Ngày nay, khi đời sống kinh tế và xã hội ngày càng phát triển hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19, các lĩnh vực kỹ thuật số và vật lý ngày càng được tích hợp chưa từng thấy. Hơn bao giờ hết, việc quản trị và điều tiết một thế giới kỹ thuật số siêu mạnh phải bắt kịp sự phát triển đó.
Ngoài việc gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, COVID-19 cũng đang thúc đẩy các xu hướng công nghệ vốn đã được tiến hành tốt. Một trong những điều đáng chú ý nhất là công nghệ lớn đang ngày càng lớn mạnh. Năm nay, chỉ số NASDAQ công nghệ cao đã tăng khoảng 30% tính đến thời điểm này, trong khi tổng giá trị vốn hóa thị trường của Apple, Amazon, Facebook và Alphabet (công ty mẹ của Google) đã vượt 5 nghìn tỷ USD. Kết quả là, tài sản cá nhân của Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos đã tăng hơn 70 tỷ USD, tương đương 68%, kể từ khi đại dịch bùng phát, trong khi tài sản ròng của Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã tăng 30 tỷ USD lên 87,8 tỷ USD.
Sự gia tăng tập trung quyền lực và của cải vào tay một số công ty kỹ thuật số toàn cầu sẽ định hình đời sống chính trị trong nước và quốc tế khi chúng ta thoát khỏi đại dịch. Các công ty công nghệ lớn thu lợi từ các tài sản vô hình như dữ liệu, thuật toán và tài sản trí tuệ, thay vì chỉ những tài sản hữu hình như lao động thể chất hoặc hàng hóa và dịch vụ, và đã lợi dụng sự quản trị kỹ thuật số yếu kém để “trốn” thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội. Hệ thống quản trị toàn cầu của chúng ta được xây dựng cho thế giới hữu hình và các chính phủ còn quá chậm trong việc điều chỉnh các luật và quy định nhằm xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số công bằng.
Khoảng cách ngày càng lớn giữa người thắng và kẻ thua trong nền kinh tế kỹ thuật số thể hiện rõ qua việc sự bất bình đẳng tăng mạnh và sự xói mòn của tầng lớp trung lưu, mà đại dịch có khả năng sẽ làm trầm trọng hơn trong ngắn hạn. Trung tâm chính trị cũng bị thu hẹp, với sự ủng hộ dành cho các đảng cực đoan cánh tả và cánh hữu ngày càng tăng. Niềm tin vào nền dân chủ và truyền thông đã giảm ở cả châu Âu và Mỹ: Hiện chỉ có 30% thế hệ Y (những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến những năm đầu thập kỷ 2000) ở Mỹ cho rằng điều cần thiết là phải sống trong một nền dân chủ. Tất cả những xu hướng này có nguy cơ sẽ gia tăng trong tương lai gần, vì lợi ích của những người theo chủ nghĩa dân túy phi tự do.
Đại dịch cũng đã làm gia tăng sự cạnh tranh địa chính trị toàn cầu và nêu bật thực tế là sự đối đầu giữa các cường quốc đang ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực kỹ thuật số, trong các khu vực thuộc sở hữu của các công ty tư nhân toàn cầu. Ví dụ, Facebook và Google đang trở thành mảnh đất tranh chấp trong các cuộc đọ sức trong nước và quốc tế, như các chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và 2020, cũng như các cuộc bầu cử khác trên khắp thế giới, đã cho thấy.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách quốc gia đang đấu tranh khẳng định chủ quyền công nghệ của họ để quản lý những gã khổng lồ dữ liệu và kỹ thuật số. Chính phủ của một số quốc gia lớn ở châu Âu đã không thể triển khai các giao thức theo dõi liên lạc COVID-19 của riêng họ do sự kiểm soát chặt chẽ của Apple và Google, hai hãng công nghệ trên thực tế đã tự họ quyết định với nhau cách thức mà 3,2 tỷ điện thoại thông minh trên thế giới có thể - và không thể - được sử dụng để đối phó với đại dịch.
Các nhà hoạch định chính sách phải khẩn trương chấp nhận những phát triển này. Trong lĩnh vực kỹ thuật số mới, trong báo cáo gần đây gửi Trung tâm Quản trị Thay đổi của Đại học IE, các tác giả đã đề xuất 3 nhóm điều kiện bắt buộc đối với các nhà hoạch định chính sách.
Thứ nhất, chúng ta cần các mô hình quản trị mới cho nền kinh tế kỹ thuật số. Điều này đòi hỏi cần có một diễn đàn mới để phối hợp ngoại giao và toàn cầu nhằm khắc phục tình trạng quản trị dữ liệu bằng cách “chia nhỏ” như hiện nay. Cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm của Trung Quốc hay cách tiếp cận lấy doanh nghiệp làm trung tâm của Mỹ đều không cho phép các cá nhân kiểm soát dữ liệu cá nhân của họ. Ngược lại, Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) đi xa hơn theo hướng này. Vấn đề là 3 khu vực được xác định bởi các cách tiếp cận này không thể “nói chuyện” với nhau. Do đó, không công ty công nghệ hay luật pháp nào có thể thực sự mang tính toàn cầu, vì không thể đồng thời tuân thủ các quy tắc của cả 3 khu vực.
Chúng ta cũng cần một thể chế quốc tế để định hình các tiêu chuẩn và quy định toàn cầu cho kinh tế nền tảng. Tổ chức này có thể tư vấn về các phương pháp hay nhất, giám sát rủi ro phát sinh từ các công nghệ mới (bao gồm cả tác động của chúng đối với xã hội dân sự) và phát triển các biện pháp can thiệp chính sách và quy định để giải quyết chúng. Lĩnh vực kỹ thuật số ngày nay đang làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc đạt được hiểu biết chung về các sự việc. Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhận thức luận, chúng ta cần một không gian thông tin là hàng hóa công, thay vì một không gian tìm cách tối đa hóa lợi nhuận.
Thứ hai, chúng ta cần các mô hình quản trị kinh tế mới. Nền kinh tế kỹ thuật số được thúc đẩy bởi công nghệ độc quyền và về bản chất, nó ưu tiên những động lực sớm và nền kinh tế hội tụ. Các chính phủ cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho những người cải cách và những người đi sau, đồng thời đưa ra các quy định thông minh, nhanh chóng để giảm thiểu tác động của sự gián đoạn công nghệ trong các lĩnh vực truyền thống. Các nhà hoạch định chính sách cũng nên phát triển những cách thức mới để bảo vệ người lao động bán thời gian và cung cấp cho họ các hình thức bảo hiểm kinh tế-xã hội giống như người lao động bình thường, mặc dù thông qua các cơ chế khác nhau.
Thứ ba, chúng ta cần một khế ước xã hội mới để chấm dứt sự phân chia xã hội và sự phân cực của đời sống chính trị. Hiện trạng của một nền kinh tế kỹ thuật số không bị đánh thuế và phần lớn không được kiểm soát không còn trụ được nữa. Việc không đánh thuế lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước lớn đang hạn chế khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ công của các chính phủ. Chúng ta cần thiết lập một cơ chế toàn cầu mới để giải quyết vấn đề trọng tài thuế đa quốc gia có giá trị chủ yếu đến từ nền kinh tế vô hình.
Ngoài ra, thúc đẩy và điều chỉnh các thỏa thuận lao động toàn diện và đổi mới có thể giúp tái lập các khu vực kém phát triển hơn và góp phần thu hẹp sự chênh lệch khu vực, vốn cũng là nhân tố gây ra sự phân cực trong đời sống chính trị. Giáo dục là công cụ hiệu quả nhất cho sự dịch chuyển xã hội, nhưng chi phí của nó ngày càng tăng trong khi chương trình giảng dạy chậm thích ứng với những nhu cầu thay đổi của nền kinh tế kỹ thuật số. Cung cấp nền giáo dục hiệu quả, cập nhật và giá cả phải chăng cho người dân là điều rất quan trọng.
Giảm thiểu các tác động bất lợi của lĩnh vực kỹ thuật số đòi hỏi các phương pháp tiếp cận toàn diện đối với nền tảng và quản trị dữ liệu. Trong thời gian quá dài và tồn tại quá nhiều vấn đề, các nhà hoạch định chính sách đã để quyền quản lý công nghệ cho những người thiết kế ra nó. Họ không còn đủ khả năng thực hiện./.
Theo TTXVN