnh tăng nhẹ so với mức tăng 33,1% đưa ra trong tháng trước, sau khi ghi nhận mức sụt giảm 31,4% trong quý II/2020, mức giảm sâu nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1947. Kinh tế Mỹ vẫn thấp hơn 3,5% so với mức cuối năm 2019.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mất đà giữa lúc năm 2020 đang dần khép lại và số ca mắc COVID-19 mới ngày càng tăng, trong khi quy mô gói kích thích tài chính thu hẹp lại. Theo một thống kê chính thức của hãng tin Reuters, Mỹ đang phải vật lộn với sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, với hơn 18,65 triệu ca mắc, trong đó có hơn 330.000 ca tử vong. Chính quyền các địa phương đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh doanh, dẫn đến chi tiêu tiêu dùng giảm sút, đồng thời "kích hoạt" một làn sóng sa thải mới. Điều này chắc chắc sẽ khiến nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với những khó khăn và thách mức mới khi bị mất đi động lực phát triển cũng như không thể phục hồi hàng triệu việc làm đã bị mất trong thời kỳ suy thoái. Làn sóng dịch COVID-19 tái bùng phát vào cuối năm khiến nhiều bang phải áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội và điều này được dự báo sẽ khiến nền kinh tế đầu tàu thế giới khó có thể phục hồi trong một vài năm tiếp theo.
Ngày 3/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, nhiều khu vực của Mỹ chứng kiến hoạt động kinh tế bị đình trệ hoặc chậm lại trong tháng 11/2020, giữa bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới gia tăng mạnh và các doanh nghiệp bớt lạc quan hơn về triển vọng hoạt động của mình. Trong khi đó, Khảo sát trong "Sách màu Be" của FED về tình hình kinh tế Mỹ cho biết, 4 trong số 12 khu vực của Mỹ có mức tăng trưởng thấp hoặc thậm chí không tăng trưởng trong tháng 11/2020, trong khi bốn khu vực khác chứng kiến hoạt động kinh tế suy giảm trong cùng kỳ. Ngay cả khi một số khu vực báo cáo tăng trưởng, hoạt động kinh tế vẫn ở dưới mức trước đại dịch COVID-19. Theo dự báo của FED, kinh tế Mỹ sẽ suy giảm ở mức 2,4% trong năm 2020 và triển vọng kinh tế trong năm tới vẫn còn khó dự đoán khi số ca nhiễm mới tại Mỹ lại tăng mạnh.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Quốc hội Mỹ nhiều lần trì hoãn thông qua gói cứu trợ bổ sung để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và người thất nghiệp. Các quan chức y tế đã cảnh báo về một “mùa Đông đen tối”, cho rằng đà lây lan có khả năng tăng tốc vào kỳ nghỉ lễ. Trong khi đó, một loạt các chương trình viện trợ khẩn cấp để đối phó với đại dịch, bao gồm trợ cấp thất nghiệp bổ sung và lệnh tạm hoãn trục xuất người thuê nhà, sẽ hết hạn vào cuối tháng 12. Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo nếu Quốc hội không sớm hành động, nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể không trụ nổi qua mùa Đông năm nay và sẽ có khoảng 12 triệu người Mỹ mất trợ cấp thất nghiệp vào cuối năm nay.
* Gói cứu trợ mới
Trước sức ép ngày càng gia tăng trong việc thông qua gói kích thích nền kinh tế vốn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 1/12 đã nối lại đàm phán về gói kích thích mới lần đầu tiên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Một nhóm nghị sỹ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã đề xuất các biện pháp hỗ trợ trị giá 908 tỷ USD.
Tiếp đó, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã có hai cuộc gặp trong ngày 15/12 với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer. Đây là lần đàm phán hiếm hoi giữa các lãnh đạo hai đảng tại Quốc hội. Trả lời báo chí sau cuộc gặp, Thượng nghị sĩ McConnell nhấn mạnh hai bên đang tiến gần nhau hơn, đồng thời bày tỏ tin tưởng khả năng hai đảng có thể sớm hoàn tất một thỏa thuận. Trong khi đó, ông McCarthy lạc quan cho rằng cả hai đang đi đúng hướng và bày tỏ hy vọng về khả năng giải quyết được mọi vấn đề.
Ngày 19/12 các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa của Mỹ đã đạt được một thỏa thuận nhằm mở đường cho cuộc bỏ phiếu về gói hỗ trợ kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19.
Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ đã mở ra khi ngày 22/12, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá gần 900 tỷ USD, nhằm tạo động lực cho hàng triệu người dân Mỹ và các doanh nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, đồng thời cung cấp tài chính cho các hoạt động của chính phủ liên bang cho đến tháng 9/2021. Gói cứu trợ này sẽ mở rộng chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và "trợ cấp" tiền cho các trường học, các hãng hàng không, hệ thống vận chuyển và phân phối vắc-xin ngừa COVID-19.
Theo dự luật, mỗi người dân Mỹ với thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm sẽ được hỗ trợ 600 USD/người. Ngoài ra, mỗi thành viên phụ thuộc dưới 18 tuổi trong cùng một hộ gia đình cũng được nhận 600 USD. Những người có thu nhập từ 99.000 USD/năm trở lên sẽ không được nhận trợ cấp.
Dự luật cũng gia hạn bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp liên bang với mức trợ cấp 300 USD/người/tuần; cấp hơn 284 tỷ USD tiền cho vay đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà và nhân công; chi 69 tỷ USD cho quỹ xét nghiệm và phân phối vắc-xin và chi 82 tỷ USD tài trợ cho các trường cao đẳng và trường học.
Dự luật này không bao gồm hàng trăm tỷ USD hỗ trợ cho các bang và địa phương do đảng Dân chủ đề xuất cũng như các điều khoản thúc đẩy bảo vệ trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp đối với các vụ kiện liên quan đến dịch COVID-19 của đảng Cộng hòa.
Dự luật trên còn bao gồm 13 tỷ USD tài trợ thực phẩm cho các gia đình đáp ứng các quy định về thu nhập nhất định, bởi theo các đảng viên Đảng Dân chủ, có tới 17 triệu trẻ em tại Mỹ hiện đang bị mất an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, 25 tỷ USD cũng được sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho các gia đình gặp khó khăn để trả tiền nhà do đại dịch. Chính phủ Mỹ cũng kéo dài lệnh cấm trục xuất đến ngày 31/1, bảo vệ hàng triệu người thuê nhà đang trong tình trạng rủi ro.
Khoảng 82 tỷ USD khác sẽ được dùng để giúp các trường học mở cửa trở lại một cách an toàn, mối quan tâm lớn của nhiều người, bởi các bậc cha mẹ đang đi làm đã buộc phải giảm giờ làm của họ hoặc nghỉ làm để chăm sóc con cái do trường học đóng cửa vì đại dịch. Nguồn kinh phí này cũng sẽ giúp sửa chữa và thay thế hệ thống thông gió để giảm thiểu sự lây truyền virus SARS-CoV-2 và để tổ chức lại các lớp học để cho phép khoảng cách an toàn giữa các học sinh.
Gần 70 tỷ USD trong gói cứu trợ được dành để mua và phân phối vắc-xin ngừa dịch COVID-19, và trong đó khoảng 22 tỷ USD sẽ được chuyển cho các bang để phục vụ chi phí xét nghiệm và truy tìm nguồn gốc dịch bệnh.
Một gói cứu trợ của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và người lao động thất nghiệp được coi là điều cần thiết để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng vững trở lại trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới đang diễn ra, cho dù việc phát triển các loại vaccine mới ngừa COVID-19 đang nhen lên hy vọng rằng cuộc sống trên toàn cầu có thể sớm trở lại bình thường./.
Theo TTXVN