TTXVN (Moskva) - Với bài viết nhan đề “Việt Nam kết hợp thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản” trên trang Realist, Tiến sĩ Lịch sử, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia St.Petersburg, ông Vladimir Kolotov đã phân tích những điểm chính trong thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, sẽ được tổ chức vào quý I/2021. Để thông tin cho dư luận rõ hơn về công tác chuẩn bị tài liệu cho Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã công bố một thông điệp trình bày chi tiết những thành tựu và vấn đề chính của đất nước ở giai đoạn hiện nay, cũng như chiến lược hiện đại hóa đến năm 2045. Sẽ không ngoa khi nói Đại hội lần này của Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ hội trở thành sự kiện lịch sử tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển đất nước 2011-2020, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu 5 năm 2021-2026.
Hình thức và nội dung của các tài liệu về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung dưới dạng các thông số chính về hoạch định chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở Việt Nam đương đại, áp dụng nhiều từ kinh nghiệm của Liên Xô.
Việc thực hiện quyết định của các kỳ đại hội trước của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần củng cố nền kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP cao (bình quân 7%/năm kể từ năm 1990), nâng cao mức sống của người dân và củng cố uy tín quốc tế, đưa Việt Nam lên tầm chiến lược mới. Việt Nam ngày nay là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình với dân số gần 100 triệu người. Ở Việt Nam đương đại, chương trình hiện đại hóa kinh tế đang được thực hiện thành công trong khi duy trì ổn định hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam hiện là một quốc gia ổn định về chính trị, với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Cách tiếp cận hoàn toàn khoa học và phi tư tưởng hóa để xây dựng chiến lược đổi mới kể từ năm 1986 đã tạo ra những kết quả ấn tượng. Bí quyết thành công của mô hình hiện đại hóa Việt Nam nằm ở sự kết hợp biện chứng những yếu tố thành công nhất của hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ thống tư bản chủ nghĩa, giúp nó có thể phát triển nhanh chóng và hiệu quả nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Một trong những vấn đề trọng tâm của Đại hội sắp tới là nhân sự, cụ thể là bầu ra thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam, trước tiên là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Trên vai những người này là trách nhiệm thực hiện thành công các kế hoạch đã vạch ra cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới.
Văn kiện chính xác định chiến lược phát triển đất nước là Báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được trình bày tại Đại hội, tập trung vào các đột phá chiến lược trong các lĩnh vực:
Thứ nhất, đổi mới tư duy, hình thành thể chế và nguồn lực cho phát triển bền vững toàn diện;
Thứ hai, cập nhật mô hình hiện đại hóa và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;
Thứ ba, quản lý sự phát triển của xã hội và bảo đảm công bằng xã hội;
Thứ tư, phát triển hiệu quả các hoạt động quốc tế và bảo đảm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng hiện đại;
Thứ năm, tích cực xây dựng đảng và nâng cao hiệu quả quản lý.
Đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức. Nhiệm vụ được đặt ra là củng cố lòng tin giữa chính quyền và xã hội, cũng như sự phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Báo cáo Chính trị nêu rõ các mục tiêu đầy tham vọng:
- Đến năm 2025, Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập bình quân đầu người thấp và trở thành nước đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại hóa;
- Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển với thu nhập trung bình cao;
- Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Tám và tuyên bố độc lập vào năm 2045, Việt Nam dự kiến trở thành một trong những nước có thu nhập cao;
- Mục tiêu chiến lược là đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phân tích tình hình quốc tế cho thấy mức độ căng thẳng và khó lường. Trong điều kiện đó, Việt Nam phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về chính trị, tự nhiên và nhân tạo, trong đó cần lưu ý các tranh chấp lãnh thổ, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, tham nhũng và tình trạng cán bộ thoái hóa.
Báo cáo chính trị tập trung vào việc chủ động phòng ngừa ở giai đoạn sớm các nguy cơ bùng nổ chiến tranh, xung đột vũ trang, trấn áp các âm mưu lật đổ, hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh đất nước trong mọi tình huống diễn biến của tình hình quân sự-chính trị.
Việc phân tích sự kết hợp giữa các cơ hội và nguy cơ hiện nay cho phép Việt Nam đương đại nói chung, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng một cách có hệ thống và lạc quan hướng tới tương lai./.
Theo TTXVN