Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Về khả năng phục hồi hình chữ V của nền kinh tế thế giới

Ngày phát hành: 13/09/2020 Lượt xem 1432

          
 Trang mạng “project-syndicate” ngày 10/9 đăng bài viết phân tích về khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Nội dung chính như sau:

 


Một phần lớn kinh tế toàn cầu đang thể hiện những dấu hiệu truyền thống về khả năng phục hồi hình chữ V sau khi lao dốc vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các chỉ số hàng tháng của nhiều quốc gia cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 6 và tháng 7/2020, với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế dự kiến khoảng 10-15% trong quý III/2020 (đã điều chỉnh theo lạm phát). Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn có lý do để đặt câu hỏi liệu sự đi lên đó có phải đơn thuần là một phản ứng kỹ thuật, một ảo ảnh gây ra bởi độ sâu tuyệt đối của sự sụp đổ ban đầu, hay không? 

Điều này cũng có thể xảy ra, đặc biệt nếu nhiều quốc gia phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai hay hy vọng về một loại vắc-xin sớm được sản xuất bị đặt nhầm chỗ. Do đó, cần phải chờ đến thời điểm các quốc gia đang cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và đưa nền kinh tế trở lại bình thường.
          
Mặc dù nước Mỹ phải vật lộn đối phó với dịch bệnh hơn nhiều nước khác, nhưng tỷ lệ các ca lây nhiễm mới đã giảm, khiến khả năng phục hồi kinh tế vào mùa Hè của nước này tăng nhanh. Tại Trung Quốc, các chỉ số mới nhất đã cho thấy mức độ kiểm soát lây nhiễm cao và sự phục hồi đang tăng tốc. Với vai trò chủ đạo của Mỹ và Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, những diễn biến tích cực này làm tăng thêm sự phục hồi mạnh mẽ cho thương mại thế giới, bất chấp cuộc chiến thương mại và công nghệ đang diễn ra giữa hai nước. 

Đối với châu Âu, rất nhiều quốc gia đang cho thấy những dấu hiệu về một làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, với tỷ lệ lây nhiễm gia tăng đặt ra mối đe dọa đặc biệt với sự phục hồi của Tây Ban Nha. Nhưng đây không phải là trường hợp phổ biến. Các nước khác đã tăng cường các biện pháp kiểm soát và nếu chúng chứng tỏ hiệu quả, những nước này có thể duy trì được sự phục hồi kinh tế của mình.
          
Đó là những gì mà chúng ta biết vào giữa tháng 9/2020. Để tự tin hơn về các triển vọng phục hồi kinh tế chắc chắn vào cuối năm 2020 và năm 2021, chúng ta cần thêm các bằng chứng về những tiến bộ đối với các phương pháp điều trị cải tiến và các vắc-xin an toàn, hiệu quả. Bất cứ khi nào vắc-xin được phổ biến rộng rãi, hoạt động kinh tế có thể sẽ tăng tốc hơn nữa. Những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhất từ việc giãn cách xã hội, bao gồm du lịch quốc tế, giải trí và nghỉ dưỡng sẽ bắt đầu quay trở lại. Trên thực tế, trừ khi tất cả các ứng viên vắc-xin triển vọng mà đã được thử nghiệm ở giai đoạn ba bị thất bại, chúng ta có thể hy vọng về một sự phục hồi trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trong các tháng tới.
          
Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cấu trúc cần xem xét. Trước hết, vấn đề cấp bách nhất của mùa Thu này là liệu tổ chức G20 (diễn đàn quốc tế dành cho các Chính phủ và Thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới cùng với Liên minh châu Âu) hiện đang do Saudi Arabia đảm nhiệm chức Chủ tịch, có thể tự phục hồi và đem lại sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ như đã từ thể hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 không?
          
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan y tế quốc tế khác, sẽ cần khoảng 35 tỷ USD để đảm bảo rằng vắc-xin có thể được phân phối công bằng đến khoảng 7,8 tỷ người trên thế giới. Đây là một con số không đáng kể so với số tiền mà nhiều nước thành viên G20 đã chi ra để hỗ trợ cho nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, việc tài trợ cho việc phân phối vắc-xin toàn cầu rất quan trọng để đảm bảo sự phục hồi toàn cầu, thay vì chỉ ở những quốc gia có vắc-xin. 

Điều quan trọng không kém, mặc dù ít được thảo luận hơn, là sự cân bằng lực lượng giữa tăng trưởng bên trong và bên ngoài. Do sự lo lắng gây ra bởi đại dịch, rất nhiều chính phủ, đặc biệt ở Liên minh châu Âu (EU), đã thể hiện mức độ nhiệt tình chưa từng có đối với các gói kích thích tài khóa và những chương trình chi tiêu này đã được hỗ trợ thêm bởi một chính sách tiền tệ đặc biệt hào phóng. Các chính sách kinh tế vĩ mô mở rộng cho thấy, trừ khi cắt giảm tài khóa đột ngột và đáng kể, nhu cầu trong nước sẽ thúc đẩy sự phục hồi này mạnh mẽ hơn so với hậu quả của cuộc khủng hoảng năm 2008. Điều này có thể chuyển thành sự phục hồi của thương mại thế giới cao hơn mức mà rất nhiều nhà bình luận đang dự kiến hiện nay.
          
Nhưng điều đó đưa chúng ta đến với vấn đề cấu trúc thứ ba. Đó là khi nào tất cả các khoản chi tiêu hiện tại sẽ được thanh toán và do ai chi trả? Dường như có một sự đồng thuận hợp lý mạnh mẽ giữa các nền kinh tế phát triển rằng nên tránh thắt chặt tài chính quá sớm. Tuy nhiên, phần lớn sẽ không chỉ phụ thuộc vào quy mô và tốc độ phục hồi mà còn phụ thuộc vào quy mô thâm hụt tài khóa. Ở đây, cần lưu ý rằng kỳ vọng về kích thích tài khóa bổ sung ở Mỹ gần đây đã bị hạ thấp do kết quả những dữ liệu việc làm tốt hơn dự kiến.
          
Đối với chính sách tiền tệ, thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tháng Tám rằng thể chế này sẽ chuyển sang chế độ “mục tiêu lạm phát trung bình” đã được chào đón như một hình thức hỗ trợ bổ sung. Dù vậy vẫn có lời cảnh báo. Liệu việc thay đổi chính sách phù hợp hay không sẽ phụ thuộc vào áp lực lạm phát như thế nào. Nếu các thị trường tài chính đột nhiên lo ngại về sự gia tăng bất ngờ của lạm phát, các nhà hoạch định chính sách có thể phải thay đổi cách tiếp cận của họ một lần nữa.
          
Một câu hỏi mở nữa là liệu các nhà hoạch định chính sách sẽ phản ứng như thế nào đối với những thay đổi do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra. Liệu họ có nuôi dưỡng một nền văn hóa kinh doanh mới hướng tới “lợi nhuận có mục đích”, khuyến khích nhiều công ty hơn theo đuổi quá trình khử cácbon và giải pháp cho các thách thức xã hội như kháng thuốc (AMR) và mối đe dọa các dịch bệnh trong tương lai? Đó chắc chắn là một sự phát triển đáng hoan nghênh và hầu như không phải là một bước quá xa đối với các chính phủ./. 


Khắc Hiếu (TTXVN tại New York)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết