RCEP được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 tại Hà Nội.
TTXVN (Tokyo 16/11): Ngày 15/11, 15 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ký kết thỏa thuận thương mại đa phương Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo tờ Thời báo Nhật Bản, mặc dù Ấn Độ không tham gia hiệp định này, nhưng khối kinh tế mới vẫn chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% dân số của thế giới. Vậy RCEP có ý nghĩa như thế nào đối với các nước châu Á?
* Sơ lược về RCEP
RCEP là thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên nhằm giảm thuế đối với nhiều loại hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp, và thiết lập các quy tắc mới về thương mại điện tử, đầu tư, các ngành dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và lao động nhập cư tạm thời cùng với các vấn đề khác.
Các nước tham gia đàm phán RCEP ban đầu gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) cùng với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Ấn Độ đã rút khỏi bàn đàm phán về RCEP vào tháng 11/2019, với lý do lo ngại về tác động đối với một số lĩnh vực của nền kinh tế nước này.
* Vì sao Mỹ không là thành viên của RCEP?
Khi tiến trình đàm phán RCEP được khởi động vào năm 2012, các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của một số nước tham gia đàm phán RCEP gồm Australia, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam, với Mỹ đang được tiến hành. Trong bối cảnh đó, nhiều nước tham gia coi RCEP là một hiệp định của khu vực châu Á mà Mỹ không đóng vai trò trung tâm.
Kế hoạch ban đầu của Mỹ về TPP là một phần trong chiến lược lớn hơn của Washington dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama về “xoay trục châu Á”, là sự kết hợp của các nỗ lực thúc đẩy thương mại đa phương với các nước châu Á chứ không phải Trung Quốc và tăng cường quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không mặn mà với TPP. Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào đầu năm 2017 rằng Mỹ sẽ rút khỏi TPP để tập trung vào các hiệp định thương mại song phương, RCEP đã trở thành hiệp định thương mại đa phương quan trọng nhất được đàm phán ở châu Á.
Và cuối cùng, TPP đã trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một hiệp định thương mại tự do Nhật Bản dẫn dắt với sự tham gia của 11 quốc gia. Nhiều lĩnh vực được đề cập tới trong RCEP cũng được đề cập tới trong CPTPP. Ngoài ra, nhiều quốc gia tham gia cả RCEP và CPTPP cũng có các hiệp định thương mại tự do song phương với nhau.
Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có quay lại CPTPP hay không. Mặc dù là người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nhưng ông Joe Biden, người gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, hầu như không đề cập gì về sự tham gia của Mỹ vào CPTPP trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Vì Mỹ đã có các thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản và Hàn Quốc nên các nhà lập pháp chống CPTPP ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể sẽ chùn bước trước ý tưởng đưa Mỹ tham gia trở lại hiệp định này, với lý do Washington đã có thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế chủ chốt trong CPTPP. Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ không sẵn lòng tham gia RCEP cho dù chưa từng có bất cứ cuộc thảo luận nào về việc đề nghị Mỹ tham gia hiệp định này.
* RCEP khác với CPTPP như thế nào?
Hai hiệp định này có sự khác biệt lớn trong ba lĩnh vực gồm xóa bỏ thuế quan, lao động, và tiêu chuẩn môi trường. So với RCEP, CPTPP (bao gồm cả Canada, Mexico và Chile) hướng tới việc loại bỏ các loại thuế quan nhiều hơn (lên đến 99%), có các tiêu chuẩn về lao động và môi trường ở mức độ cao hơn, và nỗ lực đưa ra một số hạn chế đối với các doanh nghiệp nhà nước. Điều này xuất phát từ việc trong RCEP, các quốc gia ASEAN nhỏ hơn và kém phát triển hơn về kinh tế không có khả năng về kinh tế, hoặc không sẵn sàng cam kết với các tiêu chuẩn ở cấp độ CPTPP.
* Nhật Bản đã đồng ý những gì trong RCEP?
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản vẫn duy trì thuế nhập khẩu đối với 5 nhóm hàng nông sản, gồm gạo, lúa mỳ, thịt bò và thịt lợn, các sản phẩm từ sữa, và đường. Đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ dần dần loại bỏ thuế nhập khẩu đối với rượu sake và rượu shōchū. Trong trường hợp của Trung Quốc, thuế suất 40% vào thời điểm hiện tại đối với cả hai mặt hàng này sẽ giảm xuống 0% sau 21 năm. Trong khi đó, mức thuế 15% của Hàn Quốc đối với cả hai mặt hàng tại thời điểm hiện nay sẽ được xóa bỏ sau 15 năm. Ngoài ra, mức thuế 10% của Trung Quốc đối với sò điệp của Nhật Bản (trừ sò điệp nuôi trồng) cũng sẽ bị loại bỏ.
* Tại sao Ấn Độ rút khỏi RCEP?
Từ lâu, nông dân Ấn Độ đã phản đối RCEP, đặc biệt là những người chăn nuôi bò sữa, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi một số người trong ngành dịch vụ tỏ ra lo lắng về việc Ấn Độ sẽ thua thiệt so với các nước khác, nhất là với Trung Quốc trong các sản phẩm công nghiệp, và với Australia và New Zealand trong các sản phẩm sữa. Các nhóm nhân quyền cũng muốn RCEP có quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ người lao động khỏi bị lạm dụng trong chương về lao động tạm thời.
Khi Ấn Độ rời khỏi bàn đàm phán RCEP vào tháng 11/2019, Thủ tướng Narendra Modi đã nêu ra tất cả những quan ngại trên và nói rằng khi ông so sánh hiệp định với lợi ích của tất cả người dân Ấn Độ, ông không nhận được kết quả tích cực. Mặc dù các thành viên RCEP khác bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ tham gia hiệp định nhưng quan điểm của chính quyền Modi là nước này sẽ không tham gia hiệp định với nội dung như hiện tại.
* RCEP có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?
RCEP là hiệp định thương mại tự do đa phương đầu tiên mà Trung Quốc tham gia, bởi vì nước này thường quan tâm tới việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Trung Quốc đã có các FTA với nhiều nước thành viên RCEP và vẫn hy vọng về một FTA ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc ký kết RCEP được kỳ vọng sẽ tăng cường quan hệ kinh tế giữa cả ba nước này với các quốc gia ASEAN và có thể mang đến các thỏa thuận song phương khác giữa tất cả các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc./.
Đào Tùng TTXVN