Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Thế hệ Z và gánh nặng việc làm do đại dịch COVID-19

Ngày phát hành: 19/10/2020 Lượt xem 1379


Trang mạng bloomberg.com (Ngày 16/10): Đại dịch COVID-19 đã làm "lung lay" những dự đoán đầy tự tin về cái gọi là "Thế kỷ châu Á" với kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng nhanh và lực lượng lao động dồi dào. Các nền kinh tế lớn trong khu vực đều đang phải vật lộn với những hệ lụy kinh tế nặng nề của dịch bệnh trong khi tại một số quốc gia, số ca nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. 

Hàng triệu người rơi vào tình cảnh nghèo khổ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất là trong nhóm lao động trẻ. Cũng như các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác, các chuyên gia dự báo đại dịch lần này sẽ để lại những gánh nặng lâu dài cho thế hệ Z (Gen Z) - nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 và hiện đang ở độ tuổi từ 10 đến 25 tuổi.

* Giấc mơ làm giàu của một thế hệ

Châu Á là khu vực chiếm phần lớn số dân từ 15 đến 24 tuổi của toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, sự phát triển nhanh chóng tại các nền kinh tế ở châu Á đã mang đến cơ hội việc làm dồi dào cho hàng triệu thanh niên. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao tại khu vực do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính phủ và xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với bối cảnh bình thường mới hậu đại dịch.

Theo Bloomberg, những người trẻ tuổi vừa mới bắt đầu sự nghiệp lại đang mất việc làm nhanh hơn những người lớn tuổi vì đến một nửa trong số họ đang làm việc trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch. Đó là thương mại bán lẻ, sản xuất chế tạo, dịch vụ kinh doanh, cùng với dịch vụ ăn uống và lưu trú.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy phụ nữ trẻ và những người làm việc ở bậc thấp nhất trong các nấc thang việc làm là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo mới này cũng cảnh báo về một "thế hệ phong tỏa" đang bị bỏ lại phía sau.

Cũng theo báo cáo này, tại 13 quốc gia tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khoảng 15 triệu việc làm dành cho thanh thiếu niên có thể bị mất đi trong năm nay. Mặc dù tình trạng thất nghiệp ở lao động trẻ đang là cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, song điều này đặc biệt đáng chú ý bởi sự tăng trưởng của châu Á phụ thuộc rất nhiều vào dân số tương đối trẻ và tầng lớp trung lưu giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ.

Động lực này của nền kinh tế hiện đang bị đe dọa. Khu vực này chiếm hơn 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm ngoái. Theo dự báo, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á-Thái Bình Dương năm nay sẽ ghi nhận suy giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1960.

Đối với nhiều người lao động vốn đang sống "giật gấu vá vai" trên khắp Đông Nam Á, bao gồm 200 triệu lao động phi chính thức, làm các công việc như giúp việc trong gia đình, bán hàng rong hay lái xe ôm, ngay cả cú sốc kinh tế nhỏ nhất cũng có thể đẩy họ xuống dưới mức nghèo khổ. 

Đại dịch COVID-19 đang tạo ra tầng lớp "người nghèo mới" trên khắp Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, theo Ngân hàng Thế giới (WB), thêm 38 triệu người ước tính sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.

Theo bà Wei-Jun Jean Yeung, Giám đốc sáng lập Viện Nghiên cứu gia đình và dân số tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa lớp người trẻ và người lớn tuổi trong xã hội, tạo ra áp lực đối với sức khỏe tinh thần của thế hệ trẻ. Những "di chứng" sẽ trầm trọng hơn so với các cuộc khủng hoảng việc làm trước đây do thời gian kéo dài lâu hơn.
 
* Thách thức và cơ hội của thế hệ Z

Để giải quyết thách thức dài hạn trên nguồn lực tương lai này, nhiều quốc gia đang đưa ra các chính sách nhằm tạo thêm công ăn việc làm đồng thời đào tạo lao động cho phù hợp với những việc làm mới nổi lên sau đại dịch.

Theo báo cáo của Bộ Nhân lực Singapore, đến cuối tháng Tám, khoảng 117.000 cơ hội việc làm mới đã được tạo ra theo Gói việc làm và đào tạo kỹ năng đoàn kết Singapore (vượt quá mục tiêu là 100.000 việc làm). Tuy nhiên, chỉ hơn 33.000 vị trí việc làm thực sự tuyển dụng được lao động, trong khi hơn 2/3 vị trí việc làm mới vẫn để trống.

Việc đào tạo lao động đáp ứng được yêu cầu công việc chưa bao giờ dễ dàng. Phạm vi việc làm mới được tạo ra, dù với sự trợ cấp của chính phủ hay không, thường là trong các lĩnh vực kinh tế như công nghệ, tài chính, y tế, khác với những việc làm đã bị mất, như hàng không, giải trí và du lịch khách sạn.

Chính phủ Singapore đã đưa ra đề xuất mang tính xây dựng rằng các chủ sử dụng lao động nên linh hoạt và hướng tìm kiếm ra ngoài các ứng viên có kiến thức và kỹ năng phù hợp hoàn toàn với những việc làm sẵn có. 

Về phía thế hệ trẻ, tia hy vọng dành cho họ đang nằm trong những lĩnh vực như công nghệ hay các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng chuyên môn hóa cao. Tập đoàn tư vấn McKinsey có trụ sở tại Mỹ cho rằng thế hệ Z đang gia nhập lực lượng lao động, và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần có kế hoạch khai thác các tài năng của làn sóng mới này, cũng như thu hút sự quan tâm của họ.

Mặc dù còn trẻ song Thế hệ Z luôn thận trọng và muốn tìm kiếm những lựa chọn nghề nghiệp hợp lý được đúc kết từ thực tế. Adecco Việt Nam - đơn vị hàng đầu về tuyển dụng và nhân sự - đã công bố báo cáo năm 2019 với tiêu đề "Lựa chọn nghề nghiệp & khảo sát động lực", trong đó tập trung vào các khía cạnh quan trọng ảnh hưởng đến các nhân tài Việt Nam. 

Cuộc khảo sát cho thấy 48% người thuộc Thế hệ Z tìm hiểu về lựa chọn nghề nghiệp thông qua mạng xã hội thay vì thông qua trường học hoặc đại học (19%). Con số này cho thấy thái độ của Thế hệ Z đối với công nghệ khi họ chưa bao giờ biết đến một thế giới không có điện thoại thông minh và mạng xã hội.

Sự tiến bộ của công nghệ và những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động đã thúc đẩy giới trẻ nâng cao kỹ năng của mình, nếu không sẽ có nguy cơ bị tụt hậu. Theo một nghiên cứu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 69,3% thanh niên Việt Nam nói rằng "trình độ học vấn và kỹ năng hiện tại của họ sẽ cần được cập nhật liên tục".
            
Các công ty cũng đang tham gia vào việc phát triển nhân tài ở bậc đại học. Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Quỹ châu Á đã công bố chương trình đào tạo nghề kéo dài một năm cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội và Hải Dương, tập trung vào việc phát triển kỹ năng công nghệ thông tin thực hành. Dự án sẽ cung cấp cho các đối tượng thanh niên nhiều cơ hội tốt hơn để tìm được việc làm ổn định và an toàn trong các lĩnh vực có nhu cầu cao.
       
Là một phần của chương trình, thanh niên sẽ được đào tạo kỹ năng nghề bên cạnh việc hướng dẫn thực hành bằng tiếng Anh, hiểu biết về tài chính, khả năng sẵn sàng làm việc và đào tạo tại chỗ. Ông Skip Boyce, Chủ tịch Boeing khu vực Đông Nam Á cho biết, thanh niên Việt Nam chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động của đất nước và nói thêm rằng những thanh niên này ở Việt Nam phải có đủ kỹ năng để đáp ứng thị trường lao động đang thay đổi./.


Mai Ly (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết