Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

ASEAN-EU: Nâng cấp quan hệ đúng thời điểm

Ngày phát hành: 07/12/2020 Lượt xem 1527

Với tư cách là đối tác chiến lược vào thời điểm diễn ra cuộc cạnh tranh nước lớn, cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đều có thể được lợi từ sự hợp tác trên quy mô lớn hơn trong các lĩnh vực như thương mại, tinh thần sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, những thỏa thuận về vận tải hàng không và sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương.

Ngày 1/12 vừa qua, ASEAN và EU đã tiến hành Hội nghị ngoại trưởng ASEAN-EU lần thứ 23 theo hình thức trực tuyến. Trong khuôn khổ hội nghị, ASEAN và EU chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ đối tác đối thoại lên thành quan hệ đối tác chiến lược.
Tại hội nghị lần này, ASEAN và EU tái khẳng định những giá trị và lợi ích chung làm nền tảng cho 43 năm quan hệ đối thoại ASEAN-EU, đồng thời ghi nhận tính chất toàn diện và nhiều mặt của mối quan hệ đối tác năng động hiện nay. ASEAN và EU đánh giá cao những tiến bộ trong việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-EU (2018-2022).
Theo đánh giá của các chuyên gia, ASEAN và EU từ lâu đã là bạn bè và đối tác của nhau. Việc nâng cấp quan hệ đối tác đối thoại lên thành quan hệ đối tác chiến lược là tin tức tốt đẹp. Bức tranh địa chính trị thế giới đang thay đổi, đòi hỏi các nước phải nhanh chóng hành động nhằm đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu, ngăn chặn các đại dịch xảy ra trong tương lai và chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trong số những động lực thúc đẩy sự trao đổi mang tầm chiến lược tích cực hơn giữa hai khu vực.
Quyết định này đã được hai bên ấp ủ trong một thời gian dài. Một văn kiện chính sách của EU được đưa ra cách đây 5 năm nêu rõ rằng EU có lợi ích chiến lược trong việc tăng cường quan hệ với ASEAN vì kinh tế Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh chóng và khu vực này là tâm điểm của những nỗ lực nhằm xây dựng một trật tự an ninh khu vực ổn định hơn.
Tuy nhiên, những khúc mắc trong mối quan hệ này, kể cả lo ngại của Malaysia và Indonesia về cách đối xử của một số nước châu Âu với mặt hàng dầu cọ xuất sang EU, là một trở ngại. Dù vậy, việc lựa chọn thời điểm lúc này để nâng cấp quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-EU lên thành quan hệ đối tác chiến lược là động thái hoàn hảo. Điều này phản ánh vai trò trung tâm của ASEAN và quyền tự chủ chiến lược của EU.
Tranh giành sự chú ý
Khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tìm cách điều chỉnh cách tiếp cận thất thường đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, đồng thời cam kết quay trở lại chính sách ngoại giao truyền thống và quan tâm đến cả châu Âu lẫn châu Á, mối quan hệ đối tác ASEAN-EU có nguy cơ bị lu mờ. Quả thực, đối với EU, việc Mỹ quay trở lại khu vực Đông Nam Á có nghĩa là khu vực này sẽ phải cạnh tranh với ASEAN để giành được sự chú ý nhiều hơn của Washington. Do Mỹ phạm phải nhiều sai lầm trong hành động ở Đông Nam Á trong vài năm qua, nên các nước châu Âu dễ dàng giành được vị trí nổi bật ở khu vực.
Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS-Yusof Ishak) tiến hành trong năm nay cho thấy vai trò lãnh đạo toàn cầu của EU, với tư cách là một tổ chức được tin tưởng, trong việc củng cố luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên các quy tắc. Cũng theo cuộc khảo sát này, EU với tỷ lệ ủng hộ 31,7%, đứng thứ hai chỉ sau Nhật Bản (38,2%), là đối tác chiến lược đáng tin cậy và là lựa chọn hàng đầu trong số các lựa chọn chiến lược của ASEAN trong việc ứng phó với cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
ASEAN cũng được lợi từ việc EU ngày càng quan tâm đến xây dựng chính sách châu Á vượt ra ngoài phạm vi Trung Quốc, bao gồm cả việc tạo dựng các mối quan hệ đối tác vững chắc hơn với ASEAN, cũng như với Nhật Bản và Ấn Độ.
Cả hai khu vực đã phần nào chịu ảnh hưởng của học thuyết “Nước Mỹ trước tiên” mà Chính quyền Donald Trump theo đuổi và sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đã làm đảo lộn trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Mặc dù việc Biden đắc cử có thể giúp xoa dịu tình trạng căng thẳng và đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo của mình trong các thể chế đa phương, nhưng thế giới rõ ràng đã thay đổi một cách sâu sắc trong vài năm qua. Mỹ không còn là bá chủ với sức mạnh cứng và mềm vô song. Thế giới đã trở nên hết sức phức tạp và nhiều khu vực đã thay đổi tới mức không thể dựa vào bất kỳ một nhà lãnh đạo nào. Trên thực tế, đấu trường quốc tế ngày càng mang tính đa cực với tình trạng thiếu cân xứng, hiện tượng siêu kết nối và sự xuất hiện ngày càng nhiều các bên tham gia – một số mang tính xây dựng, một số mang tính phá vỡ – tranh giành ảnh hưởng với nhau.
Tình trạng gián đoạn do đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 gây ra đã khiến nhiều xu hướng trở nên rõ nét hơn và căng thẳng trở nên trầm trọng hơn. Trong hoạt động địa chính trị, cho dù có những hứa hẹn của Biden về chính sách ngoại giao và sự chuyên nghiệp trong chính sách đối ngoại, nhưng vai trò lãnh đạo của Mỹ vẫn sẽ gặp phải thách thức. Sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại. Trong hoạt động địa kinh tế, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế vẫn sẽ được duy trì; xu hướng khu vực hóa có khả năng sẽ thay thế toàn cầu hóa và trở thành động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Tiếp tục đóng vai trò thích đáng
Tình trạng gián đoạn và bất trắc khiến cho việc tiếp tục khẳng định tính thích đáng của mình là điều đặc biệt quan trọng đối với EU và ASEAN. Cho dù đã được đề cập ở trên nhưng vẫn cần phải nhắc lại rằng cả ASEAN và EU đều là những tổ chức khu vực thành công và có cùng cam kết về một trật tự mang tính bao trùm, đa phương và dựa trên các quy tắc. Giờ đây họ cũng là những đối tác trong sự kết nối.
Có rất nhiều ví dụ về nỗ lực tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU. Sau khi đại dịch bùng phát, ngày 20/3, EU và ASEAN đã tiến hành cuộc họp trực tuyến để chia sẻ thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh, đồng thời cam kết tiến hành những hành động và nỗ lực cần thiết nhằm kiểm soát dịch bệnh và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Kể từ đó, EU đã huy động hơn 800 triệu euro thông qua Sáng kiến êkíp châu Âu để giúp ASEAN ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Cả EU và ASEAN đều cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương liên quan đến vấn đề vaccine và hợp tác với Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với các loại vaccine an toàn, hiệu quả và có giá cả hợp lý.
Trong khi vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là bên tham gia an ninh trong khu vực đã được công nhận rộng rãi, thì việc ký kết thành công Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có lẽ là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy vai trò kinh tế có ý nghĩa sống còn của ASEAN trong khu vực. Với 15 thành viên châu Á (10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand), RCEP chiếm gần 1/3 dân số thế giới và hàng năm đóng góp 12.400 tỷ USD (khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu). RCEP sẽ xóa bỏ tới 90% các loại thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên trong vòng 20 năm kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Quan hệ đối tác kết nối ASEAN-EU sẽ tăng cường lợi ích chung của hai khu vực trong hợp tác nhằm đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn môi trường chất lượng cao đối với cơ sở hạ tầng, liên kết kỹ thuật số và năng lượng.
Người ta hy vọng rằng việc ký kết RCEP vào tháng 11 vừa qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) sẽ là chất xúc tác cho việc khởi động lại các cuộc đàm phán trong nội bộ khu vực EU-ASEAN về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA). Gần 90% số người được khảo sát tại ASEAN ủng hộ các cuộc đàm phán về một FTA giữa EU và ASEAN. Các doanh nghiệp châu Âu cũng ủng hộ việc tiến hành các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư từ khu vực này đến khu vực kia.
Bên cạnh FTA giữa EU và ASEAN, Hiệp định vận tải hàng không toàn diện (CATA) giữa hai khu vực này một khi được ký kết sẽ nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cũng như các lĩnh vực như an toàn và an ninh, đồng thời từng bước tạo ra sự thống nhất về quy định. Điều này được nhiệt liệt hoan nghênh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề ngành hàng không.
Cuối cùng, dữ liệu đầu vào về ASEAN sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với EU khi khu vực này khởi động tiến trình xác định chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình. Các nhà hoạch định chính sách của EU cho rằng họ sẽ được tiếp thêm động lực từ chiến lược của ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ tập trung vào việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tính bao trùm, chứ không phải là khu vực hành động để loại bỏ Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách EU vẫn đang hy vọng ASEAN sẽ tiếp tục xem xét yêu cầu từ lâu của họ là có một “ghế” tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Yêu cầu này cần sớm được đáp ứng để ASEAN và EU có thể tăng cường và mở rộng hơn nữa các mối quan hệ giữa hai bên ở cấp độ song phương lẫn đa phương.
Mặc dù thường bị bỏ qua trong một thế giới bị ám ảnh bởi cuộc cạnh tranh nước lớn và các cuộc chơi được mất ngang nhau, nhưng ASEAN và EU vẫn là minh chứng cho thấy các nước có lịch sử, vị trí địa lý, cấu trúc chính trị và kinh tế khác nhau vẫn có thể hợp tác và tìm được tiếng nói chung./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết