Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Hậu COVID-19: Tái cơ cấu hay là chết

Ngày phát hành: 16/09/2020 Lượt xem 1292

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới thay đổi mạnh mẽ. Việc bố trí chuỗi cung ứng toàn cầu giờ đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi xem xét yếu tố giá thành và thị trường, mà còn phải cân nhắc cả yếu tố chính trị và năng lực xử lý khủng hoảng của chính phủ nước sở tại. Dù không dễ có “vắc-xin hoàn hảo” để chặn đứng COVID-19, nhưng hoạt động tái cơ cấu đã diễn ra cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô.

* Đại dịch khác biệt và hậu quả khôn lường

Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử nhân loại với sự xuất hiện của virus mang tên SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Nhiều nước đang đẩy nhanh nỗ lực thử nghiệm vắc-xin và tất cả đều hy vọng sẽ có một số loại vắc-xin hiệu quả có thể giúp ngăn ngừa các ca nhiễm.

Trở lại lịch sử, thế giới đã nhiều lần đối mặt với bệnh dịch. Đầu Công nguyên, từ năm 165-180 là đại dịch Antonine mà theo nhà sử học người La Mã Dio Cassius gây ra tới 2.000 ca tử vong mỗi ngày ở Rome, làm 1/3 dân số ở một số vùng bị thiệt mạng và tàn phá quân đội La Mã. Tới giữa thế kỷ XIV, dịch “Cái chết Đen” lan tràn mà đỉnh điểm là ở châu Âu trong giai đoạn từ năm 1346-1351. Ước tính, châu Âu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước đại dịch.

Bước vào thế kỷ XX và XXI, nhiều loại dịch bệnh mới đã xuất hiện trên toàn cầu như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, dịch cúm H2N2 ở châu Á năm 1957, dịch cúm H3N2 từ Hong Kong năm 1968, dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, dịch cúm H1N1 năm 2009, Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2012, dịch bệnh do virus Zika năm 2016, dịch Ebola năm 2014-2016 và năm 2018-2019. Tất cả đều ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới.

Ngày 11/3/2020, các lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch bệnh hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra là đại dịch toàn cầu. Đây là lần đầu tiên một chủng virus corona tạo ra đại dịch. Đợt bùng phát dịch SARS năm 2002-2003 do một chủng virus corona khác gây ra, nhưng không được gọi là đại dịch toàn cầu vì đã được kịp thời ngăn chặn.

So với các lần dịch bệnh trước, đại dịch COVID-19 có nhiều khác biệt. Thứ nhất, dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc…, chiếm trên 50% tổng lượng GDP, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu toàn cầu. Thứ hai, khi dịch bệnh xảy ra, thế giới có mức độ giao thoa kinh tế cao, giao lưu kinh tế quốc tế cũng chặt chẽ hơn nhiều, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu khiến kinh tế các nước phụ thuộc vào nhau mạnh mẽ. Thứ ba, phạm vi bao phủ của dịch bệnh lớn chưa từng có. Tới nay, dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan ở trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thứ tư, đại dịch tác động tới kinh tế, xã hội qua nhiều kênh từ nhu cầu, cung ứng tới tài chính.

Từ khi dịch bùng phát đến nay, nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) liên tục đưa ra các cảnh báo về các ảnh hưởng tiêu cực của dịch đến kinh tế-xã hội trên toàn cầu. Báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF cho thấy kinh tế toàn cầu trong năm 2020 ước giảm 4,9%. Dự báo của WB thậm chí còn bi quan hơn, theo đó kinh tế toàn cầu có thể giảm 5,2%.

Ngoài ra, đại dịch còn gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khác. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 93% lao động trên toàn thế giới hiện đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh ở các mức độ khác nhau. Các nước mất tổng cộng khoảng 185 triệu việc làm trong quý I/2020 và khoảng 480 triệu việc làm trong quý II/2020. WB dự báo lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 giảm mạnh, khoảng 20%.

 



* Thức tỉnh và hành động

Trước khi đại dịch bùng phát, thế giới đối mặt với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Những đòn tấn công và trả đũa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn bó hẹp trên phương diện thuế quan mà đã lây lan sang nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, an ninh, nhân quyền, tài chính… Đại dịch trở thành chất xúc tác khiến cho mối quan hệ vốn cơm không lành, canh chẳng ngọt này càng thêm căng thẳng. Chính phủ nhiều nước bắt đầu nhận thức được rằng việc quá lệ thuộc vào Trung Quốc có thể đem tới rủi ro lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo ô tô, sản xuất thiết bị y tế, linh kiện điện tử và cung cấp nguyên liệu thô.

Trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, góp phần mở rộng sản xuất trong nước, vực dậy nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản quyết định dành 2,2 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nước này chuyển nhà máy ở Trung Quốc về nước hoặc tới quốc gia nào đó ở Đông Nam Á.
 
Hồi tháng 5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ký sắc lệnh yêu cầu Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (IDFC) phải hỗ trợ các nhà sản xuất Mỹ. Ngoài ra, theo Reuters, Washington còn muốn lập quỹ trị giá 25 tỷ USD để giúp các công ty nước này dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và trở về Mỹ.

Không chỉ hành động đơn lẻ, câu chuyện tái cơ cấu chuỗi cung ứng giờ còn được đưa ra bàn bạc đa phương. Ngày 4/9/2020, Phòng Kinh tế Thương mại châu Âu, Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản - Vùng lãnh thổ Đài Loan cùng các ngành chức năng của Đài Loan đã tổ chức một diễn đàn liên quan với hi vọng thúc đẩy sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu với sự tham gia của các nền dân chủ.

Tuyên bố của diễn đàn chỉ rõ cùng với tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu từ việc đại dịch tiếp tục lây lan và bất ổn địa chính trị cần phải tăng cường tái cơ cấu chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và y tế. Tuyên bố khuyến khích hợp tác với các đối tác có quan điểm kinh tế gần gũi như Ấn Độ, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…, phát triển chuỗi cung ứng mới dựa trên giá trị và tiêu chuẩn chung, xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng có thể ứng phó được với khủng hoảng, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng không bị đe dọa bởi yếu tố chính trị.

Quả thực, đại dịch đã làm dấy lên sự thức tỉnh. Cuộc chiến với kẻ địch vô hình đã làm hiện hình những rủi ro từ việc bỏ phần lớn hay toàn bộ “trứng” vào một giỏ. Hiện nay khi xem xét bố trí chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ bó hẹp tầm nhìn trong phạm vi xem xét yếu tố giá thành và thị trường, mà còn cân nhắc cả nhân tố chính trị và năng lực xử lý khủng hoảng của chính phủ sở tại. Các nước và vùng lãnh thổ phòng chống dịch hiệu quả, bao gồm Việt Nam, cũng nhận được sự quan tâm chú ý hơn của các tập đoàn đa quốc gia.

Việc tái cấu trúc không chỉ diễn ra đối với chuỗi cung ứng, mà còn cả trong nội bộ doanh nghiệp. Đại dịch đã và đang làm gia tăng các khoản nợ của doanh nghiệp trong khi doanh thu sụt giảm và bảng cân đối kế toán được dự báo là khó có thể cải thiện cho đến cuối năm 2021. Vì thế, nhiều công ty tên tuổi lâu đời như công ty hàng không Virgin Atlantic (Anh), công ty dầu mỏ Premier Oil (Anh), công ty năng lượng Chesapeake Energy Corp (Mỹ), công ty bách hóa bán lẻ J.Crew Group Inc (Mỹ)… đã phải tuyên bố phá sản hoặc tìm cách tái cấu trúc để tồn tại./.

Hà Ngọc (TTXVN )

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết